Pages
▼
Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011
'Đoàn kết là phải tôn trọng lẫn nhau'
Vụ tàu hải giám Trung Quốc gây hấn với tàu khảo sát địa chấn của PetroVietnam, mà Việt Nam gọi là "vi phạm lãnh hải" của mình đang thu hút sự chú ý tột bậc của dư luận người Việt trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã đề cập tới sự kiện này trong cuộc tiếp xúc song phương hôm thứ Sáu 03/06 với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt bên lề diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La 10 tại Singapore.
BBC đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, tại nơi diễn ra hội nghị.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Cuộc gặp giữa hai bộ trưởng Việt Nam và Trung Quốc diễn ra rất ngắn. Thoạt tiên Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt đã ngỏ lời cảm ơn Bộ trưởng Phùng Quang Thanh vì sự đón tiếp và tổ chức rất tốt hội nghị ADMM+ hồi năm ngoái.
Sau đó hai bộ trưởng đã bàn phương cách thúc đẩy hợp tác quốc phòng, đặc biệt là hợp tác hải quân: những công việc như tuần tra chung, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, thiết lập đường dây nóng, giao lưu, thăm viếng của tàu hải quân... Mục đích chính là tăng cường hiểu biết, tạo sự thông cảm, tin cậy để giảm thiểu các vấn đề trên Biển Đông.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng có nêu vấn đề liên quan tàu Bình Minh 02 với mong muốn quốc phòng hai bên tăng cường hợp tác, không để những việc như vậy tái diễn.
BBC: Thưa ông, trong bài phát biểu mới của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates có nhận xét là tiến trình thực hiện Công ước LHQ về Luật biển tiến bộ rất chậm chạp. Năm ngoái, với tư cách chủ tịch Asean, Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc thúc đẩy việc thực hiện luật pháp quốc tế tại Biển Đông. Năm nay, công việc này sẽ được tiến hành như thế nào?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Dù là chủ tịch khối hay không thì Việt Nam vẫn cứ tiếp tục tham gia, tiếp tục thúc đẩy.
Việt Nam phải thực hiện nghiêm luật biển, đồng thời yêu cầu các nước cũng thực hiện nghiêm điều này, trước hết là trong các vùng biển của Việt Nam.
Việt Nam rất tích cực tham gia các diễn đàn, như Bộ trưởng Phùng Quang Thanh dự Đối thoại Shangri-La này và có bài diễn văn về an ninh biển. Những điều đó đều là đóng góp của Việt Nam cho quá trình tuân thủ Công ước LHQ về Luật biển.
Tất nhiên quá trình thực hiện điều này không phải dễ dàng, đặc biệt là khi có những quốc gia không coi trọng luật pháp thì lại càng khó nữa.
Chúng tôi mong muốn các diễn đàn quốc tế như Đối thoại Shangri-La sẽ làm cho các nước nhận thức được lợi ích của mình khi thực hiện đầy đủ luật pháp quốc tế và được quốc tế nhìn nhận với hình ảnh tốt đẹp. Đó mới chính là động lực phát triển của các quốc gia trong thế giới hiện đại, chứ không phải cứ mạnh (về quân sự) là phát triển tốt.
Điều quan trọng là phải tạo ra được một hình ảnh tốt đẹp của đất nước mình.
An ninh Biển Đông
BBC: Thưa ông, gần đây trên các diễn đàn của người Việt có nhiều ý kiến chỉ trích rằng Chính phủ Việt Nam chưa có được phản ứng mạnh mẽ tương thích với các hành động gây hấn tàu bè, ngư dân và hoạt động dầu khí của Việt Nam. Ông nghĩ thế nào về các chỉ trích này?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi cho là các chỉ trích ấy xuất phát từ tấm lòng đối với đất nước, nhưng cũng có một phần vì thiếu thông tin.
Việt Nam sẽ cố gắng hết sức để những sự việc như vừa rồi không leo thang, không tái diễn. Tuy nhiên, nếu như một bên nào đó muốn leo thang thì Việt Nam cũng sẽ có hành động để bảo vệ chủ quyền của mình, không thể ngồi im được.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh
Vấn đề là có đạt được mục đích của mình hay không chứ không phải cứng rắn như thế nào.
Mục đích chính của Việt Nam là hòa bình, ổn định và chủ quyền lãnh thổ. Chỉ cần làm đủ để đạt được những điều đó.
Thí dụ vụ tàu Bình Minh 02, sự việc hết sức nghiêm trọng, nhưng Việt Nam xử lý rất ôn hòa, bình tĩnh, phát biểu rất cương quyết nhưng thái độ rất xây dựng.
Đây là vụ việc Trung Quốc sử dụng bạo lực đối với tàu của Việt Nam. Việt Nam không sử dụng bạo lực để đáp trả, nhưng kết quả là như thế nào? Tàu Bình Minh 02 vẫn tiếp tục hoạt động như cũ trong vùng biển của Việt Nam.
Tiếp đến, Việt Nam đã trình bày với thế giới là có những sự việc như vậy, để quốc tế phân định ai đúng ai sai.
Thứ ba, Việt Nam đã chứng tỏ với Trung Quốc rằng Việt Nam tuân thủ nghiêm nhận thức chung của lãnh đạo hai nước là giải quyết song phương vụ việc nảy sinh, nhưng một cách công khai, minh bạch và bằng biện pháp hòa bình.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam là để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì quan trọng nhất là xây dựng được sự đoàn kết với các nước có tranh chấp. Nhưng đoàn kết là phải tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế. Các mối quan hệ cũng phải công khai minh bạch.
Tôi nghĩ đây là chủ trương đúng đắn.
BBC: Liệu có quan ngại các tranh chấp sẽ leo thang thành xung đột vũ trang trong bối cảnh hiện thời hay không, thưa ông?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việt Nam sẽ cố gắng hết sức để những sự việc như vừa rồi không leo thang, không tái diễn. Và Việt Nam cũng sẽ cố gắng hết sức để không có các sự việc nghiêm trọng hơn xảy ra.
Đó là phần của Việt Nam, và tôi tin là sẽ đạt được điều này.
Tuy nhiên, nếu như một bên nào đó muốn leo thang thì Việt Nam cũng sẽ có hành động để bảo vệ chủ quyền của mình, không thể ngồi im được.
Không ai có thể nói trước được tương lai, nhưng tôi tin trong tình hình quốc tế hiện nay, với chính sách hòa bình của Việt Nam thì khả năng leo thang sẽ dần dần giảm bớt. Tất nhiên đây là quá trình khó khăn, lâu dài, đòi hỏi kiên trì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét