Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

LỊCH SỬ ĐÃ BẮT ĐẦU SANG TRANG

Trong thế giới phẳng của thập niên thứ 2 thế kỷ 21, chỉ cần một cú nhấp chuột thì cả thế giới hiện ra trước mắt với ngồn ngộn thông tin. Quyền được tiếp cận thông tin của một đứa trẻ con thò lò cứt mũi, răng sún vì mút kẹo và một ông cụ xương cốt rệu rã, chờ ngày về thăm ông bà, hít hương hoa trái cây và ngắm gà khỏa thân, không khác nhau là mấy, một chị bán cá ngoài chợ và một mệnh phụ phu nhân cũng rứa.

Khoa học công nghệ thông tin đã mở ra hai cánh cửa:

-Một cánh cửa dành cho mọi người có cơ hội tiếp cận với kho tàng trí thức, kiến thức của nhân loại một cách tiện lợi, nhanh chóng trong tất cả các lĩnh vực; kết nối mọi người trên mọi vùng miền trên địa cầu.

-Một cánh cửa khác, xuống địa ngục cho những định chế Độc tài toàn trị vốn tồn tại bằng tuyên truyền, bưng bít và bịp bợm.

Ngày nay chỉ cần lên mạng gõ keyboard những diều thắc mắc muốn tìm hiểu, sưu tra hoặc đơn giản chỉ vì thắc mắc, tò mò thì chỉ trong vòng chưa đến đơn vị phút, hàng nghìn thậm chí hằng triệu thông tin hiện ra trước mắt với nguồn từ ý kiến của các học giả, tác giả có uy tín cho đến các blogger, các anh Ba, chị Tám nhiều chuyện… mổ xẻ vấn để mà người ngồi trước màn hình thắc mắc muốn tìm hiểu dưới mọi góc nhìn, mọi khía cạnh, mọi ngóc ngách. Không khác gì một cuộc đại phẩu thuật. Từ đó người đọc có thể tổng hợp và rút ra kết luận khách quan nhất cho vấn đề mình đang tìm hiểu, thắc mắc.

Chính vì vậy Khoa học Công nghệ Thông tin trong thế giới phẳng ngày nay đã mở ra cánh cửa xuống Địa ngục cho các chế độ Độc tài toàn trị, vốn tồn tại được qua tuyên truyền bưng bít và bịp bợm bằng cách kiểm soát các phương tiện Thông tin Truyền thông truyền thống như báo đọc, phát thanh, phát hình, kể cả những cái loa rè di động của một đội ngũ đông đảo những robot thầy cô giáo, giảng viên các môn khoa học xã hội từ cấp Tiểu học cho đến các trường Đại học.

Những nhà nước Độc tài toàn trị cũng không tiếc tiền cho những hoạt động định hướng trên thế giới mạng bằng cách tung những chiến sỹ tuyên giáo trên mặt trận Văn hóa Tư tưởng lên không gian mạng qua những bài viết lải nhải những luận điệu giẻ rách nhai đi nhai lại cho dù được che đậy dưới những thủ pháp về ngôn từ hoa mỹ, bóng bẩy tới đâu, núp dưới mọi chiêu bài, cũng đã bị công đồng cư dân mạng lật tẩy. Tất cả chỉ là công cốc, dã tràng xe cát.

Do đó không thấy làm lạ khi ĐIỂM THI MÔN SỬ KHỐI C CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC THẤP BẤT NGỜ (Báo Tuổi trẻ 25/07/2011).

Đọc báo cáo kết quả điểm thi các trường Đại học, Cao đẳng khối C (Văn, Sử, Địa). Số thí sinh đạt điểm trên trung bình của môn Sử chỉ chiếm 0-5% ở tất cả các trường. Điểm qua kết quả của các trường như:

-Đai học Tiền Giang có 98% dưới trung bình. Trong số 253 thí sinh khối C, chỉ có 5 em đạt trên trung bình, chiếm tỷ lệ 1,97% nhưng điểm số cao nhất chỉ là 5,25 và 47 em có điểm 0, nghĩa là không viết chử nào.

Thí sinh thủ khoa Phan Thị Diễm Trinh của trường này 17 trong đó điểm môn sử là 4,5

-Đại học Quảng Nam có số thí sinh đạt điểm 5 cao nhất cũng không quá đầu ngón của hai bàn tay: 9 em. Từ 0-0,5 có 451 em. 99% dưới trung bình

-Đại học Đà Lạt, trong tổng số 1564 thí sinh dự thi, chỉ có 34 em trên trung bình, 614 em dưới 1.

Kết quả cũng không khá hơn ở các trường Đại học TPHCM, có trường chỉ có 1 em đạt điểm 5

-Đại học Văn Hóa TPHCM có số lượng ngành tuyển sinh khối C khá nhiều cũng chỉ có 3,6% thí sinh trên 5. Số còn lại 0-1

-Đại học Tôn Đức Thắng, trong số 288 thí sinh dự thi, chỉ có 1 em đạt điểm 5, 99,6% dưới trung bình, điểm đặc biệt là chỉ có 3 em đạt 4,5 kế đó còn lại là cắn bút ngồi chơi???

-Đại học Sài Gòn cũng chỉ có 116 thí sinh đạt điểm trung bình trên 2300 em dự thi.

-Đại học Sư Phạm Đà Nẳng không khá hơn với 99,23% dưới trung bình.

-Các trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân, Đại học Công Đoàn, Học viện Quản lý Giáo dục… Không khá hơn!

Chưa cần đọc qua câu hỏi của đề thi, thì kết quả này là hiện tượng thật đáng kinh ngạc ngoài sức tưởng tượng về mặt giáo dục hiện nay.

Kinh nghiệm những năm mài đũng quần dưới mái trường XHCN, thì nội việc chép lại câu hỏi sạch sẽ rồi cắn bút nhai chơi thì cũng chẳng thầy cô nào nỡ cho điểm 0, ít cũng được 1/4 điểm cho chử đẹp nhưng ở đây tỷ lệ điểm 0, không phải là nhỏ. Điều này có nghĩa là các em bỏ trống hoặc thừa giấy vẽ voi như Trạng Quỳnh, chấp nhận điểm 0.

Theo như Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Minh Hồng thì điểm thấp, một phần do đề thi năm nay tương đối khó và cũng phải coi lại cách dạy và học ở trường. Câu này hình như năm nào cũng được nghe. Nhưng kết quả như năm nay thì quả thật quá choáng (1).

Nhìn lại câu hỏi của đề thi, thì quả thật đến tôi cũng bật ngữa vì câu hỏi quá… dễ???

-Câu 1: Phân tích nguyên nhân ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành (3đ).

-Câu 2: Luận cương chính trị 10/1930 của Đảng CS Đông Dương 10/1930 có những điểm gì khác so với cương lĩnh chính trị đầu tiên của ĐCSVN? Những vấn đề đó dược giải quyết như thế nào trong giai đoạn 1939-1945?(2đ)

-Câu 3: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) nhân dân VN đã căn bản hoàn thành “đánh cho Mỹ cút” bằng thắng lợi nào? Nêu tác động thắng lợi đó đối với sự phát triển của Cách mạng miền Nam(2đ).

-Phần riêng: Các thí sinh làm một trong hai câu

a- Khái quát quá trình hình thành và phát triển của tổ chức liên kết chính trị, kinh tế lớn nhất hành tinh từ 1952-2000

b- Tóm tắt sự ra đời các quốc gia độc lập ở Đông Nam Á trong năm 1945.

Các thí sinh, trừ thời gian học Tiểu học thì 4 năm trung học cơ sở, 3 năm trung học phổ thông thì những gì về Hồ chủ tịch, về lịch sử đảng, về cuộc chiến chống Mỹ cứu nước bị nhồi nhét, chưa kể hằng năm cứ đến các ngày lễ, nào là:

-Kỷ niệm Cách mạng tháng 8, Quốc khánh 2/9

- Sinh nhật bác Hồ

-Kỷ niệm thống nhất đất nước 30/04/1975.

Và vô số những ngày lễ khác như ngày thành lập quân đội nhân dân, công an nhân dân, ngày thương binh liệt sỹ, các quân binh chủng…. thì các loa phát thanh, phát hình báo chí dể gì bỏ qua cơ hội đánh bóng vũ khí của mình như binh lính lau chùi vũ khí định kỳ. Nào là ơn Bác ơn Đảng ơn chính phủ…và dể gì không có chuyện nhắc lại tiểu sử, quá trình ra đi cứu nước của cha già dân tộc, thành quả của quân đội nhân dân VN anh hùng v.v..và v.v…

Nội từ những điều được tra tấn như thế qua bao năm trời các em đã có thể lấy điểm ít ra cũng 5.

Thí dụ nếu là thằng tôi, chỉ cần “Bẹc cà na, hột é” (1) như sau:

Câu1:

-Nguyễn Tất Thành là một thanh niên yêu nước(đúng quá rùi ) tới đây nếu nhớ câu:

Tháp mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên bác H…ồ

thì bảo đảm nhớ bác quê ở làng Sen, và chử sen tiếng Hán là Liên thì phang vào xã KimLiên, Nam Đàn Nghệ An. Đã yêu nước chắc chắn phải thừa hưởng truyền thống không gia đình, thì cũng Dân tộc.

Trước cảnh áp bức bóc lột của Thực dân Pháp và bè lũ tay sai bán nước (dĩ nhiên, không Pháp nó chiếm làm cái gì?).

Nhiều cuộc khởi nghĩa như phong trào Cần Vương, Trương Công Định, Đề Thám… đã bị thất bại, đàn áp đẫm máu. Phong trào của các nhân sỹ trí thức như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu… cũng không thành công (nếu thành công thì đã không cần tới Bác). Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết ra nước ngoài để tìm hiểu các nước khác như thế nào (chứ không phải đi tìm bơ thừa sữa cặn nhá) rồi trở về tìm cách giúp đồng bào giải phóng dân tộc (sic)

Câu 2:

Nói đến giai đoạn này là phải nhớ đến mặt trận Việt Minh là tập hợp các thành phần, giai cấp, tầng lớp, lực lương dân tộc yêu nước.

Dĩ nhiên Cương lĩnh chính trị 10/1930 là không phù hợp vì chỉ kêu gọi (gào) đấu tranh giai cấp và Cách mạng ruộng đất (bố thằng nào dám theo?), không tập hợp được các thành phần trung nông, tiểu địa chủ, địa chủ, trí thức tiểu tư sản để đánh đổ thực dân Pháp. Do đó (phải nói dóc, lừa gạt) phải nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tạm thời gác (dấu) khẩu hiệu Cách mạng ruộng đất sang một bên để tập hợp các lực lượng dân tộc, giai cấp tầng lớp trong mặt trận Việt Minh cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc (thành công xong rồi mới xử mấy thằng địa chủ, tư sản!!!)

Câu 3: Nghe tới Mỹ cút, là nghĩ ngay tới mấy thằng mũi lõ xách ba lô về nước, là phải nghĩ ngay tới Hiệp định Paris (27/01/1973) lập lại hòa bình cho miền Nam Việt Nam.

Mỹ rút thì dĩ nhiên quân đội VNCH yếu đi (là cái chắc), mà hể địch yếu thì ta phải mạnh lên chứ còn gì nữa.

Từ Hiệp định này, ta có cơ hội để cũng cố các căn cứ của mặt trận Giải phóng miền Nam để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công(cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam) 1975 đi đến thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tới phần riêng thì Tây xa xôi, thôi thì lấy câu tóm tắt sự ra đời của các quốc gia độc lập Đông Nam Á vậy.

1945 thì về cơ bản các nước trong khối trục đầu hàng. Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của Phát xít Nhật. Nhớ Tuyên ngôn độc lập của VN là 02/09/1945, thì dĩ nhiên các nước khác cũng đâu đâu gần đó, thôi thì nói sừ nó là khoảng cuối năm 1945 là không có thằng nào chạy đâu thoát. Tháng 8, tháng 9… tháng 12, không cuối năm còn là kí rì nữa!

Chắc cú anh Việt Nam với Cách mạng tháng 8 và ngày 02/09/1945, còn lại cứ phang Malaysia, Indonesai, Lào, Miến điện, Singapore, Brunei gì đó… không trúng thằng này cũng trúng thằng kia. Thang điểm hể có tên là OK.

Bài tớ làm các bố giám khảo không chấm 6 thì bét lắm cũng 5.

Thế mà tỷ lệ 0-1đ không phải là con số nhỏ trong 99,8% dưới trung bình của đề thi sử Đại học khối C 2011.

Bỏ ngoài tai lời ngụy biện của tay Phó Giáo sư Tiến sỹ Hà Minh Hồng, chúng ta hãy thử xem lại bối cảnh ngày dự thi của các em.

Các em khối B,C,D,N,H,T,R,M.K thi từ 09-10/07/2011, thời gian mà ở Hà Nội đã diễn ra 5 cuộc biểu tình, trước đó tin tức tàu Giám hải TQ 2 lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam cũng đã loan tin trên các cơ quan ngôn luận, báo chí lề phải. Các em không ít thì nhiều cũng đã thông qua các trang mạng biết về các cuộc biểu tình cũng như thái độ ứng xử kỳ quái của chính quyền đối với hành động yêu nước của dân chúng.

Làm bài thi môn Lịch sử như thế nào được khi mà các em qua sách vở đều được dạy rằng:

Đất nước ta hình chử S từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Bây giờ thì sao?, có còn từ Ải Nam Quan không hay cách bao nhiêu km? Phải nhờ tới hệ Kinh tuyến hay Vĩ tuyến để xác định địa đầu của Tổ quốc??? Còn thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm, đỉnh Lão Sơn??? Bao nhiêu nghìn km2 đã bốc hơi.

Lời kêu gọi của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành:

-Vua Hùng có công dựng nước

Bác cháu ta cùng nhau giữ nước.

-Đất nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.

-Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào. Để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đùng một cái các em biết được công hàm bán nước 14/09/1958 do Phạm Văn Đồng ký thừa lệnh Hồ Chí Minh.

Đoàng một cái các em biết Hiệp định biên giới trên bộ do Lê Khả Phiêu ký, nhượng không biết bao đất đai, xương máu của cha ông cho giặc Tàu.

Đùng đùng, Đoàng đoàng các em biết thái độ hèn nhát của chính phủ CHXHCNVN đối với giặc Tàu, đàn áp biểu tình tuần hành thể hiện lòng yêu nước của nhân dân.

Các em nổ đom đóm mắt khi thấy An ninh nhân dân cắp cổ người biểu tình yêu nước ôn hòa tay không tấc sắt như cắp cổ gà.

Đoàng đoàng, đùng đùng các em choáng khi một cái nhấp chuột, chỉ 0,07 giây có 988.000 kết quả cho Công hàm bán nước do Phạm Văn Đồng ký.

Chỉ 0,20 giây có 854.000 kết quả cho Hiệp định Paris.

Chỉ 0,17 giây có 938.000 kết quả cho Cách mạng ruộng đất

Chỉ 0,85 giây có 9.200.000 kết quả cho Nguyễn Tất Thành, mà ngay đến Wikipedia vẫn có những dấu hỏi trong đời tư của con người mang tên này. Mỗi bí danh lại dính dáng đến những điều mà ngày xưa giáo điều, đụng đến là mang tội hủ hóa.

Làm bài thi môn sử với những câu hỏi như trên???

477 em dự thi ở Đại học Sư Phạm Đà Nẳng, 451 em ở Đại học Quảng Nam, 614 em ở Đai học Đà Lạt, 201 em ở Đại học Văn hóa TPHCM và các trường khác nữa từ Bắc vào Nam … đã buông bút chấp nhận điểm 0 đối với một đề thi không khó. Đoàn biểu tình trong các đợt biểu tình gần đây đã không mang hình bác Hồ.

-Các em buông bút chứ không chấp nhận viết lên những điều dối trá, những lịch sử được nhào nặn, dối lừa.

-Các em buông bút để tỏ thái độ ủng hộ những người biểu tình.

-Các em buông bút để tỏ lòng yêu nước trước ngặt nghèo của vận mệnh quốc gia.

-Các em buông bút để bắt đầu chép một trang sử mới cho Dân tộc Việt.

Cửa Địa ngục đã mở để chào đón bầy quỷ dữ Cộng sản trở về.

Không tiễn.

Houston, Texas 28/07/2011

Oanh Yến Thị Phạm

1-Choáng: giật mình, bất ngờ, mệt, oải

2- Bẹc cà na hột é: không rõ từ gốc, nhưng ở miền Nam những năm 1950, 1960 là từ lóng để chỉ sự phóng đại, tương tự như từ “nổ zăng miểng” như bi jiờ. Cà na, hột é bình thường khi được phơi khô thì quắt queo nhưng chỉ cần một dúm nhỏ ngâm vào nước là nở ra rất nhiều, người miền Nam rất hay pha nước đường, đá bào cho cà na, hạt é vào uống rất mát vào mùa hè.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét