Pages

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Ra Đi Tìm Đường Cứu Nhà

Ngày 31-5-2011, tại Sài Gòn mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN) đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra cuộc Hội thảo với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Hành trình tìm đường cứu nước”. Cuộc hội thảo do các cơ quan sau đây đứng ra tổ chức: Thành ủy đảng CSVN TpHCM, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Hành chánh Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Những cơ quan trong ban tổ chức cuộc hội thảo đều tầm cỡ khá cao trong nước, nên cuộc hội thảo quy tụ nhiều nhân vật quan trọng của CSVN, kể cả cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Phải nói ngay rằng đề tài nầy quá cũ, nhưng được CSVN cố tình đem ra hâm nóng trở lại, may ra để vớt vát lại uy tín cho đảng CSVN đang càng ngày càng tuột dốc. Cứ mỗi lần gặp khó khăn về chính trị, CSVN kiếm cách cầu cứu Hồ Chí Minh để lòe thiên hạ, nhất là giới trẻ tuổi mới lớn lên. Vì vậy, từ ngày 26-5, họp báo giới thiệu cuộc hội thảo, cho đến 139 bài tham luận đưa ra trong cuộc hội thảo, đều là một bản đồng ca ồn ào chói tai giống như ếch nhái đồng ruộng kêu ồm oàm sau một trận mưa lớn (Sài Gòn hiện đang vào mùa mưa), đều đặn đúng như những tài liệu cổ điển của CSVN. Tốt nhất, chúng ta trở lại với những tài liệu nầy.

Đầu tiên là nguyên văn lời trong sách Lịch sử Việt Nam của các tác giả cộng sản viết về sự kiện thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu Amiral Latouche-Tréville ngày 5-6-1911 để ra đi:

“Sự thất bại của các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục của cuộc vận động Duy Tân và phong trào chống thuế ở các tỉnh Trung Kỳ mà Người [Hồ Chí Minh] từng tham gia khi đang học ở trường Quốc Học Huế, đã thôi thúc Người [HCM] hướng về các nước Tây Âu, mong muốn được đến “tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Sau khi rời Huế vào Phan Thiết … …Được ít lâu, lấy tên là Văn Ba, Người [HCM] xin làm phụ bếp trên chiếc tàu thủy Đô đốc La Tusơ Tơrêvin (La Touche Tréville)[Latouche-Tréville], thuộc hãng vận tải hợp nhất của Pháp, để đi ra nước ngoài “xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào…”( Nguyễn Khánh Toàn và một nhóm tác giả, Lịch sử Việt Nam, tập 2, Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội, 1985, tr. 145.)

Sách Chủ Tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp của nhà xuất bản Sự Thật giải thích sự ra đi của Hồ Chí Minh cũng gần giống như thế: “… Ít lâu sau, Hồ Chủ tịch vào Sài Gòn. Nam Kỳ dưới chế độ thuộc địa cũng chẳng khác gì Trung Kỳ dưới chế độ bảo hộ và Bắc kỳ dưới chế độ nửa thuộc địa, nửa bảo hộ. Ở đâu nhân dân cũng bị áp bức, bóc lột, đồng bào cũng bị đọa đày, khổ nhục. Điều đó càng thôi thúc Hồ Chủ tịch đi sang các nước Âu tây để xem nhân dân các nước ấy làm như thế nào mà trở nên độc lập, hùng cường, rồi sẽ trở về “giúp đỡ đồng bào” đánh đuổi thực dân Pháp. Ý định ấy của Người [HCM] đã dẫn Người từng bước đi tới tìm một phương hướng mới cho sự nghiệp cứu nước của nhân dân ta.” (Ban Nghiên cứu Lịch sử đảng trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp, in lần thứ tư (có xem lại và bổ sung), Hà Nội: Nxb. Sự Thật, 1975, tr. 15.)

Trong sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, cũng do nhà xuất bản Sự Thật ấn hành, trả lời phỏng vấn của tác giả Trần Dân Tiên, Hồ Chí Minh nói về lý do ra đi như sau: “…Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta…” (Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Hà Nội: Nxb. Sự Thật, 1976, tr. 13.)

Trần Dân Tiên chính lại là Hồ Chí Minh. Ông dùng một tên khác viết sách tự ca tụng mình. Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, có nhiều người viết sách về hoạt động của mình, đôi khi để tự khen mình, hoặc để biện hộ cho những việc làm của mình, nhưng họ đều đề tên thật, chịu trách nhiệm về những điều họ viết. Hồ Chí Minh dùng một tên khác tự ca tụng mình là một sáng kiến kỳ lạ chưa một người tự trọng nào dám nghĩ đến một hành động thật quá trơ trẽn.

Như thế, qua các sách của nhà cầm quyền cộng sản và qua chính những lời viết của Hồ Chí Minh, ông ta đi ra nước ngoài nhắm mục đích tìm đường cứu nước. Tuy nhiên nhiều tài liệu cụ thể cho thấy rằng Hồ Chí Minh ra đi không phải để tìm đường cứu nước, mà chỉ vì lý do kinh tế gia đình, ra đi để tìm đường cứu nhà.

Trong bài “Từ mộng làm quan đến đường cách mạng Hồ Chí Minh và Trường Thuộc Địa”, hai tác giả Nguyễn Thế Anh và Vũ Ngự Chiêu đã phổ biến ảnh sao (photocopy) hai lá thư của Nguyễn Tất Thành đề ngày 15-9-1911 gởi cho tổng thống Pháp và bộ trưởng bộ Thuộc Địa Pháp, xin hai nhà lãnh đạo Pháp ban ân huệ cho Thành được đặc cách vào học Trường Thuộc Địa Paris, nơi đào tạo quan lại cho các thuộc địa Pháp trong đó có Đông Dương. Phần chính trong nội dung của hai lá thư nầy hoàn toàn giống nhau. Đó là:

“Tôi xin trân trọng thỉnh nguyện lòng hảo tâm của ông ban cho tôi đặc ân được nhận vào học nội trú Trường Thuộc Địa. Tôi hiện đang làm công trong công ty Chargeurs Réunis để sinh sống (trên tàu Amiral Latouche-Tréville). Tôi hoàn toàn không có chút tài sản nào, nhưng rất khao khát học hỏi. Tôi ước mong trở nên hữu ích cho nước Pháp đối với đồng bào tôi, đồng thời làm thế nào cho họ hưởng được ích lợi của nền học vấn…” (Đặc san Đường Mới, số 1, Paris, tt. 8-25)

(Trích Daniel Hemery, sđd. tr. 40.)

Hai lá đơn trên đều bị bác, Nguyễn Tất Thành tiếp tục hành nghề trên các tàu biển. Ngày 15-12-1912, từ New York, Hoa Kỳ, Nguyễn Tất Thành gởi đến viên khâm sứ Pháp tại Huế một lá thư rất thống thiết xin một đặc ân là ban cho cha Nguyễn Tất Thành là Nguyễn Sinh Sắc, một chức việc nhỏ như giáo thụ hay huấn đạo, để ông nầy có điều kiện sinh sống.

Nguyên phụ thân của Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) là Nguyễn Sinh Sắc (còn có tên là Huy) đỗ phó bảng trong kỳ thi Hội và thi Đình năm 1901 tại Thừa Thiên, và được triều đình Huế bổ làm thừa biện bộ Lễ (tại Huế) từ 1902 đến 1909, rồi đi tri huyện Bình Khê (thuộc tỉnh Bình Định) tháng 5 năm đó. Từ thừa biện lên tri huyện là thăng quan chứ không phải xuống chức.

Nguyễn Sinh Sắc vốn nghiện rượu. Trong một cơn say rượu, tri huyện Nguyễn Sinh Sắc cho thuộc hạ dùng roi mây trừng phạt và đánh chết một người tù vào tháng 1-1910. Gia đình người nầy kiện lên cấp trên. Dù tri huyện Nguyễn Sinh Sắc đã chối cãi rằng không phải vì trận đòn của ông mà người kia chết, ông vẫn bị triều đình ra sắc chỉ ngày 17-9-1910 phạt đánh 100 trượng. Hình phạt nầy được chuyển đổi qua hạ bốn cấp quan lại và sa thải. (Daniel Hémery, Ho Chi Minh, de l ‘Indochine au Vietnam [Hồ Chí Minh, từ Đông Dương đến Việt Nam], Paris: Nxb. Gallimard, 1990, tr. 133. ) Lý do chuyển đổi hình phạt để Nguyễn Sinh Sắc khỏi bị đánh đòn có thể nhắm giữ thể diện của một quan chức triều đình, và nhất là vị nầy lại là người có học vị cao.

Ngày 26-2-1911, Nguyễn Sinh Sắc xuống tàu từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Ông ở lại Sài Gòn một thời gian, rồi đi Lộc Ninh làm giám thị đồn điền. Từ đó, ông không bao giờ trở ra Nghệ An. Ông sống lang thang ở miền Nam bằng nghề đông y, và nghề viết liễn đối cho dân chúng. Gần cuối đời, ông đến định cư tại làng Hội Hòa An, Sa Đec, và từ trần ngày 29-11-1929.

Trước cảnh nghèo túng của cha, Nguyễn Tất Thành viết thư từ New York cho khâm sứ Pháp tại Huế ngày 15-12-1912, có những đoạn như “… cầu mong Ngài [chỉ khâm sứ Pháp] vui lòng cho cha tôi [cha của Thành tức Nguyễn Sinh Sắc] được nhận một công việc như thừa biện ở các bộ, hoặc huấn đạo, hay giáo thụ để cha tôi sinh sống dưới sự quan tâm cao quý của Ngài…” ( Thành Tín [tức Bùi Tín], Mặt thật, California: Nxb. Saigon Press, 1993, tt. 95-96.)

Đây là một việc làm hiếu đễ đáng khen của thanh niên Nguyễn Tất Thành, nhưng rất tiếc khi gia nhập đảng Cộng Sản, thì Nguyễn Tất Thành từ bỏ luân lý truyền thống dân tộc, chuyển lòng trung hiếu thành lý tưởng phục vụ đảng và chủ nghĩa cộng sản, đến nỗi sau đó chính Nguyễn Sinh Sắc, phụ thân Nguyễn Tất Thành, rất bực mình “không muốn nghe nói đến “đứa con hư” của mình [...] mà các chủ thuyết chẳng những đả phá uy quyền của nhà vua, mà còn đả phá luôn cả uy quyền của người gia trưởng.” (Daniel Hémery, sđd. tr. 134.)

Hai lá đơn trên cùng với lá thư gởi năn nỉ viên khâm sứ Pháp tại Huế cho thấy lúc mới ra đi, Nguyễn Tất Thành chỉ nhắm mục đích sinh nhai. Vì sinh kế gia đình, lúc đó Nguyễn Tất Thành sẵn sàng thỏa hiệp với người Pháp để kiếm một chức quan cho cá nhân ông (bằng cách xin vào học Trường Thuộc Địa), hoặc cho phụ thân ông, chứ Nguyễn Tất Thành không chống lại nhà cầm quyền thực dân Pháp.

Giải quyết sinh kế cho gia đình là chuyện bình thường của đời sống con người. Lớn lên, ai ai cũng phải kiếm cách mưu sinh để tự nuôi sống mình và nuôi sống gia đình. Ngày 5-6-1911 Nguyễn Tất Thành xuống tàu Amiral Latouche-Tréville ra đi không phải để tìm đường cứu nước mà để TÌM ĐƯỜNG CỨU NHÀ. Đơn giản chỉ có thế.

Việc ra đi tìm đường cứu nước chỉ là sản phẩm tưởng tượng sau nầy của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản, nhắm “anh hùng hóa” và làm đẹp cho việc ra đi của họ Hồ để lôi cuốn quần chúng trên đường hoạt động chính trị. Cuộc hội thảo ngày 31-5-2011 vừa qua tại Sài Gòn cũng không ngoài mục đích đó.

TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, 2-6-2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét