Pages

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Đàn Âm hồn Huế - Lòng dân và tiếng gọi của lich sử

Nguyễn Khắc Phê

Huế, sau Tết Đoan Ngọ, có dịp sang Thành Nội, tôi ghé nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Tuệ, người có phương án bảo vệ cây sa-pô-chê chống lại con xoắn tóc từng được dư luận chú ý một thời – xoắn tóc là loại sâu đục thân khôn khéo chui luồn sinh con đẻ cái vào ruột cây, duy trì mưu đồ phá hoại đến cả mấy đời sau. Hôm nay, giữa vườn cây sa-pô-chê xanh um cành lá, anh như đã “quên” hoặc đã diệt được hết loại sâu đục thân nham hiểm ấy, chỉ sôi sục bàn luận về vụ tàu hải giám của Trung Quốc ngang ngược xông vào hải phận Việt Nam cắt cáp thăm dò tàu Bình Minh 2 của ta… Thì những ngày đầu tháng 6 nắng như đổ lửa này, hầu hết những người dân Việt đều sôi sục như thế. Chỉ khác là liền sau chuyện lôi thôi với “ông bạn lớn” trên Biển Đông, anh Ngô Tuệ bỗng thở dài nói:


- Vậy là đã sắp đến ngày 23 tháng 5 đó anh! Một năm rồi, mau quá!

Ngày “23 tháng 5” ở đây là tính theo âm lịch. Ở Huế, hầu như ai cũng nhớ đó là “ngày “quốc hận” trở thành ngày quốc tang, ngày tâm tang của người dân”. PGS.TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nói như thế trong bài phát biểu tưởng niệm 125 năm ngày thất thủ kinh đô tại Đàn Âm hồn ngày 23/5 năm ngoái.

Hôm nay, không phải bỗng dưng anh Ngô Tuệ nhắc lại lễ kỷ niệm ấy. Cũng là chuyện chống giặc xâm lược của dân tộc ta. Hơn nữa, nhà anh chỉ cách Đàn Âm hồn “mấy bước chân”; hàng năm, cứ sau Tết Đoan Ngọ, khi hoa phượng nở đỏ rực bên đường là anh cũng như bà con quanh đây lại nhớ đến những tiền nhân đã đổ máu trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền đất nước hơn một thế kỷ trước. Một cuộc chiến không cân sức, một cuộc chiến bắt buộc vì sự láo xược của đội quân xâm lược, đứng đầu là tướng Pháp Roussel De Courcy: Chúng đòi Triều đình Huế trong vòng 3 ngày phải nộp đủ tiền bồi thường chiến phí 200.000 thỏi vàng, 200.000 thoi bạc, 200.000 quan tiền và yêu cầu cho chúng được mang vũ khí vào cửa Ngọ Môn!...

Thật là ngang ngược hết chịu nỗi. Mang quân, tàu chiến đánh vào tận cửa ngõ Đà Nẵng, Thuận An rồi lại còn lên giọng đòi bồi thường chiến phí. Thế là 1 giờ sáng ngày 5/7/1885 (tức 23/5 Ất Dậu) quân đội Triều đình Huế đã mở trận tấn công vào các trung tâm chỉ huy quân Pháp ở Tòa Khâm, đồn Mang Cá…; nhưng vì trang bị kém, đến 9 giờ sáng Kinh đô thất thủ và bọn xâm lược tiến hành cuộc tàn sát man rợ trong Thành Nội Huế suốt hai ngày đêm. Có chừng 1500 quân Triều đình và khoảng 7.800 dân chúng bị thương vong. “…Cạnh các bãi tro than tanh bành, luôn luôn thấy những thây người bị thiêu, da thịt xém đen, có người chưa thật chết còn nằm quằn quại bên đống lửa. Trong các nhà, trên các con đường, dưới những hồ sen, ao cá, đâu đâu cũng có người chết… xác người chồng chất lên nhau từng đống…”. Nhà văn Ngô Tất Tố, trong một bài viết năm 1935 đã miêu tả cảnh tượng Huế sau ngày 23/5 như thế!

Anh Ngô Tuệ nhắc chuyện cũ với tiếng thở dài không phải vì cảnh tang thương đó. Hơn một thế kỷ đã qua! Nỗi đau đớn dù không bút nào tả xiết ấy trong ngày Thất thủ Kinh đô cũng đã dần nguôi. Tôi biết, tiếng thở dài bắt nguồn từ ngay sau buổi lễ kỷ niệm năm ngoái và có thể từ trước đó nữa.

Dưới triều vua Thành Thái, năm 1894, Bộ Lễ đã cho xây Đàn Âm hồn và hàng năm đều tổ chức tế lễ ở đây. Nhà yêu nước Phan Bội Châu cũng đã viết bài “Văn tế cô hồn ngày 23/5”. Nhưng đã lâu rồi, lễ kỷ niệm ngày Thất thủ kinh đô và Lễ tế Đàn Âm hồn vốn là một sự kiện có tầm quốc gia chỉ còn do một tổ chức tế lễ phi Nhà nước đảm nhận gồm hơn 100 gia đình thuộc “phổ” Phước Lợi tham gia. Khuôn viên Đàn Âm hồn rộng hơn ngàn mét vuông cũng đã bị chia xẻ, phần cho hợp tác xã nghề mộc, phần nhượng bán cho người này, rồi người khác, kiện tụng lôi thôi mà chẳng giải quyết dứt điểm, đến nay vẫn bỏ hoang! Riêng phần dành cho xưởng mộc, hợp tác xã giải thể, chỉ lưu lại một gian nhà trống cạnh am thờ nhỏ chìm lút giữa một bãi cỏ hoang dại. Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân và một vài người nữa đã lên tiếng về “món nợ” lịch sử này, nhưng tình trạng Đàn Âm hồn vẫn hoang phế và như vô chủ!

Đàn Âm hồn Huế hoang phế

Cho đến năm ngoái, những ai quan tâm đến di tích này bỗng thấy một tia hy vọng. Sau 25 năm đất nước Đổi Mới, nhận thức về Triều Nguyễn đã khác trước, công bằng và đúng mức hơn. Và 1885-2010, là kỷ niệm năm chẵn - tròn 125 năm… Không đợi chính quyền hay cơ quan văn hoá chỉ đạo hay cấp kinh phí, bà con “phổ” Phước Lợi xúm tay dọn sạch bãi cỏ hoang, dựng rạp, treo băng-rôn, mua đồ tế lễ, mời nhạc công… tổ chức buổi lễ thật long trọng. Như tôi được biết, nhiều giấy mời đã được gửi đi. May mắn, tôi có được giấy mời nên mới chứng kiến cảnh các vị trong Ban Tổ chức trông đợi đến “mỏi cả mắt” vẫn không thấy một quan chức chính quyền nào đến dự! Ngành văn hoá Tỉnh và Thành phố Huế cũng không! Quan chức có tước vị duy nhất là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Huế Đỗ Bang...

Tròn một năm đã qua từ ngày đó. Tôi và anh Ngô Tuệ trở lại Đàn Âm hồn để càng buồn thêm trước cảnh hoang phế ở đây. Lúc này thì anh Ngô Tuệ không thở dài mà níu cánh tay tôi và nói, có ý trách móc: “Tôi đã cung cấp tư liệu cho anh, sao không thấy anh lên tiếng”?

Tôi, một công dân già trên 70 tuổi, nếu kể thêm “chức danh” nhà văn tỉnh lẻ nữa thì “lên tiếng” cũng chẳng đáng mấy “gờ-ram”, nhất là khi Huế cũng như cả nước đang bối rối với bao nhiêu là công trình, đền đài dang dở. Nhưng rồi ngẫm lại, biết đâu… Có những việc phải đợi đến lúc nào đó mới bộc lộ hết ý nghĩa. Như cái sắc phong thời Nguyễn – một bằng chứng về chủ quyền Việt Nam trên đảo Hoàng Sa – nằm lặng lẽ trong tủ nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã bao năm, nhưng mãi năm ngoái mới được công nhận thuộc hàng “quốc bảo”.

Liệu đã đến “thời” Đàn Âm hồn Huế cùng việc tế lễ ngày “23/5” cần phải được hiểu đúng giá trị của chúng? Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân từng viết: “Dưới thời ngoại thuộc Pháp, Mỹ, người dân xứ Huế mượn lễ tế âm hồn để nhắc nhở dân chúng tội ác của giặc ngoại xâm, phát động căm thù để vùng lên tranh đấu chống giặc… Đàn Âm hồn của Kinh thành Huế… là một di tích độc nhất của nhà Nguyễn liên quan đến ý thức căm thù giặc ngoại xâm…” (“700 năm Thuận Hóa Phú Xuân Huế” – NXB Trẻ, 2009).

Hằng năm, từ ngày 23/5 đến 30/5 (Âm lịch), nhiều gia đình ở Huế lập bàn thờ bên đường tưởng niệm những người đã chết trong biến cố “Thất thủ kinh đô”, tục gọi là “Lễ cúng Âm hồn 23/5”

Riêng tôi nghĩ, giá trị lịch sử - văn hoá của Đàn Âm hồn và sự kiện liên quan có chiều kích lớn rộng hơn thế, thực sự có tầm quốc gia, dù thể chế đổi thay. Đây chính là nơi tưởng niệm những liệt sĩ đầu tiên ở Huế trong công cuộc chống giặc Pháp xâm lược. Không thể vì chế độ phong kiến yếu nhược thời đó mà bỏ quên hoặc hạ thấp sự hy sinh cao quý của những người lính bảo vệ kinh đô Huế ngày 23/5 Ất Dậu (1885); ngược lại, chính trong tình thế vua quan yếu hèn, tinh thần quả cảm của những người lính với vũ khí thô sơ càng đáng trân trọng. Hơn thế, chính từ đây, cùng với phong trào Cần vương, đã khai sinh một dòng văn học yêu nước với những tác giả và tác phẩm được lưu truyền mãi trong sử sách…

Rời Đàn Âm hồn hoang phế, tôi đi vòng phía sau Đại Nội, đến “Ngã tư Âm hồn” - người dân Huế thường gọi miếu Âm hồn ở ngã tư Mai Thúc Loan - Lê Thánh Tôn như vậy. Trước ngôi miếu nhỏ nấp mình dưới cây bàng tỏa bóng mát, ông Hoàng Văn Huê, một người dân ở đường Lê Thánh Tôn, trong bộ trang phục tế lễ đang dâng hương lên bàn thờ. Còn hơn nửa tháng nữa mới đến ngày 23/5, nhưng hôm nay, trước khi bà con xây sửa lại lăng hai Ngài từng chỉ huy cuộc chiến đấu chống bọn De Courcy năm xưa, ông thay mặt bà con khấn cáo… May mắn hơn Đàn Âm hồn và một số Miếu Âm hồn ở các đường phố khác, ngôi miếu nhỏ ở đây được bà con giữ gìn, ngày rằm, mồng một luôn có hương hoa.

Một sự “gặp gỡ” cũng khá đặc biệt: Cũng trên đường Mai Thúc Loan này, chỉ cách Miếu Âm hồn vài bước chân là nhà thờ họ Đặng của liệt sĩ - anh hùng Đặng Thùy Trâm và đi thêm mươi bước chân nữa là đến ngôi nhà mà cậu bé Nguyễn Sinh Cung từng sống những năm thiếu thời. Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, trong khi “Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế”, đã gặp được nhân chứng cho biết, hai anh em Khiêm và Cung vẫn thường đến Miếu Âm hồn khi bà con trong vùng cúng lễ những “hương hồn liệt vị chiến sĩ và nhân dân đã anh dũng hy sinh trong cuộc chống Pháp xâm lược” (đây là dòng chữ ghi trên Miếu Âm hồn), cùng bà con nhẩm theo bài vè “Thất thủ kinh đô”, thương xót cho những người đã chết, trách móc các bậc vua quan hèn nhát đầu hàng giặc và căm giận bọn Pháp cướp nước…

Thì ra, để có anh Ba - Nguyễn Tất Thành can đảm bước ra biển lớn ngày 5/6/1911 đi tìm đường cứu nước, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã thấm hiểu bài học đầu tiên về lòng yêu nước từ những Đàn, Miếu Âm hồn của Huế thờ phượng những đồng bào mình đã bỏ mình vì giặc ngoại xâm.

Đứng bên đường Mai Thúc Loan, nhìn tấm bình phong bằng cây chè tàu được cắt tỉa công phu bên cây bông trang nở hoa đỏ thắm trước sân ngôi nhà lưu niệm thời ấu thơ của Bác Hồ ở Huế, tôi tin là một ngày không xa, ngành văn hoá và Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có chủ trương khôi phục tôn tạo Đàn Âm hồn để ghi nhớ một sự kiện bi tráng của dân tộc, tôn vinh những liệt sĩ đầu tiên của công cuộc chống giặc Pháp xâm lược ở Huế và cũng để nhắc nhở rằng: Bọn xâm lược dù tàn bạo đến đâu, rút cục chúng sẽ thất bại, phải cuốn cờ mang “đầu máu” về nước. Giặc Nguyên-Mông, giặc nhà Minh hay giặc nhà Thanh đã như thế. Giặc Pháp, giặc Mỹ hùng cường cũng chung số phận.

Lịch sử giấy trắng mực đen từ trước đến nay rành rành như thế. Và từ nay về sau cũng không thể khác, nếu còn kẻ tham lam, cậy thế mạnh không chịu sống theo đạo lý của những con người văn minh! Dù đã có những “Đàn Âm hồn” chưa dựng lên được giữa lòng biển sâu bên Hoàng Sa và Trường Sa…

Trường An - Huế, tháng 6/ 2011

N.K.P.

(Bài đã in một phần trên báo “Văn nghệ” số 27 (2/7/2011), nhan đề không có mấy từ “Đàn Âm hồn Huế”)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét