Pages
▼
Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011
“ĐẢO CHÌM, ĐẢO NỔI, ĐẤT NƯỚC ƠI”
Nguồn: blog Hiệu Minh
Bài này viết cách đây hai năm (2009) lúc Blog HM chưa ai biết đến. Xin đăng lại trong lúc chờ entry mới. Cảm ơn các bạn và mong được sự thông cảm.
Cô cháu gọi điện cho tôi, giọng tha thiết, chú viết cho một bài về biển đảo. Thú thật, tôi ra biển nhưng đi…nghỉ mát, chưa bao giờ tới đảo nào. Chả biết Trường Sa, Hoàng Sa ở đâu, đầu cua tai nheo ra làm sao. Ngồi ở xa, viết về lãnh hải Việt nam, quả là thách thức. Nhưng cháu bảo, nếu chú có tấm lòng với đất nước, thế nào cũng nghĩ ra “cái gì” đó.
Tôi tìm được tập truyện “Đảo chìm” của nhà thơ Trần Đăng Khoa trên internet và đọc một hơi. Nhà thơ kể rằng, có một hòn đảo nổi bé tý, được gọi là “thủ đô” Trường Sa. Đó là “một vũng cát lờ phờ, to chừng một cái nong phơi thóc, vừa đủ chỗ để dựng một cái lều bạt dã chiến”. Bé tới mức mà nhà thơ Hữu Thỉnh thốt lên:”Đảo nhỏ quá, nói một câu là hết”.
Gọi là đảo chìm vì thủy triều lên thì đảo ngập trong nước, còn lại cái lều của những người lính chung sống với lũ ó biển, ỉa bậy, đẻ rơi.
Nhà thơ còn tả đám lính nhà ta nuôi lợn, gọi thân thiết lợn là nàng An-ta-ra-mê-na như một hoa hậu. Lợn mặc quần áo, bộ đội lại cởi trần vì có mặc áo thì cũng bị sóng đánh ướt luôn.
Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương đã đến thăm “thủ đô” bé tý này. Một anh lính trẻ muốn mượn cái xẻng để “có kẻ nào nhòm ngó thì xúc cát hất xuống biển và thế là giấu được đảo”. Nhưng khi lấy được cái xẻng thì chàng lính ấy lại hì hục cậy thêm đá, đắp xung quanh đảo để bảo vệ bờ cõi.
Với những người lính trên đảo như thế thì biển cả không còn bí hiểm, không đe dọa nào có thể khuất phục.
Lính đảo. Ảnh: Blog Học trò Thầy thuốc
Đọc xong muốn rơi nước mắt, dù câu chuyện nhà thơ kể về đảo đã xảy ra 30 năm có lẻ. Chuyện về biển mặn, mặn do muối và do máu của những người lính đã đổ. Đã bao nhiêu chuyện đã xảy ra trên những cái đảo nong nia như thế, chuyện nói được, chuyện không thể kể và đôi khi không được kể.
Từ năm 2000 đến nay, “Đảo chìm” đã tái bản tới 25 lần mà vẫn có người mới đọc lần đầu như tôi. Bỗng tự hỏi, còn bao nhiêu người chưa biết về Trường Sa, Hoàng Sa. Tại sao mỗi lần nhắc đến lại nhức nhối trong lòng mỗi chúng ta.
Mấy hôm nay nghe tin Trung Quốc cấm ngư dân Việt nam đánh cá. “Tầu lạ” nhưng “tiếng nói khá quen bên hàng xóm”, đâm vào thuyền của ta, rồi giơ súng, uy hiếp, cướp cá trong hầm ướp đá.
Thấy các báo đưa tin nhiều hơn. Nhưng đọc qua vài dòng cũng thấy, những người ủng hộ ngư dân Việt Nam luôn bị động. Đợi chuyện xảy ra do “kẻ lạ” khiêu khích rồi mới tìm cách phản ứng. Còn những người hiểu về hải đảo, biển xa hời hợt như tôi lại cố lên tiếng bằng cách tìm thông tin trên internet và…viết blog.
Thật ra, một quốc gia nào đó âm mưu lấn chiếm đất đai, biển đảo, họ thường chuẩn bị từ vài chục năm trước, thậm chí hàng thế kỷ trước. Con cháu họ được giáo dục, rằng, vùng đất ấy, miền đảo nọ do tổ tiên họ khai phá. Khi mang quân đánh nhau chỉ là phần việc còn lại, “dư luận nội bộ” đã được chuẩn bị từ rất lâu nên họ đoàn kết lắm, chỉ có người bị chiếm đất, lấn biển là “trái” thôi.
Chuyện đó xảy ra từ xa xưa cho đến bây giờ, là cách làm của kẻ thù cũng như những hàng xóm đôi khi tỏ ra rất thân thiện. Nước Nga với Nam Osetia, nước Nhật tranh với Nga đảo Curin, người Anh với quần đảo Mavinat xa tít tắp của Argentina đều có kiểu cách tương tự.
Mới đây, trên báo Tuổi trẻ đăng một ý kiến của một thanh niên nói về kiến thức hạn hẹp của chính anh về biển đảo, do sách vở trong trường không đủ thông tin, dù đã tốt nghiệp đại học. Mãi gần đây anh mới tiếp cận internet, tìm ra nhiều điều thú vị.
Có lẽ anh đã ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ đối với tổ quốc. Nhưng tìm về thông tin chính thức gần như rất khó. Đang bàn về ““Ngày biển Đông và Hải đảo Việt Nam” mà vẫn có người lần đầu biết “đảo chìm, đảo nổi” dù sách xuất bản hàng chục năm rồi.
Chuyện ngoại giao với nước người hãy để cho các nhà chính trị lo. Giáo dục nội bộ về lòng yêu nước, hiểu về biển đảo thì không thể đợi ai đó ở bên ngoài bật đèn xanh. Mong họ nhất trí với mình chỉ là ảo tưởng. Và đừng nên coi việc nói ra tên miền đất này, tên đảo nọ là quyền ban phát của vài người. Đó là quyền của cả dân tộc này, từ người ở trong nước đến người Việt ở nước ngoài. Đôi lúc tôi nghĩ, người Việt ở Cali nổi giận vì Hoàng Sa bị lấn chiếm, ngư dân bị giết cũng nên được dân Lạng Sơn biết đến.
Nếu được phép chọn người lãnh đạo cho Trường Sa và Hoàng Sa, tôi xin đề cử nhà thơ Trần Đăng Khoa, vị thượng tá quân đội đã một thời ở giữa biển mênh mông. Hoặc người lính dùng xẻng định giấu đảo. Nên tôn vinh người lính hy sinh là anh hùng khi anh tìm cái ba lô trong cơn bão biển cho người bạn đã chết vì sợ rằng bà mẹ mất con trong biển cả không còn kỷ vật nào.
Cần có những người lăn lộn với sóng biển, với mặn chát của muối biển và máu như những nhân vật trong “Đảo chìm”. Nếu không, một người định giấu đảo thì kẻ khác muốn bán cho nước ngoài làm du lịch. Thực sự sống với biển, biết điều gì xảy ra trên mặt nước và cả sóng ngầm thì mới mong bảo vệ được những hòn đảo nong nia.
Để có thế hệ tương lai hiểu cho đúng về biên giới, hải đảo, nền giáo dục nước nhà cần thay đổi trong cách dậy lịch sử. Phần đất nào là của cha ông thì cần nói rõ trong sách giáo khoa. Dù tranh cãi về ngoại giao đôi khi nẩy lửa, người Nhật vẫn để mấy trang sách, muốn học sinh hiểu về chiến tranh thế giới thứ II như họ cần. Không làm gì để định hướng cho thế hệ tương lai, mới bị động trước những biến đổi của thời cuộc.
Chúng ta ai cũng muốn hiểu rõ về lịch sử, biết về mảnh đất cha ông, để có ý thức bảo vệ tổ quốc trong tiềm thức, rồi đến những nơi hải đảo xa xôi, nhìn thấy tận mắt vùng đất thiêng liêng.
Ước mong sao, với thời gian, tầm tri thức của thế hệ trẻ, như cô cháu nhỏ hay bạn thanh niên trên báo Tuổi trẻ với lòng yêu tổ quốc nói trên, được thay đổi. Khi đó, “Đảo chìm” của Trần Đăng Khoa sẽ thành nổi. Chính thế hệ ấy sẽ xắn tay giúp người lính thưở nào cầm xẻng bảo vệ bờ cõi.
Chợt nhớ câu thơ của ai đó “Đảo chìm, đảo nổi, đất nước ơi//Da thịt Việt Nam chẳng thể rời” khi đọc blog trên mạng. Nếu 85 triệu người Việt nam cùng đồng cảm như thế, sẽ nghĩ ra và làm “cái gì” cho đất nước.
Hiệu Minh. 8 June 2009.
Đảo Trường Sa.
Filed under: Chủ Đề Nóng: HS-TS , biển Đông, hiệu minh, Hoàng Sa Trường Sa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét