Pages

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Học giả Nga, Mỹ bàn về cuộc chơi lớn của Trung Hoa

Lê Đỗ Huy (tổng hợp)

- Sự quan tâm đến cách hành xử của Trung Quốc đang ngày một lớn lên. Các nước sở hữu khả năng quan tâm đến lợi ích cỡ toàn cầu, đang cố gắng tìm hiểu (hoặc gợi ý), liệu có hay không một luật lệ gì đó trong cuộc chơi lớn đầu thiên niên kỷ của Trung Hoa? Xin trích giới thiệu hai luồng tư tưởng không đồng hành để bạn đọc tham khảo.

Học giả Nga: Vật chất quyết định tất cả

Theo Hãng thông tấn chính trị Nga, câu hỏi lớn nhất của nhân loại hôm nay: Trung Hoa là gì, và nó đang phát triển theo chiều hướng nào?

Trong bài Vì sao Trung Hoa phá huỷ thế giới [1], học giả Nga đưa ra nhiều lập luận về kinh tế, chính trị, xã hội…, để nói rằng con đường duy nhất để Trung Hoa tồn tại là mở rộng. Rằng, trên con đường đó, không thể loại trừ nguy cơ, nó sẽ phá huỷ phần còn lại của thế giới. Rằng toàn nhân loại (đúng hơn là phần còn lại) gần như sẽ chỉ còn việc ngồi mà cố đoán là Đại lục sẽ xé rào bằng cách nào?

Các học giả Nga cũng tiết lộ cái nhìn về Trung Hoa của nhiều người Nga hôm nay về một “quan hệ đối tác chiến lược” với Bắc Kinh.

Nhưng theo những gì đã xảy ra, việc chuyển từ nền kinh tế chủ yếu là “quảng canh”, tốn công lao động, đòi hỏi những nguồn đầu tư ghê gớm, để phát triển kinh tế tri thức ở nơi đại đa số dân chúng còn có trình độ học vấn rất thấp), sẽ dẫn tới bùng nổ nạn thất nghiệp ở một xã hội vốn đã không phẳng lặng gì…

Thực ra các bộ óc Trung Hoa cũng nghĩ mãi về lối thoát khỏi mớ bòng bong các vấn đề của xã hội Trung Hoa. Có điều tuyệt đại đa số các giai tầng trong xã hội đều thấy phải làm sao vẫn giữ được mô hình cải cách hiện tại. Vì như các học giả Nga lý giải, quan chức, thương gia, chuyên gia lành nghề, trí thức, nhà quản lý… đều rất có lợi trong mô hình hiện nay.

Xã hội Trung Quốc hiện nay là sự va chạm của các lợi ích dài hạn và lợi ích ngắn hạn. Và người Nga kết luận rằng rồi lợi ích ngắn hạn sẽ thắng, vì mô hình phát triển hiện tại cần được duy trì bằng mọi giá.

Học giả Nga cho rằng phương Tây cũng có lợi trong việc duy trì một mô hình Trung Quốc như một “xưởng gia công toàn thế giới” để có thể ăn ngon mặc đẹp, lái ô tô hiệu, dùng notebook xịn, mà vẫn rẻ so với thu nhập của Âu - Mỹ.

Về lý thuyết, Trung Hoa có quyền vươn tới mức sống cao hơn, chẳng hạn như của một số quốc gia Bắc Âu. Không ai cấm đoán được nguyện vọng này.

Sẽ còn thịnh hành ở phương Tây những lý thuyết về phát triển bền vững, về triệt tiêu khoảng cách giữa nước phát triển và nước đang phát triển. Nhưng họ cũng hiểu rằng đa số các nước đang phát triển sẽ khó có thể tiếp cận được đến mức sống của các nước phát triển. Bởi vì hễ cho các nước đang phát triển “con cá”, tầng lớp siêu tham nhũng phía trên sẽ “chén” ngay, rồi lại chìa tay ra xin con cá khác. Còn nếu đưa “cần câu”, (dân trí thấp của) các nước nghèo này sẽ làm nó hỏng ngay.

Và vấn đề còn là để đảm bảo cho gần 1,4 tỉ người Hoa một mức sống như thế, tài nguyên của trái đất sẽ không đủ. Sẽ không chỉ không đủ “cơm tàu, nhà tây”, mà cả dầu hoả và các khoáng sản khác cũng không thoả mãn được nhu cầu của người Trung Hoa mới. Còn các dân tộc khác thì không còn (tài nguyên) gì.

Lại nói về “cá” và “cần câu”. Học giả Nga cho rằng người Trung Hoa là những tiên sinh sành ăn cá như Lã Vọng, và lại biết sử dụng cần câu, cả theo cách của Vân Trường (trong đám quân trăm vạn lấy đầu đại tướng như thò tay vào túi). Còn nếu “câu công, câu hầu” không được như KhươngTử Nha, những kẻ nào dám không cho tiên sinh “cá”, sẽ bị xử lý.

Vậy “phần còn lại”, hay lân bang của Trung Quốc như Nga liệu có sống bằng niềm tin và cả hy vọng, rằng Trung Hoa, đất nước có dân số lớn nhất, quân đội đông nhất, có tham vọng ghê gớm nhất, sẽ mãi ngồi đó mà cặm cụi may mặc, rồi bán bằng giá bèo, để tự nuôi bằng cách ăn măng như gấu trúc?

Trung Hoa sẽ trở thành to tướng, hơn bây giờ nhiều, hoặc bị buộc phải ọp lại. Học giả Nga cho biết vấn đề không phải là ở tính hay gây gổ của Trung Hoa, mà là, bành trướng chính là phương sách duy nhất giúp quốc gia này tồn tại.

Vậy chỉ còn cách là làm sao đó tin vào những huyền thoại “trỗi dậy trong hoà bình”, học giả Nga gợi ý. Đây không phải là chuyện ngáo ộp, mà là thực tế khách quan, mà chỉ ít lâu nữa tất cả chúng ta (phần còn lại của thế giới) đều phải cảm nhận.

Học giả Nga cho rằng đến hôm nay còn nhiều người chưa vỡ lẽ ra chuyện gì. Vì để hiểu được phải đọc nhiều, phải suy ngẫm.

Học giả Mỹ: Phẩm giá trước, bánh mì sau

Trong bài “Lời khuyên dành cho Trung quốc” [2] học giả nổi tiếng Thomas Friedman đã tìm cách tư vấn cho lãnh đạo cao cấp ở Bắc Kinh về các giá trị của thế giới hôm nay.




Friedman, chuyên gia về Trung Cận Đông của báo The New York Times







Tác giả Friedman, một chuyên gia về Trung Cận Đông của báo The New York Times, viết “Thưa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ngài hỏi chúng tôi về Mùa xuân Ả Rập. Kết luận về cuộc cách mạng này ở thế giới Ả Rập chứa đựng một số bài học quan trọng cho sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bởi vì trong đó bộc lộ một số điều rất mới về việc cách mạng bùng nổ ở thế kỷ 21 ra sao, và một số điều rất cũ về việc vì sao các cuộc cách mạng này lại bùng nổ”.

Điều mới thứ nhất, theo Friedman, là thế giới không còn khái niệm cục bộ, địa phương nữa. Hôm nay, hai tỉ người trên khắp thế giới “chat” với nhau như hàng xóm. Với Internet, cellphone, Facebook, đã không còn gì có thể dấu nhẹm, bưng bít, lấp liếm mãi. Việc chính quyền Syria chẳng hạn, cấm đoán các kênh truyền thông nước ngoài không làm thay đổi cục diện.

Điều mới thứ hai, được gọi nôm na là “Luật Carlson”, xuất phát từ thung lũng Silicon: “Trong một thế giới có ngày càng có nhiều người truy cập được tới học vấn và các tiện ích cách tân, cách tân từ dưới lên thường hỗn loạn nhưng thông minh. Cách tân từ trên xuống dưới thì có trật tự nhưng không có thông tin (dumb)”. Theo Carlson, cách tân ngày nay đi xuống, hướng vào quần chúng, vì dân chúng tụ họp lại (bằng các tiện ích mạng) trở nên tài trí hơn, và mọi người hôm nay có công cụ để sáng tạo, và cộng tác với nhau.

Về những điều “cũ”, vì sao cách mạng bùng nổ, Friedman trích các học giả Nga. Sử gia Nga Leon Aron chỉ ra rằng cuộc nổi dậy Ả Rập hôm nay rất giống với cuộc cách mạng Nga năm 1991. Cả hai “cuộc bể dâu” này không quan tâm lắm đến tự do, mà quan tâm đến “phẩm giá” (dignity). Chúng đều xảy ra do một nguyện vọng sâu lắng của người dân là tự quyết định vận mạng của mình, được cư xử như “công dân”.

“Nếu (các) Ngài muốn biết cái gì đưa lại các cuộc cách mạng”, Friedman trả lời, tiếp tục trích Aron, đó không phải là do GDP lên hay xuống, mà là “cuộc tranh đấu giành phẩm giá”. “Phẩm giá trước, bánh mì sau”, là khẩu hiệu của cách mạng Tunisie.

Thường thì tầm quan trọng của GDP được nhấn mạnh, còn nhu cầu tìm lý tưởng của dân chúng thì bị hạ thấp. Có thể tự hào về nỗ lực nâng cao đời sống của người dân Trung Hoa hôm nay, Friedman khẳng định, nhưng đó không phải là điều duy nhất trong đời sống người dân, và từng nơi, từng lúc, đó không hề là điều quan trọng nhất. “Tia lửa làm bùng liều thuốc súng là cuộc tranh đấu đòi phẩm giá”, Aron viết, “Công nghệ hiện đại chỉ làm cho ngọn lửa (cách mạng) trở nên khó dập hơn nhiều”.

L.Đ.H

Tài liệu tham khảo:

1. http://www.apn.ru/publications/article20310.htm

2. http://www.nytimes.com/2011/06/05/opinion/05friedman.html?_r=1

Nguồn Bee.net.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét