Pages

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Quan niệm thực tại đa diện rất cần thiết cho cuộc đấu tranh dân chủ

Bất kỳ sự vật hay vấn đề nào cũng có thể được nhìn dưới nhiều khía cạnh. Mỗi khía cạnh tương ứng với một cách nhìn. Những cách nhìn ấy thường khác nhau, có khi mâu thuẫn nhau, đến nỗi người ngoài cuộc có thể tưởng rằng đối tượng của những cách nhìn ấy hẳn là nhiều sự vật khác nhau, dù thực ra chỉ là một sự vật hay một vấn đề duy nhất.

Chẳng hạn, khi nhiều người cùng chụp hình một căn nhà, người đứng phía trước chỉ chụp mặt trước căn nhà, người đứng phía sau chỉ chụp mặt sau, người bên trái chỉ chụp mặt trái, người bên phải chỉ chụp mặt phải, người trên máy bay chỉ chụp được phía trên căn nhà… Bất chợt coi những hình khác nhau ấy, hiếm ai nghĩ rằng chúng chỉ là một căn nhà duy nhất.

Nếu tất cả những người chụp hình ấy đều biết rằng căn nhà họ chụp là nhà của ông A, thì khi được nhìn hình của nhau, ắt mỗi người sẽ suy nghĩ theo một trong hai cách sau:

- Có người cho rằng: “Hình của tôi mới đúng là hình nhà ông A, vì đích thân tôi đã đến tận căn nhà ấy để chụp mà! Những hình kia chắc chắn không phải nhà ông A, mà là một nhà khác”. Cách suy nghĩ này rất thường tình xảy ra khi thấy những hình của người khác rất khác với hình căn nhà mà mình đã đích thân đến tận nơi để chụp. Cách suy nghĩ này dễ sẽ dẫn đến cãi nhau, đả kích, nghi ngờ nhau là ngụy tạo, dối trá.

- Người hiểu biết hơn thì nghĩ: “Căn nhà nào cũng phải có nhiều mặt khác nhau. Hình của mình chỉ là một mặt của căn nhà. Hình của mấy người kia chắc cũng vậy. Nhờ xem hình của họ mà mình có được cái nhìn toàn diện hơn về căn nhà của ông A”.

Tương tự như vậy, có rất nhiều cách nhìn khác nhau về hiện tình đất nước do nhìn từ nhiều vị thế khác nhau. Nhà chính trị nhìn khác nhà kinh tế, người trí thức nhìn khác người bình dân, bác nông phu khác với anh công nhân, bác sĩ khác với kỹ sư, người trong nước khác người hải ngoại, người Việt Nam khác với người nước ngoài, người nam nhìn khác người nữ, người trẻ khác với người già, người thuộc tổ chức này nhìn khác với người tổ chức khác… Từ những cách nhìn khác nhau ấy ắt sẽ dẫn đến những quan niệm khác nhau, quan điểm, lập trường, chủ trương, đường lối hành động khác nhau.

Trước những cách nhìn khác biệt và những hệ quả khác biệt ấy, người ta cũng sẽ phản ứng theo một trong hai cách sau đây:

1) Trước hết, phản ứng của những người quan niệm sự vật đơn diện, nghĩa là chỉ có một mặt là: Hễ thấy ai có cách nhìn, quan niệm, suy nghĩ, chủ trương khác mình thì lập tức cho rằng họ sai, vì “chân lý chỉ có một”. Nghĩa là: một khi mình thấy một vật nào là “lõm” mà có ai nói nó “lồi”, lập tức mình quả quyết ngay 100% là họ sai. Từ đó mình sẽ thuyết phục để họ nhìn giống mình, chủ trương và quan điểm giống mình. Thuyết phục không được thì đâm ra đả kích, chê bai, bực bội, có thể đi đến chụp mũ, tẩy chay… Nếu ai cũng có thái độ này thì kết cục sẽ là: không ai chấp nhận ai, đường ai nấy đi, không thể liên kết hay cùng chung một đường được, thậm chí còn loại trừ nhau!

Phản ứng kiểu này rất dễ đi đến độc đoán, cố chấp, từ đó thành độc tài, và hậu quả là chia rẽ.

2) Còn phản ứng của những người quan niệm sự vật đa diện, tức có nhiều mặt là: Khi thấy ai có cách nhìn khác hoặc ngược với mình liền nghĩ rằng: họ có thể cũng đúng, có thể họ thấy được những mặt khác của vấn đề mà mình không thấy. Tương tự như trước một cái chén, mình thấy rõ ràng nó “lõm”, nhưng khi có người lại bảo nó “lồi” thì mình nghĩ ngay rằng người ấy có thể đã nhìn cái chén từ một vị thế khác, và có thể họ cũng đúng không kém gì mình. Trong chiều hướng này, Hermann Hesse viết: “Trong mọi sự thật, điều ngược lại cũng đúng không kém” (Câu chuyện của dòng sông, lời Tất Đạt nói với Thiện Hữu).

Tuy nhiên, câu trên của Hermann Hesse cũng có những hạn chế. Nghĩa là: Giả như quan điểm của ta là đúng, thì không phải bất cứ quan điểm nào khác, hoặc ngược với quan điểm của ta, cũng đều đúng cả. Trong số những quan điểm khác nhau, có những quan điểm đúng dù chúng nghịch nhau, nhưng vẫn có thể có những quan điểm sai. Chẳng hạn, với cái chén, người nói nó lõm, nó lồi, nó tròn, nó hình bầu dục, nó hình vành khăn, nó hình-bán-nguyệt-liền-với-hình-chữ-nhật… đều đúng cả (*1); nhưng nói nó phẳng, nó hình chữ nhật hay hình ngôi sao thì chắc chắn là sai. Tuy nhiên, bất kỳ một quan điểm nào, dù đúng tới đâu, nếu tự cho rằng mình duy nhất đúng, thì đó chính là điểm sai lầm của nó.

Nói chung, mỗi người thường chỉ nhìn thấy được một hoặc vài khía cạnh của vấn đề hay sự việc, chẳng mấy ai tự mình thấy hết được mọi khía cạnh. Ai quan niệm thực tại đa diện cũng thường muốn thấy vấn đề cách toàn diện, nên sẵn sàng lắng nghe những quan điểm khác, kể cả những quan điểm ngược với mình, đồng thời tự đặt mình vào vị thế của người khác để nhìn vấn đề theo cách của người khác. Nhờ vậy, họ thấy được sự hợp lý của những quan điểm khác, thấy được lý tất nhiên tại sao những người có quan điểm khác lại quan điểm như vậy. Cuối cùng họ nhận ra những quan điểm ấy chẳng những không chống lại mà còn bổ túc cho quan điểm của mình. Nhờ đó họ có cái nhìn tổng hợp, đầy đủ, sáng suốt hơn về vấn đề được đề cập.

Quan niệm thực tại đa diện và đa dạng dễ dẫn tới tinh thần đa nguyên, là sẵn sàng chấp nhận và cho phép người khác được quan niệm, chủ trương khác với mình. Đó là bản chất của dân chủ đa nguyên, rất cần thiết cho một xã hội dân chủ, và cho tất cả những ai đang tranh đấu cho dân chủ. Chỉ những ai quan niệm thực tại là đa diện và đa dạng mới xây dựng được xã hội dân chủ đích thực và mới đoàn kết được với nhau. Còn những ai quan niệm thực tại đơn diện và đơn dạng, họ khó mà đoàn kết với nhau, có thể họ là những nhà đấu tranh dân chủ trong hiện tại, nhưng họ dễ dàng trở thành những nhà độc tài khi họ nắm được quyền lực trong tay.

Houston, ngày 26/6/2011

Nguyễn Chính Kết

________________

Phụ chú:

(*1) Người ta thấy cái chén:

- lõm và tròn, nếu nhìn thẳng từ trên xuống

- lõm và hình bầu dục, nếu nhìn xéo từ trên xuống

- lồi và hình vành khăn với hai vòng lớn và nhỏ, nếu nhìn phía đáy cái chén

- lồi và hình-bán-nguyệt-liền-với-một-hình-chữ-nhật, nếu nhìn phía ngang cái chén.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét