Pages

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Nghịch lửa

Hà Văn Thịnh


Chỉ trong vòng một tuần qua, tình hình Biển Đông ngày càng trở nên căng thẳng hơn bởi các phát ngôn vừa vô trách nhiệm, vừa ngang ngược – thậm chí rất thiếu văn hóa, của các cơ quan ngôn luận và những quan chức cao cấp Trung Quốc. Đây là những động thái hàm chứa rất nhiều hệ lụy nguy hiểm mà, dù muốn hay không, chúng ta phải đối mặt với chúng trên tinh thần khách quan, bình tĩnh, tỉnh táo.

Đầu tiên là tờ Thời báo Hoàn Cầu – cơ quan đối ngoại chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công khai đe dọa Việt Nam bằng những từ ngữ hết sức láo xược, trong đó có câu rất trịch thượng và đậm mùi phát xít: “Các ngươi hãy xem lại lịch sử đi” – hàm ý rất rõ ràng về việc trước đây những kẻ bành trướng hiểm độc và tàn nhẫn đã từng “dạy cho Việt Nam một bài học”!. Sự đe dọa trắng trợn đó đã được tướng Bành Quang Khiêm lặp lại, cụ thể hóa và không hề che dấu ý đồ dùng vũ lực: “Trung Quốc từng dạy cho Việt Nam một bài học, nếu Việt Nam không chân thành sẽ còn nhận được bài học lớn hơn” (Báo Đà Nẵng, 26.6.2011). Mới đây nhất, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải (Cui Jiankai) đã công khai đe dọa cả Việt Nam và Hoa Kỳ khi tuyên bố: “Tôi tin rằng một số nước đang nghịch lửa. Và tôi hy vọng rằng Mỹ không bị bỏng vì ngọn lửa đó” (Wall Street Journal, dẫn lại theo VNN, 26.6.2011).


Những dẫn chứng trên đây cho biết rất nhiều điều, dù xét trên góc độ quân sự, ngoại giao hay cả những ý đồ trong bóng tối thì chúng đều phản ánh một sự thật: Sự cảnh giác của toàn thể dân tộc Việt Nam phải được đặt ở cấp độ cao nhất.

Những mong đợi về sự xuống thang, lùi bước hay nhân nhượng từ phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông chỉ là ảo tưởng – thậm chí, đó là sai lầm tệ hại nhất. Trung Quốc liên tục khiêu khích và ngày càng trơ lỳ hơn khi luôn vu khống cho các nước láng giềng khiêu khích. Cách hành xử đó lịch sử đã từng chứng kiến bởi Adolf Hitler theo nguyên tắc “nói dối vụ lớn” – càng trắng trợn và trơ trẽn thì dư luận càng dễ tin vì “đại đa số người dân không nghĩ rằng trên đời lại có kẻ trơ tráo đến mức bịa đặt ghê gớm đến thế”. Nói một cách khác, một khi dự lừa dối dư luận bị đẩy đến mức tột cùng của dối trá thì những kẻ bịa đặt đó sẵn sàng hành động bất chấp nguyên tắc lý lẽ thông thường miễn là đạt được mục đích.

Cách dùng từ “nghịch lửa” của Thôi Thiên Khải thể hiện rất rõ sự ngạo mạn và coi thường dư luận. Tướng Bùi Quang Khiêm cũng giọng điệu ấy khi ông ta cho rằng “Việt Nam đang múa trên lưỡi dao và sẽ có lúc ngã trên dao”! Vấn đề càng tệ hại hơn nữa khi Trung Quốc đã đưa cả Việt Nam và Hoa Kỳ vào trong một “giỏ” đùa với lửa, chứng tỏ rằng Trung Quốc sẽ không từ bất kỳ một thủ đoạn nào và dám thách thức bất kỳ đối thủ nào cản đường nó trên con đường bá quyền tham lam, tàn ác. Một khi điều trên là sự thực hiển nhiên thì việc vãn hồi lại “tình hữu nghị” là một việc làm xa xỉ, đó là chưa nói rằng Trung Quốc đã bao giờ hữu nghị với Việt Nam đâu mà chúng ta tìm kiếm ảo tưởng đó? Nếu hữu nghị thì đã không có Hoàng Sa năm 1956, 1974; không có Trường Sa năm 1988 và chắc chắn là không có cả những gì đã và đang diễn ra.

“Bài toán Biển Đông” là bài toán khó nhất mà dân tộc Việt Nam đang phải (nhất định phải) tìm ra lời giải. Không tìm ra có nghĩa là thảm họa. Đây là sự thực hiển nhiên. Chúng ta không còn đường để lùi. Mọi sự nhân nhượng đều có giới hạn và, phải có nguyên tắc. Lênin từng dạy rằng nếu có lợi cho cách mạng thì có thể làm bạn với người bạn đường dẫu chỉ trong một phút. Nhưng Lênin cũng nhấn mạnh rằng “làm bạn” với điều kiện không vi phạm tính nguyên tắc của vấn đề – trong trường hợp của Việt Nam hiện nay là độc lập, chủ quyền, điều chúng ta không bao giờ được phép đánh mất.

Một khi đã hiểu rõ vấn đề có tính nguyên tắc trên đây thì điều còn lại chỉ là giải quyết như thế nào quyền lợi của dân tộc trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc? Bài học lịch sử thì đã có rồi: Đài Loan chỉ cách thành phố Hạ Môn của Trung Quốc có 200km, quần đảo Ryukyu (Trung Quốc gọi là Lưu Cầu) Nhật Bản thu hồi năm 1876, những vùng biển chồng lấn của Hàn Quốc đến bây giờ vẫn không hề bị xâm phạm..., đều là những hiện thực lịch sử chứng minh rằng nếu có liên minh chính trị - quân sự bền vững, hiệu quả thì Trung Quốc không thể làm gì được. Người ta thế, tại sao mình lại không thể? Đây là lúc mọi lợi ích nhóm, mọi tính toán cá nhân phải lùi bước trước quyền lợi – vận mệnh dân tộc. Còn băn khoăn giữa mê và tỉnh, cần và không, nên hay không nên là có tội với tổ tiên, dân tộc, giống nòi. “Chờ đợi là mất hết, thậm chí mất tất cả” là một trong những câu nói nổi tiếng của Lênin. “Họa đấy, phúc đấy” chỉ trở thành hiện thực khi ta nghĩ phúc cho đất nước là phúc lộc thiêng liêng và cao cả nhất.

Một khi sức mạnh của dân tộc Việt Nam kết thành một khối thì chúng ta không sợ bất kỳ lời đe dọa nào, bất kỳ kẻ thù nào. Những tính toán chẳng hạn như nếu quan hệ xấu đi thì 18 tỷ USD nguyên liệu cho ngành dệt may, giày da sẽ gặp khó khăn vì không tìm ra sự thay thế hữu ích chỉ là cách tính một chiều. Không có gì không thể thay thế được. 18 tỷ USD hay 180 tỷ đi nữa thì vẫn chỉ là bọt bèo nếu chúng ta để mất Biển Đông. Đó là chưa nói đến chuyện ta có thể mua nguyên liệu từ nước khác, đắt hơn một chút, có sao đâu. Biết đâu nhờ thế mà tránh được cái họa nhập siêu mỗi năm 13 tỷ USD. Hãy thử hình dung một ngày nào đó (lạy trời lạy phật cho nó không xảy ra), tàu nước ngoài muốn vào Hải Phòng phải quá cảnh đi nhờ qua vùng biển của “nước khác”!!! Nếu nhân nhượng mãi hoài, thảm cảnh đó không phải là điều xa xôi.

Có một bài học nữa của lịch sử cần phải nhắc lại: Năm 1978, Đặng Tiểu Bình đề ra đường lối đổi mới. Hàng triệu người phản đối. Đặng đã “chọn” cách đẩy tất cả mâu thuẫn trong nước ra bên ngoài bằng cách phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam đầu năm 1979 (dĩ nhiên là còn những nguyên nhân khác liên quan đến cuộc chiến tranh này, nhưng mâu thuẫn 1978 là nguyên nhân trực tiếp)! Trong một vài năm tới, Trung Quốc sẽ phải đối đầu với rất nhiều thách thức từ trong nước – trong đó mâu thuẫn thể chế với cơ cấu kinh tế là lớn nhất (xem bài của H. Kissinger, VNN, 26.6.2011). Ai có thể nói rằng Trung Quốc sẽ không một lần nữa tìm cách đẩy mâu thuẫn ra bên ngoài bằng một cuộc chiến tranh? Lịch sử Trung Quốc hàng ngàn năm nay có rất nhiều dân chứng: Một trong số đó là năm 1076, để lấy uy thế với các dân tộc “man di” phương Bắc, nhà Tống đã phát động chiến tranh xâm lược Đại Việt. Âm mưu đó thất bại, kết quả là “vua Liêu gọi vua Tống bằng anh. Mỗi năm, vua anh phải “tặng” vua em hàng chục vạn lạng bạc, hàng vạn tấm lụa...”!

Những sự thật trên đây không có gì mới, chỉ có cái mới đau đớn nhất là quan điểm chính thống của Việt Nam hiện nay, cho đến tận lúc này vẫn kiên trì theo đuổi “16 chữ vàng”, “4 tốt” (xem tin từ TTXVN về cuộc gặp giữa Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn và Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc tại Bắc Kinh ngày 25.6). Xem ra, cơn mê và ảo tưởng vẫn còn dài và khó rời bỏ lắm! Nếu cứ tiếp tục như thế, Trung Quốc không dọa dùng lửa để trị bất cứ ai mà Trung Quốc cho rằng đang “nghịch lửa” mới là chuyện lạ. Đấy cũng cách ứng xử không khác gì bật đèn xanh, lùi mãi đến chân tường cho chủ nghĩa bá Hán mặc sức tung hoành!

Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Cha ông ta đã dạy như thế tự lâu đời. Một khi sức mạnh của Nhà nước, của các vị lãnh đạo đồng nhất, đồng thuận trong niềm tự hào thiêng liêng của toàn thể dân tộc, mạnh mẽ vô cùng trong tinh thần bất khuất được thử thách hàng ngàn năm, thì, lời giải của bài toán khó, thực ra đang nằm ngay trong đầu của các nhà lãnh đạo. Lựa chọn đúng bao giờ cũng là giải pháp tốt nhất. Chỉ có thể có được sự đúng đắn ấy nếu tin rằng TỔ QUỐC là trên hết!

H. V. T.

Nguon BoXitVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét