Pages
▼
Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011
Cuộc Đua Dầu Khí Gây Nguy Cơ Đụng Độ.
Sau vụ cáo buộc tàu hải giám Trung Quốc gây hấn tại vùng biển miền Trung Việt Nam, giới bình luận bắt đầu đặt ra câu hỏi về khả năng xảy ra xung đột trong khu vực Biển Đông được cho là giàu tài nguyên nhưng cũng tiềm tàng thách thức.
Mới đây, ký giả Daniel Ten Kate của hãng tin Bloomberg có bài phân tích về cuộc đua thăm dò dầu khí trong khu vực. BBC xin trích giới thiệu với quý vị.
Gần đây hai nước Việt Nam và Philippines đã tăng cường hoạt động dầu khí trong khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, thí dụ công ty Talisman Energy Inc., đối tác của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) chuẩn bị khoan vào năm sau trong một lô vốn Trung Quốc đã trao quyền khai thác cho một đối tác của Mỹ và thậm chí còn điều tàu chiến tới bảo vệ.
Philippines cũng đang có kế hoạch khai thác một khu vực gần Palawan nơi chính tàu thăm dò của Philippines đã bị tàu Trung Quốc gây hấn hồi tháng Ba.
Các nước láng giềng của Trung Quốc sở dĩ tỏ ra mạnh bạo như vậy, có thể là vì Hoa Kỳ đã tỏ thái độ mạnh mẽ về Biển Đông hồi năm ngoái, như nhận định của cựu chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương James A. Lyons Jr..
Ngoài ra, giá dầu thô đang ngày càng tăng cũng khiến Việt Nam và Philippines tìm kiếm thêm dầu để phục vụ mục tiêu phát triển của mình.
Ông Lyons, người chỉ huy hạm đội Mỹ từ 1985 tới 1987 và nay là Chủ tịch công ty tư vấn kinh doanh Lion Associates LLC ở bang Virgina, nói đối với Hà Nội và Manila việc thăm dò khai thác dầu khí mang mục tiêu kinh tế rõ ràng.
“Hai nước này trông chờ vào chiếc dù an ninh của Hoa Kỳ."
Tất nhiên các hoạt động này gặp cản trở từ phía Trung Quốc, vốn tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông.
Phản đối lên Liên Hiệp Quốc
Tại diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La (03/06-05/06), chủ đề tranh chấp hàng hải chắc sẽ được các bộ trưởng quốc phòng các nước mang ra bàn.
Năm ngoái, Bộ trưởng Robert Gates đã tuyên bố rằng Mỹ phản đối các hành động ngăn cản các công ty làm ăn ở Biển Đông.
Hôm 05/04, Philippines gửi đơn lên LHQ phản đối đường yêu sách chín đoạn của Trung Quốc, nói đây "không có cơ sở pháp lý" gì.
Talisman, công ty dầu khí lớn thứ ba của Canada, chuẩn bị khoan thăm dò cách đảo Hải Nam khoảng 1.000 km, với đối tác PetroVietnam.
Giám đốc điều hành công ty này, ông John Manzoni, nói trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi có trong tay giấy phép làm ăn mà chúng tôi tin là hợp pháp".
Các lô mà Talisman chuẩn bị khai thác, mang số hiệu 133 và 134, cách bờ biển Việt Nam chừng 300 cây số. Chúng được Trung Quốc đánh dấu là WAB-21 và năm 1992 trao quyền khai thác cho công ty Mỹ Crestone Energy Corp. nay do tập đoàn Harvest Natural Resources Inc. ở Houston, Texas, sở hữu.
Chủ tịch Harvest là James Edmiston nói Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại và nói "sẽ can thiệp" về việc Talisman nhận giấy phép của phía Việt Nam.
Một công ty Mỹ khác, ExxonMobil Corp., cũng gặp rắc rối khi khai thác Lô 119 với Việt Nam vì một phần lô này nằm trong vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Hiện chưa rõ kế hoạch khai thác của ExxonMobil được triển khai đến đâu.
Dự trữ dầu khí của Trung Quốc đang ngày càng thu nhỏ, tới 40% kể từ 2001 trong khi nền kinh tế tăng trưởng trung bình 10,5% một năm.
Cách can thiệp của Trung Quốc trước hoạt động dầu khí của các nước láng giềng nhiều khi là điều tàu tuần tra gây hấn.
Hồi tháng Ba hai tàu tuần tra của Trung Quốc đã ra lệnh cho một tàu thăm dò địa chấn của công ty Forum Energy Plc phải ra khỏi khu vực tranh chấp cách đảo Palawan của Philippines chừng 250 km về phía Tây.
Manila đã điều chiến đấu cơ tới nơi và tàu Trung Quốc phải rút lui.
Khu vực nói trên nằm trong lãnh hải mà theo một thỏa thuận năm 2008 Trung Quốc, Việt Nam và Philippines sẽ cùng khai thác. Nay Manila nói đây là khu vực quan trọng đặc biệt và sẽ tiếp tục thăm dò khai thác.
Nhu cầu ngày càng tăng
Giới bình luận nói sở dĩ Việt Nam và Philippines tỏ ra tự tin là vì Mỹ đã tuyên bố có "quyền lợi quốc gia" trong việc tự do lưu thông ở trong khu vực.
Michael Green, cựu chuyên gia Á châu tại Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ, nay nghiên cứu ở Viện Chính sách Quốc tế Washington., nói "cần phải có ai đó lên tiếng rằng 'chúng tôi sẽ không bị bắt nạt'".
Tàu chiến Mỹ đã tuần tra các vùng biển châu Á-Thái Bình Dương từ thời Chiến tranh thế giới lần II.
Nay Trung Quốc cũng đang chạy đua đầu tư hạm đội và hàng không mẫu hạm. Việc Trung Quốc huy động tàu chiến tới những nơi có tranh chấp dầu khí sẽ còn xảy ra.
Lý do chính là dự trữ dầu khí của Trung Quốc đang ngày càng thu nhỏ, tới 40% kể từ 2001 trong khi nền kinh tế tăng trưởng trung bình 10,5% một năm.
Nhu cầu của các nước khác cũng tăng lên, như vào năm 2025 Việt Nam sẽ cần gấp ba lượng khí đốt so với bây giờ.
Philippines thì muốn tăng dự trữ thêm 40% trong hai thập niên tới nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Cuộc chiến dầu khí, theo các chuyên gia, sẽ còn hâm nóng các vùng biển tranh chấp vẫn còn chưa có cơ chế giải quyết bất đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét