Ông Đỗ Phú Thọ kính mến!
Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu trong khu vực về phát triển internet, với 28 triệu thuê bao, với hàng vạn blog cá nhân, cách đây vài tháng tôi cũng đã lập được một blog cho riêng mình. Blog của tôi mới lập chưa có nhiều thông tin nhưng cũng có đủ các loại hình tranh ảnh, bài viết, thơ văn tự sáng tác,…Khả năng viết lách còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm nhưng bù lại được đứa con giúp cho trang trí, quảng bá blog nên trang của tôi tuy mới lập cũng có khách viếng thăm. Có vài lời bình về thơ tôi nhưng na ná giống nhau vì họ đều nhận xét thơ của tôi là thơ “con cóc”, còn với văn xuôi thì họ chỉ đọc mà chưa có lời bình nào. Mặc dù vậy tôi vẫn tự hào là mình nằm trong số hàng vạn người có blog cá nhân trên 85 triệu dân Việt Nam. Tôi biết, để viết được những bài viết hay thì ngoài khả năng cần phải chịu khó đọc nhiều. Không hiểu sao dù mù tịt về chính trị nhưng tôi lại rất khoái loại văn chính luận. Do vậy tôi đã, đang là độc giả “thường xuyên” của tờ QĐND và tất nhiên là của ông vì ông là tác giả của nhiều bài chính luận. Tôi thường đọc nghiến ngấu, đọc đi đọc lại các bài chính luận của ông đăng trên tờ QĐND và thấy chúng thật là “hùng hồn”, “đanh thép”. Mỗi bài giống như một “nhát búa tạ” giáng vào các “thế lực thù địch” khiến chúng chẳng có lấy được một lời nào cãi lại.
Ngày 19/6 vừa qua bài viết “Không thể xuyên tạc và phủ nhận quyền tự do báo chí ở Việt Nam”(*) của ông đăng trên tờ QĐND cũng được tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Đây là bài viết nhằm phản bác lại luận điệu của các “thế lực thù địch” đã “vu vạ” rằng ở Việt Nam không có tự do báo chí, xếp hạng tự do báo chí ở Việt Nam trong tốp cuối và chào mừng ngày nhà báo Việt Nam 21/6. Đọc bài này ngoài sự “thán phục” với ông, trong đầu tôi còn nảy sinh một “ý tưởng” và xin trình bày đầu đuôi để ông rõ. Vợ tôi dù không có ảnh gửi kèm để ông xem nhưng tôi xin khẳng định, đảm bảo rằng nàng có nhiều nét đẹp. Chẳng hạn như dáng người thanh tú, nước da trắng, mắt bồ câu lại còn ăn nói có duyên nữa. Khổ nỗi! Mọi người hàng phố xung quanh lại có nhận xét ngược lại. Họ bảo rằng dáng nàng ục ịch, da đen, mắt lồi, ăn nói thì cục cằn. Đã thế họ còn thống nhất xếp nàng vào diện xấu nhất, nhì khu phố nữa. Tôi đã nhiều lần cãi lại việc “đánh giá bất công” đó nhưng họ cậy số đông bảo rằng tôi “cùn”, cãi chày, cãi cối nên đành bấm bụng nhẫn nhục chờ thời. Ngày mai là sinh nhật vợ tôi. Lần sinh nhật này, ngoài quà tôi còn muốn viết một bài trên trang blog cá nhân để tặng nàng nữa. Đọc bài của ông khiến tôi quyết định chọn loại hình bài viết là chính luận với “mô típ”hao hao như bài của ông. Với kiểu bài viết này tôi sẽ đạt được các mục đích : phản bác, công kích “cánh hàng phố” đã nhận xét sai về nàng đồng thời là món quà tặng nhân ngày sinh nhật. Tôi cũng chưa rõ liệu viết như thế có gọi là đạo văn không? Nếu có, mong ông thông cảm và cũng yên tâm vì blog của tôi mới lập ít người biết, vả lại viết bài này cũng chỉ để cho mấy gã hàng phố xung quanh và nàng đọc thôi. Sau đây là bản thảo bài viết
Không thể xuyên tạc và phủ nhận những nét đẹp của vợ tôi
Một người đàn bà hiền dịu, duyên dáng, có dáng người đẹp đã được chồng con công nhận. Vậy mà vẫn có người không nhận ra hoặc cố tình không nhân ra và cho rằng cô ấy vô duyên, dáng người không đẹp. Một người đàn bà có nước da trắng trẻo, đôi mắt bồ câu. Thế mà cũng có người xuyên tạc rằng da bà ta đen, mắt bà ta lồi. Người đàn bà đó chính là nàng- Người vợ thân yêu của tôi.
“Không có phụ nữ xấu chỉ có phụ nữ không biết trang điểm”. Thấm nhuần ý nghĩa của câu này hàng ngày tôi đã không ngần ngại dành thời gian, tiền của để nàng trang điểm, mua mỹ phẩm. Tôi thường xuyên nói với các con trai thực ra là đề ra để chúng phải thực hiện “Trong nhà mẹ là người đàn bà duy nhất, là phái đẹp do vậy bố con ta phải tạo mọi điều kiện cho mẹ trang điểm để làm đẹp cho mẹ và cho cả nhà”. Chủ trương này nhiều nhà hàng xóm cạnh tôi chưa chú trọng thậm chí chưa được biết tới.
Trong những năm gần đây ngoài việc dành thời gian, tiền bạc cho nàng trang điểm tôi cũng chi tiền và khuyến khích nàng tới cả những câu lạc bộ thể thao, thẩm mỹ để nàng khỏe, có thân hình và dáng người đẹp.
Tôi đã không tiếc tiền xin cho nàng được kết nạp vào hội những người đẹp của khu phố.
Những người cho rằng da vợ tôi đen, mắt vợ tôi to có lẽ họ chưa thấy rõ mặt vợ tôi vì nàng khi đi ra ngoài sợ bụi thường trùm khăn kín mít, đeo kính râm.
Lại có ý kiến cho rằng muốn đẹp phải được nhiều người công nhận. Xin thưa lại rằng điều cốt yếu nhất để công nhận một người phụ nữ đẹp là được chồng con thừa nhận, biết trang điểm. Trong gia đình tôi, nàng đã hội đủ những điều kiện đó.
Vợ tôi đã, đang và sẽ đồng hành với tôi trong cuộc sống gia đình tới đầu bạc răng long.Nàng là người đẹp đã được tôi cùng các con công nhận. Đó là thực tế hiển nhiên không thể xuyên tạc và phủ nhận.
Tha thiết mong ông (một người có thâm niên viết văn chính luận) góp ý sửa chữa giùm cho bài viết của tôi (một kẻ mới tập tọe trong nghề nhưng lại rất “hâm mộ” ông).
Chúc ông khỏe để lại tiếp tục cho “ra lò” những bài chính luận “hùng hồn”, “đanh thép” mới.
6/ 2011 TRẦN HOÀNG LAN
Chú thích:
(*) Đỗ Phú Thọ- Không thể xuyên tạc và phủ nhận quyền tự do báo chí ở Việt Nam
Một quốc gia độc lập, tất cả công dân đều có quyền tự do trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Quyền tự do này đã được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật và được thực thi trong thực tiễn. Vậy mà vẫn có người không hiểu hoặc cố tình không hiểu cho rằng, ở đó không có tự do báo chí. Một quốc gia có tốc độ phát triển internet vào loại nhanh nhất thế giới, thế mà cũng có người xuyên tạc rằng “internet đã bị hạn chế ở đây”. Quốc gia nói trên chính là đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Hiến pháp, luật cơ bản và có hiệu lực pháp lý cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí , có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mọi công dân được thực thi trong cuộc sống theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành Luật Báo chí, Luật Xuất bản và Chính phủ cũng đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho báo chí Việt Nam phát triển.
Điều 2 của Luật Báo chí ghi rõ: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng”. Điều 4 của Luật Báo chí cũng khẳng định, mọi công dân Việt Nam đều có quyền “Tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và các tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”.
Như vậy, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam đã được bảo đảm bằng hệ thống pháp luật chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch. Điều này, nhiều nước trên thế giới chưa có được.
Trong mấy năm gần đây, báo chí Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc về loại hình và số lượng cơ quan báo chí, bao gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Đến nay, cả nước có khoảng 750 cơ quan báo chí với hàng nghìn ấn phẩm (bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài). Đó là chưa kể tới hàng nghìn trang thông tin điện tử, hàng vạn blog của cá nhân… Các cơ quan báo chí ở Việt Nam đều được pháp luật bảo hộ, đều có đầy đủ các thông tin cần thiết bảo đảm cho mọi công dân đều có thể gửi tin, bài, ảnh, tác phẩm báo chí cho tòa soạn. Khác với một số tờ báo của nước ngoài, báo chí Việt Nam một mặt thông tin đầy đủ, chính xác mọi mặt hoạt động của xã hội, một mặt là diễn đàn của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Báo chí Việt Nam là nơi để công dân Việt Nam và cả bạn bè quốc tế bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Báo chí Việt Nam còn là kênh phản biện quan trọng về những chủ trương chính sách kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Thực tế, thời gian qua nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, qua sự phản biện của báo chí đã giúp cho các cơ quan của Nhà nước thay đổi chính sách, thận trọng trước khi quyết định như: Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, dự án thay nước Hồ Tây, dự án xây dựng khách sạn ở Công viên Thống Nhất (Hà Nội), xây dựng đường trục Thăng Long…
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà báo, Việt Nam có Hội Nhà báo Việt Nam và các tổ chức Hội Nhà báo các địa phương với hàng vạn hội viên. Hội Nhà báo Việt Nam là thành viên của Hội Nhà báo quốc tế (OIJ) và Liên đoàn Báo chí ASEAN (CAJ) trong nhiều năm qua, tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của báo chí khu vực và thế giới.
Những người cho rằng “ở Việt Nam, internet bị hạn chế, bị ngăn cấm” có lẽ họ chưa đến Việt Nam hoặc chưa biết rằng, Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu trong khu vực về phát triển internet, với hệ thống hạ tầng ngày càng hiện đại, phát triển đến mọi vùng đất nước, với hơn 28 triệu thuê bao (chiếm 31,5% dân số). Nghị định số 55/2001/NĐ-CP, ngày 23-8-2001 của Chính phủ Việt Nam đã quy định: “Không ai được ngăn cản quyền sử dụng hợp pháp các dịch vụ internet…”. Thực tế tại Việt Nam đã khẳng định Nhà nước Việt Nam không ngăn cấm internet. Chúng ta chỉ ngăn cấm những tổ chức và cá nhân nào lợi dụng internet để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; gây rối loạn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và các vi phạm pháp luật khác của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Lại có ý kiến quy chụp rằng “Phải có báo tư nhân mới là biểu hiện cụ thể của tự do báo chí”. Xin thưa lại với những tác giả của những ý kiến này rằng: Điều căn bản cốt yếu nhất của tự do báo chí là báo chí có thực sự là diễn đàn phản ánh chân thực, đầy đủ được tiếng nói của mọi người dân, trên mọi phương diện của đời sống hay không. Những tờ báo hiện nay của các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị, xã hội, tổ chức nghề nghiệp… ở Việt Nam đã phản ánh đầy đủ những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của tất cả các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, việc ra báo tư nhân là không cần thiết. Mặt khác, không phải cứ có báo tư nhân mới có tự do báo chí.
Báo chí Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, cùng nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quyền tự do báo chí của người dân Việt Nam, của các nhà báo Việt Nam được pháp luật và Nhà nước bảo hộ. Đó là thực tế hiển nhiên không thể xuyên tạc và phủ nhận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét