Pages

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Không thể chế hóa Hiến pháp quy định về biểu tình – Đó là lỗi của Nhà nước

Khánh An, phóng viên RFA
2011-07-30

“Biểu tình là quyền của công dân đã được quy định trong Hiến pháp Việt Nam. Việc không thể chế hóa Hiến pháp bằng những quy định cụ thể là lỗi của nhà nước” – Đó là khẳng định của TS Luật sư Trần Đình Triển trong cuộc trả lời phỏng vấn của Khánh An về khía cạnh luật pháp liên quan đến việc người dân xuống đường biểu tình và bị bắt bớ, đánh đập trong các chủ nhật vừa qua.

RFA screen shot
Đại úy công an tên Minh đứng trên xe đạp liên tục vào mặt một thanh niên đi biểu tình chống Trung Quốc hôm 17-07-2011 tại Hà Nội.

Vi phạm pháp luật

Trước hết, LS Trần Đình Triển cho biết việc bắt bớ, đặc biệt là hành động đạp vào mặt người đi biểu tình, của những người mang danh nghĩa là “thi hành công vụ” là một hành vi trái pháp luật. Ông nói:


Sinh viên Paul Nguyễn Minh Nhật tham gia biểu tình bị bắt một cách thô bạo lên xe.(ngày 5 tháng 6, 2011). Source blog anhbasag.


LS Trần Đình Triển: Khi tổ quốc lâm nguy thì rất cần tiếng nói, những hành động của công dân. Việc người ta tụ tập để thể hiện tấm lòng của mình đối với quê hương, đất nước là những hành động hợp pháp và cần phải được tôn vinh. Nhưng trong trường hợp này họ thể hiện tấm lòng yêu nước của mình mà lại bị đối xử tàn tạ như vậy là hết sức đau buồn và hành vi đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Chúng tôi rất trân trọng những việc làm công vụ. Công vụ là gì? Là phải đặt lợi ích của nhà nước lên trên hết. Ở đây, công vụ lại đi chống lại những hành động yêu đất nước mà đã được hiến pháp ghi nhận thì công vụ cái gì?

Thứ hai, việc công vụ thì phải có quyết định và phải nói cho dân biết họ đang thi hành công vụ. Nhưng ở đây lại mặc áo quần thường mà hành hạ dân như vậy thì đây là một sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Khánh An: Trong hành động vi phạm pháp luật này thì người điều động hay cơ quan quản lý có trách nhiệm như thế nào?

LS Trần Đình Triển: Về đường lối của đảng và pháp luật của nhà nước lâu nay chúng ta cũng thấy trên báo chí, kể cả công tác thanh tra, kiểm tra kiểm soát thì đều nói rằng cán bộ làm sai thì lãnh đạo cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Trong hành động vừa rồi (đạp vào mặt người đi biểu tình), tôi thấy đã xảy ra cách đây vài tuần nhưng vẫn đang thấy một sự im ắng, chưa thấy khởi tố vụ án hay khởi tố bị can, cũng chưa thấy nêu lên sự việc cần phải xử lý thái độ của một nhóm người vừa qua chống lại tấm lòng yêu nước của người dân như thế nào. Trách nhiệm của người thủ trưởng, nếu như họ là cán bộ thì trách nhiệm của người lãnh đạo của cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trước đảng, trước nhà nước, trước nhân dân như thế nào thì tôi vẫn chưa thấy thể hiện và chưa được thông tin.

Tôi thấy sự việc như vậy cần phải được làm sáng tỏ và công khai mạnh mẽ cho dân để chúng ta ngăn chặn những hành động mà tôi cho là côn đồ. Tôi dùng chữ “côn đồ” là bởi vì một hành vi giữa con người với con người mà giơ cả chân để đạp vào mặt một con người khác thì tôi cho rằng về mặt đạo đức là đã thoái hóa chứ đừng nói gì về mặt pháp luật thì đương nhiên là vi phạm rồi. Giữa con người với con người, tôi cảm thấy có một cái gì đó nó buồn và đau đáu trong tim. Ai nhìn thấy cảnh đó cũng khó mà cầm lại cảm xúc của mình.

Hành động côn đồ




Đại úy công an tên Minh (đánh dấu đỏ), người đạp vào mặt anh Đức hôm 17/7/2011. RFA file





Khánh An: Vâng, luật sư có nhắc đến hành động “côn đồ” cũng như những nhóm người không phải là người “thi hành công vụ” nhưng lại được sử dụng trong việc giữ gìn trật tự an ninh và trấn áp người biểu tình, vậy theo luật sư, những hành động côn đồ hay những nhóm người không có trách nhiệm mà được sử dụng thì những mối nguy của nó là gì?

LS Trần Đình Triển: Chúng ta phải đặt ra ở đây một tầm nhìn. Việc người ta tập trung đông để phản đối sự xâm hấn của Trung Quốc trong thời gian qua là một hành động hợp hiến.

Thứ hai, tôi nghe qua thông tin và sự đồn đại trong nhân dân thì họ thể hiện tấm lòng của mình một cách hết sức văn minh bằng khẩu hiệu, rất trật tự, không gây nên một cái gì mất trật tự cả. Việc họ thể hiện tấm lòng yêu nước một cách êm ái như vậy mà kể cả nếu có những nhóm tội phạm lợi dụng vào trong đó để chống lại tấm lòng yêu nước của họ thì cần phải khởi tố vụ án và truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn nếu giả sử có những cán bộ được phân công nhiệm vụ để nhằm dẹp bỏ những việc thể hiện lòng yêu nước thì tôi cho rằng đó cũng là trái pháp luật.

Tóm lại, một là không phải công chức mà lợi dụng việc đó để chống lại lòng yêu nước của người dân thì cũng cần phải khởi tố, truy tố. Nếu là công chức mà không được công bố thông với dân họ là cán bộ thì người nào chỉ đạo việc đó, cư xử hành động với dân như vậy, thì cũng cần phải khởi tố để truy cứu trách nhiệm hình sự. Có như vậy, chúng ta mới gìn giữ được lòng yêu nước của người dân đối với từng tấc đất của tổ quốc.

Cũng đặt ra một vấn đề là nếu giả sử có người nào đó lợi dụng vào đám đông mà gây rối trật tự hay chống phá lại trật tự an toàn xã hội thì những người đó cũng cần phải xử lý. Nhưng xử lý cũng cần phải bằng những người cán bộ công chức thật sự để xử lý chứ không thể là người ta đang thể hiện tấm lòng yêu nước của mình mà đổ cho họ là gây rối trật tự hoặc làm việc nọ việc kia đánh đồng vào một mớ để xử lý dân như vậy là không thể chấp nhận được.

Khánh An: Trong trường hợp người bị hại, người bị đạp vào mặt, mà không khiếu kiện thì có cần phải đưa ra xét xử, điều tra vụ này không?

LS Trần Đình Triển: Quy định về việc xem xét những hành vi gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự nói chung, việc người bị hại có làm đơn hay không không phải là yếu tố bắt buộc, mà người ta phải thông qua nhiều nguồn thông tin khác mà nhân dân thấy rằng có những hành vi chống lại hay gây ra những điều nguy hại cho người khác thì cơ quan bảo vệ pháp luật phải có trách nhiệm xác minh, điều tra để xem xét, chứ không phải chỉ chờ người bị hại làm đơn.

Đã được ghi nhận trong điều 69 của Hiến pháp năm 1992



Biểu tình tại Hà Nội 24 tháng 7- AFP photo



Khánh An: Dạ vâng, trong một số trả lời của các cơ quan chức năng đối với người biểu tình có nói hiện nay Việt Nam chưa có luật biểu tình, cho nên việc đi biểu tình là không được phép. Vậy theo luật sư, vấn đề luật biểu tình hiện nay ở Việt Nam đã có thể hiện hay chưa? Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước nên chấp nhận biểu tình như là một quyền của công dân thì luật sư có ý kiến thế nào về việc này?

LS Trần Đình Triển: Nếu ai trả lời như thế thì tôi hoàn toàn bác bỏ. Ở Việt Nam, quy định về quyền được biểu tình của công dân được ghi nhận trong điều 69 của Hiến pháp năm 1992 là “công dân được quyền biểu tình theo quy định của pháp luật”. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, chỉ cần một câu đó thôi thì bản thân họ đã có quyền rồi. Còn việc thể chế hóa hiến pháp từ năm 1992 đến nay bằng một nghị định, pháp lệnh hay một đạo luật, đó là trách nhiệm của nhà nước.

Nhà nước không công bố, không đưa ra những quy định cụ thể thì người dân được quyền căn cứ vào hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất là “quyền được biểu tình theo quy định của pháp luật” thì họ được quyền chứ không phải là không được quyền. Còn việc không thể chế hóa hiến pháp bằng những quy định cụ thể, đó là lỗi của nhà nước, của cơ quan làm luật, cơ quan quản lý nhà nước. Công dân chỉ biết thực hiện theo quy định của hiến pháp và hiến pháp đã có quy định. Cho nên nói rằng Việt Nam không có quy định (về việc biểu tình) là không đúng.

Khánh An: Vâng, Khánh An cám ơn LS. Trần Đình Triển rất nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét