Ngày Chúa nhật 05/6 vừa qua, hòa mình trong không khí thật nhiệt huyết, vô cùng xúc động và rất sôi sục của những người anh em cùng dòng máu Lạc Hồng, cùng tiếng nói với nhiều giọng ngữ khác nhau từ khắp nơi của mọi miền Tổ Quốc cùng hiệp nhất với nhau phản đối Trung quốc – một hàng xóm to xác nhưng xấu tính đã xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam ngày 26/05.
Như hàng triệu trái tim nóng bỏng của đồng bào cho dải đất hình chữ S và chủ quyền biển đảo Việt Nam, ngày đáng ghi trong lòng người trẻ – tình yêu Tổ Quốc đã trổi vượt trên muôn vàn tình yêu khác.
Không tham phần vinh dự vào ngày Chúa nhật yêu nước đó thì có lẽ không biết tình yêu non nước của mình nó nằm ở đâu ? được bao nhiêu ?. Nhưng đi rồi mới xác quyết rằng, tình yêu nước của mình nằm chính trong trái tim, dòng máu, ánh mắt, khát vọng của tất cả anh chị em con dân Đất Việt, nhất là những người bạn trẻ đầy tràn huyết ái giang sơn, thậm chí có ngay cả chính một số ‘công an’ có ý thức công việc ngăn cản biểu tình lòng yêu nước.
Còn tình yêu nước của mình được bao nhiêu ? thú thật chẳng được bao nhiêu cả, chỉ là một cái lông tơ nhẹ bay trước gió so với anh chị em trong ngày biểu tình lòng yêu nước này. Nhưng dù ít, lòng yêu nước của bản thân vẫn tự hào vì đã ‘dám’ biểu thị lòng yêu nước một cách công khai trước ba quân địch thù (địch thù tất nhiên là Trung Quốc và thân vong).
Hôm đó, thoạt nhận biết ban đầu, đoàn biểu tình toàn người trẻ, đi cùng họ, bên họ mới biết rõ hơn, đa số là sinh viên học sinh, cũng có các doanh nhân, người già, trẻ nhỏ, người nam, người nữ nườm nợp như trẩy hội, bình an nhưng vô cùng bất khuất.
Hôm đó, một mình, mạnh dạn hòa chung cùng với đoàn biểu tình. Mà cũng có thể chả ai biết ai với ai, nhưng lạ cái là cứ như anh em một nhà, cứ như cùng chung cha chung mẹ, chung một dòng máu, ngôn ngữ, hiểu nhau, yêu thương nhau và đoàn kết cùng chung một đích cuối cùng là phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, ý thức dân tộc tự cường, tự kháng, độc lập và dân chủ lên đến đỉnh điểm.
Chả thế mà một sinh viên hình như đến từ Nghệ An, đang là sinh viên tại một trường đại học ở Nghệ An đã vượt qua hàng mấy trăm cây số về Hà Nội tham gia vào đoàn biểu tình. Anh ta chia sẻ một cách đầy say mê trong lúc tuần hành trên đường phố “em cùng nhiều người bạn từ Nghệ An ra đây để ‘dự tiệc’ lớn của đại quốc, như các bạn trẻ hôm nay, chúng em thấy mình có trách nhiệm và bổn phận đối với hồn thiêng sông núi. Biểu tình lòng yêu nước để thị uy kẻ thù xâm lược, đó là một thông điệp hết sức thiết thực, cứng rắn với kẻ thù. Nhân dân Việt Nam không bao giờ khuất phục trước một kẻ thù xâm lược nào, thà chết để bảo tồn sông núi còn hơn sống hèn chui lòn dưới ách ngoại bang”.
Ôi chao! nghe người bạn trẻ đó nói sao mà thấy xấu hổ trước tình cảm yêu nước của mình còn thật là ít ỏi, và thật xấu hổ hơn nữa nếu như có tư tưởng nào đó ngăn cản không cho biểu tình lòng yêu nước của họ, hoặc là những ngụy biện hết sức bao biện về việc ai đó cho biểu tình yêu nước là ‘phản động’ hoặc bị xúi dục bởi một thế lực nào đó.
Nếu có thế lực nào đó xúi giục, họa chăng có anh chàng nào đó đang ngày đêm cướp đảo, chiếm biển, giết ngư dân Việt Nam và ‘bạn bè’ của anh ta xúi dục đừng đi biểu tình lòng yêu nước nữa, đừng chống Trung Quốc nữa mà thôi.
Dù bị lực lượng công an, cảnh sát cơ động đông đúc truy đuổi đoàn biểu tình khá gắt gao, nhưng giữa hai bên xảy ra ít va chạm, nếu có rất nhỏ hoặc tiểu tiết. Số lượng công an chìm nổi trà trộn vào đoàn biểu tình đông như quân nguyên. Các anh có nhiệm vụ của các anh, công việc của các anh, điều may mắn là hôm đó không có cảnh đánh và bắt người công khai, lác đác đâu đó có một số nhà báo nước ngoài, nghe đâu như của AFP, Reuters… gì đó.
Đoàn biểu tình bị lực lượng công an và cơ động đuổi thẳng tăm tắp theo con đường Trần Phú từ trước khu vực tòa đại sứ Trung Quốc về khu phố cổ, lúc hết đường Trần Phú chạm Lý Nam Đế là phố của Quân đội, cùng các tướng lĩnh ở đó khá đông thì đoàn biểu tình không được đi vào, đến đây hàng trăm cảnh sát cơ động dừng đuổi đoàn biểu tình.
Đoàn biểu tình kéo xuống đường Phùng Hưng, lòng vòng qua các tuyến phố chạm với phố cổ, ra Hàng Bông, xuôi về xuống Hồ Gươm. Tinh thần tuổi trẻ vẫn nhiệt huyết, vẫn mạnh bạo, vẫn nồng nàn, vẫn đau đáu với nỗi đau của dân tộc, Tổ quốc. Họ vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, “Trung Quốc, hàng xóm to xác xấu tính”, “Tẩy chay hàng Trung Quốc”, “Thanh niên Việt Nam tiến lên quyết tâm bảo vệ Tổ Quốc”. hay là “Đả đảo Trung Quốc xâm lược”, “Việt Nam muôn năm” cùng với những băng rôn khẩu hiệu bằng nhiều thứ tiếng Việt, Anh, Trung như “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, “đả đảo Trung Quốc xâm lược”, “China, hàng xóm to xác, xấu tính”… được in trên các tờ giấy A4 được các bạn trẻ cầm trên tay.
Mặc dù đoàn biểu tình biết rất rõ có nhiều công an thường phục đi cùng trong đoàn và máy quay phim của họ hoạt động rất tích cực, nhưng dường như đoàn biểu tình không quan tâm đến các điều đó.
Khuôn mặt của các anh công an khá căng thẳng, nhìn biết đế 90%, hỏi chuyện với vài anh công an mặc thường phục một cách tự nhiên, họ không dám khẳng định là công an, nét mặt rất nghiêm nghị rồi lảng tránh câu hỏi, thường thì họ đi cùng đoàn, nhưng không hề có phản ứng gì như hô vang khẩu hiệu hay tươi cười với người bên cạnh. Đó là hỏi chuyện với mấy anh thôi, còn các anh khác thì không biết.
Bèn, hỏi thẳng một vài anh công an mặc sắc phục màu xanh, anh công an ơi anh có cảm thấy xúc động trước lòng yêu nước nồng nàn của đồng bào mình chống lại Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam không ? Trong cái nắng trở nên gay gắt hơn cộng với độ nóng của cuộc biểu tình, sau câu hỏi đó, bỗng thấy một nụ cười hé lộ rất nhỏ đầy hiếm hoi trên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi và vô cùng căng thẳng của anh công an mặc sắc phục màu xanh đó. Hình ảnh rất tuyệt vời, dù bé, nhanh, hiếm hoi, vụt tắt ngay tức thì, nhưng vẫn đẹp, tiếc là anh công an đó không có đeo bảng hiệu danh xưng.
Cô gái trẻ, phải công nhận là xinh đẹp, cặp kính cận dầy cộp đầy tri thức, nhưng không kịp hỏi tên, cô đang làm gì, ở đâu, nếu hỏi nhiều thế thì giống an ninh điều tra bức cung ngay tại đường phố quá. Vì bị ấn tượng và thu hút bởi chất giọng cao lanh lảnh ‘đả đảo Trung Quốc xâm lược, tẩy chay hàng Trung Quốc” được cất lên cùng lúc với nấm đấm giơ cao nên tò mò về cảm xúc và cách thể hiện của cô.
Không ngần ngại cô tuôn một tràng “chúng ta là những người trẻ, là trụ cột của xã hội Việt Nam hôm nay và mai sau. Nếu không xác quyết lòng yêu nước chống giặc ngoại xâm, cụ thể là Trung Quốc thì, càng nhân nhượng chúng càng lấn tới. Biết ăn nói, trả lời sao với con cháu mai này khi thế hệ sau chúng ta tìm hiểu về lịch sử biển đảo của Việt Nam. Biết trả lời sao với hồn thiêng sông núi, với tổ tiên Lạc Hồng của chúng ta chứ ?, mất biển đảo hôm nay là mất cả muôn đời sau”.
Anh Tiến, trạng tuổi trung niên cho biết là người ở Kim Mã, Hà Nội bắt quàng làm bạn vì bên đi cạnh anh một đoạn cũng hô vang khẩu hiệu rất to. Anh nói “chúng tôi là những người đã từng lính chiến, thực ra với cái loại thằng Tàu nó nham hiểm thế thì rất khó lường. Nhưng nếu thật sự phải cầm súng, tôi là một con dân đất nước Việt Nam sẽ theo tiếng gọi hồn sông núi thiêng chống lại giặc Tàu không ngưng trễ một phút”.
Có thể, đối với một người dân Việt Nam, không biết chắc có ngoại lệ trường hợp nào không nhưng trước thảm trạng Trung Quốc hành xử với Tổ Quốc mình, đặc biệt với những ai đã biểu tình lòng yêu nước hôm 05/06 vừa qua thì quả thật đó là một dấu ấn sâu đậm không phai mờ trong suốt cả cuộc đời. Ngày đó như gợi hứng cho mỗi người sống và được sống trở nên dồi dào hơn trong huyết mạch của tổ Quốc Việt Nam ngàn đời.
Hà Nội, 08/06/2011
Paulus Lê Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét