Pages

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Quan hệ Mỹ Ấn càng nồng ấm càng có lợi cho Việt Nam




Khu trục hạm INS Ranvir, loại CMD của Ấn Độ,
Wikipédia



Tú Anh

Các chiến tuyến đang chuyển dịch tại châu Á. Quân đội Tây phương chuẩn bị hành trang rời Afghanistan. Sự tin cậy của Mỹ vào Pakistan suy giảm. Islamabad tiến lại gần Teheran và Bắc Kinh. Trong trung hạn, New Delhi quan ngại diễn biến tình hình tại Afghanistan và Biển Đông, yết hầu của thương thuyền Ấn Độ.
Quan hệ Mỹ -Ấn từng bước được hâm nóng từ nhiệm kỳ đầu của cựu Tổng thống George Bush và nay hai bên đã trở thành đồng minh thân thiết. Thủ đô New Delhi là trạm dừng chân không thể thiếu của các phái đoàn nguyên thủ hay giới chức cao cấp Hoa Kỳ.

Chuyến viếng thăm của ngoại trưởng Hillary Clinton trong ba ngày kể từ chiều hôm qua 18/07/2011 diễn ra đúng vào lúc Ấn Độ và Pakistan mở lại hòa đàm và mặc dù vào thứ tư tuần xảy ra ba vụ khủng bố ở Mumbai làm chết 19 người .

Giới phân tích không rõ là Hoa Kỳ đã đặt trọng lượng như thế nào nhưng đã thành công không để cho cuộc đối thoại giữa hai láng giềng có mối bất hòa sâu đậm bị tan vỡ.

Trong tuần qua, Ấn Độ đã hoan nghênh quyết định của Hoa Kỳ, nhân danh « quân bình lực lượng trong khu vực », đã giảm viện trợ quân sự cho Pakistan. Tình hình địa lý chiến lược trong vùng Nam Á buộc Hoa Kỳ và Ấn phải cần nhau và hợp tác với nhau. Và điều này sắp được biểu hiện tại một điểm nóng khác là Biển Đông với hệ quả là mang lại lợi ích cho Việt Nam.

Nhận định này đã được nhà phân tích Nga Sergey Balmasov trình bày trên báo mạng Sự Thật, Pravda, khi ngoại trưởng Mỹ đặt chân đến thủ đô Ấn Độ.

Trong bài « Ấn Độ và Hoa Kỳ bảo vệ Việt Nam trước Trung Quốc », Việt Nam được mô tả là từ nay không còn cô đơn trong cuộc tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh.

Nếu một mình thì dù cho có trang bị thêm 6 chiếc tàu ngầm mua của Nga, và bắt tay trợ chiến cùng với Philippines, thì cơ may quân lực hai nước đương cự lại Trung Quốc rất thấp.

Nhưng « trong tương lai gần » hải quân Ấn Độ sẽ đưa nhiều khu trục hạm loại CMD trang bị tên lữa tự động tìm mục tiêu.

Điều quan trọng hơn nữa là vào cuối tháng 6 vừa qua, từ New Delhi có tin là hải quân Ấn sẽ « bố trí thường trực » tại vùng biển mà Bắc Kinh gọi là Nam Trung Hoa.

Theo thuật ngữ ngoại giao của chính phủ Ấn thì hải quân Ấn tham gia bảo vệ an ninh cho con đường hàng hải huyết mạch. Với chiến lược này, Ấn Độ chận trước những toan tính bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Từ khi Trung Quốc thất bại trong việc mặc cả giá nhiên liệu với Nga thì khả năng Bắc Kinh tìm cách thống trị vùng Biển Đông rất cao.

Không riêng gì Việt Nam, Philippines mà cả Indonesia và Malaysia đều lo sợ viễn cảnh Trung Quốc dùng Trường Sa làm bàn đạp tràn xuống phía nam. Qua sự kiện chiếm Hoàng Sa vào năm 1974 và một phần Trường Sa năm 1988 , ý đồ của Bắc Kinh đã lộ rõ.

Đối với Ấn thì còn một lý do thứ hai làm New Delhi phải tăng cường hiện diện tại Biển Đông : Gần đây, Islamabad đã cho phép Trung Quốc sử dụng một căn cứ hải quân của Pakistan trong Ấn Độ Dương. Về chiến lược, Ấn Độ bị nằm giữa hai gọng kềm nếu không bố trí ngõ ra.

Trong thế hỗ tương,Việt Nam cho phép chiến thuyền Ấn Độ vào bến cảng của mình, đổi lại Ấn Độ sẽ giúp Việt Nam nâng cao sức mạnh hải quân.

Tuy nhiên một liên minh chống Trung Quốc không thể xảy ra nếu không có sự sấp xếp sau hậu trường… của Hoa Kỳ.

Nhà báo Nga nhắc lại là từ tháng 12 năm 2007, nhiều viên chức có thẩm quyền của Mỹ trong đó có Giám đốc CIA thường xuyên đến Việt Nam.

Những động thái hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông đã buộc Hoa Kỳ phải tăng cường hiện diện trong khu vực. Nếu không, quyền lợi địa lý chiến lược của Washington sẽ bị thiệt hại nặng trước thế công của Bắc Kinh.

Nguồn RFI.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét