Pages

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Kinh Tế VN 6 Tháng Tới Bi Đát: Lạm Phát, Nhập Siêu Tăng

SAIGON -- Viễn ảnh kinh tế VN từ giờ tới cuối năm có lạc quan hay không? Ông Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc đã ngần ngừ trước câu hỏi naỳ, và rồi nói trả lời thật khó, vì “...nếu không lạc quan sẽ đi vào tiêu cực. Tôi dự báo và hy vọng tình hình dần dần sẽ ổn định. Nhưng đánh giá chung từ nay đến cuối năm vẫn còn khó khăn, thể hiện ở giá cả như tôi đã nói, nhập siêu, lãi suất ngân hàng, từ đó dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.”
Bản tin trên VnExpress còn ghi lời ông Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng lạm phát năm nay khó dừng ở con số 15%, và có thể tới 18%. Điều để suy nghĩ, mới hôm Thứ Sáu, các bản tin của ïReuters và AFP nói rằng Việt Nam trong năm nay có thể lạm phát tới 20%, do vậy bản tiên đoán 15% lạm phát của ông Bộ Trưởng hiển nhiên là lạc quan hơn các chuyên gia kinh tế do Reuters và AFP phỏng vấn.
Bản tin nói “Trao đổi với VnExpress, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng thay đổi nhân sự trong bộ máy Chính phủ không ảnh hưởng nhiều tới điều hành vĩ mô, song kinh tế 6 tháng tới vẫn rất khó khăn vì lạm phát, nhập siêu và lãi suất.”
Trả lời câu hỏi kinh tế 6 tháng cuối năm phải đối mặt với những khó khăn nào, ông Bộ Trưởng nói:
“...Có 3 vấn đề khiến kinh tế của chúng ta khó khăn. Nổi cộm nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhiều, đến tháng 6 này đã tăng 13,29% so với cuối năm ngoái. Tháng trước, Chính phủ điều chỉnh mục tiêu và kiên định giữ CPI đến cuối năm tăng khoảng 15% so với cùng kỳ.
Nhưng muốn đạt mục tiêu đó, 6 tháng cuối năm CPI chỉ được phép tăng chưa đầy 2%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng rất khó thực hiện. Phiên họp thường kỳ tháng 6 này, Bộ sẽ nêu khó khăn này với Chính phủ. Nhiều chuyên gia nghiên cứu của Bộ cho rằng con số khả quan nhất chúng ta có thể giữ được đến cuối năm là 17-18%. Có hai áp lực khiến chỉ số giá còn tăng cao, đó là xu thế tăng giá chung trên toàn thế giới và tỷ giá. Tỷ giá của chúng ta đã được giữ ổn định trong thời gian dài, nhưng giờ đang rục rịch tăng lên. Có ý kiến cho rằng từ nay đến cuối năm tỷ giá còn tăng nữa.”
Tiếp theo, ông Bộ trưởng nêu quan ngại về lãi suất ngân hàng vì “cần chú ý trong thời gian tới, bởi với những yếu kém của hệ thống ngân hàng hiện nay, để lãi suất giảm trong thời gian tới rất khó.”
Tương tự, ông Phúc nêu về nỗi lo nhập siêu:
“Vấn đề nổi cộm thứ ba chính là nhập siêu. Quốc hội cho phép nhập siêu không quá 18% kim ngạch xuất khẩu, Chính phủ muốn đưa xuống dưới 16%. Nhưng thực tế 6 tháng đã hơn 18%. Tỷ lệ này sẽ đe dọa an toàn của cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, từ đó mà ảnh hưởng tới cân đối vĩ mô nói chung. Chúng ta vẫn nhập siêu lớn vì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thấp, hàng hóa bên ngoài tràn vào nhiều. Vì thiếu công nghiệp phụ trợ, chúng ta phải nhập nhiều nguyên phụ liệu và phụ kiện về sản xuất. Vì thế mà giá trị gia tăng thu được từ mỗi đồng xuất khẩu rất thấp...”
Và sau cùng, câu hỏi cuối của VnExpress được trả lờøi bằng một kiểu “lạc quan đầy khó khăn,” như sau:
“- Với kinh nghiệm của người 2 nhiệm kỳ giữ trọng trách đứng đầu cơ quan dự báo và lập kế hoạch cho nền kinh tế, ông lạc quan hay bi quan về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm?
- Nói lạc quan hay không lúc này thật khó. Dĩ nhiên chúng ta phải lạc quan mới phát triển được, nếu không lạc quan sẽ đi vào tiêu cực. Tôi dự báo và hy vọng tình hình dần dần sẽ ổn định. Nhưng đánh giá chung từ nay đến cuối năm vẫn còn khó khăn, thể hiện ở giá cả như tôi đã nói, nhập siêu, lãi suất ngân hàng, từ đó dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.”

Nguồn Việt Báo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét