Pages

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Bắc Kinh chơi cờ vây

Tống văn Công


Trong Bản điều trần cứu nước tôi có cho rằng Bắc Kinh có 4 tử huyệt, chúng không quá ngu muội để leo thang gây chiến. Sự gây hấn với chúng ta lần này chúng chỉ nhằm làm phép thử, vậy mà chúng cũng chuẩn bị khá công phu, cử người đi cài chốt từ Mỹ đến Indonesia, sau đó xuất tướng Bộ trưởng đến Shangri-La.

Phép thử đã dẫn đến kết quả chính phủ Việt Nam phản ứng có vẻ tự tin hơn trước, nới lỏng cho dân biểu tình, dù sau đó bóp méo thông tin để tỏ ra vô can; các nước ASEAN có biểu hiện sẽ hình thành một bó “bó đũa”; Hoa Kỳ và toàn thế giới lên tiếng lên án Trung Quốc không tuân theo luật pháp, là nguồn gốc gây đối đầu căng thẳng.


Bắc kinh thấy đã đến giới hạn phải dừng: Một là tránh nguy cơ đẩy người đồng minh ý thức hệ ngoan hiền vì quá sức chịu đựng mà phải tìm cách liên minh với Hoa Kỳ, đối thủ chủ yếu có khả năng cản trở mưu đồ bành trướng. Hai là phải chống xu thế “hợp tung” (kế sách của Tô Tần thời Chiến quốc: hợp 6 nước cùng chống lại nước Tần) của ASEAN ngay từ trứng nước; phải chiêu dụ Việt Nam để dựng thế “liên hoành” (kế sách của Trương Nghi ngược với Tô Tần, liên hiệp 6 nước để cùng tôn thờ nước Tần) cùng với Miến Điện… tôn Tàu làm minh chủ!

Henry Kissinger, lão lái buôn chính trị từng bán rẻ đồng minh cho Trung Quốc, trong quyển sách Về đất nước Trung Hoa đã kể rằng: Người Trung Quốc có trò chơi cổ xưa gọi là cờ vây. Trò chơi này đề cao “chiến thuật hoãn binh”. Người chơi cờ vây có thể nhường cho đối phương lượt đi của mình, miễn là cuối cùng mình chiếm được nhiều “đất” hơn. Kissinger, liên hệ chiến thuật cờ vây với binh pháp Tôn tử: “Đối đầu trực tiếp là hạ sách”. Có lẽ ông ta dùng câu này là để liên hệ cách Bắc Kinh đối phó với Mỹ. Còn đối với Việt Nam, tôi cho rằng chọn những câu này trong binh pháp Tôn Tử thích hợp hơn: “Không đánh mà khuất phục được địch”; “giỏi đánh lừa địch”; “đánh vào nơi địch không đề phòng, vào lúc địch không dự liệu”… Hãy nhìn thủ đoạn Bắc Kinh vừa thi thố, một cách chơi cờ vây (cũng là dùng Binh pháp Tôn Tử) trên Biển Đông!

Lập tức Bắc Kinh tháo ngòi nổ: Việc này chỉ cần phát tín hiệu tới Việt Nam. Đây cũng là phép thử: Nếu Việt Nam nhanh nhảu chụp vội ngay lấy bàn tay vừa buông gươm, giơ cành ô liu, thì đó là biểu hiện của sự yếu hèn, sẽ dễ dàng trao cho “tín chỉ” giả. Thông tin chung mà ông Hồ Xuân Sơn vui mừng mang về bốc mùi ẩm mốc: “Tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước…”. Cùng lúc, phía bên kia họ thông báo cho dân Tàu khác hẳn với bên ta, rằng “biển Hoa Nam [biển Đông] và các quần đảo là của Trung Quốc”. “Hy vọng phía Việt Nam cũng như chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ sự nhất trí và có được những nổ lực gìn giữ hòa bình và ổn định trên biển Hoa Nam [biển Đông]”. Và “cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước”.

Có lẽ các nước đang nhen nhóm hi vọng cùng đứng với Việt Nam chung một lập trường biển Đông đã quá kinh ngạc: “Sao có thể xảy ra sự đảo điên thế nhỉ”?! Cả cái nước lớn nhất vừa mới lớn tiếng nhất bênh vực cho Việt Nam, chắc đã tự thấy mình quá vô duyên, để bị cả hai đồng chí cộng sản họ đồng thanh “đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam”. Vừa tẽn tò, vừa thấy cộng sản sao mà khó hiểu: Nếu như hai đồng chí nọ hòa thuận yêu quý nhau mà mình xen vào chia loan rẽ thúy thì họ cùng phản đối là phải. Đằng này, một anh to đè đầu một anh nhỏ, không cho kêu, cũng không cho ai can, lại còn đòi chú em đang bị đè đầu phải cùng với mình phản đối người can ngăn, thì đến những đầu óc siêu đẳng cũng không giải thích nỗi!

Nói gì thì cũng sự đã rồi, vậy chỉ xin nêu ra đây một vài điều cho tương lai:

1- Nếu dựa theo lịch trình đặc phái viên Hoàng Bình Quân sang Lào thông báo kết quả Đại hội 11, sau đó sang Campuchia, rồi sang Bắc Kinh thì lần này Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thăm Lào xong (đã thăm Campuchia hồi tháng 1-2011 với tư cách Chủ tịch Quốc hội theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Campuchia, dù lúc này đã là Tổng bí thư), vậy thì chắc rằng ông sắp thăm Trung Quốc nay mai?

Xin đề nghị: Trong vấn đề biển Đông và các đảo thì chỉ có quần đảo Hoàng Sa là vấn đề song phương giữa Trung –Việt. Hai nước xã hội chủ nghĩa anh em, đã cùng nhau đặt quan hệ hữu nghị “16 chữ vàng”, và hai Đảng với mục tiêu đồng chí “4 tốt”, đã cam kết không cho bất cứ nước thứ ba nào xen vào, vậy thì nhân dịp này, tân Tổng bí thư Đảng ta nên bàn với Tổng bí thư Đảng bạn khởi động việc cùng với nhau thương thảo trên tinh thần quốc tế vô sản anh em vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Việc này thực hiện tốt sẽ chứng minh sự trong sáng cao đẹp của lãnh đạo Đảng bạn, bác bỏ mọi luận điệu hoang đường về âm mưu bành trướng bá quyền của Trung Quốc. Nhân dân Việt Nam sẽ hoàn toàn yên tâm về sự chọn bạn đồng minh sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2- Trong quan hệ hợp tác kinh tế, dù bạn rất trong sáng, nhưng có thể chỉ vì do phía chúng ta, hoặc là quá non kém, hoặc là “có cả bầy sâu”cho nên đã nài nỉ người ta để được nhận những thiết bị máy móc lạc hậu, năng suất kém, tốn nhiều nguyên nhiên liệu, giá thành cao, không có khả năng cạnh tranh… và rất nhiều bất cập khác. Tất cả cần một cuộc tổng kiểm tra có kết luận về những dự án mà hầu hết đều do Trung Quốc trúng thầu, để biết những dự án thà đền bù để dừng lại còn ít thiệt hại hơn trót đâm lao phải theo lao. Việc khai thác Bauxite Tây nguyên có lẽ đã có đủ căn cứ để nghe theo ý kiến của hàng nghìn trí thức trong và ngoài nước kiến nghị dừng lại. Tổng bí thư ta nhân dịp này xin bạn thông cảm việc bãi bỏ công trình hợp tác thế kỷ này.

3- Việc hợp tác giữa hai Đảng, hai chính phủ dù tốt đẹp đến mấy, kinh nghiệm ở đời và bài học lịch sử cho thấy cũng có khi lầm lỗi. Những khi đó nên chấp nhận để cho nhân dân lên tiếng, bằng hình thức ôn hòa như biểu tình, kiến nghị, tuyên cáo…

Từ trước đến nay, ở các nước xã hội chủ nghĩa, việc biểu tình, mít tinh, phát ngôn đều do Đảng quyết định cho phép hay không. Việc đó không thích hợp trong một quốc gia dân chủ, ở thời đại văn minh. Mặc dù gần đây có trí thức đã thông cảm với chính phủ: “Do quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và cũng do những phương sách đối ngoại, để đảm bảo vừa giữ được chủ quyền lãnh thổ, vừa tránh gây thêm căng thẳng, nên trong ứng xử, cũng không thể nào ủng hộ các cuộc biểu tình một cách rõ ràng được”. Cần phải thẳng thắn nói rằng, đó là quan điểm mà ngày nay gọi là ở một xã hội toàn trị, chưa có xã hội công dân (cũng gọi là xã hội dân sự). Tổng bí thư Việt Nam nên khuyên Tổng bí thư Đảng bạn rằng: Nên chấp nhận thực hiện xã hội dân sự. Ở đó nhân dân có tiếng nói riêng của mình để nhắc nhở Chính phủ mình và cả Chính phủ nước bạn nữa: “Hãy coi chừng kẻo rời xa chân lý, phá hoại tình hữu nghị đấy”.

Ngày 1 tháng 7 năm 2011

T.V.C.

Nguồn BoXitVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét