Carlyle A. Thayer
Lời dịch giả: Do bài viết này dài tới 30 trang, nên chúng tôi chỉ xin lược dịch phần Giới thiệu và Kết luận để thông tin cho quý độc giả. Phần giữa của bài, độc giả có thể xem ở bản tiếng Anh.
NT
Giới thiệu
Bài viết này đánh giá các diễn biến gần đây, ảnh hưởng đến an ninh Biển Đông trong sáu tháng đầu năm 2011. Bài viết được chia thành năm phần chính. Trong bốn phần đầu, bài viết đánh giá sự tác động hai chiều về các vấn đề trên Biển Đông giữa Trung Quốc và bốn nước đòi chủ quyền – Việt Nam, Philippines, Malaysia và Đài Loan. Trong phần thứ năm, bài viết sẽ bàn về vai trò của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) trong việc thúc đẩy các cam kết đa phương với Trung Quốc về Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và bộ Quy tắc Ứng xử trên biển Đông (COC).
Sự quyết đoán của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền và lãnh thổ trên biển Đông, lấn át lịch trình chính trị trong suốt năm 2010. Cho đến tháng 10 [năm 2010], những căng thẳng này dường như đã dịu đi. Trung Quốc đã nối lại các mối quan hệ quân sự với Hoa Kỳ mà họ đã đình chỉ hồi đầu năm. Trung Quốc và ASEAN đã làm sống lại nhóm làm việc chung để thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) đang bị hấp hối. Những điều này và các diễn biến khác đã khiến tác giả kết luận rằng, có cơ sở cho sự lạc quan thận trọng rằng một số tiến bộ có thể được thực hiện trong việc quản lý các căng thẳng trên Biển Đông.
Sáu tháng đầu năm nay đã thấy các căng thẳng trở lại và hành vi từ phía Trung Quốc đã không hề thấy trước đó. Trung Quốc bắt đầu can thiệp một cách mạnh mẽ vào các hoạt động thương mại của các tàu thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam và Philippines đã tuyên bố. Các phản đối ngoại giao của cả hai nước về hành động của Trung Quốc đã gợi ra sự kiêu căng, gây cản trở, và tình trạng hiếu chiến của Bắc Kinh.
Kết luận
Việc khẳng định chủ quyền mạnh mẽ trong thời gian gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông đã gia tăng rủi ro về an ninh cho các nước Đông Nam Á và tất cả các cường quốc qua lại trên các vùng biển này. Bảo đảm an ninh trên Biển Đông hiện là một vấn đề quốc tế phải được giải quyết đa phương bởi tất cả các nước có liên quan.
Ba sự cố quan trọng đánh dấu làn sóng mới về sự quyết đoán mạnh mẽ của Trung Quốc. Ngày 2 tháng 3, tàu tuần tra Trung Quốc hoạt động trong nhóm đảo Kalayaan của Philippines tiếp cận một tàu khảo sát địa chấn của Philippines trong vùng biển ngoài khơi bãi Cỏ Rong và ra lệnh cho con tàu này rời khỏi khu vực. Ngày 26 tháng 5, ba tàu giám sát biển của Trung Quốc đã tiến đến gần một tàu thăm dò dầu khí do nhà nước Việt Nam sở hữu, nằm sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam đã tuyên bố. Con tàu này bị ra lệnh phải rời khỏi khu vực, sau khi một tàu Trung Quốc cố tình cắt cáp khảo sát ngập dưới nước. Và ngày 9 tháng 6, một tàu thăm dò thứ hai của Việt Nam bị các tàu Trung Quốc tiến đến gần trong một vụ cắt cáp thứ hai.
Trong tháng 5 năm 2009, khi Malaysia và Việt Nam cùng đệ đơn lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã phản đối kèm theo một bản đồ. Bản đồ Trung Quốc có chín vạch, một hình gần giống như chữ U, bao gồm gần như cả vùng Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố "chủ quyền không thể tranh cãi" trên Biển Đông. Tuy nhiên, chưa bao giờ họ làm rõ cơ sở của các tuyên bố này, mặc dù các nước trong khu vực đã khẩn cầu trong hai thập niên. Hiện chưa rõ Trung Quốc đang yêu sách những gì. Có phải Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các bãi đá và đảo (features) bên trong các vạch này? Hay là Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là lãnh hải của họ?
Một số chuyên gia hàng hải suy đoán rằng, tuyên bố của Trung Quốc dựa trên chín bãi đá họ chiếm ở quần đảo Trường Sa. Nói cách khác, Trung Quốc tuyên bố rằng những bãi đá này là những hòn đảo thực sự theo luật pháp quốc tế và do đó kéo theo vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (370 km). Đây là một điều tưởng tượng pháp lý. Các hòn đảo phải có khả năng tự duy trì sự cư trú của con người và có chức năng kinh tế. Đá không đáp ứng các tiêu chí này, nên không thể đòi vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
Các vạch của Trung Quốc đã cắt vào trong vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam và Philippines tuyên bố. Các vùng đặc quyền kinh tế này dựa trên luật pháp quốc tế một cách vững chắc. Cả hai nước đã vẽ các đường cơ sở xung quanh bờ biển của họ và sau đó mở rộng tuyên bố từ các đường cơ sở này ra biển tới 200 hải lý (370 km). Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, các nước ven biển có quyền tài phán trên những vùng biển này trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên như thủy sản hoặc dầu khí dưới đáy đại dương.
Trong tháng 11 năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được thỏa thuận Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Đây là tài liệu không ràng buộc, trong đó các bên đã ký, cam kết không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp chủ quyền. DOC, có nhiều đề xuất về các biện pháp xây dựng lòng tin, chưa bao giờ được thực thi.
Sự quyết đoán của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông trong năm 2009 và 2010 đã gây ra một phản ứng quốc tế dữ dội. Vấn đề này nổi bật tại Diễn đàn Khu vực ASEAN và tại buổi khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng hồi năm ngoái. Trung Quốc đã dùng thủ đoạn ngoại giao và tìm cách hạn chế tổn hại thêm bằng cách đồng ý khôi phục lại nhóm làm việc chung ASEAN – Trung Quốc đang bị hấp hối, để thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên. Nhóm làm việc này đã bị trì hoãn vì sự khăng khăng của Trung Quốc, rằng tuyên bố chủ quyền và lãnh thổ chỉ có thể được giải quyết song phương giữa các nước liên quan. Các thành viên ASEAN nhấn mạnh việc gặp nhau để đưa ra quan điểm chung trước khi Trung Quốc tham gia.
ASEAN, do Indonesia làm Chủ tịch, đã thúc giục Trung Quốc nâng cấp DOC thành quy tắc ứng xử (COC) ràng buộc hơn. Một số nhà ngoại giao trong khu vực hy vọng rằng, một thỏa thuận có thể đạt được vào kỷ niệm lần thứ mười của DOC, tháng 11 năm 2012. Điều này không thể đạt được, trừ khi ASEAN duy trì đoàn kết, gắn bó và thông qua một lập trường chung. Rõ ràng là có "sự luôn luôn lo lắng" giữa các thành viên ASEAN.
Nửa đầu thập niên 1990, khi Trung Quốc bắt đầu chiếm các bãi đá trên quần đảo Trường Sa, gồm bãi đá Vành Khăn (Mischief Reef) nổi tiếng, các nhà phân tích an ninh đã mô tả chiến lược của Trung Quốc là "sự quyết đoán từ từ" và "nói và lấy". Các sự kiện năm nay được mô tả tốt nhất là sự quyết đoán mạnh mẽ. Trung Quốc hiện đang trả [miếng] lại Việt Nam vì vai trò của Việt Nam trong việc quốc tế hóa Biển Đông hồi năm ngoái, khi Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN. Các hành động của Trung Quốc trong khu vực bãi Cỏ Rong có ý định phơi bày sự mơ hồ trong Hiệp ước An ninh chung Mỹ - Philippines, liệu nhóm đảo Kalayaan có được hiệp ước này bảo vệ hay không.
Cả ASEAN và cộng đồng quốc tế đều dựa vào lối đi qua Biển Đông, phải đối đầu ngoại giao với Trung Quốc về sự quyết đoán mạnh mẽ của nước này. Họ nên mang những áp lực ngoại giao tập thể, có liên quan tới Trung Quốc, tới cuộc họp thường niên sắp tới ở Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, sẽ được tổ chức cuối năm nay để tôn vinh các cam kết trong DOC của mình.
Trong khi đó cả Philippines lẫn Việt Nam nên thực hiện các bước nhằm nâng cao năng lực của mình để sử dụng chủ quyền quốc gia trên vùng đặc quyền kinh tế của hai nước. Sự yếu đuối của hai nước càng mời gọi Trung Quốc hành động quả quyết hơn. Ngày 11 tháng 6, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn Bộ Ngoại giao [Việt Nam], khi được hỏi về vai trò có thể có đối với Hoa Kỳ và các nước khác trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, đã trả lời rằng: “Duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Do đó, mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình ổn định ở khu vực Biển Đông đều được hoan nghênh”.
Sự quan tâm của Hoa Kỳ và các đồng minh, cũng như Ấn Độ để hỗ trợ cả hai nước trong việc xây dựng khả năng trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Đồng thời "liên minh của các nước có cùng một mục đích" nên hỗ trợ ASEAN trong một nỗ lực bảo đảm thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông. Các thành viên ASEAN có thể tự xây dựng một Hiệp ước về ứng xử ở biển Đông, và sau khi phê chuẩn, mở ra cho các nước không là thành viên gia nhập.
Ngọc Thu dịch từ: scribd.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét