Pages

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

HOA KỲ VÀ TRUNG CỘNG ĐI ĐẾN CHIẾN TRANH ?

Ngày hôm nay, trước những biến cố dồn dập trên thế giới, từ những cuộc cách mạng tự do, dân chủ ở Trung Đông, Bắc Phi, mà có người cho rằng ít hay nhiều đều có sự giúp đỡ gián tiếp hay trực tiến của Hoa Kỳ, và có hại cho Trung Cộng, vì Trung cộng như bị chặt chân chặt tay về những cơ sở thương mại của mình mới thành lập; qua những biến cố ở biển Đông Nam Á, tới lời tuyên bố gần đây của bà Ngoại trưởng Hoa kỳ Hillary Clinton, theo đó: “ Trung cộng bắt bớ những nhà đấu tranh cho dân chủ, ngăn cấm quyền tự do, chỉ làm cản trở lịch sử và đó chỉ là hành động của một thắng hề. “ Những sự kiện đó, có người cho rằng Hoa Kỳ và Trung cộng sẽ đi đến chiến tranh. Có người chủ trương ngược lại.

Chúng ta nghĩ thế nào ?

Quan niệm cho rằng Hoa Kỳ và Trung cộng sẽ đi đến chiến tranh:

Có 3 nguyên do chính đưa đến sự kiện làm cho một số người quan niệm rằng nhất định có chiến tranh giữa Trung cộng và Hoa kỳ: Quốc gia duy nhất ngày hôm nay thách thức vai trò độc tôn của Hoa Kỳ trên thế giới là Trung cộng; Sự tăng trưởng kinh tế gần đây của Trung cộng; và một khi kinh tế tăng trưởng thì sẽ đưa đến sự hình thành một đế quốc; Chính sách ngoại giao của Trung cộng.

Không ai chối cãi rằng ngày hôm nay quốc gia duy nhất thách thức vai trò độc tôn của Hoa Kỳ trên thế giới, sau khi đế quốc cộng sản Liên sô sụp đổ, đó là Trung cộng. Thêm vào đó, trục kinh tế thế giới đã chuyển sang châu Á Thái Bình Dương, mà trong kinh tế, vấn đề vận chuyển hàng hóa, đặc biệt bằng hàng hải, là một trong những khâu chính của kinh tế. Vì vậy, biển Đông Nam Á giữ vai trò quan trọng. Đó là chưa nói nó ngầm chứa dầu hỏa và những năng lượng cùng những khóang sản khác, mà quốc gia nào cũng muốn giành quyền khai thác.

Quan niệm nhất định có chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung cộng trở nên mạnh mẽ với những người lãnh đạo bảo thủ Trung cộng, còn quá bị tiêm nhiễm bới tư tưởng của Marx, cho rằng lịch sử là lịch sử của bạo động và của đấu tranh giai cấp, ở mức độ trong một quốc gia cũng như ở mức độ giữa những quốc gia với nhau. Cộng thêm, một tư tưởng xưa của người Tàu : ” Hữu nhân, tất hữu dục. Hữu dục, tất hữu tranh. Hữu tranh, tất hữu chiến.”, (Có con người là có lòng ham muốn. Có lòng ham muốn là có tranh giành. Có tranh giành là có chiến tranh).

Lý do thứ nhì, đó là sự tăng trưởng kinh tế của Trung cộng trong mấy thập niên nay và từ đó, cho rằng Trung cộng sẽ trở nên một đế quốc tranh giành ảnh hưởng với bất cứ đế quốc nào khác. Thực ra quan niệm: ” Có tiền thì có nanh, có vuốt “, cũng chẳng xa lạ gì với chúng ta; nhưng gần đây với nhà kinh tế Paul Kennedy, trong quyển sách mang tựa đề ” Sự Hưng vong của những đại cường quốc ” (The Rise and Fall of the great powers), đã hệ thống hóa tư tưởng này (1).

Thêm vào đó, gần đây nhất, 2 nhà nghiên cứu về Trung cộng, ông Peter Novarro và ông Greg Autry cho ra quyển sách mang tựa đề Chết dưới tay Trung Cộng, (Death bay China) (deathbychina.com) đã lên tiếng báo động rằng thế giới sẽ lâm vào tình trạng như thời Đệ Nhị thế Chiến, với Đức quốc xã.

Theo hai ông: ” Hòa bình, thịnh vượng và sức khỏe thế giới đang đối mặt với mối đe dọa lớn nhất kể từ thời Đức quốc xã: Một đảng cộng sản Tàu hùng mạnh, giầu có, tham nhũng, thối nát và tàn bạo với chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang trở nên mỗi ngày một mạnh.”

Hai ông tiếp:

” Họ (Trung cộng) đang nhắm tới các chiến lược công nghiệp và tìm mọi cách để những công nghiệp này được phát triển ở Trung cộng, gây tổn hại cho các công nghiệp đó ở ngay nước Mỹ, qua những chương trình trợ cấp xuất khẩu trái phép, thao túng thị trường tiền tệ, làm hàng giả, ăn cắp tài sản trí thức; để cho môi trường bị ô nhiễm và hủy hoại; bằng cách kìm hãm lương người thợ, làm cho tiêu chuẩn an toàn sức khỏe lao động ở mức độ thấp nhất, để làm cho không ai có thể cạnh tranh; và bằng cách tạo ra hàng rào ngăn cản để cho thị trường trung Cộng không có thể ai vào được.”

Lý do thứ ba, đó là đường lối ngoại giao của Trung cộng :

Mặc dầu về ngoại giao, Trung cộng không bao giờ mặt đối mặt, trực diện đương đầu với Hoa Kỳ ; nhưng trên thực tế, Trung cộng luôn luôn tìm cách xúi dục các nước đàn em, hay những tổ chức khủng bố ngầm chống Hoa Kỳ.

Người ta có thể nói đường lối ngoại giao này có từ thời cộng sản Lénine và nhất là với Staline. Những sự kiện lịch sử của Hội Nghị Yalta, mà nhiều người cho rằng đó là hội nghị chia đôi thế giới vào lúc sắp tàn Đệ Nhị Thế Chiến, giữa Rosevelt, Staline, Churchill, còn đó. Trong hội nghị, thì Staline không bao giờ tỏ ra chống đối Rosevelt, mà ngược lại còn nịnh bợ, chiều chuộng ông này ; nhưng trên thực tế thì hoàn toàn làm trái lại. Chẳng hạn như về vấn đề Ba Lan, theo nguyên tắc đã định là nước này phải có bầu cử tự do để dân có quyền chọn người lãnh đạo của mình; nhưng trên thực tế Staline đã xua quân chiếm Balan, đứng đằng sau đảng Cộng sản, nổi lên cướp chính quyền, và không bao giờ có bầu cử tự do.

Ngày hôm nay Trung cộng cũng gần như phần lớn bắt chước đường lối ngoại giao đó.

Có người còn nói, mặc dầu là cường quốc, nhưng Trung cộng không có một đường lối, một chiến lược ngoại giao nhất quán, chỉ là giật gấu, vá vai, có tính chất chống đỡ nhiều hơn.

Thật vậy, đây cũng là bị ảnh hưởng bởi quan niệm cộng sản, tất cả là do Bộ Chính trị quyết định. Hiện nay đương kim ngoại trưởng Trung cộng không có chân trong Bộ Chính trị. Vào thời xưa, của Mao trạch Đông, Đặng tiểu Bình, cũng như thời Staline, Brejnev của Liên Sô, Bộ chính trị chính chỉ là một người. Nhưng ngày hôm nay Bộ Chính trị Trung Cộng chia năm xẻ bảy, không ai có đủ uy tín và tài cán để lấy quyết định. Một thí dụ điển hình là quyết định trở lại tư tưởng Khổng Tử hay không, qua sự việc dựng tượng Khổng Tử cao 9,7 m và nặng mười mấy tấn ở quảng trường Thiên an Môn. Bỗng một hôm gần đây, tượng này bị biến đâu mất, sau đó một tuần lại trở về chỗ cũ. Có nhiều giả thuyết cắt nghĩa sự kiện này. Nhưng giả thuyết cho rằng có sự đấm đá trong Bộ Chính Trị, phe cải cách, đòi từ bỏ tư tưởng Mác Lê Mao, trở về Khổng Tử, phe bảo thủ đòi giữ vững tư tưởng cộng sản, giả thuyết này theo tôi là có lý nhất. Chứ người thường làm sao mà có thể di chuyển một bức tượng khổng lồ như vậy.

Từ đó, nhiều người dẫn lời nói của Ngô Khởi, một nhà tư tưởng quân sự nổi tiếng của Tàu, cách đây cả 2500 năm : « Phàm cái cớ khởi binh có năm : một là tranh danh, hai là tranh lợi, ba là tích ác, bốn là loạn, năm là nhân đói «, suy đoán là chiến tranh giữa Mỹ và Trung cộng không thể nào tránh khỏi, vì nếu chúng ta xét lịch sử cộng sản hiện đại, thì chúng ta thấy nó đúng như vậy. Chẳng hạn như khi Trung cộng dạy cho cộng sản Việt Nam một bài học vào năm 1978, gần như hội đủ 5 điều kiện đó. Cũng như cộng sản Việt nam nhất định đánh vào miền Nam là cũng vậy, mặc dầu chúng cố gói ghém bằng những mỹ từ. Thêm vào đó giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam từ Hồ chí Minh cho tới tay em Lê Duẫn, Lê đức Thọ, còn bị lâm vào cảnh « Con nít bị Nga Tàu xúi ăn cứt gà «. Chính vì vậy mà Nixon, khi nhận xét về chiến tranh Việt Nam, ông có nói : « Trung cộng chống Mỹ tới người Việt Nam cuối cùng. »

Hiện nay, có một số người ca tụng Phạm bình Minh, con trai Nguyễn cơ Thạch, cho rằng ông này có tài cán, có đủ thẩm quyền và quyết định để thương thuyết với Hoa Kỳ và ngoại quốc, vì ông là Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao.

Lầm, vì với đảng cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn là do đảng quyết định, Phạm bình Minh mới chỉ vừa trúng tuyển vào trong thành phần 200 người Ủy viên Trung Ương đảng, với địa vị là dự khuyết, chỉ được ngồi nghe chứ chưa được phát biểu (Theo nội qui của Đảng), nói chi đến lấy quyết định quan trọng về ngoại giao. Ngay cả với thời Nguyễn cơ Thạch ( tên thật là Phạm văn Cương), mặc dầu đứng thứ 7 thứ 8 trong Bộ Chính Trị (thời đó), nhưng quyết định quan trọng là từ Lê Duẫn, Lê đức Thọ. Chẳng hạn như trong cuộc hội đàm về Hiệp định Paris năm 1973, người quyết định chính là Lê đức Thọ, những người như Xuân Thủy, Trưởng Phái đoàn, Nguyễn cơ Thạch, Hà văn Lâu, Phó Trưởng Phái đoàn là chỉ để cho Lê đức Thọ sai vặt. Đấy là chưa nói đến những con người này là những con người bản chất cộng sản, ác ôn, côn đồ, tiểu nhân, khi được thời được thế thì vác mặt lên, khi không gặp thời thì « Lạy ông, lạy ngài « , qụy lụy, chứ chẳng nắm vững về tình hình cũng như chính sách và chiến lược ngoại giao của các cường quốc. Tiêu biểu là Lê đức Thọ, được chính những người cộng sản, đồng đảng của mình đặt cho biệt danh là « Anh Sáu Búa, anh Sáu Tú bà và anh Sáu Hèn « . Anh Sáu là vì đứng 6 trong Bộ Chính Trị, búa là vì chủ trương dùng búa để giết người để tiết kiệm đạn, tú bà là dùng phụ nữ để cống hiến cho Hồ chí Minh, Lê Duẫn, những người khác trong Bộ Chính trị, để mua chuộc, sau đó thì khống chế. Anh Sáu hèn, vì khi « Chiến thắng 1975 «, đang được thời, vảnh mặt lên, ra lệnh cho Đại sứ Pháp là ông Mérillon, phải rời Việt Nam trong 24 tiếng đồng hồ ; sau đó cần đến Pháp thì lại xuống nước, qụy lụy, năn nỉ, như việc xin vào chữa bệnh ở nhà thương Val de Grace ở Paris.

Chính vì hiện nay, ở Trung cộng và ở Việt Nam, đường lối ngoại giao là do đảng cộng sản quyết định, mà trong đó thành phần giáo điều, nhất định bám vào lý thuyết Mác Lê Mao, đã lỗi thời, thanh phần này không ít, nên có người cho rằng chiến tranh giữa Mỹ và Trung cộng là không thể nào tránh khỏi.

Quan niệm ngược lại cho rằng chiến tranh giữa Mỹ và Trung Cộng khó có thể xẩy ra.

Chiến tranh đây, chúng ta phải hiểu nghĩa như thế nào? Chiến tranh ý thức hệ? Chiến tranh kinh tế? Chiến tranh quân sự?

Nếu là chiến tranh ý thức hệ và kinh tế, thì nó đã xẩy ra từ lâu giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Việc Hoa kỳ thiết lập những đài phát thanh, truyền những tin tức trung thực, để phá vỡ bức màn sắt thông tin tuyên truyền lừa dối, bịp bợm dân của Trung cộng; việc Hoa Kỳ tố cáo Trung cộng đàn áp dân, vi phạm nhân quyền, thực thi chính sách diệt chủng với các dân tộc thiểu số, đối với Tây Tạng. Đó là chiến tranh ý thức hệ rồi.

Chiến tranh kinh tế : việc Trung cộng kìm lương người thợ ở mức độ thấp, làm cho hãng xưởng Hoa Kỳ ham nhân công rẻ, đổ sang đầu tư ở Trung cộng, làm cho thiếu công ăn việc làm ở Hoa Kỳ, làm thất nghiệp cao ; thêm nưã Trung cộng còn kìm giá đồng Nhân dân tệ rẻ hơn từ 15 đến 25% so với đồng $, trên giá thị trường, 2 sự kiện này làm cho hàng Trung cộng được sản xuất rẻ và dễ xuất cảng. Đấy là chưa nói tới việc làm hàng giả, sao chép trái phép, làm cho thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ thiệt hại cả trăm tỷ $ một năm. Đó chính là chiến tranh kinh tế.

Tuy nhiên từ chiến tranh ý thức hệ, kinh tế tới chiến tranh quân sự, ở mức độ đại chiến, thì quãng đường còn quá xa, vì chỉ cần 2 lý do chính sau đây:1) Cán cân quân sự giữa Hoa Kỳ và trung cộng còn quá chênh lệch, nhất là về kỹ thuật chiến tranh, về không quân và hải quân; 2) Hoa kỳ muốn khuất phục Trung cộng bằng chiến tranh ý thức hệ và kinh tế, chứ không bằng quân sự, theo kiểu: ” Thứ nhất là công tâm, thứ nhì đến công lương, thứ ba mới tới công thành “( 1)

Thực vậy cán quân quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung cộng còn quá chênh lệch. Không cần nhìn đâu xa, chúng ta chỉ cần nhìn vào ngân sách quốc phòng thì chúng ta rõ: Ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ năm 2010 là 722,1 tỷ $, gấp hơn 5 lần ngân sách quốc phòng của Trung cộng là 134,5 tỷ, đứng hàng thứ nhì; sau đó là Nga với 80 tỷ; rồi tới Nhật bản với 60,6 tỷ; tới Anh ( 56,5 tỷ ;, Pháp (42,6 tỷ) và Đức (41,2 tỷ)-( Theo Le Monde – Bilan stratégique 2011).

Thực ra, trình độ quân sự, khoa học kỹ thuật của Trung cộng hiện nay còn chưa có thể sánh với Liên sô thời sau Đệ Nhị Thế Chiến. Ở đây tôi không thể đi vào chi tiết ; nhưng chúng ta thấy hiện nay Trung cộng còn phải mua hàng không mẫu hạm, máy bay, tầu ngầm và nhiều võ khí khác từ Nga. Đây là một bằng cớ rõ ràng.

Không những Trung cộng về mặt quân sự nói chung, đặc biệt là hải quân, không quân và không gian còn thua xa Hoa kỳ. Đây tôi chỉ cho một con số nhỏ về không gian : Hiện nay có 800 vệ tinh không gian để quan sát, để lấy tin tức về đủ mọi mặt, như khí tượng, quan sát trái đất v.v.., tất nhiên trong đó có quân sự, riêng Hoa Kỳ đã chiếm 400 cái.

Nói như ông Reagan, thời còn cộng sản Liên Sô : « Sức mạnh quân sự Liên sô là chỉ để đàn áp, dọa dân, dọa những tay em và những nước láng giềng. » Ngày hôm nay sức mạnh quân sự của Trung cộng cũng chỉ là vậy.

Hơn thế nữa, nếu có chiến tranh giữa Trung cộng và Hoa Kỳ hay một quốc gia nào trong vùng, làm khuấy động biển Đông Nam Á, thì quốc gia bị thiệt hại nhiều nhất về kinh tế, chính là Trung cộng :

Hiện nay ngoại thương chiếm 1/3 tổng sản lượng quốc gia Trung cộng, gần 2 000 tỷ $, trong đó gần như chỉ có ngoại thương với Hoa Kỳ là thặng dư cao với gần 200 tỷ, và thặng dư với Việt Nam khoảng 13 tỷ, vì Việt Nam nhập cảng của Trung cộng khoảng 19 tỷ, xuất cảng khoảng 6 tỷ.

Hơn thế nữa, hiện nay 80% nhiên liệu tiêu dùng bởi Trung Cộng là do con đường đi từ Trung Đông qua eo biển Malacca. Nếu có chiến tranh, biển Đông Nam Á bị khuấy động, con đường vận chuyển này bị tắc nghẽn, thì Trung cộng không còn con đường nhiên liệu nào để thay thế. Một khi nhiên liệu không có, các hãng xưởng cùng hoạt động kinh tế bị ngừng trệ, thì hậu quả thật to lớn và khó lường.

Chính vì vậy mà có giả thuyết cho rằng không có chiến tranh quân sự to lớn giữa Trung Cộng và Hoa kỳ, vì chính Trung cộng không muốn, khi tiên đoán những hậu quả của nó.

Ngay cả Hoa kỳ cũng vậy, theo thiển ý của tôi, vì nếu chúng ta xét chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Lạnh, đánh xập đế quốc cộng sản Liên sô, thì Hoa Kỳ đã áp dụng chiến lược của Tôn Tử, cũng một nhà tư tưởng quân sự nổi tiếng của Tàu :

« Cho nên người giỏi dùng binh, đuổi quân người mà không phải chiến, hạ thành người mà không phải đánh, hủy nước người mà không phải lâu. »

Trước đó ông có nói :

« Phàm cách dùng binh, lành nước là hạng trên, vỡ nước là hạng kế ; lành quân là hạng trên, vỡ quân là hạng kém… Không đánh mà khuất phục được quân người, ấy là người giỏi trong những người giỏi. » ( Tôn Ngô Binh pháp – Thiên Mưu công – do Ngô văn Triện dịch).

Quả chiến thắng của Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Lạnh là một chiến thắng to lớn. Và theo tôi nghĩ Hoa Kỳ đang sao y bản chính với Trung cộng, theo chiến lược : « Thứ nhất là công tâm, sau đến công lương, thứ ba mới tới công thành ».

Công tâm đây là dùng chiến tranh tâm lý, ý thức hệ, sau đó là dùng chiến tranh kinh tế (công lương), và đối đế mới dùng đến chiến tranh quân sự tức công thành.

Bởi lẽ đó tiên đoán có chiến tranh quân sự to lớn giữa Hoa Kỳ và Trung cộng là không đúng, vì chính Hoa Kỳ cũng chưa muốn dùng đến quân sự.

Thực ra, vấn đề tiên đoán tương lai là một việc làm vô cùng khó khăn và cần có một sự thận trọng tối đa. Xưa kia, Hégel, một triết gia Đức,vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, tiên đoán tương lai, nói đến sự Tổng hợp hòa bình của lịch sử, và nhìn sự tổng hợp này qua hình ảnh của Napoléon đệ Nhất. Nhưng sau đó người ta thấy chính Napoléon đã gây bao chiến tranh, bao đau thương cho nhiều quốc gia dân tộc Âu châu, cuối cùng ông bị hạ bệ. Đồ đệ của Hégel là Karl Marx, tiên đoán sự kết thúc của lịch sử nhân loại là chế độ cộng sản.

Chúng ta thấy gì sau đó ?

Từ ngày Lénine cướp chính quyền năm 1917 cho tới khi Liên sô sụp đổ năm 1991, lịch sử nhân loại đã có nhiều trang sử đau thương và đẫm máu; nhưng chưa có trang sử nào đau thương và đẫm máu bằng trang sử cộng sản, với 100 triệu người chết. ( Theo Stéphane Courtois và Margolin – Le Livre noire du Communisme). Và vẫn còn tiếp diễn với chế độ cộng sản Trung quốc, Việt Nam, Bắc Hàn va Cu ba.

Nói rằng : « Nhất định có chiến tranh quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng « là không đúng. Nhưng ngược lại, nói : « Nhất định không có chiến tranh quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung cộng » cũng không đúng luôn.

Là một quốc khách, một nhà làm chiến lược quân sự và ngoại giao là phải tiên đoán tất cả những khả thế có thể xẩy ra, để đối phó. Nếu có chiến tranh thì phải làm gì ? Nếu không có chiến tranh thì phải làm gì ? Cũng như một người tướng giỏi cầm quân ra trận là phải tiên đoán tất cả tình huống có thể xẩy ra. Nếu chiến thắng thì như thế nào. Nếu chiến bại thì như thế nào. Rút quân như thế nào ?

Là người Việt nam, bất cứ trong tình huống nào, trước hết chúng ta phải tranh thủ bằng mọi cách để tiến tới thể chế Dân chủ và Tự do. Vì chỉ có Dân chủ và Tự do mới có thể quy tụ nhân tâm về một mối, lãnh đạo đủ quyền uy, quốc gia đủ sức mạnh để tranh thủ lại chủ quyền, đoạt lại lãnh thổ, lãnh hải mà bọn cộng sản Việt nam đã dâng hiến cho Bắc phương.

Paris ngày 29/06/2011

Chu chi Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét