Pages

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Bà Phạm Chi Lan “bắt mạch” những “ngón đòn hiểm ác” của thương lái TQ


(GDVN) – Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chúng ta đang mất cảnh giác khi để hiện tượng thương lái Trung Quốc đẩy mạnh tận thu các nguồn nguyên liệu trong dân như hiện nay.

Thời gian qua, trên thị trường Việt Nam, mỗi khi thương lái Trung Quốc có biểu hiện tận mua một mặt hàng nào đó, ngay lập tức giá mặt hàng này bị đẩy lên cao, nguồn hàng nhanh chóng trở nên khan hiếm do người dân tích cực thu gom để bán.


Không chỉ xuống tận nhà dân thu mua, người Trung Quốc "núp
bóng" nhiều "cò" thuê đất của dân ở Vĩnh Long để trồng khoai
lang gây xáo trộn cơ cấu cây trồng. Ảnh vef.vn

Điển hình là việc thương lái TQ thu mua gỗ sưa khiến hàng nghìn cây gỗ sưa đã bị đốn không thương tiếc, việc thu mua khoai lang khiến hàng nghìn hộ dân chuyển đổi cơ cấu từ trồng lúa sang trồng khoai lang, việc đẩy giá thu mua sắn lát, chè, thủy sản… khiến nguyên liệu cho các ngành sản xuất, chăn nuôi, thủy sản trong nước trở nên khan hiếm, giá cả đội lên rất cao. Tất cả những sự việc đó tưởng chừng “vô thưởng vô phạt” nhưng lại có những ảnh hưởng lâu dài, âm ỉ bởi những xáo trộn trong đời sống kinh tế, xã hội.


Là một chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đồng thời cũng từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, bà Phạm Chi Lan đã có những kiến giải về điều này. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả “đơn thuốc” chẩn đoán “sức khỏe” nền kinh tế Việt Nam của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

“Chúng ta đang mất cảnh giác”

- Gần đây, mỗi khi thương lái bên Trung Quốc thu mua sản phẩm hàng nào đó thì y rằng mặt hàng đó trở nên khan hiếm, ít nhiều gây ra xáo trộn trong nền kinh tế Việt Nam. Điều đó cho thấy nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc, nhất là tỷ lệ nhập siêu lớn như hiện nay. Bà đánh giá thế nào về hiện tượng này?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:


"Chúng ta đang mất cảnh giác".

Bà Phạm Chi Lan: Thực sự đây là một điều đau. Điều này cũng đã được các chuyên gia cảnh báo từ khá lâu. Nhất là từ khi chúng ta tham gia WTO và nhập siêu vọt lên trở thành vấn đề đáng quan tâm như hiện nay thì càng ngày thấy rõ bóng quá lớn của Trung Quốc trong việc nhập khẩu nói chung của Việt Nam và nhập khẩu từ Trung Quốc nói riêng. Tôi nghĩ rằng, chúng ta đang mất cảnh giác khi để tình hình diễn biến đến như hiện nay.

- Theo bà, ngay tức thời, cần làm gì để khắc phục hiện tượng này?

Có một cách duy nhất để khắc phục được đó là chấn chỉnh lại toàn bộ nền kinh tế của mình. Nhanh chóng thực hiện chương trình tái cấu trúc kinh tế, thực hiện những cải cách kinh tế đã thực hiện ở trong nước, kể cả cải cách về cơ chế kinh tế cũng như vận hành nền kinh tế của chúng ta.

Cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước để tạo ra sức cạnh tranh lớn hơn cho nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, trong tái cấu trúc kinh tế chúng ta còn phải tái cấu trúc về thị trường nữa. Tức là giữa thị trường Việt Nam với các thị trường trên toàn cầu. Chúng ta đã có được quan hệ kinh tế càng ngày càng phát triển khá tốt đẹp với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu… Nếu chúng ta tập trung vào làm tốt hơn để cân bằng với họ thì sẽ giảm rất đáng kể sức ép từ Trung Quốc, sự lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc.

Tôi cho là chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để làm như vậy miễn là về chỉ đạo, điều hành của nhà nước phải thực sự thấy được những nguy cơ theo sự lệ thuộc vào Trung Quốc hiện nay, điều hành tốt nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước vì suy cho cùng các dự án to nhất mà đưa vào tay người Trung Quốc cũng là từ các doanh nghiệp nhà nước thôi.

Nhà nước cần kiên quyết việc này, các doanh nghiệp nhà nước cũng phải nhìn thấy cả lợi ích của dân tộc, của đất nước chứ không chỉ lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp. Tôi tin là Việt Nam hoàn toàn có thể làm được, phát triển một nền kinh tế độc lập tự chủ, vững mạnh trong xu thế này.

- Bà đánh giá thế nào về sức mạnh kinh tế Việt Nam hiện nay?

Trong thế giới hiện đại ngày nay, nhất là trong điều kiện hòa bình, sức mạnh kinh tế là hàng đầu, là sức mạnh cơ sở để làm chỗ dựa phát triển đất nước cũng như trong sự cạnh tranh, hợp tác với các nước khác liên quan trên toàn thế giới. Nếu nền kinh tế không vững mạnh, nó sẽ không thể đảm bảo vai trò là cơ sở cho an ninh quốc phòng hay là cho độc lập tự chủ cũng như vị thế chính trị của một nước trên trường quốc tế.

Về sức mạnh kinh tế Việt Nam hiện nay, tiềm năng rất lớn, những cơ sở khai thác để biến nền kinh tế Việt Nam trở lên mạnh mẽ đều có và vẫn đang còn đó. Nhưng trên thực tế, chúng ta đang trong một thời kỳ hết sức khó khăn. Có thể nói năm nay là năm thứ 4 liên tục, chúng ta trong tình trạng bất ổn vĩ mô cũng như trong các vấn đề lớn về kinh tế.

Tuy nhiên, chỉ cần chúng ta thực hiện đúng những điều mà nội bộ mình đã nhìn nhận được rõ, qua phân tích và làm theo những mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế như ở Đại hội XI vừa rồi đã đưa ra. Chỉ cần chúng ta làm được đúng những điều đó thôi là chúng ta đã có thể đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay và lấy lại cũng như tăng cường sức mạnh kinh tế của mình.

Doanh nghiệp nhà nước nên chủ động cân bằng nhập siêu từ TQ

- Theo bà, vai trò của các nhà doanh nghiệp trong vấn đề đối ngoại với Trung Quốc thể hiện như thế nào?

Tôi cho là các doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Thực ra quyết định mua ở đâu, bán cho ai thì một phần định hướng là của nhà nước, một phần rất quan trọng là của các nhà doanh nghiệp. Các doanh nghiệp của chúng ta chia thành hai khối rất rõ rệt: các doanh nghiệp lớn hầu hết là các doanh nghiệp nhà nước và họ là những đơn vị chiếm thị phần lớn nhất trong cơ cấu nhập khẩu từ bên ngoài vào Việt Nam.

DN chế biến trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với
thương lái Trung Quốc trong việc thu mua nguyên liệu thủy
sản ngay tại ngư trường. Ảnh: DDDN

Hiện nay, các dự án lớn của Việt Nam có đến 90% là do Trung Quốc thực hiện. Các tập đoàn thay đổi đi, các doanh nghiệp thay đổi đi, tính toán kỹ càng lại đi thì thấy có nhiều dự án có thể đưa ra cho các đối tác khác làm và một phần cho chính người Việt Nam mình làm cho trưởng thành lên. Chứ không phải tất cả giao cho Trung Quốc như vậy. Chúng ta sẽ thay đổi được. Tôi nghĩ là riêng phần tổng thầu các dự án lớn thôi thì cũng đủ để thay đổi dần dần, lấy lại cân bằng giảm đáng kể tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc.

- Hiện nay, dù biển Đông đang là khu vực có tranh chấp nhưng việc giữ vững ổn định tại khu vực này vô cùng quan trọng. Một trong những yếu tố góp phần tạo nên sự ổn định đó là ổn định kinh tế. Theo bà cần phải làm gì để thực hiện điều này?

Trong Nghị quyết 11 của chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát của năm nay có bao gồm 6 nhóm giải pháp lớn. Tôi cho rằng điều đầu tiên và quan trọng số 1 là thực hiện đầy đủ cả 6 nhóm giải pháp do Chính phủ đề ra. Tiếc là trong 6 nhóm giải pháp này trong thời gian vừa qua, trong thực hiện tập trung quá nhiều vào các giải pháp về tín dụng về tín dụng hơn là những chính sách về tài khóa: chính sách về đầu tư công… Chúng ta cần phải làm mạnh hơn nhóm giải pháp này.

Ngoài ra, còn một vấn đề quan trọng không kém đó là bắt tay thực hiện những đề án của chính phủ đưa ra, tăng trưởng theo tỷ trọng, chuyển dần sang phát triển theo chiều sâu nhấn mạnh về yếu tố chất lượng, năng suất lao động, hiệu quả quản lý, cạnh tranh từ đó phát huy thế mạnh của đất nước.

- Xin cảm ơn chuyên gia!

Tuệ Minh (ghi)


http://giaoduc.net.vn/ntd-thong-thai/47-thi-truong/8905--ba-phm-chi-lan-bt-mch-nhng-ngon-on-him-ac-ca-thng-lai-tq.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét