Pages

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Nhanh chóng bịt “kẽ hở” đất đai


Bút Lông - Hôm 6-6, Công an Hà Nội đã bắt tiếp tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và quản lý bất động sản UDIC (thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC), ông Trương Chiến Bình, về hành vi “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Đó là kết quả thẩm vấn các thuộc cấp của ông Bình, những người bị bắt quả tang ba ngày trước khi đang nhận 4,4 tỉ đồng tiền chênh lệch của một khách hàng mua căn hộ tại dự án mà UDIC làm chủ đầu tư.




Được biết công an đã xác định được sàn giao dịch bất động sản UDIC bán 12 căn hộ liền kề trong dự án với giá “gốc” (trong hợp đồng) là 135 triệu đồng/m2, song họ lại bắt khách hàng phải mua với giá chênh lệch thêm hơn 50 triệu đồng/m2. Như vậy số tiền chênh lệch mỗi căn hộ lên đến hơn 4 tỉ đồng, với 7/12 căn hộ đã bán thì số “chênh lệch” là gần 30 tỉ đồng!


Bước đầu công an nghi ngờ tổng giám đốc Trương Chiến Bình có bàn bạc với hai thuộc cấp thu tiền chênh lệch và cùng nhau ăn chia số tiền này. Về pháp lý để đưa được những người này ra toà, cơ quan tư pháp phải chứng minh được rằng việc chia chác của họ đã làm thiệt hại cho chủ sở hữu của UDIC (chính là Nhà nước) do họ đã định giá “gốc” căn hộ quá thấp so với thị trường nhằm dễ bề ăn chênh lệch.


Tuy nhiên dù giới kinh doanh bất động sản Hà Nội đang “sốc” bởi chuyện “ăn chênh lệch” diễn ra khá phổ biến, thì giới am hiểu luật pháp lại cho rằng đây là cơ hội lớn để lập lại trật tự kinh doanh trong việc cạnh tranh quyền quản lý các khu “đất vàng” ở thủ đô. Gần đây người ta thấy một vài “đại gia” lấy được mặt bằng dễ như trở bàn tay mà không qua đấu giá, đấu thầu, như dự án ở nhà máy dệt 8-3 vừa rồi và sắp tới là khách sạn Tây Hồ. Chính vì bỏ qua một thủ tục minh bạch như thế, “đầu vào” các dự án thường được định giá cực “bèo”, trong khi “đầu ra” luôn bám sát thị trường mà kiểu ăn “chênh lệch” nói trên là ví dụ điển hình. Điều đó đồng nghĩa với việc ngân sách thì thất thu mà người mua nhà luôn phải chạy vạy chồng thêm tiền chênh lệch!


Giống như khoáng sản, đất đai cũng là tài nguyên không tái tạo nên phải có cách đối xử đặc biệt, mà văn minh nhất là công khai đấu giá theo quy hoạch được duyệt. Không nên và không thể kéo dài việc lén lút giao dự án với giá bèo để rồi những cá nhân “buôn nước bọt” lợi dụng chức vụ quyền hạn kiếm cả chục tỷ đồng bất chính trong khi nhà nước cũng như người tiêu dùng thua thiệt.


Nguồn : Blog Bút Lông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét