Pages

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Bắc Kinh chưa thuộc lời dạy của Khổng Tử

Hiểu được sức mạnh của văn hóa, nên gần đây, bên cạnh việc tăng trưởng kinh tế, hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc đã tăng cường công tác truyền bá văn hóa ra nước ngoài.

Đến hiện tại, nước này đã cho xây dựng hơn 150 Viện Khổng Tử trên thế giới, với mục đích quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa.

Việc chọn Khổng Tử để đặt tên cho các viện không phải là ngẫu nhiên, bởi ở Trung Quốc, Khổng Tử được phong là “vạn thế sư biểu” (Biểu trưng người thầy ở mọi thời đại).

Ông là người khai sáng Nho giáo, một học phái không chỉ ngự trị ở Trung Quốc hàng ngàn năm, mà còn ảnh hưởng sang nhiều nước trong khu vực, như Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên.

Ngày nay, học thuyết Khổng Tử được nghiên cứu trên khắp thế giới.

Chúng ta trở lại sự kiện Lưu Hiểu Ba hồi năm rồi để hiểu thêm về tầm quan trọng của Khổng Tử đối với nhà nước Trung Quốc. Khi được chọn tặng giải Nobel Hòa bình 2010, Lưu Hiểu Ba đang bị giam tại Trung Quốc.

Thế mà, Ủy ban Nobel vẫn quyết định tổ chức lễ phát giải vắng mặt.

Tại Trung Quốc, trước một ngày khi lễ trao giải Nobel diễn ra, Bắc Kinh đã sáng lập giải Khổng Tử, và trao cho một nhà chính trị Đài Loan. Khi ấy, báo chí phương Tây đã ví von “Khổng Tử trước Nobel”.

Cố tình không theo?

Trung Quốc xem trọng Khổng Tử như thế, nhưng lạ thay, nước này có vẻ chỉ biết khai thác tiếng tăm của đức Khổng, bởi trong hành động, Bắc Kinh tỏ ra không hề hiểu, hoặc đã hiểu mà cố tình không làm theo lời dạy của ngài.

Chúng ta chỉ cần nhìn vào ba điểm then chốt nhất của Khổng Giáo để chứng minh cho lời nhận định trên.

1) Khổng Tử dạy: Người quân tử lấy nghĩa làm đầu, không vì lợi mà quên nghĩa.

Năm 1974, nhân thế cuộc chiến tranh Việt Nam lúc cao trào, Trung Quốc thừa cơ đánh chiếm Hoàng Sa. Nên nhớ rằng, trong thời gian đó, quan hệ Việt-Trung là đồng chí, anh em.

Năm 1988, Trung Quốc lại tấn công Trường Sa, gây thương vong cho nhiều chiến binh Việt Nam. Hai sự kiện này cả thế giới ai cũng biết. Tức Trung Quốc cũng biết rõ hành động chiếm đoạt lãnh thổ của bằng hữu mình là trước thanh thiên bạch nhật, thế mà vẫn làm.

Rõ ràng là thấy lợi quên nghĩa!

Gần đây, Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa quân đội, xây dựng căn cứ tàu ngầm Tam Á, và ngày càng có thái độ hung hăng trên Biển Đông. Thái độ và hành động hung hăng của Trung Quốc vừa qua cả thế giới điều biết, báo đài quốc tế đã tốn nhiều giấy mực để phân tích.



Giải thưởng mang tên Khổng Tử được 'sáng lập' để đối chọi với giải Nobel



Tại sao Trung Quốc lại tăng cường tấn công Biển Đông như thế mà không ngại trắng trợn vị phạm luật quốc tế, không ngại mất tình láng giềng, không ngại mang tiếng lấn lướt người yếu thế?

Câu trả lời rất đơn giản mà cả thê giới đều biết, đó là dưới lòng Biển Đông trong khu vực Trung Quốc áp đặt đường lưỡi bò có một trữ lượng dầu hỏa và khí đốt khổng lồ.

Rõ ràng lại vì lợi quên nghĩa!

2) Khổng Tử dạy: Người quân tử không sợ kẻ mạnh, không hiếp người yếu.

So với Trung Quốc, các nước có tham gia tranh chấp Biển Đông điều là nước nhỏ hơn, kinh tế kém phát triển hơn, quân lực yếu hơn.

Gần đây, Trung Quốc tăng cường ngân sách đáng kể cho quốc phòng, xây dựng căn cứ tàu ngầm Tam Á trên đảo Hải Nam. Trung Quốc cũng vừa soán ngôi Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới.

Trung Quốc lại là một trong năm nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Như vậy, có thể nói rằng, dù Bắc Kinh luôn “khiêm tốn” không thừa nhân, nhưng trên thực tế, Trung Quốc là một cường quốc kinh tế, chính trị và cả quân sự.

“Tri kỉ tri bỉ”, Trung Quốc hiểu rõ vị thế của mình, và đã tận dụng lợi thế này để lấn lướt các nước trong khu vực, dùng sức mạnh để đe dọa láng giềng, không kể gì đến luật pháp quốc tế và tình nghĩa cận thân.

Rõ ràng là ỷ mạnh hiếp yếu!

3) Khổng Tử dạy: Trong quan hệ bằng hữu, lấy chữ tín làm đầu.

Trên các diễn đàn chính thức, Bắc Kinh luôn tuyên bố không cậy mạnh hiếp yếu, muốn giải quyết tranh chấp bằng hòa bình. Thế mà sự thật đã chứng minh, Trung Quốc tỏ ra "tiền hậu bất nhất".

Philippines vừa rồi tố cáo Trung Quốc nhiều lần xâm phạm lãnh hải, trong khi quan chức Bắc Kinh đến thăm Philippines để tăng cường tình hữu nghị. Tàu hải giám Trung Quốc vào trong phạm vi đặc quyền kinh tế của Việt Nam để tấn công tàu Việt Nam.

Thế mà, người phát ngôn Bộ Ngoại giao của Trung Quốc lại cáo buộc điều ngược lại, trong khi báo đài thế giới đều ghi nhận sự xâm phạm lãnh hải Việt Nam này của phía Trung Quốc.

Rồi tại diễn đàn Shangri-La 2011, trước phản ứng của Philippines, Việt Nam, Malaysia, tổng trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt lại tuyên bố mạnh mẽ rằng Trung Quốc không hề dùng sức mạnh đe dọa láng giềng, Trung Quốc theo đuổi giải pháp hòa bình...

Sau cuộc "trấn an", tàu Trung Quốc lại tiếp tục tấn công tàu Việt Nam một lần nữa.

Rõ ràng là không giữ điều tín nghĩa ?

Đức Khổng Tử răn dạy hậu thế tu thân để thành người quân tử. Thế nhưng, chỉ xét sơ ba điều cơ bản của Nho Giáo nói trên, thì đủ thấy rằng bài học cơ bản của đức Khổng đã không được Bắc Kinh học thuộc.

Như vậy, chính phủ Bắc Kinh có xứng đáng là con cháu Khổng Tử chăng? Nếu phải, thì nên chăng Bắc Kinh phải học lại Khổng Giáo trước khi truyền bá cho người.

Bài phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả Lê Phước, một người nghiên cứu Nho giáo, hiện là nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Đại học Versailles Saint-Quentin-En-Yvelines, vùng Ile de France, Pháp.

Nguồn BBC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét