Pages

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG MƯU MÔ GIAN MANH CÓ CHỦ ÐÍCH!

Trần Lê
(NCTG) Bản tin của Tân Hoa Xã mang tựa đề “Trung Quốc thúc giục sự đồng thuận với Việt Nam trên vấn đề Biển Hoa Nam” mới được đăng trên mạng basam.info vào đêm 28-6 vừa qua, lập tức đã nhận được nhiều ý kiến đầy âu lo của các “công dân mạng” vì nội dung bất thường và đầy tính gian manh của nó.

Luôn nhớ tới các anh... - Ảnh: Thùy Giang

Trích lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, Tân Hoa Xã cho hay, trong thời gian Thứ trưởng Ngoại giao, phái viên đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Hồ Xuân Sơn “đã có những cuộc thảo luận tới cùng trên vấn đề Biển Hoa Nam trong thời gian diễn ra chuyến viếng thăm của phái viên đặc biệt, và hai bên đã thỏa thuận giải quyết những tranh chấp thông qua các cuộc hội đàm hữu nghị và tránh gây nên những động thái có thể làm trầm trọng thêm hay gây nên phức tạp cho vấn đề”.

Trong các cuộc đàm phán tại Bắc Kinh vào tuần trước, đôi bên đã đạt được một thỏa thuận song phương trên vấn đề Biển Hoa Nam [Biển Đông], theo đó, “cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước” (lời ông Hồng Lỗi).

Trên tinh thần đó, tại một họp báo ngắn vào ngày thứ Ba 28-6, phía Trung Quốc đã bày tỏ “hy vọng phía Việt Nam cũng như chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ sự nhất trí và có được những nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định trên Biển Hoa Nam”. Kèm theo đó, bản tin cũng nhắc lại quan điểm: “Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố về chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại các hòn đảo trên Biển Hoa Nam và những vùng biển xung quanh các hòn đảo này.

Những hồ sơ lịch sử của Trung Quốc đã cho thấy rằng năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã khẳng định các hòn đảo trên Biển Hoa Nam như là bộ phận thuộc lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc, và kế đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã bày tỏ sự tán đồng trong bức thư ngoại giao ngắn của mình gửi tới Thủ tướng khi đó là ông Chu Ân Lai.

Chưa từng có sự bất đồng nào từ bất cứ quốc gia nào đối với chủ quyền của Trung Quốc trên khu vực này cho tới những năm 1970, khi các nước bao gồm Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền từng phần ở đây. Sau những cuộc đàm phán và tranh chấp kéo dài, ông Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng đề xuất của mình về vấn đề đặt qua một bên những tranh chấp và đề nghị cùng nhau khai thác trong khu vực này”.


*

Thoạt nhìn, có thể nghĩ, bản tin của Tân Hoa Xã cũng những lời lẽ của ông Hồng Lỗi có vẻ bất thường vì nó mang tính quá... mềm mỏng, hòa hoãn, nhắc nhiều đến “thảo luận”, “thỏa thuận”, “giải quyết những tranh chấp thông qua các cuộc hội đàm hữu nghị”. Khác hẳn với những thực tế trong thời gian qua, khi Trung Quốc thường xuyên gây hấn với Việt Nam tại Biển Ðông, truyền thông Trung Quốc thường xuyên đăng tải những ý kiến hung hãn kiểu sẽ “tát vỡ mặt Việt Nam”, “dạy cho Việt Nam một bài học lớn hơn”.

Tuy nhiên, chỉ cần đọc lại đến lần thứ hai - hoặc không cần đến thế - là đã có thể dễ dàng nhận ra những mưu mô tuy gian manh nhưng không quá “kín đáo” của phía Trung Quốc, thể hiện qua phát ngôn của ông Hồng Lỗi và lời lẽ của bản tin Tân Hoa Xã!

Bắc Kinh hy vọng đôi bên “thực hiện đầy đủ sự nhất trí và có được những nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định trên Biển Hoa Nam”, nhưng lại trên quan điểm “chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại các hòn đảo trên Biển Hoa Nam và những vùng biển xung quanh các hòn đảo này”, và còn viện dẫn phát biểu năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng (mà giới luật gia đã cho rằng thực ra không hề có giá trị pháp lý với việc “xác lập chủ quyền” của Trung Nam Hải ở những quần đảo vốn đã thuộc chủ quyền của một nước khác), vậy phải hiểu mong muốn của phía Trung Quốc là như thế nào?

Câu trả lời rất rõ ràng. Là muốn dần dà thôn tính trên bản đồ và trong thực tế những vùng đất đã có chủ. Là muốn “biến Biển Ðông thành ao nhà”. Là muốn biến vấn đề chủ quyền thành vấn đề kinh tế theo phương châm từ thời Ðặng Tiểu Bình - “gác tranh chấp, cùng khai thác”, nhưng lờ đi vế đầu của lời họ Ðặng, rằng Trung Quốc vẫn phải nắm chủ quyền, như phân tích của TS Vũ Cao Phan, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, trong bài trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Phượng Hoàng (Trung Quốc).

Ðể thực hiện ý đồ đó, đương nhiên là Trung Quốc muốn Việt Nam loại “yếu tố quốc tế” khỏi những tranh chấp tại Biển Ðông. Nhưng thử hỏi, trong vấn đề chủ quyền ở Biển Ðông, có những gì mà chỉ “thuần” liên quan tới Việt Nam và Trung Quốc? Hoàng Sa của Việt Nam thì Trung Quốc đã chiếm giữ, Trường Sa đang là vấn đề tranh chấp đa phương, còn “đường lưỡi bò” tất yếu là vấn đề của khu vực. Biến vấn đề đa phương thành song phương, buộc Việt Nam sa vào thế cô khi phải loại trừ “những thế lực bên ngoài can dự vào” là âm mưu quá dễ nhận ra của Bắc Kinh!

Nhưng như thế chưa đủ, Bắc Kinh lại còn đòi phải “tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước”. Ở đây, phải nói ngay rằng Trung Quốc đã đánh tráo khái niệm: người dân Việt Nam không bao giờ muốn gây chiến và luôn muốn “hữu nghị và tin cậy” với người dân Trung Quốc. Nhưng bài học của gần 4 thập niên qua cho thấy họ nhất thiết phải cảnh giác và tỉnh táo trước những mưu đồ bánh trướng và bá quyền của chính phủ Trung Quốc.

Phải hiểu những bài viết, nhận định mang tính cảnh tỉnh của các nhân sĩ, trí thức và người dân Việt Nam, những cuộc biểu tình yêu nước, phản đối chính sách gây hấn của chính quyền Trung Quốc thời gian gần đây như những nỗ lực để gây dựng một nền hòa bình thực sự giữa hai nước, để người dân hai nước được sống trong tình cảm “hữu nghị và tin cậy”. Nếu phía Trung Quốc cho rằng có thể hợp thức hóa việc dẹp bỏ những ý kiến, những biểu hiện ái quốc ấy của người dân Việt bằng những “thỏa thuận song phương” nào đó, thì chắc chắn là họ đã nhầm!

Người dân Việt Nam khao khát hòa bình, muốn được phát triển kinh tế, muốn “hợp tác cùng khai thác” với Trung Quốc, nhưng phải trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng chủ quyền của mỗi bên, vì chủ quyền của đất nước là điều thiêng liêng và tối thượng. Việt Nam có thể khoan dung mà quên đi những xung đột thương đau do phía Trung Quốc gây ra trong vòng 40 năm qua (xâm chiếm lãnh thổ, chiến tranh biên giới, tàn sát dân lành, bạo hành ngư dân, v.v...), nhưng quyết không chấp nhận sự áp đặt vô lối mà Bắc Kinh đã ỉ mạnh mà đặt ra.

Cuối cùng, để “rộng đường dư luận” và đập tan những mưu đồ xảo trá của phía Trung Quốc, người dân rất muốn được biết cụ thể nội dung những thỏa thuận song phương đã được đôi bên ký kết trong chuyến công du vừa qua của Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn. Một khi có được sự đồng lòng và ủng hộ của người dân, mọi khó khăn, trở ngại đều có thể vượt qua, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chiêm nghiệm, bởi lẽ:

“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (*).

(*) Báo cáo Chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam (tháng 2-1951).
Trần Lê
Nguồn: Nhịp Cầu Thế Giới Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét