Pages

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Nội xâm


Xuân Bình - Phim yêu quý, bài học thứ hai bố muốn dạy con có nội dung: Nội xâm.

Từ lần này bố muốn mẹ con và em Bút cùng học được chứ? Những ngày qua, Mẹ thì biểu lộ tình cảm kín đáo hơn. Bút nhỏ quá chưa đi biểu tình được. Nhưng hơn lúc nào hết bố muốn trái tim mỗi thành viên trong gia đình mình cùng đập chung một nhịp yêu Tổ Quốc, cùng hồng hào gương mặt và vạm vỡ thân thể Việt Nam.
Đã bốn ngày sau cuộc biểu tình lần thứ hai. Cơ may hiếm hoi khi Tổ Quốc hiện lên trong mắt bố với biết bao hình thái sống động, yêu thương. Lá cờ Tổ Quốc, những gương mặt sinh viên đầy nhiệt huyết và cả hình ảnh của bố và Phim lại rực đỏ trên các mạng điện tử, blog…Nhiều cô chú tán tỉnh, bốc thơm Phim ra phết. Ghen tỵ.

Nhưng hào khí đó vẫn chưa đủ mạnh mẽ để xóa tan nỗi buồn trong bố. Biết bao thành viên cuộc biểu tình ngày 16-12 nhắc bố hãy viết bài thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, nhận định mới. Vậy mà sao bố chần chừ mãi không viết được?

Ngay khi hô vang Trường Sa- Hoàng Sa- Việt Nam, có gì giục bố lướt nhanh qua những cánh tay giơ cao, những ánh mắt hừng hực. Bên cạnh dòng người biểu tình rực đỏ đi trên đường Tôn Đức Thắng lại là dòng người đen đen, xam xám đi ngược chiều. Phía trước, vì khẩu trang bịt kín nên không ai rõ mặt họ. Phía sau chỉ thấy những cái mũ bảo hiểm trơ lì, nhẵn bóng, lạnh lùng. Không ai ngoảnh lại. Một vài người ghếch chân lên vỉa hè giống như thói quen khi đi chợ cóc và tò mò: biểu tình gì đấy? Tâm trạng chung là thờ ơ, xa lạ.

Bố tự hỏi những người đi đường kia đang suy nghĩ gì?

Tại sao chỉ cách đây mấy chục năm, cha ông họ những chàng trai Hà Nội ra đường mua thuốc lá, khi nghe tiếng súng nổ đã không ngần ngại bỏ nhà lên chiến khu? Vì sao khi bom rơi, đạn nổ tơi bời, bao chiến sỹ đã ngã xuống mà anh em họ vẫn cùng thanh niên cả nước hát vang bài ca: đường ra trận mùa này đẹp lắm? Vì sao ngày trước bị đàn áp dã man, bạn bè họ vẫn hừng hực lời ca: dậy mà đi đồng bào ơi, dậy mà đi hỡi đồng bào ơi?

Vậy mà hôm nay đây, khi Tổ Quốc một lần nữa tổn thương, vì sao người cựu binh đang bán nươc chè trên hè phố Giảng Võ vẫn ngơ ngác nhìn theo đoàn biểu tình và buông lửng một câu: “bọn trẻ rách việc”?

Khi đoàn biểu tình dừng lại ở phố Trần Huy Liệu, Phim hỏi: Bố đang tìm ai? Thực lòng bố muốn nhìn thấy bạn bố - nhà văn, nhà báo Trần Chiến. Bác ấy là con trai ông Trần Huy Liệu, người từng tham gia và viết lại lịch sử cuộc biểu tình hào hùng 19 tháng 8 năm 1945.

Bố cũng đang tìm bác Phạm Xuân Nguyên. Giá như lúc này bác ấy sang sảng đọc bài thơ của một chiến sỹ Trung đoàn Thủ Đô:

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương vấn vương cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa

Sau biểu tình, một người quen của bố, phó tổng biên tập một tòa báo, em trai nhà thơ Lưu Quang Vũ gọi điện tới, giọng nghe lạnh người: dạo này thêm nghề biểu tình à?

Lại cũng có rất nhiều bạn văn chương, báo chí nhắn tin: chủ nhật tới anh đừng đi biểu tình nữa. Không có lợi cho anh đâu…..

Điều này khiến bố càng thêm hoài nghi: trí thức VN đâu rồi? Thành chim quyên làm cảnh nhà quyền quý hay hóa ó đen bay lẫn hết vào núi đá rồi?

Ngoài việc lướt web sao không xuống đường sát cánh các sinh viên trẻ khích lệ họ biết quan tâm hơn tới những công to việc lớn của đất nước, có nhiều dũng khí khi biểu lộ chính kiến, đồng thời khuyên bảo họ đừng manh động, xô xát với cảnh sát, đối đầu với chính quyền.

Trong cuộc chiến chống ngoại xâm chúng ta cần có thêm nhiều lực lượng và đồng đội phía chiến hào của mình. Theo con chắc chúng ta còn cần có thêm nhiều siêu nhân áo đỏ, áo xanh, áo trắng, áo nâu ...nữa đúng không?

Từ những lược ghi trên bố tạm thời chẩn đoán xã hội chúng ta đang mắc một căn bệnh trầm kha: nội xâm.

Virus nào đây? Liệt kháng? Vô cảm? Lãnh cảm? Bảo trọng? ly tán? Sợ hãi?

Điện não đồ thấy não trạng….đờ đớ đơ nằm chờ en tơ?

Điện tâm đồ kỹ hơn hình như trái tim Việt bây giờ có nhiều nhịp đập khác nhau quá?

Dòng máu Việt loạn sắc tố rồi? Động mạch chủ thiếu máu trầm trọng, huyết áp tụt, hồng cầu uể oải đẩy ôxy? Máu đen, máu xanh, máu xam xám đầy ứ tĩnh mạch?

Sáng nay ngồi uống cà phê ở Nhà hát lớn, có người vẫn hỏi bố: biểu tình thì làm được gì? Tình hình sẽ tiến triển thế nào? Có người lại bàn rằng nội xâm đang khu trú ở đâu?

Việt Tân thì cho nội xâm là chính quyền. Bố lại nghĩ khác một chút. Cần phải cay đắng nhận thức rằng “Nội xâm” đang nằm sẵn trong mỗi người dân chúng ta. Cũng như các triều đại phong kiến, đảng chỉ nhất thời. Để trở thành một dân tộc lớn, cường tráng, bản thân mỗi chúng ta phải tự diệt hết virus Nội xâm. Với từng đảng viên cộng sản, công việc này chắc chắn còn nặng nề ghê gớm.

Cả gia đình bố là cộng sản. Cách đây hơn 20 năm trước khi tự từ bỏ hàng ngũ ấy bố đã hiểu: khó khăn lớn nhất với những người cộng sản là nhiều năm qua họ kiên trì xây dựng hệ thống cai trị, kiểm soát nhân dân chặt chẽ ở khắp nơi nhưng tiếc rằng lại không có nhiều cơ chế và công cụ để kiểm soát bản thân.

Cơ chế cai trị nhân dân như hiện nay chỉ liên tục làm tăng quỹ vốn sợ hãi của xã hội. Ngay trong gia đình mình, ông nội con một lão thành cách mạng, một sỹ quan cao cấp trong quân đội, cho đến nay vẫn chưa dám nhận bố đẻ của mình. Chữ “lý lịch” vẫn như lưỡi mác kề cổ ông con. Bố đau đớn vì chúng ta trở thành vô loài.

Không có cơ chế kiểm soát nội bộ, những người cộng sản mất đi những cơ hội để tìm kiếm những thủ lĩnh giỏi. Thời lập nghiệp, không ít người “hắc thế tâm” nhưng không thể phủ nhận rằng họ rất tài. Nhiều năm gần đây, giới lãnh đạo toàn những người tài thì nông, đức không mạnh. Có phải vận nước suy? Tuy nhiên bố nghĩ rằng lịch sử vẫn còn ưu ái giành cho những người cộng sản nhiều cơ hội để chứng tỏ rằng họ có thể xứng đáng với sự lựa chọn của nó.

Hai lần vừa rồi thời cuộc mượn những người biểu tình để nói toạc ra, đọc váng lên điều ấy. Nhưng thêm một lần nữa có nhiều người lại không hiểu và không thèm nắm bắt cơ hội này. Sinh viên và nhân dân đã chìa tay mà đảng không mặn mà.

Bởi thế chủ nhật này chúng ta sẽ không đi biểu tình nữa. Bố đang nghĩ đến những việc thiết thực hơn.

Bài học sau có tên: Ngoại xâm.

Nguồn : Facebook Xuân Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét