Pages

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Bắc Kinh vẫn đòi chủ quyền các đảo ở biển Ðông

Bám chặt lấy chứng cứ là bức thư của Phạm Văn Ðồng



BẮC KINH (TH) -Tuy đã đồng ý với Hà Nội là “tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước” viên chức cầm quyền Bắc Kinh vẫn đưa ra những lời tuyên bố ngang ngược.

Ðảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa. (Hình: Mai Thanh Hải Blog)

Theo Tân Hoa Xã hôm Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011, Dương Nghị, phát ngôn viên của Ðài Loan Vụ thuộc Quốc Vụ Viện (chính phủ) Trung Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo và các vùng nước chung quanh trên biển Nam Hải mà Việt Nam gọi là biển Ðông.

Dương Nghị nói như vậy khi bình luận sau lời phát biểu của lãnh tụ Ðài Loan Mã Anh Cửu kêu gọi một giải pháp hòa bình cho sự tranh chấp giữa Hoa Lục và Ðài Loan.

Bản tin Tân Hoa Xã nói trên kế tiếp theo bản tin cũng của Tân Hoa Xã ngày hôm qua không những cùng một luận điệu đó mà còn lôi ra bức thư của Thủ Tướng CSVN Phạm Văn Ðồng gửi Tổng Lý (thủ tướng) Trung Quốc Chu Ân Lai công nhận lập trường của Hà Nội tôn trọng hải phận 12 hải lý mà Bắc Kinh tuyên bố.

Bức thư thời đó của ông Phạm Văn Ðồng đã được Bắc Kinh bám chặt lấy, lập đi lập lại công khai suốt nhiều năm qua để cột Hà Nội vào trong các cuộc thương thuyết cũng như tranh luận hay tranh chấp. Bức thư nguyên văn như sau:

“Thưa đồng chí Tổng Lý,

“Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ:

“Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.

“Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc trên mặt bể.

“Chúng tôi xin kính gởi đồng chí Tổng Lý lời chào rất trân trọng.

“Hà Nội ngày 14 tháng 9 năm 1958”

(Ký tên Phạm Văn Ðồng, chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa - đóng dấu)

Bức thư này không nói gì đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng Bắc Kinh lại coi như hàm ngụ công nhận chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để đòi hỏi tôn trọng chủ quyền của họ.

Bản tin Tân Hoa Xã coi bức thư của ông Phạm Văn Ðồng là “văn kiện lịch sử” (historical record) làm căn bản cho họ đối phó với Việt Nam trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông, tức coi như sự “đồng thuận” (consensus) của các lãnh tụ cấp cao giữa hai nước.

Cái chữ “đồng thuận” được diễn giải mỗi bên một khác. Phía Hà Nội không hề thấy nhắc đến bức thư trong tất cả các bản tin, bài viết trên hệ thống báo chí chính thống những năm gần đây.

Ngược thời gian, ngày 7 tháng 8 năm 1979, tức hơn nửa năm sau khi bị Trung Quốc mang đại quân sang đánh suốt 6 tỉnh biên giới, Bộ Ngoại Giao CSVN ra bản tuyên bố “Sự diễn giải của Trung Quốc về bản công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 của thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa như một sự công nhận chủ quyền của phía Trung Quốc trên các quần đảo là một sự xuyên tạc trắng trợn khi tinh thần và ý nghĩa của bản công hàm chỉ có ý định công nhận giới hạn 12 hải lý của lãnh hải Trung Quốc.”

Bản tin Tân Hoa Xã ngày 28 tháng 6, 2011 nói: “Không có sự phản đối nào của bất cứ nước nào đối với chủ quyền của Trung Quốc trên khu vực này cho đến thập niên 1970 khi các nước gồm cả Việt Nam và Phi Luật Tân tuyên bố chủ quyền một phần ở đây.” Bản tin này để lộ sự lươn lẹo cố ý của nhà cầm quyền Bắc Kinh để kêu gọi “sự đồng thuận” của Việt Nam. Chính phủ VNCH ở miền Nam thời đó và nhà cầm quyền CSVN say này luôn luôn tuyên bố chủ quyền hoàn toàn đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chứ không hề nhìn nhận chủ quyền một phần.

Bản tin TTXVN tường thuật chuyến đi của Thứ Trưởng Ngoại Giao Hồ Xuân Sơn ở Bắc Kinh ngày 25 tháng 6, 2011 không nêu ra nhưng bản tin của Tân Hoa Xã nói cả hai nước “chống lại sự can thiệp từ những thế lực bên ngoài đối với sự tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.”

Bắc Kinh muốn Hà Nội cấm dân Việt biểu tình, cấm viết bài đả kích chính sách bá quyền của Hoa Lục nhưng viên chức cầm quyền và báo chí chính thức của họ vẫn tiếp tục áp lực với Việt Nam.

Nguồn Người Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét