Dân Chủ Hoá Toàn Cầu: Một Xu Thế Lịch Sử
Sau cuộc du hành Hoa Kỳ - một tân quốc gia đã thiết lập được chính thể cộng hoà dân chủ đầu tiên trong lịch sử nhân loại - trong thời gian từ tháng 4-1831 đến tháng 3-1832, khi trở về Pháp, Alexis de Tocqueville đã công bố công trình quan sát và suy tư của ông về nền dân chủ Hoa Kỳ trong một bộ sách đồ sộ gồm hai tập có tựa đề “De la Démocratie en Amérique”. Tập I xuất bản năm 1835, và tập II xuất bản năm 1840. Trong kỳ tái bản lần thứ 12 năm 1848, trong tập I, tác giả đã viết thêm Lời Báo Trước (Avertissement), trong đó có một câu tiên tri có tính khẳng định như sau:
Cuốn sách này được viết mười lăm năm trước đây với một quan tâm kiên trì về một ý tưởng duy nhất: sự lên ngôi của nền dân chủ trong thế giới tương lai là phổ quát và không thể đảo ngược. “Ce livre a été écrit il y a quinze ans, sous la préoccupation constante d’une seule pensée: l’avénement prochain, irrésistible, universel de la Démocratie dans le monde”.
Kể từ lời tiên tri trên đây, hiện nay chỉ còn 47 trong tổng số 194 quốc gia trên thế giới còn đang bị cai trị bởi các chế độ độc tài trong đó có Việt Nam. Con số này chỉ chiếm 24% tổng số quốc gia trên toàn cầu và đang có chiều hướng giảm đi cùng với đợt dân chủ hoá đang diễn ra tại Bắc Phi và Trung Đông.
Suy tư về nền dân chủ Hoa Kỳ, Tocqueville nhận ra rằng nền dân chủ đầu tiên của nhân loại đã được xây dựng trên một nguyên lý chủ đạo: sự bình đẳng của các điều kiện (égalité des conditions). Ông đã khám phá ra ảnh hưởng kỳ diệu của sự bình đẳng của các điều kiện trong toàn bộ tiến trình dân chủ hoá của xã hội Hoa Kỳ. Theo ông, sự phát huy tính bình đẳng của các điều kiện là một sự kiện thiêng liêng có tính Thiên Mệnh (Providence) để hướng dẫn con người xây dựng xã hội tốt đẹp hơn trong chính thể dân chủ, và tiến trình dân chủ hoá này là một xu thế không thể đảo ngược của lịch sử của nhân loại văn minh.
Trong một đoạn của Phần Mở Đầu (Introduction) của tập I, ông đã viết: Nếu những quan sát lâu dài và những suy tư chân thành đã hướng dẫn con người hôm nay nhận ra rằng sự phát triển dần lên từng bước của sự bình đẳng vừa là quá khứ vừa là tương lai của lịch sử của con người, thì chỉ riêng khám phá này sẽ mang đến cho sự phát triển đó tính chất thiêng liêng của ý chí của một chủ tể có quyền năng tối thượng. Ý muốn chặn đứng dân chủ chính là chiến đấu chống lại Thượng Đế, và các dân tộc chỉ còn một việc là thích nghi với hình thức xã hội (dân chủ) mà Thượng Đế đã an bài cho họ. “Si de longues observations et des méditations sincères amènaient les hommes de nos jours à reconnaitre que le developpement graduel et progressif de l’égalité est à la fois le passé et l’avenir de leur histoire, cette seule decouverte donnerait à ce développement le caractère sacré de la volonté du souverain maitre. Vouloir arrêter la démocratie paraitrait alors lutter contre Dieu même, et il ne resterait aux nations qu’à s’accommoder à l’état social que leur impose la Providence”.
Quan sát và suy tư về các định chế của xã hội dân chủ Hoa Kỳ, Tocqueville đã viết: Trước đây, các định chế của Hoa Kỳ đã chỉ là một đề tài gây hiếu kỳ cho nước Pháp quân chủ, ngày nay, các định chế đó phải là một đề tài nghiên cứu cho nước Pháp cộng hoà. “Les institutions de l’Amérique, qui n’étaient qu’un sujet de curiosité pour la France monarchique, doivent être un sujet d’étude pour la France républicaine”.
Và trong khi nước Pháp còn đang đứng trước ngã ba đường đi tìm những nguyên lý và định chế thiết yếu cho một nước Pháp dân chủ, thì Hoa Kỳ đã giải quyết xong vấn đề này được hơn sáu mươi năm rồi. Alexis de Tocqueville viết về vấn đề này như sau:
Vậy mà, cái vấn đề mà chúng ta chỉ mới đặt ra, nước Mỹ đã giải quyết xong được hơn sáu mươi năm rồi. Từ sáu mươi năm nay, cái nguyên lý về chủ quyền của dân – mà chúng ta mới làm lễ đăng quang hôm qua giữa chúng ta với nhau – đã hoàn toàn ngự trị tại Hoa Kỳ rồi. Cái nguyên lý đó đã được thực hành một cách trực tiếp nhất, không giới hạn nhất, tuyệt đối nhất. Từ sáu mươi năm nay, cái dân tộc đã lấy chủ quyền của dân làm gốc chung cho mọi điều luật, dân tộc ấy đã lớn mạnh không ngừng về dân số, về lãnh thổ, về sự giầu có; và hãy ghi nhận điều này, cũng trong thời gian đó, dân tộc này không chỉ là một dân tộc thịnh vượng nhất, nhưng còn là một dân tộc ổn định nhất so với tất cả các dân tộc trên thế giới. “Or, ce problème que nous venons seulement de poser, l’Amérique l’a résolu il y a plus de soixant ans. Depuis soixant ans, le principe de la souveraineté du peuple que nous avons intronisé hier parmis nous règne là sans partage. Il y est mis en pratique de la manière la plus directe, la plus illimitée, la plus absolue. Depuis soixant ans, le peuple qui en a fait la source commune de toutes ses lois grandit sans cesse en population, en territoire, en richesse; et marquez-le bien, il se trouve avoir été durant cette periode non-seulement le plus prospère, mais le plus stable de tous les peuples de la terre”.
Sau khi tác phẩm “De la Démocratie en Amérique” được dịch sang Anh ngữ với tựa đề “American Democracy”, Alexis de Tocqueville rất được ngưỡng mộ tại Hoa Kỳ. Ông được coi như một nhân vật đặc biệt kỳ lạ, một người Pháp thuộc dòng dõi quý tộc lại đi tìm hiểu và hết lòng ca ngợi chính thể dân chủ Hoa Kỳ, một thể chế chính trị mà từ thâm tâm giới quý tộc Pháp chống đối, và chính ông nội của ông, một nhà quý tộc, đã bị lên đoạn đầu đài trong Cuộc Cách Mạng Dân Chủ Pháp năm 1789. Alexis de Tocqueville hiểu người Mỹ và nước Mỹ hơn cả chính người Mỹ. Sách của ông có giá trị như một tài liệu tham khảo cho các sinh viên về các môn xã hội và chính trị trong các đại học của Hoa Kỳ.
Những lời tiên tri của Alexis de Tocqueville cách đây hơn 200 năm đã được lịch sử chứng minh là đúng. Ngày hôm nay, tiến trình dân chủ hoá trên thế giới đã hoàn tất được ¾ đoạn đường và đang tiến đến giai đoạn chung quyết. Đây là một xu thế lịch sử và không một thế lực nào có thể chống lại được như Tocqueville đã viết và xin nhắc lại: “Ý muốn chặn đứng nền dân chủ chính là chiến đấu chống lại Thượng Đế”. Hai thế kỷ trước đây, Alexis de Tocqueville đã báo trước tin lành cho nhân loại.
Các Làn Sóng Dân Chủ Trên Thế Giới
Cuộc Cách Mạng 1776 cùng với Bản Hiến Pháp 1787 của Hoa Kỳ đã khai sinh ra một quốc gia dân chủ đầu tiên trên thế giới. Đây là một biến cố lịch sử có tính Thiên Định (Providence). Biến cố này đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử của nhân loại văn minh, thời đại của các nền dân chủ phóng khoáng Tây Phương. Chính Cuộc Cách Mạng 1776 của Hoa Kỳ đã gây cảm hứng cho Cuộc Cách Mạng Dân Chủ 1789 của Pháp và lan toả sang các nước Âu Châu để khởi đầu cho một tiến trình dân chủ hoá có quy mô toàn thế giới và kéo dài cho tới ngày nay đã hai trăm năm và còn đang tiếp diễn.
Trong một tiểu luận có có tựa đề “Democracy’s Third Wave” được phổ biến trên “Journal of Democracy” năm 1991, Giáo Sư Samuel P. Huntington của Đại Học Havard đã nhận định rằng tiến trình dân chủ hoá trên toàn cầu không phải là một sự thăng tiến chậm và đều mà là những làn sóng dân chủ kế tiếp nhau khi tiến, khi lùi, khi dâng cao, khi đảo ngược, và ông đã chia tiến trình này thành ba làn sóng.
Làn sóng dân chủ thứ nhất bắt đầu từ thập niên 1820 khi đa số những người da trắng tại Hoa Kỳ được quyền đầu phiếu theo chủ trương bình đẳng chính trị của Tổng Thống Andrew Jackson được biết đến như “Jacksonian Democracy”. Tại đỉnh cao nhất của làn sóng này đã có 29 nền dân chủ trên toàn cầu. Làn sóng này tiếp tục cho đến năm 1926 và bắt đầu dội ngược lại khi Benito Mussolini lên cầm quyền tại Italy vào năm 1922. Làn sóng dân chủ thứ nhất bị dội ngược lại từ năm 1922 đến năm 1942; trong khoảng thời gian này chỉ còn lại 12 quốc gia dân chủ, và 17 quốc gia đã trở ngược lại chế độ độc tài. Tóm lại, làn sóng dân chủ thứ nhất bắt đầu tại Hoa Kỳ và kéo dài hơn một thế kỷ mà chỉ dân chủ hoá được 12 quốc gia.
Làn sóng dân chủ thứ hai bắt đầu khi Phe Đồng Mình chiến thắng trong Đệ II Thế Chiến từ năm 1943 và dâng cao trong 20 năm liền. Đến năm 1962, trên thế giới, đã có 36 quốc gia được công nhận là quốc gia dân chủ. Cũng kể từ năm này, làn sóng dân chủ thứ hai bắt đầu bị dội ngược lại và xoá đi sáu quốc gia dân chủ. Làn sóng dân chủ thứ hai chấm dứt vào giữa thập niên 1970, và tổng số các quốc gia dân chủ trên thế giới đã tăng lên thành 30 quốc gia. Trong làn sóng dân chủ thứ hai, đã có 18 quốc gia được dân chủ hoá.
Làn sóng dân chủ thứ ba bắt đầu từ giữa thập niên 1970 và còn đang tiếp diễn. Trong khoảng thời gian ngắn từ 1974 đến 1990, tức 16 năm, đã có ít nhất 30 quốc gia chuyển sang chính thể dân chủ; tăng con số các quốc gia dân chủ trên toàn cầu lên gấp đôi, tức 60 quốc gia. Đứng trước thành quả ngoạn mục này, Samuel P. Huntington đã đặt câu hỏi: Có phải những đợt dân chủ hoá này là một phần trong cuộc cách mạng dân chủ toàn cầu chưa từng có từ trước đến nay, và tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ chuyển sang thể chế dân chủ? Hay đó cũng chỉ là những đợt sóng dân chủ giới hạn như đã từng xẩy ra trước đây. Và chúng ta đang ở giai đoạn nào trong làn sóng dân chủ thứ ba? Ở giai đoạn đầu của một làn sóng dài hoặc giai đoạn cuối của một làn sóng ngắn? Và nếu làn sóng dân chủ thứ ba bị khựng lại, liệu có một làn sóng ngược chiều thứ ba xoá đi những thành quả dân chủ đã đạt được trong hai thập niên 1970 và 1980? Và liệu sẽ có những làn sóng dân chủ thứ tư, thứ năm…tiếp theo?
Những câu hỏi có tính nghi ngại trên đây của Giáo Sư Samuel P. Huntington đưa ra 21 năm trước đây, năm 1990, đã được lịch sử trả lời. Trong một tài liệu có tựa đề Độc Tài thách thức Dân Chủ, “The Authoritarian challenge to Democracy”, được phổ biến ngày 13-1-2011, tổ chức Freedom House đã đưa ra nhận định tổng quát về tình hình dân chủ trên thế giới trong năm 2010 như sau: Tự do (free): gồm 87 quốc gia; tự do một phần (partly free): gồm 60 quốc gia; không tự do (not free): gồm 47 quốc gia. Tóm lại, trên thế giới hiện nay chỉ còn 47 quốc gia độc tài trong tổng số 194 quốc gia. Những quốc gia được xếp hạng tự do một phần cũng là những quốc gia dân chủ đang trên tiến trình củng cố và hoàn chỉnh chế độ. Nhìn chung, làn sóng dân chủ thứ ba còn đang tiếp diễn, và chưa có một làn sóng ngược chiều nào xoá đi những thành quả đã đạt được. Do đó, ít nhất là cho đến lúc này, có thể nói mà không sợ sai rằng làn sóng dân chủ thứ ba đang tiếp tục tiến vào Trung Đông và Bắc Phi, và đây có thể là làn sóng dân chủ cuối cùng sẽ quyét sạch các chế độ độc tài còn sót lại trên thế giới. Niềm tin này có thể lạc quan nhưng có cơ sở.
Cũng liên quan đến tiến trình dân chủ hoá trên thế giới, trong một tiểu luận nổi tiếng có tựa đề “The End of History” được viết năm 1989 sau khi Bức Tường Bá Linh bị giật sập và làn sóng dân chủ thứ ba quét sạch các nước cộng sản Liên Xô và Đông Âu, Tiến sĩ Francis Fukuyama đã nhận định rằng sự tranh chấp về ý thức hệ của nhân loại đã chấm dứt. Nền dân chủ phóng khoáng Tây Phương đã chiến thắng. Nền dân chủ này có giá trị phổ quát và là hình thức chính quyền sau cùng của nhân loại. Cho tới nay, kể từ sau nhận định trên đây đã 21 năm, chưa có một thể chế chính trị nào tốt hơn chính thể dân chủ phóng khoáng Tây Phương.
Dân Chủ Hoá Việt Nam: Một Xu Thế Lịch Sử Không Thể Đảo Ngược
Như đã trình bày trên đây, Việt Nam là một trong số 47 quốc gia độc tài còn sót lại trên thế giới. Trong tiến trình dân chủ hoá toàn cầu đang diễn tiến đến giai đoạn chung quyết hiện nay, sự tồn tại của chế độ độc tài Việt Cộng là một nghịch lý của lịch sử và là một sự sỉ nhục đối với dân tộc Việt Nam như Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã nói thẳng vào mặt lũ Việt Cộng rằng Ngài cảm thấy xấu hổ mỗi khi cầm cái “hộ chiếu” do chúng cấp để đi ra ngoại quốc, trong khi những công dân Nam Hàn rất hãnh diện với cái sổ thông hành của họ khi đi qua cổng các phi trường quốc tế. Chúng ta rất thông cảm với Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt bởi vì vào khoảng giữa thập niên 1950, Nam Hàn độc tài còn thua xa Việt Nam Cộng Hoà dân chủ về mọi phương diện kinh tế, chính trị và xã hôi. Và ngày hôm nay, một nước Nam Hàn dân chủ đã là một cường quốc kỹ nghệ tân tiến hàng đầu trên thế giới và một con rồng kinh tế của Châu Á, bỏ xa Việt Nam cộng sản nhiều chục năm. Để hiểu tại sao chế độ Việt Cộng sẽ bị quyét sạch bởi làn sóng dân chủ thứ ba đang diễn ra trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa và tầm vóc của các làn sóng dân chủ đã diễn ra từ hai thế kỷ nay.
Quan sát kỹ và suy tư tích cực về tiến trình dân chủ hoá toàn cầu đang diễn tiến qua ba làn sóng dân chủ nối tiếp nhau kể từ thập niên 1820 đến nay và còn đang tiếp dìễn, chúng ta có thể rút ra một bài học lịch sử quan trọng: Tiến trình dân chủ hoá đang diễn ra trên thế giới gần hai thế kỷ nay chính là một cuộc cách mạng dân chủ hoá toàn cầu với tầm vóc bền bỉ, lâu dài chưa từng có từ trước đến nay với sứ mạng cuối cùng là mang lại dân chủ tự do cho toàn thể nhân loại và xoá bỏ tất cả các chế độ độc tài mang bất cứ nhãn hiệu nào như cộng hoà hồi giáo, cộng hoà dân chủ nhân dân, cộng hoà xã hội chủ nghĩa… Trong suốt gần hai thế kỷ qua, cuộc cách mạng dân chủ hoá toàn cầu đã diễn ra liên tục, không gián đoạn và đã trải qua những chu kỳ tăng giảm, lên xuống bất thường, nhưng chiều hướng phát huy thành quả vẫn tiếp tục tăng lên không ngừng với cấp số nhân ở giai đoạn cuối hiện nay. Hai làn sóng dân chủ thứ nhất và thứ hai kéo dài hơn 150 năm mà chỉ có 30 quốc gia được dân chủ hoá. Làn sóng dân chủ thứ ba bắt đầu từ năm 1974 đến nay, mới chỉ 36 năm mà đã có 117 quốc gia chuyển sang chế độ dân chủ. Với chiều hướng này và chưa có một chỉ dấu nào chứng tỏ rằng làn sóng dân chủ thứ ba sẽ ngưng lại, chúng ta có cơ sở để tin rằng làn sóng dân chủ thứ ba là chu kỳ cuối cùng của cuộc cách mạng dân chủ toàn cầu. Và theo cách nói của Bá Tước Alexis de Tocqueville, thì cuộc cách mạng dân chủ toàn cầu mang môt ý chí thiêng liêng của Thượng Đế để kiến tạo một thế giới nhân bản trong đó mọi con người có quyền bình đẳng trước mọi cơ hội và điều kiện để phát huy hết những tiềm năng của mình để sống một cuộc sống xứng đáng với tư cách là một con người theo ý của Thượng Đế. Đây chính là cuộc hành trình gian nan hai thế kỷ của nhân loại về hướng dân chủ và là một xu thế lịch sử có tính Thiên Định không thể đảo ngược.
Lịch sử – về phương diện triết lý – là một dòng vận động liên tục không đứt đoạn có tính tiếp nối giữa quá khứ và hiện tại để đưa xã hội tiến tới một tương lai tự do tốt đẹp hơn. Đây là một quy luật, và kể từ năm 1945 đến năm 2011, tức 66 năm, tiến trình dân chủ hoá tại Việt Nam cũng trải qua ba chu kỳ lên xuống song song với các giai đoạn suy vong và hưng thịnh của đất nước. Muốn biết chúng ta đang tiến tới đâu và ở giai đoạn nào của tiến trình dân chủ đang diễn ra tại Việt Nam và trên thế giới, hãy ôn lại quá khứ và quan sát thật kỹ những gì đang diễn ra tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay.
Làn Gió Dân Chủ Thứ nhất Tại Việt Nam
Tiến trình dân chủ hoá Việt Nam khởi đầu bằng một làn gió dân chủ do một biến cố lịch sử mang lại. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945 và trao trả độc lập cho Việt Nam, Hoàng Đế Bảo Đại đã huỷ bỏ Hiệp Ước Bảo Hộ ký với Pháp năm 1884 và tuyên bố Việt Nam là một quốc gia độc lập qua Bản Tuyên Ngôn Độc Lập do Nhà Vua ký và công bố ngày 11-3-1945. Tiếp theo đó, Vua Bảo Đại chỉ định Cụ Trần Trọng Kim lập chính phủ để điều hành đất nước thay thế cho triều đình quân chủ đương thời. Ngày 17-4-1945, Cụ Trần Trọng Kim đã trình lên Vua Bảo Đại danh sách các thành viên của nội các gồm 11 người, và được Hoàng Đế Bảo Đại chấp thuận. Ngày 19-4-1945, Chính Phủ Trần Trọng Kim ra mắt quốc dân. Đây là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập gồm những trí thức khoa bảng tân học, những nhân tài có uy tín và nổi tiếng nhất đương thời như Gs Hoàng Xuân Hãn, Ls Vũ văn Hiền, Ls Phan Anh, Bs Hồ Tá Khanh, Bs Vũ Ngọc Ánh, Ks Lưu văn Lang… Và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, người cầm đầu chính phủ có danh xưng là thủ tướng và các thành viên trong chính phủ mang danh xưng là bộ trưởng. Đây là hình thức chính phủ của một chính thể dân chủ đương thời trên thế giới. Sự kiện lịch sử trên đây đã chứng minh chính Hoàng Đế Bảo Đại là người xoá bỏ chế độ quân chủ đã tồn tại hàng ngàn năm tại Việt Nam và đặt nền tảng đầu tiên cho thể chế cộng hoà dân chủ tại Việt Nam sau này.
Vua Bảo Đại là một người thông minh. Ông đã du học mười năm tại Paris, nơi đưọc coi là thủ đô của ánh sáng văn minh. Ông học tại Lycée Condorcet và trường cao đẳng chính trị danh tiếng của Pháp là Sciences Po (École libre des Sciences Politiques). Chắc chắn trong thời gian du học tại Pháp, Nhà Vua thông minh này đã hấp thụ được những tư tưởng dân chủ, tự do của John Locke, Jean-Jacques Rousseau, Montesquieu, Voltaire… để áp dụng vào Việt Nam sau này. Vua Bảo Đại là một người yêu nước với tinh thần phóng khoáng. Ông đã để lại một câu nói đi vào lịch sử: “Trẫm thà làm công dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”. Do đó, khi chỉ định Cụ Trần Trọng Kim làm thủ tướng để lập chính phủ, Vua Bảo Đại đã đặt nền tảng đầu tiên cho một chính thể quân chủ lập hiến, một thể chế chính trị mà những nước dân chủ hàng đầu trên thế giới hiện nay như Anh, Đan Mạch, Thuỵ Điển…đang áp dụng.
Nền độc lập mà Nhật trao trả cho Việt Nam vẫn còn là một nền độc lập không đầy đủ. Tuy nhiên, trong một thời gian khó khăn, ngắn ngủi của bốn tháng tồn tại, từ 19-4-1945 đến 19-8-1945, Chính Phủ Trần Trọng Kim đã làm được một số việc quan trọng như thâu hồi Nam Kỳ và ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng từ tay người Nhật; Việt Nam hoá gưồng máy hành chánh; cải tổ chương trình giáo dục bậc tiểu học và trung học; chương trình này đưọc áp dụng ngay từ niên học 1945-1946, và tổ chức cứu đói tại Miền Bắc. Ngoài ra, trong chương trình làm việc của Chính Phủ Trần Trọng Kim có một dự án quan trọng: “Soạn thảo một hiến pháp đợi đến khi bầu được một quốc hội lập hiến sẽ mang ra thảo luận”. Nhưng dự án chuẩn bị cho tiến trình dân chủ này không thực hiện được bởi vì Chi Bộ Cộng Sản Việt Nam của Đệ Tam Quốc Tế đã nổi lên cướp chính quyền của Chính Phủ Trần Trọng Kim bằng “bạo lực cách mạng vô sản” tức bằng khủng bố vào ngày 19-8-1945 mà chúng dán cho cái nhãn hiệu là “Cuộc Cách Mạng Mùa Thu”.
Những điều trình bày trên đây đã chứng minh rằng Hoàng Đế Bảo Đại và Thủ Tướng Trần Trọng Kim, đã lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mang lại một làn gió dân chủ cho đất nước. Làn gió dân chủ này có thể coi như tương đương với làn sóng dân chủ thứ nhất trên thế giới kéo dài hơn một trăm năm và chỉ dân chủ hoá được 12 quốc gia. Mặc dù bị làn sóng độc cộng sản của Đệ Tam Quốc Tế đẩy ngược lại vào ngày 19-8-1945, nhưng làn gió dân chủ đầu tiên này vẫn là tiền đề cho những làn sóng dân chủ tiếp theo sau tại Việt Nam.
Làn Sóng Dân Chủ Thứ Hai Tại Việt Nam
Làn sóng dân chủ thứ hai tại Việt Nam bắt đầu ngày 26-10-1955, khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm – người được tín nhiệm trong cuộc trưng cầu dân ý giữa Thủ Tướng Ngô Đình Diệm và Hoàng Đế Bảo Đại được tổ chức ngày 23-10-1955 – tuyên bố Việt Nam là một nước Cộng Hoà. Đúng một năm sau đó, Quốc Hội Lập Hiến của Việt Nam Cộng Hoà đã thông qua Bản Hiến Pháp đầu tiên trong đó ghi rõ Việt Nam là một nước Cộng Hoà. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ký luật ban hành bản hiến pháp này vào ngày 26-10-1956. Kể từ đó, ngày 26-10 hàng năm được chọn là ngày quốc khánh của Việt Nam Cộng Hoà.
Làn sóng dân chủ thứ hai diễn ra tại Việt Nam song song với làn sóng dân chủ thứ hai diễn ra trên thế giới từ năm 1943 đến năm 1974. Trong làn sóng dân chủ thứ hai này, chỉ có 18 quốc gia chuyển sang chế độ dân chủ, nâng tổng số các quốc gia dân chủ trên thế giới lên thành 30 quốc gia. Việt Nam Cộng Hoà là một trong số 30 quốc gia dân chủ đầu tiên trên thế giới. Trong vùng Đông Bắc Á và Đông Nam Á chỉ có hai quốc gia đã chuyển sang chế độ dân chủ trong làn sóng dân chủ thứ hai là Nhật Bản, năm 1952 và Việt Nam Cộng Hoà, năm 1954. Tất cả các nước khác trong vùng chỉ chuyển sang chế độ dân chủ trong làn sóng dân chủ thứ ba như Phi Luật Tân, năm 1986; Nam Hàn, năm 1987; Đài Loan, năm 1992; Nam Dương, năm 1999…
Việt Nam Cộng Hoà là chính thể dân chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Bằng lá phiếu tự do, người dân Miền Nam đã thiết lập được một chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân. Chính quyền Việt Nam Cộng Hoà được xây dựng trên những cơ sở pháp lý tiến bộ nhất của nhân loại văn minh gồm ba ngành hành pháp, tư pháp và lập pháp độc lập vói quyền lực cân bằng và kiểm soát lẫn nhau nhằm ngăn chặn mầm mống độc tài phát sinh. Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một nhà ái quốc, đã suốt một đời tranh đấu vì độc lập và dân chủ cho Việt Nam. Ông là người đã khai sinh ra chính thể cộng hoà tại Việt Nam. Khi nghe tin Tổng Thống Diệm bị ám hại chết ngày 2-11-1963, Tổng thống Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc đã phát biểu: “Phải một trăm năm nữa Việt Nam mới có được một nhà lãnh đạo như Tổng Thống Ngô Đình Diệm”.
Chỉ trong một thời gian tương đối ngắn 20 năm, lại bị cuộc chiến tranh du kích của Việt Cộng phá hoại triền miên từng giây, từng phút, từng giờ…, Miền Nam Việt Nam, với hai nền Đệ I và Đệ II Cộng Hoà còn non trẻ, đã đạt được những thành quả rất khích lệ về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá và giáo dục. VNCH được thế giới công nhận là một quốc gia dân chủ đang phát triển; người dân có một cuộc sống hạnh phúc và tự do với đầy đủ nhân quyền và dân quyền. Và một lần nữa, làn sóng độc cộng sản, kẻ thù của dân chủ và tự do, lại nổi lên. Với sự yểm trợ và tiếp vận của khối Xô Viết, Cộng sản Miền Bắc đã mở một cuộc xâm lăng vượt biên giới, chiếm đóng lãnh thổ VNCH một cách phi pháp và xoá đi những thành quả dân chủ mà toàn dân Miền Nam đã xây dựng được trong 20 năm. Đây là lần thứ hai, Chi Bộ Cộng Sản Việt Nam của Đệ Tam Quốc Tế đã phạm tội phá hoại tiến trình dân chủ hoá của dân tộc Việt Nam.
Làn Sóng Dân Chủ Thứ Ba Tại Việt Nam
Làn sóng dân chủ thứ ba tại Việt Nam bắt đầu ngay sau khi Việt Cộng xâm lăng và chiếm được VNCH trong ngày 30-4-1975. Trong cuộc xâm lăng phi pháp này, Việt Cộng chỉ chiếm được lãnh thổ nhưng không chiếm được lòng người dân Miền Nam. Ngay sau khi chiếm được Miền Nam, Băng Đảng Việt Cộng đã thiết lập một chính quyền độc tài toàn trị để đàn áp, khủng bố và cướp bóc đồng bào Miền Nam một cách dã man chưa từng có trong lịch sử đất nước.
Hai mươi năm sống dưới chính thể dân chủ của VNCH, người dân Miền Nam được hưởng đầy đủ những quyền công dân về chính trị và tự do dân sự. Những giá trị của dân chủ và tự do đã in sâu vào tâm thức của họ. Do đó, phản ứng tự nhiên của đồng bào Miền Nam là quyết liệt chống lại chế độ độc tài cộng sản. Sự chống đối này đã hình thành một làn sóng dân chủ thứ ba tại Miền Nam, tiếp nối hai làn sóng dân chủ trước đây.
Bắt đầu từ Miền Nam, làn sóng dân chủ thứ ba đã phát triển thành một phong trào dân chủ có tầm vóc quy mô trên toàn quốc với sự tham gia của mọi thành phần xã hội như nông dân, công nhân, thanh niên, sinh viên, học sinh, giới trí thức trẻ và ngay cả những người cộng sản đã thức tỉnh như cựu chủ tịch quốc hội cộng sản Nguyễn Văn An cũng đòi thay đổi hệ thống tức thay đổi chế độ. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các tôn giáo và các đồng bào sắc tộc Miền Cao Nguyên Trung Phần và Miền Thượng Du Bắc Việt. Tóm lại, làn sóng dân chủ thứ ba tại Việt Nam hiện nay là phong trào dân chủ do toàn dân Việt Nam trong nước chủ trương phát động và được ba triệu đồng bào hải ngoại tích cực yểm trợ.
Phong trào dân chủ trong nước đã tiến thêm một bước nữa để trở thành một phong trào chính trị công khai thách thức chế độ Việt Cộng với việc thành lập các tổ chức và đảng phái chính trị. Ngày 6 tháng 4 năm 2006, 116 nhà tranh đấu cho dân chủ đã ký và công khai phổ biến “ Lời Kêu Gọi cho Quyền Thành Lập và Hoạt Động Đảng Phái tại Việt Nam”. Ngày 8 tháng 4 năm 2006, 118 nhà dân chủ trong nước đã ký và công bố “Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam”. Cùng với bản tuyên ngôn này, Khối 8406 – một tổ chức chính trị – được thành lập. Tại Hải ngoại, hiện đang có nhiều văn phòng đại diện cho Khối 8406. Đảng Thăng Tiến được thành lập ngày 8 tháng 9 năm 2006. Đảng Dân Chủ – một đảng chính trị bị đảng cộng sản giải tán năm 1988 – đã phục hoạt lại kể từ ngày 1-6-2006.
Đứng trước sự phát triển vững mạnh của phong trào dân chủ trong nước, Việt Cộng đã phản ứng điên cuồng bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế. Chúng bắt giam, câu lưu, thẩm vấn, khủng bố, bỏ tù, quản thúc tại gia những gương mặt tranh đấu cho dân chủ nổi tiếng như Hoà Thương Thích Quảng Độ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Cụ Lê Quang Liêm, Bs Nguyễn Đan Quế và giới trí thức trẻ tiêu biểu như Lê Công Định, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Đài, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang, Đỗ Nam Hải, Trần Khải Thanh Thuỷ…, và mới đây nhất, trong một phiên toà kangaroo ngày 4-4-2011 tại Hà Nội, chúng đã kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế đối với Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, con trai của một công thần hàng đầu của chế độ, Ô. Cù Huy Cận. Hành động man rợ này đã gây phản ứng trên khắp thế giới. Ngày 26-5-2011, tổ chức Human Rights Watch đã phổ biến một báo cáo gồm 59 trang có tựa đề: “Vietnam: Party vs Legal Activist Cu Huy Ha Vu” và yêu cầu Việt Cộng trả tự do ngay tức khắc cho Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ.
Mùa Xuân Ả Rập đang gây lo sợ cho Trung Cộng. Trên trang nhà của tờ Atlantic có phổ biến bài phỏng vấn Ngoại Trưởng Hillary Clinton do ký giả Jeffrey Goldberg thực hiện ngày 10-5-2011 có tựa đề in đậm với khổ chữ lớn: “Hillary Clinton: Chinese System Is Doomed, Leaders on a Fool’s Errand”. Trong cuộc phỏng vấn, khi nói về phong trào dân chủ đang nổi dậy tại Trung Đông và Bắc Phi, nhà báo Jeffrey Goldberg đã hỏi Bà Ngoại Trưởng: “Có phải những người Trung Cộng đang phản ứng một cách lo sợ?” Bà Clinton đã trả lời như sau:
Đúng thế, họ lo sợ. Họ đang lo sợ, và họ đang cố gắng chặn đứng lịch sử, đó là một việc làm tuyệt đối vô ích. Họ không thể làm được việc đó. Nhưng họ đang cố gắng giữ cho việc đó chậm xẩy ra càng lâu chừng nào có thể được. “Well, they are. They’re worry, and they are trying to stop history, which is a fool’s errand. They cannot do it. But they’re going to hold it off as long as possible”.
Những câu trả lời của Ngoại Trưởng Hillary Clinton có thể hiểu như sau: Những người cầm đầu chế độ Trung Cộng đang lo sợ làn sóng dân chủ của Mùa Xuân Ả Rập sẽ tiến vào quyét sạch chế độ của họ. Họ đang cố gắng làm một việc tuyệt đối vô ích là ngăn chặn một xu thế lịch sử không thể đảo ngược của nhân loại đang tiến về dân chủ. Họ không thể làm được việc đó, có nghĩa là chế độ độc tài toàn trị Trung Cộng sẽ sụp đổ. Họ đang cố kìm giữ cho chế độ này chậm sụp đổ lâu chừng nào có thể được, có nghĩa là sự sụp độ của chế độ Trung Cộng chỉ là vấn đề thời gian. Là những người chuyên chính vô sản coi thường sinh mạng của dân, những thủ lãnh Trung Cộng không sợ một cuộc chiến tranh nguyên tử nhưng lại rất sợ làn sóng Dân Chủ.
Ký giả Jeffrey Goldberg viết tiếp: Những câu nói quả quyết của Ngoại Trưởng Clinton về sự sụp đổ chắc chắn của hệ thống Trung Cộng đã gợi lại trong trí nhớ những câu nói tương tự của Tổng Thống Reagan đã nói với Richard V. Allen năm 1977 về mục đích của Hoa Kỳ trong Cuộc Chiến Tranh Lạnh: “Ý kiến của tôi về chính sách của Hoa Kỳ đối với Liên Bang Xô Viết là giản dị, và có thể nói là rất giản dị,” Reagan nói. “Đó là thế này: Chúng ta thắng và họ thua.” “My idea of American policy toward The Soviet Union is simple, and some would say simplistic,” Reagan said. “It is this: We win and they lose.”
Chắc chắn “những đỉnh cao trí tuệ của loài người” của “đảng ta” ở Ba Đình phải biết đến bài phỏng vấn trên đây. Chúng phải tự hỏi: Liệu Bắc Kinh có còn là chỗ dựa và nơi dung thân cho chúng khi “sự cố” xẩy đến?
Mùa Xuân Ả Rập của làn sóng dân chủ thứ ba trên thế giới đang gây hiệu ứng quả bóng tuyết (snowballing effect) tới làn sóng dân chủ thứ ba tại Việt Nam để quét sạch chế độ Việt Cộng. Đây là một xu thế lịch sử có tính Thiên Định. Việt Cộng không thể chống lại được bởi vì chống lại dân chủ là chống lại ý dân, tức chống lại Trời (lutter contre Dieu). Việt Cộng chỉ còn hai lựa chọn: Hoặc trả lại quyền làm chủ đất nước cho toàn dân Việt Nam; hoặc bị lịch sử thanh toán. Đây là con đường hẹp một chiều của lịch sử; không còn đường nào khác. Nếu những tên đầu sỏ Việt Cộng, một lũ sâu dân mọt nước – mà cái bản mặt ác ôn, tay sai ngoại bang của chúng đã bị đồng bào cả nước chiếu tướng – còn tiếp tục ngoan cố, không sớm từ bỏ độc quyền thống trị đất nước một cách phi pháp, cơn phẫn nộ của lịch sử sẽ khốc liệt và đẫm máu. Tóm lại, chúng ta đang ở chu kỳ cuối cùng của tiến trình dân chủ hoá đất nước. Bắt chước quan thày Trung Cộng của chúng, Việt Cộng đang cố gắng chống lại lịch sử bằng cách chống lại tiến trình dân chủ hoá đất nước, nhưng – cũng như quan thày của chúng – chúng không thể làm được. Chúng đang làm những chuyện tuyệt đối vô ích (fool’s errand), những trò hề như cuộc bầu cử ngày 22-5-2011 vừa qua. Với những người còn nghi ngờ, xin nhớ lại câu châm ngôn này “Đừng bao giờ nói: Không bao giờ”.
Đỗ Ngọc Uyển
(Khoà 4 Thủ Đức/ Binh Chủng TT)
Tháng 6 năm 2011
Morgan Hill, California
Tài liệu tham khảo:
- http://fr.wikisource.org/wiki/De_la_democratie_en_Amerique – De la Democratie en Amérique par Alexis de Tocqueville.
- https:// netfiles.uiuc.edu/fesnic/241/Huntington_Third_Wave.pdf – Democracy’s Third Wave by Samuel P. Huntington.
- http://www.wesjones.com/eoh.htm – The End of History by Francis Fukuyama.
- http://freedomhouse.org/template.cfm?page=70&release=1310 – Freedom in the World 2011: The Authoritarian Challenge to Democracy
- http://www.scaruffi.com?politics/democrat.html – Democratic regimes and when they became democratic by Piero Scaruffi
- Một Cơn Gió Bụi – của Trần Trọng Kim
- http://huongduongtdx.com/haibantuyenngon.pdf – Hai Bản Tuyên Ngôn Độc Lập – của Phạm Cao Dương
- http://online.wsj.com/article/SB10001420527487055604044576188981…- Is China Next? By Francis Fukuyama
- http://www.theatlantic.com/international/print/2011/05/hillary-clinton – Hillary Clinton: Chinese System Is Doomed, Leaders on a Fool’s Errand – By Jeffrey Goldberg
- http://www.vantholacviet.org/news/7/thamluan – Triển Vọng Chiến Thắng Cộng Sản của Người Quốc Gia – của Cung Trầm Tưởng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét