Kim Hoa (ghi)
LTS: Ở góc độ quản lý nhà nước, có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng sức cạnh tranh với các thương nhân Trung Quốc bằng những quy chế về quản lý kinh doanh đối với thương nhân nước ngoài. Chúng tôi giới thiệu góc nhìn của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vấn đề này.
Có thể sẽ bất công với thương lái trong nước nếu để thương lái nước ngoài vào mua gom hàng không có giấy phép, và để xảy ra tình trạng trốn thuế. Thậm chí, ở chỗ này chỗ khác, họ còn khống chế thị trường, ép giá, người bán không có quyền mặc cả, đánh giạt cả các thương lái nội địa…
Quản lý quá lỏng lẻo
Một tháng trước, tôi chứng kiến ở miền Trung, trên đường từ Quảng Trị vào Đà Nẵng, rất nhiều ôtô chở toàn gỗ keo – một loại cây cho các nhà máy chế biến thành dăm gỗ làm nguyên liệu giấy và ván ép, mà người mua chính là các thương nhân Trung Quốc. Để có gỗ keo bán, bà con các vùng đó đã phá đi nhiều diện tích trồng cây lâu năm và đua nhau trồng cây keo. Giống y như việc đã xảy ra với nhiều vùng khác, khi bà con ta đua nhau trồng khoai mì khi có thương nhân Trung Quốc thu gom mặt hàng này, bất chấp khoai mì là loại cây làm cho đất bạc màu rất nhanh. Và bây giờ, lại đến việc bà con ta chạy theo trồng khoai lang thuê cho người ta trên vườn ruộng của mình…
Chỉ cần phía bạn đột ngột dừng không mua (điều này đã từng xảy ra), hoặc thu gom giá thấp, số phận của những hộ nông dân phụ thuộc nguồn thu nhập chính từ trồng keo, khoai mì, khoai lang ấy sẽ ra sao, hay là lúc đó Nhà nước lại phải đứng ra gánh việc hỗ trợ, cứu đói?
Tất cả những hiện tượng tưởng như có lợi trước mắt đó cho một số người, thực ra sẽ gây ra những hệ luỵ xấu đáng lo ngại về mặt kinh tế – xã hội. Nó không chỉ làm đảo lộn thị trường hàng hoá bình thường mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu. Hiện nhiều công ty chế biến thuỷ hải sản của ta đang thiếu nguyên liệu trầm trọng, nguồn nguyên liệu trở nên bấp bênh hơn khi phải cạnh tranh với thương lái của Trung Quốc ngay trên sân nhà. Họ sẽ thua thiệt hơn nhiều khi đối thủ cạnh tranh né được tiền thuế.
Một vấn đề nữa, khi hỏi đến việc các thương lái thanh toán với bà con bằng loại tiền gì, tôi được biết, đó là tiền Việt Nam. Tiền đó ở đâu ra là câu hỏi mà cơ quan chịu trách nhiệm lưu thông tiền tệ phải trả lời.
Lẽ ra chính quyền sở tại khi thực hiện việc quản lý kinh doanh trên địa bàn, không được bỏ qua hay làm ngơ hiện tượng này. Cũng không thể đổ lỗi rằng họ sang ta theo đường khách du lịch, cấp tập thu gom hàng, “đến rồi đi lúc nào không ai biết” hoặc “dựa vào đâu mà thu thuế họ”, để rồi không quan tâm, thậm chí còn vui mừng vì “giải toả được hàng”.
Lập lại trật tự?
Không một nước nào trên thế giới mà người nước ngoài có thể tự do kinh doanh, đến giữa đường giữa chợ để mua bán như vậy. Ai cũng biết là làm gì có chuyện người Việt Nam được phép đưa hàng sang tự tiện ngồi bán ở chợ của bạn. Phải khẳng định là không quốc gia nào chấp nhận người nước ngoài vào lãnh thổ của họ tự do kinh doanh không cần giấy phép và không nộp thuế. Phải nói rằng, để xảy ra những việc trên, từ chỗ chỉ xảy ra vài hiện tượng đơn lẻ, nay đã khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực, là ta đã có một bước lùi đáng tiếc về công tác quản lý.
Do đó, để lập lại trật tự kỷ cương, việc phải làm đầu tiên, theo tôi, các cơ quan chính quyền địa phương phải thấy đó là trách nhiệm của mình khi có những vụ, việc tương tự xảy ra trên địa bàn. Họ không thể nói là không biết, không nắm được cụ thể tình hình và biết mà không làm gì. Theo thẩm quyền, họ phải giám sát, bảo đảm người kinh doanh trên địa bàn đều phải có đăng ký, nộp thuế, có địa chỉ đảm bảo giải quyết tranh chấp khi hữu sự.
Cơ quan thuế hoàn toàn có quyền đánh thuế doanh thu, thuế thu nhập từ hàng hoá và vận tải… với mọi hoạt động kinh doanh trong nội địa Việt Nam của các thương lái Trung Quốc. Nếu không làm điều này, sẽ rất bất bình đẳng với các thương lái trong nước khi họ hàng ngày vẫn phải nộp tất cả các khoản trên.
Tiến tới, từ những phát hiện và đề xuất của địa phương, bộ Công thương phải ra một quy chế chung về quản lý kinh doanh cụ thể. Đó là khuôn khổ pháp lý chung, từ đó hướng dẫn địa phương củng cố ráo riết mạng lưới phân phối các mặt hàng căn cứ thời điểm, thời vụ... Ngành ngân hàng phải thực hiện nghiêm chức năng kiểm soát đồng tiền; hướng dẫn cho các huyện, xã nên xử lý như thế nào trong những trường hợp cụ thể.
Cần tổ chức tốt hơn mối quan hệ giữa các hộ nuôi và các đầu mối tiêu thụ. Việc kết nối thành tổ chức, đoàn thể sẽ giúp họ có vị thế trong đàm phán, không bị ép giá, ép cấp.
K.H. – P.C.L.
Nguồn: sgtt.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét