Pages

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Lòng dân như một vũ khí


Nguyễn Hưng Quốc (VOA) - Suốt buổi trưa và buổi chiều Chủ nhật ngày 5 tháng 6, tôi cứ ngồi lì trước computer để theo dõi các bài tường thuật về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn và Hà Nội. Theo tin sơ bộ trên blog của Dân làm báo, Anh Ba Sàm,Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và Phạm Viết Đào, số người tham gia biểu tình tại Hà Nội lên đến khoảng gần một ngàn; ở Sài Gòn lên đến mấy ngàn. Công an có vẻ như không can thiệp mạnh dù trước đó một số trường đại học ở Sài Gòn, theo chỉ thị của Sở công an thành phố, gửi thông báo ra lệnh cho các sinh viên không được tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc (1), và dù, ngay sáng Chủ nhật, công an cũng tìm cách ngăn chận và xua đuổi, hình như bắt đi một số người (2). Tuy nhiên, cuối cùng, cuộc biểu tình cũng đã diễn ra một cách sôi nổi.




Có thể xem đây là cuộc biểu tình lớn và tự phát đầu tiên của dân chúng tại Việt Nam từ sau năm 1975. Trước, liên quan đến biểu tình, chỉ có một trong hai trường hợp: một, do chính nhà nước tổ chức để ủng hộ...nhà nước; và hai, do dân chúng xuống đường tranh đấu cho điều này điều nọ, nhưng tất cả đều bị công an trấn áp nên thứ nhất, không quy tụ được đông người; thứ hai, không kéo dài được lâu; và thứ ba, cái giá mà người biểu tình phải trả có khi khá đắt: bị bắt bớ và tù đày.


Ngay cả khi người dân xuống đường biểu tình một cách chính đáng, xuất phát từ lòng yêu nước, chủ yếu chống lại những hành động xâm lấn hoặc gây hấn thô bạo của Trung Quốc, cũng bị chính quyền đàn áp một cách tàn bạo. Ví dụ cuộc biểu tình vào cuối năm 2007 dẫn đến hậu quả là nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị bắt và bị giam cho đến tận bây giờ!


Lần này, cuộc biểu tình, ngược lại, diễn ra khá suôn sẻ, ít nhất trong mấy tiếng đồng hồ vào buổi sáng.
Có thể xem đây như một chiến thắng của lòng yêu nước.


Nên nhớ là cuộc biểu tình không hề được tổ chức một cách đường đường chính chính. Không ai được phép vận động và tuyên truyền công khai cả. Chỉ có một số bản tin đăng tải trên internet; tất cả đều thuộc “lề trái” và thường xuyên bị công an dòm ngó, không những dựng tường lửa mà còn sai cả tin tặc tấn công. Vậy mà, cuối cùng, chúng cũng quy tụ được cả hàng ngàn người.


Cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Trước đó cả tuần, dư luận dân chúng Việt Nam đã cực kỳ sôi sục. Trong một tuần, tôi nhận không biết bao nhiêu là email từ bạn bè trong nước. Hầu hết đều tập trung bình luận về sự kiện Trung Quốc ngang nhiên xâm lấn lãnh hải Việt nam, cắt đứt dây cáp ngầm của Việt Nam trước những cặp mắt bất lực của công nhân, bảo vệ và cả hải quân Việt Nam; sau đó, bắn súng uy hiếp và xua đuổi các thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam. Tất cả đều đặt câu hỏi: Phải làm gì đây? Ra kháng thư chống Trung Quốc? Cổ vũ cho cuộc biểu tình chống hành vi gây hấn của Trung Quốc mà một số anh chị em thanh niên yêu nước dự định tổ chức tại Sài Gòn và Hà Nội?


Qua các email ấy, tôi thấy rõ một điều: mọi người đều đau đáu trước vận mệnh của đất nước, đều tức giận trước thái độ ngang ngược của Trung Quốc, và đều nôn nao muốn làm một cái gì đó cho quê hương.
Tâm trạng ấy cũng có thể được nhìn thấy rất rõ trên phần lớn các website hoặc blog độc lập lâu nay vẫn bị chính quyền Việt Nam thù ghét và luôn luôn tìm cách phá hoại. Cứ vào các blog của nhóm Bauxite Việt Nam, của Anh Ba Sàm hay Quê Choa thì thấy. Đâu đâu cũng tràn ngập tin tức và bình luận về sự kiện nóng bỏng trên biển Đông. Đâu đâu cũng hừng hực nhiệt huyết.


Dĩ nhiên không có mấy người muốn chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc bùng nổ, trong đó, phần thua có phần chắc là nghiêng về phía Việt Nam. Nhưng cũng không ai chịu đựng nổi cảm giác nhục nhã khi thấy tên đế quốc ngay sát bên cạnh chà đạp lên chủ quyền của đất nước mình. Người ta thấy cần phải làm một cái gì đó. Ít nhất là một tiếng nói.


Chính quyền, vì lý do nào đó, có thể không muốn nghe những tiếng nói ấy. Nhưng theo tôi, đó là điều họ cần nhất bây giờ.


Những người ủng hộ chính quyền thường lập luận: Hãy để yên cho đảng và chính phủ giải quyết mâu thuẫn với Trung Quốc. Hãy tin cậy và hy vọng. Chính Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam, cũng nói như thế trong cuộc phỏng vấn của phóng viên đài BBC tại Singapore vào trưa ngày 5 tháng 6, lúc cuộc biểu tình đang diễn ra rầm rộ ở Sài Gòn và Hà Nội:


"Người dân phải tin rằng Nhà nước sẽ có giải pháp, có đủ trách nhiệm để vừa giữ chủ quyền lãnh thổ, vừa duy trì hòa khí và quan hệ với Trung Quốc." (3)


"Phải tin"? Xin lỗi, làm sao dân chúng tin được điều đó khi vẫn còn sờ sờ trên giấy trắng mực đen bức công hàm do Phạm Văn Đồng ký gửi Chu Ân Lai ngày 14 tháng 9 năm 1958 trong đó chính phủ ông thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các hòn đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa? (4) Làm sao có thể tin được điều đó khi, cho đến nay, hầu như đảng và chính phủ không có một chiến lược, thậm chí, một thái độ gì rõ ràng cả? Những gì người ta có thể thấy được thì toàn là những sự khiếp nhược. Đến độ báo chí chính thống cũng không dám tường thuật bất cứ điều gì liên quan đến những hành động ngang ngược của Trung Quốc. Đến độ các lãnh đạo đảng và nhà nước đều im thin thít.


Người ta bảo giới lãnh đạo sẽ đàm phán hay mặc cả với Trung Quốc hầu giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình. Nhưng họ sẽ sử dụng vũ khí gì để đàm phán?


Trong mọi thứ vũ khí mà người ta có thể sử dụng được trong những trường hợp như thế, từ kinh tế đến quốc phòng và hậu thuẫn quốc tế, Việt Nam đều ở thế yếu. Cực kỳ yếu.


Chỉ có một vũ khí duy nhất thì người ta lại không dám sử dụng: lòng dân.


Vâng, chính lòng dân, chính nhiệt huyết chống xâm lược của dân chúng, chính sự đoàn kết của mọi người sau lưng một chính phủ sáng suốt và can đảm, quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền, mới có thể là một vũ khí trên các bàn hội nghị.


Quay lưng lại với lòng dân, đàm phán chỉ đồng nghĩa với nhượng bộ. Hết nhượng bộ này đến nhượng bộ khác.


Không thể khác được.


Nguyễn Hưng Quốc - VOA


Chú thích:


1. Sau đây là nội dung bản thông báo lấy lại từ blog của Anh Ba Sàm:



2. Xem bài "Cuộc đối thoại trước Lãnh sự quán Trung Quốc và trong trụ sở thành đoàn TNCS TP Số 1 Phạm Ngọc Thạch" của Đỗ Trung Quân trên blog Quê Choa của Nguyễn Quang Lập và bài "Lòng yêu nước được điều chỉnh bằng 'dùi cui' và 'cơ chế xin cho'"? đăng trên blog Phạm Viết Đào.

3. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/06/110605_antichina_protest.shtml

4. http://paracels74.tripod.com/conghambannuoc.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét