Pages

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Thư gửi chú Nguyễn Xuân Diện và 90 nhân sỹ vì đất nước

Xin chào chú Nguyễn Xuân Diện,


Cháu chính là người thanh niên ở Sài Gòn đã cầm tấm biểu ngữ phản đối Trung Quốc xâm lược lãnh hải Việt Nam và đứng bất động hướng về Lãnh sự quán Trung Quốc ở góc ngã tư đường Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Thị Minh Khai buổi trưa ngày Chủ Nhật 05 tháng 06 năm 2011 vừa rồi.


Trước tiên, cháu xin lỗi chú vì sẽ không nói rõ danh tánh, tên tuổi của mình khi viết thư này gửi chú. Hi vọng là qua cách xưng hô, chú hiểu rằng cháu hoàn toàn tôn trọng chú một cách đúng mực. Và sở dĩ cháu không nêu tên tuổi của mình chỉ là để muốn tất cả mọi người (kể cả các nhân viên an ninh, công an đã làm việc với cháu) hiểu rằng cháu đã đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược và đã làm 1 hành động “không giống ai” đó không phải để gây tiếng vang hay tạo dấu ấn cá nhân gì cả như 1 số nhân viên an ninh đã cho là như thế.


Cháu chưa gặp chú bao giờ, cũng không biết gì nhiều về chú, chưa từng giao tiếp. Hôm nay, cháu quyết định viết thư này gửi chú sau khi đọc được Bản Tuyên Cáo Đặc Biệt của 90 nhân sỹ mà trong đó có chú đồng ký tên, để nói lên một số cảm nhận, suy nghĩ và trăn trở của mình về tình hình hiện tại của đất nước trước họa xâm lược bành trướng đến từ đất nước láng giềng Trung Quốc.


Cháu hoàn toàn ủng hộ và có chung suy nghĩ, lập trường với 4 điểm tuyên bố trong bản Tuyên Cáo trên. Chính vì vậy cháu viết thư này gửi chú để một lần nữa khẳng định điều đó, đồng thời trình bày thêm một số chi tiết và cảm nhận xung quanh vấn đề này với mong muốn là góp 1 chút sức lực, tiếng nói của mình để giúp cho tình hình đất nước sáng sủa, tốt đẹp hơn.


Sau khi cuộc biểu tình tuần hành chống hành động xâm phạm lãnh hải, phá hoại tài sản thuộc chủ quyền Việt Nam của 3 tàu hải giám Trung Quốc cũng như thái độ gây hấn, chủ trương xâm lược của đất nước láng giềng này kết thúc lần đầu tiên chiều ngày 05 tháng 06 thì cháu được 4 người đi trên 2 xe gắn máy tự nhận là “an ninh thành phố” mời uống càfe khi đang trên đường từ nhà đến chỗ làm vào trưa hôm sau, tức thứ hai ngày 06/06/2011. Vì không nghĩ rằng họ là “hàng giả” nên mặc dù cách mời càfe rất không được lịch sự cũng như họ chẳng nói danh tánh, chức vụ nhưng cháu vẫn đồng ý vào quán càfe gọi là “trao đổi” với điều kiện duy nhất là họ trả tiền nước mà không cần họ phải xưng danh. Họ không đem theo giấy tờ gì, chỉ trao đổi miệng xung quanh vụ việc cháu đi biểu tình chống Trung Quốc vào ngày hôm trước 05/06. Họ giải thích những điều hệt như những gì mà ông trung tướng hải quân và thầy hiệu phó trường ĐH KHXH&NV đã cố thuyết phục đoàn biểu tình giải tán hôm Chủ Nhật. Cháu đã trình bày lại tất cả cảm nhận, suy nghĩ của mình về những hành động gây hấn gia tăng trên biển Đông của Trung Quốc cũng như lý do, nhận thức về việc đi biểu tình ngày Chủ Nhật của mình và tranh luận về những lợi và hại khi biểu tình như thế. Buổi “trò truyện” không mấy căng thẳng và nhìn chung là không có gì bức xúc, cháu cũng tin rằng họ đã hiểu được lý do, mục đích, ý nghĩa việc đi biểu tình chống Trung Quốc của cháu. Kết thúc, họ chỉ bảo rằng không muốn cháu đi nữa vì cũng không giải quyết được gì. Cháu khẳng định không việc làm nào là không có ý nghĩa và nhấn mạnh rằng nếu Trung Quốc còn tiếp tục gia tăng sức ép và làm căng thẳng thêm tình hình biển Đông, cháu sẽ tiếp tục xuống đường và cháu hi vọng rằng cơ quan an ninh sẽ không làm khó dễ vì sau buổi trao đổi, cháu nghĩ họ hiểu được tâm tư, tình cảm, suy nghĩ thực sự của cháu trước vấn đề trên.


Thế nhưng,


Sau đó, vào sáng ngày 09/06/2011, Internet và tiếp theo là báo chí chính thống đã lại loan tải hình ảnh tàu Trung Quốc cắt cáp của tàu Viking II thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, một lần nữa vẫn là ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Và thế là sáng Chủ Nhật ngày 12 tháng 06, cháu lại đến trước Lãnh sự quán Trung Quốc số 39 Nguyễn Thị Minh Khai để biểu tình phản đối. Nhưng không suôn sẻ như ngày 05/06, ngay khi cháu vừa tiến vào công viên 30/4 góc đường Alexandre De Rhodes và Phạm Ngọc Thạch thì từ bên kia đường, 5-6 người thanh niên xông qua, tay chỉ thẳng mặt cháu và hét to “nó đó” rồi họ chụp tay, ghì cổ đưa cháu lên 1 chiếc xe máy vừa trờ tới và chở thẳng vào Ủy Ban Nhân Dân Quận 1 đường Lê Duẩn trước sự chứng kiến đầy e dè, không kịp phản ứng của một số người đứng gần cháu ở công viên. Lúc đó, cháu đã nghĩ rằng, vậy là những người an ninh đã nói chuyện với cháu ở quán càfe và những người bắt cháu đi sáng nay họ không biết nhau, hay là những người an ninh hôm trước chỉ giả vờ hiểu thiện chí của mình?!


Cũng may, không như những người đã đưa cháu đến, những người ngồi làm việc thì tỏ ra lịch sự, dễ chịu và hòa nhã hơn. Sau khi trao đổi, tra hỏi, lấy tường trình về lý lịch, về sự việc biểu tình ngày 05/06 và sự việc sáng ngày hôm đó 12/06 thì cháu phải ngồi trong phòng cho đến tận chiều. Có nước uống, chỉ thiếu cơm trưa. Ở đó, các anh an ninh không cho dùng từ bị bắt cũng như tạm giữ mà chỉ được dùng từ “mời làm việc”, 1 lời mời hơi thiếu thiện chí, có chút thô bạo trong đưa đón, không được ăn trưa và chẳng thể khước từ. Nhưng cũng không sao, vì ngày hôm đó các anh ấy bận rộn quá nên thôi mình tự cho mình cái quyền thông cảm vậy với lại ngồi không như thế mà ăn cơm bằng tiền thuế của mọi người thì cũng… khó coi.


Thôi cháu kể lại chút chuyện riêng gọi là những ấn tượng chẳng bao giờ phai được thế, chứ cũng không muốn nói nhiều vì nó rất dễ tạo ra cảm giác thiếu thiện cảm giữa những người có liên quan trong đó với nhau.


Trong bối cảnh đất nước hiện nay, khi họa ngoại xâm 1 lần nữa đã lăm le quay trở lại và từng giờ từng phút chực chờ, điều cháu mong muốn nhất là dân tộc Việt Nam thực sự đoàn kết, thống nhất một lòng để gìn giữ quê hương, chống quân bá quyền xâm lược. Cháu chỉ là 1 công dân trẻ vô danh tiểu tốt nên có lẽ vì thế mà những lần làm việc với cơ quan an ninh vừa qua họ có vẻ không muốn lắng nghe vì cho rằng cháu ấu trĩ, bồng bột lắm chăng. Vì vậy, cháu muốn nhờ thông qua chú cũng như các bậc nhân sỹ có tên tuổi gửi gắm những suy nghĩ tận đáy lòng mình đến họ cũng như đến tất cả những ai còn quan tâm đến vận mệnh đất nước hôm nay.


Một ngày ngồi tại Ủy Ban Nhân Dân Quận 1 – nơi được mượn tạm để cơ quan an ninh làm việc với những người đi biểu tình chống Trung Quốc bị đưa vào đó, cháu đã chứng kiến nhiều sự việc thật sự đáng buồn. Mà bây giờ, cháu sẽ kể ra đây như một nhận định của mình để mọi người có rảnh thì cùng nghĩ ngợi chút xem sao.


- Hôm đó, có những bạn khi bị mời vào làm việc đã vì sợ hãi mà khai rằng có người lôi kéo các bạn ấy tham gia biểu tình và sẽ có tiền thưởng. Cháu thì tin chắc là không bao giờ có chuyện đó, có chăng là lần đầu tiên các bạn này đối diện với cơ quan công an, lại với những hành động “mời làm việc” không lấy gì làm thiện cảm nên đã sợ mà nói thế cho mau xong chuyện. Nhưng đó là 1 sự “mau xong chuyện” thật đáng buồn, vì bỗng dưng nó đánh mất đi hình ảnh và ý nghĩa hết sức trong sáng và cao đẹp của chính các bạn ấy và tất cả mọi người khi tham gia tuần hành yêu nước. Cũng vì những lời khai ấy mà câu khẳng định trong bản tường trình của cháu “tôi tự nguyện đến đây một mình, để biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, hoàn toàn không chịu sự xúi giục, lôi kéo của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào” đã bị 1 số nhân viên an ninh đặt vấn đề và không tin là như thế. Cháu nghĩ, thái độ trên của các bạn ấy đã vô tình làm gia tăng căng thẳng giữa cơ quan an ninh nhà nước và nhân dân khi mà không có một niềm tin nào được khẳng định. Không phải lỗi của các bạn ấy, lại càng không thể trách các bạn ấy được vì lòng yêu nước của các bạn ấy đã bị đối xử không mấy ôn hòa nên sự sợ hãi vũ lực là điều đương nhiên một người bình thường sẽ cảm thấy.


- Ngược lại, tại nơi cháu bị mời làm việc hôm đó cũng có một vài bạn rất kiên quyết, cứng rắn đã thể hiện thái độ bất hợp tác bằng cách im lặng không làm việc với phía an ninh. Theo suy nghĩ riêng của cháu, cháu thấy như thế cũng không phải là 1 cách hay. Bởi vì, ngày hôm đó là ngày người Việt Nam thể hiện lòng yêu nước chống họa ngoại xâm từ phương Bắc của mình. Thái độ như thế đã vô tình làm gia tăng căng thẳng và đẩy lực lượng an ninh với người biểu tình vào thế đối đầu nhau, trong khi tất cả đều là người Việt Nam. Và người Việt Nam nào lại không căm phẫn trước hành động bá quyền Trung Quốc. Cháu đồng ý rằng các bạn đó không sai, không hề sai nhưng cháu nghĩ những giây phút đó không còn phải là lúc để giải quyết cho sòng phẳng, rạch ròi chuyện anh – tôi ai đúng ai sai mà nên 1 điều rằng khi đó ai kiềm chế được thì hãy cố gắng bỏ qua những tiểu tiết vì mục đích chung. Người an ninh có nhiệm vụ của họ, có mệnh lệnh cấp trên để phải tuân theo, chứ cháu tin ai lúc đó ai chả sục sôi lòng yêu nước. Chính vì vậy, cần làm sao để cơ quan an ninh và người biểu tình gần nhau hơn, hiểu nhau hơn là điều quan trọng, hơn là để những người an ninh buộc phải có những hành động không hay, không đúng chỉ để khống chế lòng yêu nước của chính dân mình.


- Cháu không dám chê trách cách xử lý tình huống của các bạn ấy, vì rõ ràng họ phải chịu những áp lực lớn và căng thẳng trong khi lại chỉ là những người trẻ với tấm lòng yêu nước quá thơ ngây. Nhưng chỉ là thấy buồn vì một bối cảnh như vậy lại đang là 1 thực tế diễn ra trên đất nước mình.


- Với suy nghĩ đó, cháu chọn lựa giải pháp cho mình là hợp tác. Hợp tác không có nghĩa là khuất phục, mà là thể hiện thái độ tôn trọng lẫn nhau với tinh thần đối thoại, lắng nghe, suy nghĩ và thượng tôn sự thật. Hợp tác thẳng thắn, rõ ràng và kiên định để vừa giúp những người an ninh hoàn thành nhiệm vụ vừa giúp họ hiểu rõ tâm tư, suy nghĩ của mình. Chính vì vậy, thậm chí cả tên của những người làm việc với cháu, cháu cũng còn không để ý vì biết họ chẳng thể nào là “hàng giả” ở đâu ra được. Nhờ giữ được thái độ tôn trọng lẫn nhau và buổi làm việc của cháu không căng thẳng, cũng không đi ra ngoài vấn đề biểu tình chống Trung Quốc như 1 số bạn khác cháu thấy phải khai cả địa chỉ, password e-mail và blog. Căn bản, cháu là 1 công dân, mang dầy đủ giấy tờ tùy thân của mình để đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, đó là điều cháu chẳng có gì phải giấu diếm và khi cơ quan an ninh cần thì sẵn sàng cho họ biết, cũng coi như thể hiện được phần nào thái độ “dám làm – dám chịu trách nhiệm” của mình. Và mặc dù cháu là người cuối cùng được ra khỏi căn phòng tiếp dân của Ủy Ban Nhân Dân Quận 1 hôm đó, nhưng nhìn chung không có thái độ gì xấu hay tình huống nào căng thẳng trừ những giây phút cuối cùng khi chuẩn bị bước ra: 1 sếp an ninh có vẻ như chức lớn nhất nhì ở đó cấm cháu lần sau không được đi biểu tình chống Trung Quốc nữa, thì cháu cũng chỉ nhắc lại lời cam kết của mình rằng “nếu Trung Quốc tiếp tục lộng hành trên biển Việt Nam, tiếp tục hành vi xâm lược Việt Nam thì cháu sẽ tiếp tục đi và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”, mọi người có vẻ căng thẳng nhưng cháu vẫn được về.


- Có điều này nữa mà khi làm việc cháu đã rất muốn nói song họ không cho cháu nói, đó là cháu rất không đồng tình với cái lối suy nghĩ “mọi việc đã có đảng và chính phủ lo”. Thưa chú, hôm đó cháu đã khẳng định với họ rằng nếu chính phủ không có nhân dân thì không thể nào thắng được họa ngoại xâm từ Trung Quốc, cũng khẳng định rằng nếu Trung Quốc tiến hành chiến tranh đánh Việt Nam, cháu sẽ tình nguyện nhập ngũ và ôm súng đi hàng đầu tiên ra mặt trận. Nhưng họ vẫn luôn áp đặt rằng “mọi việc đã có đảng và chính phủ lo”. Đối với cháu, đó là 1 thái độ xem thường nhân dân và sỉ nhục lòng yêu nước của người Việt Nam, một dân tộc không đồng lòng, không đoàn kết, không tôn trọng lẫn nhau. Thế mà xã hội Việt Nam hôm nay đã mất lòng tin đến như vậy đấy, đến nỗi ai bộc lộ lòng yêu nước bằng trái tim và chọn lựa của mình thì cũng đều là “có thể có vấn đề”, chỉ vì đảng không chọn cách thể hiện ấy hay sao?!


- Trong khi đoàn kết, thống nhất, đồng lòng là những mong muốn mà cháu và có lẽ mọi người biểu tình những ngày ấy đều khát vọng đem đến, thể hiện cho nhà nước sống lại niềm tin thì dường như những điều tốt đẹp ấy bị từ chối một cách thẳng thừng và thậm chí là còn gay gắt. 05/06 là một ngày vui, nhưng cũng thực sự là 1 ngày buồn. Sau khi đoàn người diễu hành dọc các phố và quay trở về lại trước Lãnh sự quán Trung Quốc thì nơi này đã được phong tỏa kiên cố bằng các hàng rào barrier và một lực lượng an ninh, công an, csgt, cscđ, dân phòng, quản lý thị trường… dày đặc. Đoàn biểu tình đành dừng lại trước ngã tư Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Thị Minh Khai. Những phút giây trước đó là 1 ngày vui, nhưng đến lúc ấy đã thành 1 ngày buồn. Đoàn biểu tình nhất định muốn vượt qua, để đứng hiên ngang trực diện Lãnh sự quán Trung Quốc biểu dương lòng yêu nước trong khi phía an ninh cũng tỏ rõ thái độ cứng rắn và kiên quyết giải tán đoàn biểu tình. Một trung tướng hải quân đã được cử ra để thuyết phục mọi người giải tán về nhà. Những lời lẽ vẫn chỉ là những gì đã được lặp đi lặp lại bấy lâu nay mà mọi người đã thấy quá cũ kỹ và không hiệu quả. Đoàn biểu tình vẫn tiếp tục ở lại. Rồi đến thầy hiệu phó (hay hiệu trưởng gì đấy) trường ĐH KHXH&NV lại cố cầm loa thuyết phục mọi người giải tán. Vẫn những lý luận và giọng điệu không có gì mới mẻ. Một số thanh niên biểu tình đã tranh luận cứng rắn với thầy giáo này. Không những thế, 1 thanh niên trong đoàn biểu tình đã giành lấy loa phóng thanh và có những lời lẽ thiếu sáng suốt dành cho đám đông vẫn không bị thuyết phục ấy khiến 1 số bạn bị kích động. Lúc đó, cháu thực sự thấy buồn. Việt Nam là đây sao. Thấy rằng chẳng thể nào tranh luận vì căn bản mọi người khi đó đã chẳng còn ai chịu nghe ai, mà không thể nào giải tán như thế được, bằng mọi giá, đoàn biểu tình phải hiên ngang đứng đối diện và đi ngang qua Lãnh sự quán Trung Quốc để cho chúng thấy ý chí Việt Nam là không gì khuất phục được, để cho chúng thấy mọi người Việt Nam là một và sẽ không có chuyện người Việt Nam chặn đứng người Việt Nam chỉ vì 1 mối quan hệ ngoại giao với tên láng giềng đểu cáng. Và cháu đã quyết định giơ cao tấm biểu ngữ, đứng bất động tại chỗ hướng thẳng về phía Lãnh sự quán Trung Quốc để cho những kẻ ở trong đó hiểu rằng, người Việt Nam ôn hòa và yêu chuộng hòa bình, nhưng ý chí chiến đấu và tinh thần bảo vệ tổ quốc là bất diệt. Và kiên quyết, nếu hàng rào của người Việt Nam không mở ra cho người Việt Nam cùng nhau thể hiện tinh thần dân tộc thì nhất định không thả tay ra. Những giây phút đáng buồn tiếp tục kéo đến, khi mà một số người khi chứng kiến hành động của cháu đã tiến lại gần khích bác, châm chọc, mỉa mai và cười cợt. Một người an ninh tiến lại gần và thuyết giảng, cháu im lặng trong khi 1 bạn khác đã tiến lại và lên tiếng tranh luận với người an ninh. Rồi lại im lặng, rồi 1 sếp an ninh nào đó đã đứng từ phía sau những tấm barrier 1 lần nữa buông lời khích bác, rằng là cháu muốn tạo dấu ấn cá nhân, chơi trội để nổi tiếng, vẽ trò… Chưa 1 sự thất vọng và nỗi buồn nào nặng nề bằng, khi cháu đứng đó với mong ước rằng người Việt Nam sẽ thôi chia rẽ, sẽ thôi không chịu lắng nghe nhau, rằng cháu đứng đó, là để đại diện và thay thế cho tất cả những người Việt Nam yêu nước nào mà hôm đó không thể đến, không thể đứng đó hay đứng đó mà vì nhiệm vụ không thể biểu hiện lòng yêu nước của mình – những người an ninh, những người lính đứng gác trước Lãnh sự quán Trung Quốc, vậy mà 1 trong số họ lại buông những lời như thế. Nhưng cháu vẫn đứng, vì lúc đó nỗi thất vọng ấy cũng không còn nghĩa lý, mà điều quan trọng nhất là không đầu hàng Trung Quốc. Cũng thấy mừng, khi một số bạn dù không quen biết cũng lại tiếp nước cho cháu uống và cho cháu cả 1 cái nón đội cho bớt nắng. Cũng thấy vui hơn, khi mà vì hành động đó của cháu, đã có những cuộc tranh luận giữa 2 bên mà mọi người chịu lắng nghe hơn. Ít ra phải vậy chứ, người Việt Nam dù có vì hoàn cảnh, dù có bất đồng thì cũng nên tranh luận với nhau, hà cớ gì cứ phải căng thẳng, mâu thuẫn để cho bọn xâm lược Trung Quốc chúng cười. Rồi những giây phút cuối cùng, điều cháu mong muốn cũng đã tới khi 1 nhân viên an ninh tiến lại cầm tấm biểu ngữ thay cho cháu đồng thời lắng nghe xem cháu muốn điều gì. Và cháu đã yêu cầu điều đơn giản nhất: “Các anh, các chú công an hãy mở các tấm barrier, dẫn mọi người diễu hành ngang qua trước lãnh sự quán Trung Quốc rồi giải tán”. Điều đó được chấp thuận ngay. Ngày hôm ấy, cháu không kịp nói thêm gì vì các bạn lo sợ cháu quá mệt nên đã dìu đi và không cho nói gì hết, nhưng đó là chi tiết mà cháu đã muốn nói rằng nó có ý nghĩa nhất của ngày biểu tình hôm ấy, ít ra là với cháu. Cháu, lúc đó chính là đại diện cho nguyện vọng của nhân dân, của cả đoàn biểu tình mấy ngàn người sáng đó và đặc biệt là của những người nào còn ở lại cho đến tận giây phút cuối cùng. Và người an ninh kia, được xem như là người đại diện cho nhà nước. Nhà nước, hãy tiếp thu và tiếp tục nguyện vọng của nhân dân như cái cách mà người an ninh ấy đã tiếp lấy tấm biểu ngữ trên tay cháu và tiếp tục giơ cao đi ngang qua trước mặt bọn sứ quán Tàu. Đó mới là Việt Nam. Đó mới là dân tộc Việt Nam với dòng máu Lạc Hồng thực sự đồng tâm hiệp lực chống giặc ngoại xâm. Hình ảnh đó, cháu xem như 1 cái tát vào mặt dành cho bọn Tàu, rằng dù các người có lớn mạnh, nham hiểm đến đâu, có dùng thủ đoạn nào để chia rẽ người Việt Nam, để người Việt Nam chống lại chính nhau thì cuối cùng các người cũng vẫn phải thất bại. Và một Việt Nam đoàn kết, thống nhất đã cùng nhau rất ôn hòa, trật tự nhưng không kém hiên ngang và ngạo nghễ đi ngang qua mặt các người.


- Thế nhưng đã không thể có thêm 1 lần như thế khi mà sáng ngày Chủ Nhật tiếp theo 12/06/2011 cháu đã trở thành 1 trong những thanh niêm sớm nhất có mặt tại Ủy Ban Nhân Dân Quận 1 theo những lời mời cứng rắn và gượng ép. Tại đây, trong khi hầu hết những người an ninh qua thái độ khiến cháu nhận thấy rằng họ hiểu và cảm nhận được tâm tư của cháu qua hình ảnh 7 ngày trước thì vẫn có người hỏi cháu rằng “mày đứng như vậy rồi được bao nhiêu?”. 1 câu hỏi chà đạp lòng yêu nước mà cháu nghĩ rằng sẽ không có nhiều người như cháu để có thể im lặng và tha thứ cho anh ta ngay lúc đó đồng thời biện hộ giúp anh ta rằng, có lẽ do anh ta mới lấy lời khai của cái bạn thanh niên nói rằng có người rủ biểu tình và hứa sẽ thưởng tiền. Sau đó, những người an ninh khác làm việc thì thẳng thắn, tôn trọng cháu hơn. Họ cũng cố gắng để cháu hiểu và thông cảm rằng họ có nhiệm vụ phải đảm bảo an ninh, trật tự và quan trọng nhất là chủ trương, chính sách của nhà nước. Cháu đã nhấn mạnh rằng cháu đi thể hiện thái độ phản đối Trung Quốc chứ không phản đối công an hay tìm cách gây chuyện chống lại họ, không những vậy còn rất tôn trọng việc họ phải thực thi nhiệm vụ cũng như sẽ rất biết ơn nếu như họ cố gắng làm tốt nhiệm vụ giữ gìn trật tự và bảo vệ đoàn người yêu nước biểu tình. Một anh an ninh trẻ đã than rằng “ngoại xâm chống chưa xong giờ còn phải đối phó với các ông”, nghe mà ngao ngán. Ngao ngán vì với lối suy nghĩ ấy, người an ninh đó, rõ ràng đã đặt họ - nhiệm vụ của họ và những người biểu tình - lòng yêu nước của nhân dân vào vị thế đối đầu nhau trong khi người biểu tình chắc chắn không ai muốn thế. Chẳng phải ngày 05 tháng 06 đã diễn ra rất ôn hòa và trật tự đó thôi.


- Rồi họ nói nhiều về vấn đề quan ngại rằng sẽ có những người xấu lợi dụng cuộc biểu tình để gây rối, xuyên tạc hoặc thậm chí là khủng bố, bạo loạn. Cũng có lý với tình hình rối ren và phức tạp của Việt Nam hiện giờ. Nhưng cháu và họ lại đưa ra 2 cách giải quyết vấn đề hoàn toàn trái ngược. Họ thì bảo, chính vì vậy, họ phải nghiêm cấm biểu tình và khuyên cháu không nên đến những nơi “nhạy cảm” như thế để làm phức tạp thêm tình hình và có thể gây nguy hiểm cho chính mình. Trong khi, cháu lại trình bày rằng, nếu như thế nhà nước nên nhanh chóng xúc tiến luật biểu tình để hợp thức hóa và có thể quản lý được, như vậy sẽ không lo bị ai lợi dụng những tình huống đó để gây rối loạn, mất trật tự. Song, có vẻ như đó là 1 ý kiến không được lắng nghe. Họ bảo rằng, bây giờ nhà nước chưa cho phép thì không được biểu tình, cháu bảo rằng những giờ phút thế này chính là thực tiễn để nhà nước đưa ra các điều luật biểu tình cho chính xác và phù hợp. Hơn nữa, lẽ ra nếu quan ngại những vấn đề như những người tham gia bị kích động, xúi giục… thì lại càng cần phải để cho những người giữ vững được lập trường và tư tưởng như cháu được tham gia, bởi chính những người như cháu sẽ là nhân tố đảm bảo ý nghĩa của việc biểu tình, đảm bảo sự trong sáng, minh bạch, giữ gìn trật tự, tính ôn hòa cho cuộc biểu tình. Và mặc dù sự thật hiển nhiên rằng hôm 12/06 ấy cháu đã bị giữ lại nhưng việc biểu tình vẫn diễn ra. Chứng tỏ rằng có cấm đoán cháu thì cũng đâu thể ngăn cản được việc ấy. Phải, chẳng có thứ gì có thể nhốt giữ lòng yêu nước cả. Nhưng không. Họ vẫn bắt cháu phải cam kết rằng lần sau không được đi biểu tình chống Trung Quốc nữa. Và cháu đã ghi vào bản cam kết rằng, nếu lần sau tiếp tục biểu tình, cháu sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Không biết đến bao giờ, người ta mới tin vào cái gọi là nhiệt huyết và lòng yêu nước trong sáng của nhân dân chú nhỉ?


- 19 tháng 06, cháu không đi biểu tình. Không phải vì sự đe dọa đó, mà chỉ bởi đơn giản cháu nghĩ, Trung Quốc đã tỏ ra e dè và không còn lớn lối, ngang ngược trắng trợn như 2 lần trước đó nữa nên để tránh gia tăng căng thẳng giữa chính những người Việt Nam với nhau (an ninh công an và nhân dân quần chúng) cháu quyết định ở nhà. Và người nhân viên nhà nước đến cùng anh công an khu vực hôm đó có lẽ đã hơi bị chút ngạc nhiên khi họ vào nhà mà thấy cháu còn đang ngủ. Người trung niên nói là ở bên tuyên giáo quận, cháu cũng không để ý lắm vì chẳng có ý định phản kháng gì. Chú ấy bảo rằng đến thuyết phục cháu ở nhà, không đi biểu tình thêm nữa, hành động biểu tình thể hiện lòng yêu nước là đáng hoan nghênh nhưng hiện tại nó không phù hợp và gây mất trật tự, an ninh. Cháu cũng trao đổi về những suy nghĩ của mình xung quanh việc đó: được gì, mất gì, chứng tỏ được gì khi đi biểu tình như thế. Đồng thời 1 lần nữa khẳng định rằng nếu Trung Quốc tiếp tục lớn lối gây hấn, thì cháu sẽ lại đi mà không có thứ gì có thể ngăn cản được. Còn khi tình hình đã lắng dịu bớt, thì không cần ai canh giữ, cấm đoán, tự cháu sẽ ở nhà như ngày Chủ Nhật 19/06 nhằm không làm gia tăng căng thẳng, nhất là giữa người Việt Nam với nhau. Hẻm nhà cháu là hẻm cụt, người ta đứng canh ở ngoài đầu đường, nhưng dường như không tin tưởng vào tính đảm bảo nên cứ thỉnh thoảng lại thấy 2 anh dân phòng chở nhau lượn tới trước nhà, có lẽ để khẳng định rằng cháu vẫn còn ở đó. Hôm ấy và Chủ Nhật 26 tháng 06 vừa qua, cháu ở nhà và lòng rạo rực với khí thế ngoài Hà Nội, như một con chim trong lồng nhìn thấy đồng loại đang sải cánh tự do. Cũng thấy hơi buồn và ngột ngạt, nhưng thôi, phải biết kìm nén vì tình hình chung. Hơn nữa, đôi khi vì mang chút ấm ức mà ta lại có thể suy nghĩ được sâu hơn, kỹ hơn và biết cách đặt mình vào vị thế của người khác, bao gồm cả những người không những không được thể hiện tinh thần yêu nước như mình và còn phải mang nhiệm vụ ngăn cản nó. Phải chi, họ cũng hiểu cho mình như mình đã hiểu và cảm thông cho họ chú ha. Nếu mà cả dân tộc này thực sự đồng lòng, thì Trung Quốc làm gì dám láo!


Hôm nay, đọc được bản tuyên cáo của chú và các bậc học giả, trí thức tên tuổi cháu cảm thấy rất vui mừng. Trong cái thời buổi xã hội mà trọng lượng tiếng nói của một con người chỉ được cân nặng bằng danh tiếng của anh ta thì những tiếng nói như của chú và các trí thức, học giả đã ký tên trong bản Tuyên Cáo về hành động gây hấn của Trung Quốc là rất cần thiết và vô cùng quan trọng. Chứ những tiếng nói nhỏ bé, lẻ loi như cháu thì có ai nghe. Và cháu hi vọng rằng những tiếng nói như trên sẽ góp phần giúp mọi người Việt Nam biết lắng nghe nhau nhiều hơn, xích lại gần nhau hơn, thấu hiểu nhau hơn để tiến tới đoàn kết và thống nhất nhằm cứu lấy và nắm giữ cho thật tốt vận mệnh quốc gia.


Cháu ủng hộ hoàn toàn 4 điểm tuyên bố trong bản tuyên cáo ấy và cũng muốn được ký tên vào đó, nhưng thôi, để tránh việc người ta bảo rằng cháu chơi nổi lấy tiếng trong bối cảnh thế này nên nếu được chú có thể ghi tên cháu là Một người Việt Nam đã biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ngày 05/06 được không chú. Hi vọng qua bản tuyên cáo này, cũng như những tiếng nói, hành động tiếp theo của các bác các chú, nhà nước sẽ thấu hiểu được tấm lòng của nhân dân và có những chính sách phù hợp hơn. Bởi lẽ, ngoại giao là quan trọng, nhưng đối nội mới là sự sống còn của một quốc gia, một chính phủ khôn ngoan phải là người dung hòa được hai điều đó.


Những ngày qua, trong lòng cháu chất chứa rất rất nhiều cảm xúc, cứ định viết ra rồi lại thôi vì có lẽ, đôi khi ta cần phải biết im lặng để lắng nghe tiếng nói của cuộc đời. Nhưng hôm nay cháu quyết định nói ra, 1 lần những suy nghĩ, cảm nhận, trăn trở của mình để tự xác nhận với bản thân, rằng cháu đang hiện hữu trên cuộc đời như thế và cũng để tìm 1 chút niềm vui khi có được những người đồng cảm và thông hiểu.


Cuối thư, cháu xin kính chúc chú cùng tất cả các nhân sỹ, học giả đồng ký tên trong bản kiến nghị trên sức khỏe, nghị lực và nhiệt huyết.


Một hôm nào đó, khi mà Trung Quốc lại giở thói côn đồ và hành động bá quyền xâm lược, cháu sẽ lại tiếp tục đi và ngày hôm đó, Sài Gòn của cháu sẽ không chịu kém cạnh Hà Nội của chú nữa đâu. Hìhì.
Sài Gòn, 28 tháng 06, 2011
Gửi các chú, các bác chưa 1 lần quen
Cháu
Một người Việt Nam


http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/06/buc-thu-vo-cung-ac-biet-gui-nguyen-xuan.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét