Pages

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Người biểu tình 17/7 kể truyện

Cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội sáng Chủ nhật 17/07 tuy không nhiều người tham gia bằng những lần trước, nhưng cũng gây chú ý vì nhiều lẽ.

Một trong các yếu tố là cách hành xử bị tố cáo là “thô bạo” của các nhân viên công quyền đối với người biểu tình.

Một người biểu tình, blogger có nick Đông Hải Long Vương, nhận mình chính là thanh niên bị bốn công an viên xách chân tay kéo đi trong bức ảnh gây chấn động đang lưu truyền trên mạng.










Khi bị bắt, blogger này đang có mặt trong đoàn biểu tình đi qua đoạn đường tàu hỏa gần phố Điện Biên Phủ.

Bloger Đông Hải Long Vương viết trên blog của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện rằng anh “đã bị khống chế như con lợn… mấy đồng chí công an còn đạp (sút) tổng cộng 4 phát. Đạp từ trên đạp xuống trong lúc mình đang còng queo”.

“Trong đó có 2 phát được ăn bánh “giầy” vào mồm. Một phát trượt qua cổ. Một phát vào ngực.”

Sau đó, chính blogger này chia sẻ với BBC: “Tôi chỉ là một người bình thường mà thôi. Tôi không phải là người nhân cơ hội để nổi đình nổi đám như một số nhân vật có hơi hướng tới hoạt động dân chủ.”

“Tất cả chỉ là sự bất đắc dĩ mà xuống đường.”

Theo blogger Đông Hải Long Vương, anh đã từng xuống đường hai lần năm 2007 và 5 lần trong tháng 6-7/2011.

“Trước cuộc tuần hành một ngày, tôi đã biết cuộc trấn áp sẽ rất phũ phàng. Một cán bộ an ninh cũng đã nhắc nhở tôi về tình hình chung và của cả cá nhân tôi. Cho nên sự việc đến thì tôi cũng thấy bình thản.”

Anh cho BBC biết: “Mấy cái chuyện đánh đập, xúc phạm này thực sự đối với tôi chỉ là phủi bụi. Làm việc lớn thì đến mạng sống người ta còn chẳng tiếc, huống hồ mới trấn áp vớ vẩn thế này mà đám trí thức, dân chủ bề ngoài đã làm um củ tỏi lên thì tôi thấy buồn cười”.

Tuy vậy, blogger Đông Hải Long Vương nói sau cuộc biểu tình anh cảm thấy buồn. “Buồn cho Đảng Cộng sản, buồn cho đám an ninh, mật vụ nhưng cũng buồn cho thân phận dân đen, hèn yếu, nhu nhược nên dân tộc ta mới nên nông nỗi này…”

“Buồn vì cách ứng xử của an ninh đã đành mà cả phía trí thức, người đi biểu tình vẫn còn ít… thế thì dân tộc ta mãi không ngóc đầu lên dậy được với xu thế văn minh của thế giới.”

Cựu chiến binh
Một người biểu tình khác, cựu chiến binh Nguyễn Tường Thụy, 60 tuổi, cho hay ông đã chứng kiến cảnh blogger Đông Hải Long Vương bị cảnh sát lôi lên chiếc xe buýt để chở đi Mỹ Đình cùng hàng chục người khác.

“Cậu thanh niên ấy bị họ ném bịch một phát lên xe rồi nằm xoài ra. Lúc đó tôi đã ngồi trên xe rồi. Một lúc sau thì cậu này nhổm dậy được.”










Ông Nguyễn Tường Thụy thuật lại những gì ông chứng kiến: Theo thông báo ở trên mạng là 8.30 sáng sẽ tổ chức biểu tình ở Điện Biên Phủ, 8.30 tôi đến và tôi đã thấy mọi người bắt đầu đứng vào hàng ngũ ở ngã ba Nguyễn Tri Phương và Điện Biên Phủ.

Mọi người xếp hàng rất trật tự và trưng biểu ngữ, hô khẩu hiệu.Thành phần chủ yếu là thanh niên và một số những người lớn tuổi như tôi và một số nhân sỹ trí thức nữa.

Thấy vậy, tôi cũng đứng luôn vào hàng. Thanh niên và mọi người hô khẩu hiệu tại chỗ được một lúc thì cảnh bắt bớ diễn ra.

Chúng tôi bị tách làm hai đoàn. Đoàn khác bao gồm chủ yếu là nhân sỹ trí thức, họ bảo nhau đi đến Nhà Hát Lớn và đi bằng nhiều phương tiện.

Còn đoàn chúng tôi bị đưa đến Công an Mỹ Đình, cũng có nhiều nhân sỹ trí thức, các em thanh niên, sinh viên và cả những người lớn tuổi.

BBC: Thưa, ông có nhận xét gì về thái độ của các nhân viên công quyền trong cuộc biểu tình hôm Chủ nhật?

Ông Nguyễn Tường Thụy: Cần phải phân biệt là có những người chỉ đạo và có những người thực hiện. Những người chỉ đạo không trực tiếp hành động. Còn những người trực tiếp bắt bớ thì rất là hung hăng, ăn nói thì vô giáo dục, chửi bới và đánh đập dân biểu tình.

Khi mà họ bắt chúng tôi, họ không nói lý do gì cả.

Đặc biệt là các hành động như lôi, đánh, đẩy, đưa lên xe như thế, tôi thấy việc đối xử với đồng bào mình quá tồi tệ.

Khi họ đưa chúng tôi đến công an Mỹ Đình, về mặt thái độ họ không có biểu hiện gì hung hăng như lúc chúng tôi ở Điện Biên Phủ.

Sau đó, họ thẩm vấn mọi người, chủ yếu là ghi tên tuổi và địa chỉ cụ thể chứ họ không có động thái nào chửi bới chúng tôi như trước, cũng không có gì đe dọa.

Họ không đe dọa nhưng họ khuyên chúng tôi là không nên tiếp tục biểu tình vì đã có chính phủ lo.

BBC: Và trả lời của ông đối với lời khuyên này là gì?

Ông Nguyễn Tường Thụy: Tôi có trả lời là chính phủ phản ứng yếu ớt trước sự hung hăng gây hấn của chính phủ Trung Quốc cho nên là chúng tôi biểu tình hỗ trợ hậu thuẫn cho chính phủ.













Chúng tôi hưởng ứng lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu ở Nha Trang về vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Chúng tôi làm vì muốn bảo vệ đất nước, bảo vệ ngư dân Việt Nam. Chúng tôi nói nhỏ nhẹ như vậy thôi.

Thực ra khi thẩm vấn thì rất nhanh vì chủ yếu có rất nhiều người đã bị biết tên và quen mặt. Chủ yếu họ hỏi về tên tuổi và địa chỉ để lập danh sách gồm 46 người là ai và ở đâu.

Việc này diễn ra nhanh nhưng chúng tôi ở lại lâu, suốt buổi sáng, là do chúng tôi đấu tranh phải mang xe đưa chúng tôi về chỗ họ bắt chúng tôi.

Sau khi biết rằng họ không cho xe, chúng tôi mới đi về và tiến hành biểu tình tiếp. ”

BBC: Lần sau có biểu tình, ông có tiếp tục tham gia không, thưa ông?

Ông Nguyễn Tường Thụy: Điều này thì chúng tôi không dám chắc. Hôm nào có điều kiện thì tôi sẽ đi. Hôm nào vướng bận thì thôi. Nhưng tôi hy vọng là tôi sẽ được tham gia biểu tình tuần tới nếu mọi người có lưu tâm và hô hào trên mạng.

Tấm biểu ngữ gây tranh cãi
BBC cũng đã hỏi chuyện Tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ từ Hà Nội, người nói ông đã “bị bắt hai lần”.

Tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ: Lần thứ nhất là hôm mùng 10/07, tôi không chịu nổi vì bức xúc về việc công an đàn áp biểu tình, rồi Trung Quốc nó lộng hành quá cho nên tôi quyết định xuống đường cùng các cháu sinh viên.

Thế nhưng, khi vừa mới đến tôi đã bị bắt và bị hỏi cung rất dữ dội. Cả đoàn chúng tôi đã đấu tranh rất nghiêm chỉnh và xác định là chúng tôi là những người không có tội.

Lần thứ hai là hôm 17/07 sau khi có kêu gọi của các nhóm yêu nước. Tôi chuẩn bị kỹ càng hơn với khẩu hiệu mà tôi và các đồng đội của tôi đã nghiền ngẫm nhức đầu là muốn giải quyết vấn đề xâm chiếm của Trung Quốc phải chung sức với Mỹ, Nhật, Ấn Độ và EU để “xé Trung Quốc ra thành nhiều quốc gia độc lập”.

BBC: Vâng, tấm biểu ngữ của ông đã gây ra khá nhiều tranh luận trên các diễn đàn mạng, thưa ông. Một số người nói ông đang nhằm vào phá hoại nền hòa bình của Trung Quốc, chứ thông điệp vì biển đảo Việt Nam qua đó lại bị loãng đi.

Tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ: Không, đấy là những chính khách nói. Tôi cam đoan là với các lực lượng ngầm ở Mỹ, Nhật, Ấn Độ và ở EU thì đó là một khát khao không bao giờ nói ra nhưng họ cũng đều muốn xé Trung Quốc ra làm nhiều quốc gia độc lập.

Và đấy cũng là ước vọng của nhân dân Trung Quốc.

Theo nhóm chúng tôi nghiền ngẫm trong ba năm thì đấy là cách giải quyết triệt để nhất mối hiểm họa phương Bắc đối với Việt Nam.

Tôi nghĩ khẩu hiệu của tôi là đánh trúng vào huyệt đạo của Trung Quốc và cái đó làm Bắc Kỳ cực kỳ sợ sệt và cực kỳ kinh hãi.

Một khẩu hiệu nữa mà tôi ưng ý là ‘Sự bành trướng của Trung Quốc ảnh hưởng đến an ninh và hòa bình TG. Đấy là khẩu hiệu nhẹ nhàng hơn khẩu hiệu của chúng tôi.

BBC: Không khí cuộc biểu tình ở cả hai bên, theo ông trải nghiệm, là như thế nào?

Tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ: Tôi bị gãy chân từ trước nên công an họ giật cái biểu ngữ ra khỏi người tôi và đẩy lên xe cùng với một sốngười khác. Sau đó, chúng tôi xuống đồn CA Mễ Trì thì cuộc đấu tranh ở đấy thật tuyệt vời.

Trong số người bị bắt có một phụ nữ đi khám bệnh bị đưa lên xe vô cớ. Xuống đến nơi thì bà này chửi um lên và nói rằng đã như thế thì Chủ Nhật tuần sau bà cứ đi biểu tình với những người yêu nước.

Ngoài ra còn có hai cháu bé tiểu học bị bắt. Tôi hỏi các cháu làm sao bị bắt, bố mẹ các cháu đâu thì các cháu nói chúng cháu bỏ học để đi biểu tình cùng với các ông các bà, với các chú các bác.

Tôi nhận xét rất trung thực như thế này. Họ làm rất căng trên ĐSQ Trung Quốc để chứng tỏ cho TQ thấy rằng họ đàn áp cuộc biểu tình rất cứng rắn.

Nhưng mà xuống đến chỗ tiếp đón thì họ lại dùng những lời lẽ là: “Mời các bác xuống đây để nói chính kiến của mình chứ ở trên đó nóng lắm”.

Tôi thấy xuống công an Mỹ Đình thì không ai bị đánh đập. Mọi người đều tỏ ra rất phẫn nộ, thậm chí có những lời lăng mạ độc địa nhưng công an ở dưới Mễ Trì tỏ ra khá là nín nhịn.

Nguồn: BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét