Pages
▼
Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011
Giới trí thức Việt Nam đòi thực hiện dân chủ để bảo vệ và phát triển đất nước
Biểu tình tại Hà Nội ngày 3/7/11 phản đối những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Reuters
Thanh Phương
Ngày 13/7 vừa qua, giới nhân sĩ, trí thức Việt Nam đã gởi lên Quốc hội và Bộ Chính trị một bản kiến nghị đề ngày 10/7 tựa đề « Về bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay ». Bản kiến nghị này có chữ ký đầu tiên của 20 nhân sĩ, trí thức tên tuổi.
Các nhân sĩ đã ký vào bản kiến nghị là: ông Hồ Uy Liêm (Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam (VUSTA)), Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh ( nguyên Đại sứ VN tại Trung Quốc), nhà nghiên cứu Trần Việt Phương, Trần Đức Nguyên (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng), GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Trung, Phạm Chi Lan, Chu Hảo (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ), nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Linh mục Huỳnh Công Minh, ông Lê Hiếu Đằng, GS Tương Lai, Luật sư Trần Quốc Thuận, chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh, Thiền sư Lê Mạnh Thát, nhà văn Nguyên Ngọc, TS Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Hữu Châu Phan, Nguyễn Đình An. Một địa chỉ đã được lập ra ( kiennghi1007@gmail.com ) để thu thập chữ ký cho bản kiến nghị này.
Điều đáng chú ý là là bản kiến nghị không chỉ được công bố trên một số trang thông tin độc lập như Bauxite Việt Nam, mà thông tin về bản kiến nghị còn được đăng tải trên một tờ báo điện tử chính thức là VietnamNet, tuy là một số đoạn quan trọng bị cắt bỏ.
Không chỉ nêu lên nguy cơ Trung Quốc và những vấn đề nóng bỏng trong nước, các nhân sĩ trí thức nói trên còn đề nghị 5 điểm, trong đó có việc thực hiện đầy đủ các quyền tự do dân chủ của người dân.
Trước hết, về tình hình Biển Đông và quan hệ Việt Nam -Trung Quốc, bản kiến nghị của các nhân sĩ trí thức nhấn mạnh rằng « Độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị uy hiếp, xâm phạm nghiêm trọng ». Về kinh tế, điều này được thể hiện qua nhập siêu từ Trung Quốc tăng rất nhanh, qua việc 90% công trình kinh tế quan trọng lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc, việc Trung Quốc vơ vét nguyên liệu, nông sản, khoáng sản. Về chính trị, theo bản kiến nghị, « Hiện tượng thâm nhập của Trung Quốc về kinh tế kéo dài nhiều năm, có nhiều sự việc nghiêm trọng và còn đang tiếp diễn, đặt ra câu hỏi : Phía Trung Quốc đã làm gì, bàn tay quyền lực mềm của họ đã thọc sâu đến đâu ? »
Theo các tác giả bản kiến nghị, lãnh đạo Việt Nam đã quá dè dặt, không công khai minh bạch về quan hệ Việt-Trung, đặc biệt là qua bản Thông tin báo chí chung Việt Nam – Trung Quốc, được công bố ngày 26/6 sau chuyến đi Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn. Theo bản kiến nghị, bản thông tin báo chí chung này có những điều « mập mờ, khó hiểu, gây lo lắng trong dư luận. »
Trong khi đó, theo các nhân sĩ, trí thức, tình hình trong nước lại có nhiều khó khăn và mối nguy lớn. Trước hết là kinh tế Việt Nam vẫn ở trong tình trạng « phát triển kém chất lượng, kém hiệu quả và lâm vào khủng hoảng kéo dài". Thứ hai là thực trạng văn hóa-xã hội « có nhiều mặt xuống cấp, đặc biệt là nền giáo dục lạc hậu so với phần đông các nước trong khu vực, hiện tượng giả dối và tình trạng tha hóa trong lối sống và đạo đức xã hội. »
Căn nguyên của những vấn đề nói trên, theo các tác giả bản kiến nghị, chính là do « chế độ chính trị còn nhiều bất cập, cản trở sự phát triển của đất nước », đặc biệt nghiêm trọng là tệ nạn quan liêu tham nhũng, tình trạng tha hóa phẩm chất, đạo đức ngày càng tăng trong đội ngũ cán bộ công chức. Bản kiến nghị cho rằng, « trong những việc đã làm có quá nhiều cái phô diễn, mang tính hình thức, giả dối. Trong đời sống thực tế, nhiều quyền dân chủ của dân tiếp tục bị vi phạm nghiêm trọng. Việc ứng cử, bầu cử các cơ quan quyền lực chưa bảo đảm dân chủ thực chất. Nhiều quyền công dân đã được Hiến pháp quy định nhưng vẫn chưa trở thành hiện thực trong cuộc sống, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin, quyền lập hội, quyền biểu tình... ». Cho nên, các nhân sĩ trí thức đề nghị phải cải cách hệ thống chính trị để xóa bỏ mọi trở ngại.
Nhưng những phân tích về kinh tế và chính trị nói trên đã không được tờ VietnamNet đề cập đến khi tường thuật về bản kiến nghị của các nhân sĩ trí thức. Cũng như tờ báo này đã cắt mất đoạn « Nhân dịp này, Nhà nước ta cần chủ động giải thích trước toàn dân và dư luận thế giới bối cảnh ra đời, nội dung thực chất và giá trị pháp lý của công hàm mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958 về Biển Đông, để bác bỏ dứt khoát mọi xuyên tạc từ phía Trung Quốc ».
Đây là yêu cầu cụ thể trong điểm kiến nghị đầu tiên về việc Quốc hội và Bộ Chính trị phải công bố về thực trạng quan hệ Việt- Trung. Điểm thứ hai, các nhân sĩ trí thức yêu cầu phải trình bày rõ với toàn dân về thực trạng đất nước hiện nay và thực hiện những cải cách, mà đầu tiên là cải cách chính trị. Nhưng muốn như thế, theo các nhân sĩ trí thức phải thực hiện đầy đủ các quyền tự do dân chủ của nhân dân đã được Hiến pháp quy định ; đặc biệt là quyền tự do ngôn luận tự do báo chí, quyền biểu tình , quyền lập hội. . .. Điểm thứ tư, họ đề nghị chính quyền ra lời kêu gọi người Việt trong và ngoài nước cùng nhau thực hòa hợp hòa giải dân tộc để bảo vệ và phát triển đất nước. Nhưng trong điểm cuối cùng, bản kiến nghị mong muốn là lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, với tư cách đảng độc quyền lãnh đạo phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét