Pages

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Chủ tịch Đảng Việt Tân nhận định về phiên tòa xử 7 dân oan Bến Tre

Thanh Thảo: Kính thưa quý thính giả, phiên tòa xử bảy người dân oan tại Bến Tre vào ngày 30 tháng 5 năm 2011 đã kết thúc với những bản án đầy bất công, tổng cộng lên đến 60 năm tù giam và quản chế. Trong chương trình hôm nay chúng tôi xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn của chúng tôi với ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Đảng Việt Tân. Xin kính chào ông Đỗ Hoàng Điềm.

Đỗ Hoàng Điềm: Xin kính chào ký giả Thanh Thảo và xin kính chào quý thính giả.

Thanh Thảo: Trước hết xin ông cho biết nhận định của ông về kết quả vụ án này?

Đỗ Hoàng Điềm: Vâng, đối với chúng tôi, qua kết quả vụ xử án lần này, chúng tôi có ba nhận định sau đây:

Đầu tiên, phải nói đây là một phiên xử đã vi phạm một cách nghiêm trọng những quyền căn bản của con người, bởi vì việc làm của tất cả bảy người dân oan này đều không mang bất kỳ một vi phạm nào cả. Từ việc họ kẻ những hàng chữ “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam” thể hiện lòng yêu nước…, cho nên việc góp sức tranh đấu bảo vệ quyền lợi của người dân oan đã bị nhiều sự áp bức, chịu nhiều thiệt thòi bất công; cho đến việc họ tham gia tìm hiểu, học tập về phương thức đấu tranh bất bạo động. Tự thân tất cả những việc làm này, những hành động này đều không mang tính chất vi phạm bất cứ một luật lệ nào, mà trái lại nó thể hiện những quyền căn bản của con người đã được Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền bảo đảm; ngày cả việc một số người trong số bảy người này tham gia Đảng Việt Tân. Việc tham gia một đảng chính trị một cách ôn hòa hay bất cứ một đảng phái chính trị nào, cũng là những điều mà luật pháp đáng lý cho phép và Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền bảo đảm. Nhận định đầu tiên của chúng tôi là tất cả những hành động của những người này đều không có gì là sai trái cả, mà trái lại nó đúng với lương tâm và đạo lý của con người.

Nhận xét thứ hai của chúng tôi là bản chất của phiên tòa này thể hiện thật rõ nét sự phi lý và tính chất độc đoán, độc tài của ĐCSVN. Từ việc ngăn cản không cho những luật sư được quyền có những tài liệu cần thiết để bào chữa cho thân chủ của mình; ngăn cản tạo nhiều khó khăn cho việc thân nhân của những người này không thể đến dự được phiên tòa. Mang tiếng là tòa án nhân dân mà trong khi đó nhân dân thì bị ngăn cản không được đến dự; và kể cả việc đang giữa phiên tòa lại đẩy không cho luật sư tiếp tục bào chữa cho thân chủ. Có thể nói rằng, tất cả những hành động này là những hành động vi phạm chính luật pháp của họ một cách thô bạo. Và vì vậy, những phiên tòa như thế này đối với chúng tôi thật sự nó không mang bất kỳ một giá trị nào; và đối với công luận quốc tế, đối với dư luận của tất cả mọi người thì phải nói rằng những phiên tòa như thế này hoàn toàn vô giá trị.

Và nhận xét thứ ba của chúng tôi là trong thời gian gần đây, hiển nhiên ai cũng thấy rằng, rõ ràng chế độ CSVN đã gia tăng mức độ đàn áp, bắt bớ rất nhiều người. Trước vụ xử 7 người dân oan tại Bến Tre đã có vụ xử của Ls. Cù Huy Hà Vũ; và họ đã bắt giữ khá nhiều người trong thời gian qua, như nhà báo Điếu Cày, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, ông Vi Đức Hồi, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa v.v. Đối với chúng tôi, tất cả những hành động bắt bớ đàn áp này lại càng cho chúng ta thấy rõ là chế độ CSVN đang gặp nhiều khó khăn. Bản chất của bất cứ chế độ độc tài nào cũng vậy, khi họ gia tăng đàn áp, khi họ càng ngày càng bắt bớ nhiều thì điều này cho thấy đấy là chính lúc họ đang gặp nhiều khó khăn, đang gặp nhiều bất ổn; và vì vậy họ phải ra tay, vì vậy họ phải tăng cường đàn áp. Bởi vì nếu họ thật sự đang làm chủ tình hình thì có lẽ họ đã không phải tốn quá nhiều công sức để dàn dựng ra những phiên tòa thế này hay phải bắt bớ nhiều người như thế này.

Chúng tôi nhìn tất cả những sự kiện này như một chỉ dấu cho thấy rõ rằng: rõ ràng ĐVSVN đang càng ngày gặp nhiều sự chống đối hơn nữa, và chúng ta cũng đã thấy rõ ràng là mức độ chống đối trong nước càng ngày càng gia tăng; từ sự lên tiếng của giới trí thức, của ngay chính những hàng ngũ của đảng viên ĐCS, cho đến sự gia tăng đấu tranh của đồng bào, của dân oan, của anh chị em công nhân… thì chúng ta thấy rõ là quả thật, tình hình đấu tranh trong nước đang có nhiều biến chuyển; và việc nhà nước CSVN phải gia tăng đàn áp là một chỉ dấu rất rõ cho thấy họ ngày hôm nay đang thật sự gặp nhiều sự bất ổn, và họ phải đối phó, họ phải tìm cách giải quyết.

Mang tiếng là tòa án nhân dân, trong khi đó nhân dân thì bị ngăn cản không được đến dự.Thanh Thảo: Thưa ông, trước khi phiên tòa này diễn ra, nhiều chính giới quốc tế và một số tổ chức nhân quyền thế giới đã lên tiếng bênh vực cho bảy nạn nhân này, nhưng kết quả hôm nay là họ vẫn bị kết án nặng nề. Thế theo ông, những sự quan tâm, can thiệp của quốc tế phải chăng đều không mang lại hiệu quả nào cả?

Đỗ Hoàng Điềm: Tôi nghĩ rằng chúng ta phải nhìn vấn đề một cách chính xác thì lúc đó chúng ta mới có thể có những nhận định sát với thực tế và cụ thể hơn. Như tôi vừa mới thưa, việc Hà Nội phải gia tăng đàn áp, gia tăng bắt bớ và càng ngày càng có những bản án nặng hơn lúc trước là một chỉ dấu cho thấy họ đang gặp khó khăn; họ đang có nhu cầu phải cố gắng làm chủ tình hình, phải cố gắng duy trì sự ổn định của họ. Vì vậy đối với chúng tôi, tôi không lấy làm ngạc nhiên với kết quả những phiên tòa và vụ xử như thế này, bởi vì họ có nhu cầu phải kết án, họ có nhu cầu phải răn đe, họ có nhu cầu phải tạo ra một bầu không khí khủng bố để ngăn chận sự đấu tranh, đối kháng của quần chúng, của nhân dân. Vì vậy cho dù có sự can thiệp của quốc tế đi chăng nữa, họ vẫn phải thực hiện những điều họ cần phải làm vì đó là sự sống còn của họ. Vì vậy, nếu chúng ta đã hiểu rõ bản chất của vấn đề là như thế, chúng ta đã hiểu nhu cầu của ĐCSVN trong lúc họ đang lâm nguy, trong lúc họ đang bối rối và tìm sự ổn định, họ bắt buộc phải làm như thế… thì chúng ta cũng đừng lấy làm ngạc nhiên nếu những can thiệp hoặc lên tiếng của quốc tế nó không đem lại những kết quả như chúng ta chờ đợi, là những người này được trắng án. Bởi vì tôi nghĩ rằng trong chế độ CSVN ngày hôm nay, sự chờ đợi những nhà đấu tranh được trắng án là một điều mà theo tôi không thực tế, sẽ khó lòng xảy ra được.

Tuy nhiên chúng ta cũng phải thấy rõ là những áp lực của quốc tế hơn bao giờ hết vẫn là điều cần thiết bởi vì nó mang giá trị là tiếp tục duy trì những áp lực thường trực đè nặng lên ĐCSVN. Đừng nghĩ rằng bởi vì họ vẫn tiếp túc kết án những người này nặng nề mà họ không cảm nhận được áp lực, họ không bị áp lực đè nặng. Cho dù những áp lực này nó chưa đem lại điều chúng ta mong muốn, là những người này được trắng án; tuy nhiên những áp lực này có giá trị tạo ra những áp xuất lên trên chế độ CSVN, tạo ra những sự bất mãn, bộc phát ở trong chính nội bộ của ĐCSVN, và nó cũng là những động lực để tạo ra niềm phấn khích để cho những người khác cũng tiếp tục đấu tranh để đem lại một đất nước Việt Nam tự do và dân chủ.

Tóm gọn lại, tôi nghĩ rằng áp lực từ quốc tế hay nỗ lực đấu tranh của chính từ phía chúng ta luôn luôn lúc nào cũng cần thiết. Và đừng nhìn những bản án này như một sự thất bại, và hãy nhìn những bản án này như một chỉ dấu cho thấy là chúng ta có nhu cầu phải gia tăng áp lực, và chế độ CSVN thực sự đang càng ngày càng gặp nhiều lúng túng và bất ổn, họ phải tìm cách đối phó và giải quyết.

Thanh Thảo: Thưa ông, thật sự mà nói, tôi nghĩ rằng tuy bảy người trong phiên tòa xử hôm nay phải gánh chịu những bản án nặng nề, nhưng nếu không có sự quan tâm hay can thiệp của cộng đồng thế giới thì đảng và nhà nước CSVN có thể sẵn sàng áp dụng những hình phạt nặng nề hơn đối với họ; thí dụ như tử hình, là mức án nặng nhất dành cho tội phạm bị truy tố theo Điều 70 Bộ luật hình sự CHXHCNVN. Ông nghĩ gì về điều này, thưa ông?

Đỗ Hoàng Điềm: Dạ vâng, đúng vậy. Hãy thử tưởng tượng, nếu không có những áp lực của quốc tế, không có những nỗ lực vận động đấu tranh của chúng ta, không có sự chú ý của dư luận, thì thử hỏi, tình hình nó sẽ còn bi đát đến đâu nữa. Tình trạng của những người này và thân nhân của họ có lẽ sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa.

Thanh Thảo: Vâng, trong nỗi đau thương của các anh em trong phiên tòa hôm nay, chúng ta hãy nghĩ đến nhau trong niềm tin là sự hy sinh của những người này chắc chắn là những viên gạch góp phần mang lại tự do dân chủ cho đất nước Việt Nam. Chúng tôi xin đặt câu hỏi: Khi các đảng viên Việt Tân hoạt động tại quốc nội phải trả giá rất đắt như hôm nay, thì Đảng Việt Tân dự trù sẽ có những hoạt động ra sao trong thời gian tới, thưa ông?

Đỗ Hoàng Điềm: Thực sự phải nói rằng không chỉ riêng gì những anh chị em đảng viên Việt Tân phải trả giá đắt, mà phải nói rằng rất nhiều người trong hàng ngũ đấu tranh dân chủ đã phải trả giá đắt, đang phải trả giá đắt. Như chúng tôi có đề cập đến lúc nãy, từ anh Trần Huỳnh Duy Thức cho đến Ls. Lê Công Định, Ls. Cù Huy Hà Vũ, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa v.v.. Rất nhiều người đã và đang tiếp tục phải trả giá rất đắt, vì vậy tôi nghĩ rằng sự việc như anh chị em đảng viên Việt Tân lãnh những bản án như thế này nó chỉ thể hiện sự sẵn lòng đấu tranh chung vai sát cánh với tất cả các nhà dân chủ khác trong nước, của những anh chị em đảng viên Việt Tân trên con đường đem lại tự do và dân chủ cho đất nước. Bên cạnh đó, những bản án này thực sự không làm chùn bước của những anh chị em đảng viên Việt Tân khác, cũng như nó không thể nào làm chùn bước được phong trào tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam.

Có lẽ quý vị cũng nhìn thấy ngay trước mắt rồi, trong 4, 5 năm trở lại đây, có thể nói rằng ĐCSVN đã tung ra những đợt đàn áp liên tục từ năm 2007 cho đến giờ. Họ đã bắt rất nhiều người, bắt rất nhiều đợt; thế nhưng, những đợt bắt bớ này, những đợt khủng bố này đã không đem lại kết quả như họ mong đợi, là làm tiêu hủy đi ý chí đấu tranh hay nỗ lực đấu tranh; mà trái lại, chúng ta thấy rõ là trong những năm gần đây, mặc dù bắt bớ đàn áp là thế, mà số lượng người tham gia đấu tranh, số lượng những hoạt động đấu tranh, những hình thái đấu tranh, những lực lượng đấu tranh lại càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn nữa.

Tôi nghĩ rằng với bản án lần này cũng thế thôi, nó sẽ không đem lại một sự thay đổi nào cả. Đảng Việt Tân sẽ tiếp tục theo đuổi con đường đấu tranh đem lại tự do dân chủ cho Việt Nam. Đảng Việt Tân sẽ tiếp tục thi hành phương thức đấu tranh bất bạo động. Chúng tôi sẽ tiếp tục cổ võ, huy động, vận động sự tham gia đấu tranh của đồng bào Việt Nam trên toàn quốc. Với chủ trương đấu tranh bất bạo động này, chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ thành công trong việc huy động được sự tham gia của đại số đông quần chúng Việt Nam để làm lực tạo ra sự chuyển động thay đổi tại Việt Nam trong tương lai.

Thanh Thảo: Xin thành thật cám ơn ông Đỗ Hoàng Điềm đã trả lời cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi cuộc trao đổi này. Xin chân trọng kính chào ông, chào quý thính giả và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình kỳ tới.

Đỗ Hoàng Điềm: Xin kính chào quý thính giả.


Nguồn: http://diendanctm.blogspot.com/2011/06/nhan-inh-cua-chu-tich-ang-viet-tan-ve.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét