Pages

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Đoàn kết các dân tộc để bảo vệ chủ quyền Việt Nam

Thùy Vân – Quang Hưng (thực hiện)
Một người Pháp được công nhận là công dân Việt Nam mới đây vừa hoàn thành bộ phim tài liệu dài 1 tiếng “Nỗi đau Hoàng Sa Việt Nam”

Ông Hồ Cương Quyết

Ông Hồ Cương Quyết - tên Việt Nam của ông André Mendras, rất tự hào về quốc tịch thứ 2 của mình và không mệt mỏi nỗ lực đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam mà ông hết mực yêu thương.


Bộ phim tài liệu dài 1 tiếng “Nỗi đau Hoàng Sa Việt Nam” vừa được ông André Mendras hoàn thành sau một tuần lễ ở Quảng Ngãi và đảo Lý Sơn. Ngay khi được trình chiếu cho cộng đồng người Việt cũng như người Pháp, bộ phim đã nhận được những phản hồi tích cực.

PV: Xin ông cho biết xuất phát từ đâu mà ông có ý tưởng thực hiện bộ phim về đời sống của những ngư dân Việt Nam?

Ông Hồ Cương Quyết: Ý tưởng làm phim xuất hiện từ vài năm trước khi tôi nghe được thông tin về việc tàu đánh cá của Việt Nam bị quấy nhiễu ở vùng biển Hoàng Sa. Tiếp đó, tôi đã liên tục theo dõi thông tin, thực hiện các nghiên cứu tìm tòi. Tôi ngày càng cảm thấy lo ngại về tình trạng này. Vì thế, tôi đã quyết định phải dấn thân vào việc bảo vệ các ngư dân vì tôi nghĩ rằng, bảo vệ ngư dân cũng là bảo vệ độc lập và chủ quyền của Việt Nam.

Như các bạn biết đấy, ngay từ khi 20 tuổi, tôi đã đứng bên cạnh Việt Nam để đấu tranh bảo vệ độc lập cho Việt Nam. Giờ đây 60 tuổi, tôi tiếp tục cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Đơn giản chỉ như vậy thôi.

PV: Chúng tôi đã chứng kiến bộ phim gây xúc động đối với người xem, nhất là trong phim có một chi tiết về nghi lễ lập “mộ gió”. Ông nghĩ gì về chi tiết này?

Ông Hồ Cương Quyết: Nghi lễ lập “mộ gió” là nghi lễ của cộng đồng ngư dân ở Bình Châu và Lý Sơn. Đây là một cộng đồng luôn phải đối mặt với sóng gió biển khơi từ hàng thế kỷ qua ở Hoàng Sa. Họ từng ra khơi cả nửa năm mà không có phương tiện cứu hộ, không có phương tiện liên lạc, chỉ định hướng bằng những vì sao trên trời vào ban đêm.

Khi một ngư dân mất tích, họ không để lại gì cho gia đình. Theo truyền thống của người Việt Nam, nếu không có thân thể, thì ít nhất phải có phần hồn ở lại để người thân có thể tưởng nhớ. Từ nhiều thế kỷ qua, người dân Lý Sơn đã tìm ra cách để giữ lại thứ quý giá và quan trọng nhất đối với những người đã mất, đó là phần hồn của người bị mất tích được thổi vào bên trong hình hài bằng đất sét nặn. Phần hồn có thể tới trú ẩn trong hình hài này và người ta có thể mang về nhà và thực hiện nghi lễ cúng bái. Người ta gọi đó là “mộ gió”, nhưng thực sự không phải gió mà là hồn người đã mất ở bên trong.

Ý nghĩa của nghi lễ này, đó là ý chí của gia đình người mất tích không nhượng bộ trước sự tàn nhẫn của biển cả, không nhượng bộ trước ý đồ xâm lăng của nước ngoài và gìn giữ văn hóa truyền thống gia đình. Tôi cảm thấy điều đó thật đáng cảm phục.

PV: Giờ đây ông đã là một công dân Việt Nam. Theo ông, người Việt Nam ở nước ngoài cần làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc?

Ông Hồ Cương Quyết: Điều đặc biệt quan trọng là chúng ta cần hâm nóng một phong trào đã giúp rất nhiều cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đó là người Việt Nam ở nước ngoài. Phong trào của Việt kiều là mối dây liên kết và gắn kết giữa nhân dân bản địa với nhân dân Việt Nam. Cần cung cấp thông tin cho họ, tạo điều kiện cho họ thông tin cho giới trẻ và người dân ở Pháp, Mỹ, Australia... để Việt Nam có thêm những “đồng minh”, không phải chỉ là những “đồng minh” ở cấp độ Bộ trưởng Ngoại giao mà là sự đoàn kết giữa các dân tộc với nhau. Chỉ điều đó mới giúp Việt Nam chống lại tham vọng bành trướng của các thế lực thù địch.

PV: Đã tham gia các cuộc tuần hành bảo vệ Việt Nam, viết sách, làm phim... Dự định tiếp theo của ông trong tương lai là gì?

Ông Hồ Cương Quyết: Tôi có một cuốn sách quan trọng đang hoàn thành. Bên cạnh đó, tôi có một kế hoạch ngắn hạn muốn làm: Đó là sử dụng bộ phim mà tôi vừa thực hiện để đi trình chiếu tại Pháp nhằm lập một quỹ đoàn kết để có thể trở lại Lý Sơn và Bình Châu. Quỹ này sẽ giúp những người vợ góa, những đứa trẻ mồ côi và những ngư dân mất tài sản có thể tiếp tục bám biển, tiếp tục tự hào là ngư dân Việt Nam ở các vùng biển miền Trung.

PV: Xin cảm ơn ông.

T.V. – Q.H.

Nguồn: vov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét