Pages

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Sao họ “chậm tiêu” đến vậy?

Có một số người cho rằng từ lý luận đến hành động, trong đường lối lãnh đạo đất nước, đảng Cộng Sản Việt Nam đã thay đổi nhiều trong vòng mấy thập niên vừa qua.

Ðiều này có thể đúng nếu chỉ nhìn vào lĩnh vực kinh tế. Tất cả những đường lối, chính sách kinh tế mà đảng Cộng Sản Việt Nam đang áp dụng hiện nay hoàn toàn quay ngược 180 độ so với miền Bắc trước năm 1975 hay thời bao cấp. Khi mà đảng vẫn còn mù quáng đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, bỏ qua thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa, theo mô hình của nhà nước Liên Xô cũ.

Trong đối ngoại, đảng cũng có những thay đổi. Cụ thể nhất là với Hoa Kỳ. Từ việc căm thù, lên án “đế quốc Mỹ xâm lược” bằng tất cả những từ ngữ nặng nề nhất, nay Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Mỹ trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.

Không chỉ thế, trước nguy cơ từ tham vọng lấn chiếm biển Ðông của Trung Quốc, nhà nước Việt Nam đã có những chỉ dấu cho thấy họ rất hoan nghênh nếu Hoa Kỳ trở lại khu vực này. Và đóng một vai trò quan trọng trong việc kềm chế Trung Quốc, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định trên biển Ðông.

Nhưng có rất nhiều lĩnh vực, sự thay đổi, hay nói thẳng ra, sự “trưởng thành” về mặt nhận thức từ đó dẫn đến quá trình cải cách trong hành động, đảng và nhà nước CSVN lại tỏ ra chậm chạp, mê muội đến mức khó hiểu.

Ðó là những quan niệm trong cách hành xử với chính nhân dân-lẽ ra phải là chỗ dựa lớn nhất, quan trọng nhất đối với bất cứ nhà nước nào.

Nhưng trong một quốc gia độc tài, vai trò của nhân dân thường chẳng có tí trọng lượng gì.

Với nhà nước Việt Nam cũng thế. Ðất nước này là của đảng nói chung và của những người lãnh đạo đảng và nhà nước nói riêng, họ muốn làm gì thì làm. Mọi ý muốn, nguyện vọng của người dân gửi đến chính quyền, chỉ như rơi vào khoảng không. Ðảng độc quyền cai trị đất nước, độc quyền yêu nước. Người dân muốn làm gì, kể cả đi biểu tình ôn hòa bộc lộ lòng yêu nước, cũng phải được nhà nước cho phép.

Dân là con cái, nhà nước là cha mẹ. Ðiều này đã được một đại diện của quan chức, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên Hiệp Châu Âu (EU), tuyên bố. Trong buổi họp báo tại câu lạc bộ Báo Chí Quốc Gia Hoa Kỳ hồi tháng 10 năm 2004, khi bị chất vấn về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, bà Ninh đã nói rằng: “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi”.

Hay bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà quản lý điện ảnh Việt Nam. Trong một cuộc phỏng vấn của phóng viên đài truyền hình ABC (Úc), cũng đã nêu bật một quan niệm chính thống về tương quan giữa nhân dân-đảng/nhà nước là: “Con cái không chê cha mẹ khó…”

Cái quan niệm ấy cho đến bây giờ vẫn vậy.

Sự chậm thay đổi ấy càng rõ trong việc nhìn nhận, đánh giá lại những sự kiện lịch sử.

Chỉ nêu một ví dụ nhỏ:

Những ngày này, khi Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng, thực sự đe dọa đến lợi ích và hòa bình của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, thì vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa càng nóng hơn bao giờ hết.

Và lẽ đương nhiên, với mọi người Việt Nam, nỗi đau mất Hoàng Sa, Trường Sa lại được xới lại.

Tại hội thảo về an ninh biển Ðông do Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (CSIS) tổ chức ở Washington, Hoa Kỳ vào ngày 20-21 tháng 6 vừa qua. Tiến Sĩ Trần Ðình Hoành đến từ Việt Nam đã nhắc đến cuộc hải chiến năm 1974 của hải quân Việt Nam Cộng Hòa để phản bác lời Giáo Sư Su Hao (Trung Quốc) là Việt Nam đã thừa nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc, nhưng lại đổi ý.

Gần đây, báo Ðại Ðoàn Kết có một loạt bài về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa, đặc biệt nhắc đến sự kiện Hoàng Sa, như “Trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974”, “Gặp nhân chứng trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974”, “Ký ức Hoàng Sa trong nhiều thế hệ người Việt Nam”…

Nhưng nếu người viết bài này không nhầm thì Tuổi Trẻ mới chính là tờ báo đầu tiên của nhà nước Việt Nam nhắc đến trận hải chiến không cân sức, với chi tiết 58 binh sĩ quân đội Sài Gòn đã ngã xuống. Qua bài viết “Không thể chấp nhận được!” của tác giả Bùi Thanh đăng trên báo Tuổi Trẻ Online ngày Thứ Năm, 06 tháng 12, 2007.

Trong bài “Ký ức Hoàng Sa trong nhiều thế hệ người Việt Nam” đăng trên báo Ðại Ðoàn Kết nói trên, tác giả viết:

“Trong khi thực hiện loạt bài này, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến động viên, khích lệ của độc giả, trong đó có những ý kiến rất tâm huyết, trăn trở về việc thực hiện sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc… Mới đây, ông Nguyễn Thiện, tác giả chương trình ‘Dân ta biết sử ta’, đã gửi tới báo Ðại Ðoàn Kết bức thư tâm huyết đề nghị ‘cần vinh danh những người con đất Việt đã hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974’”.

Về chuyện này, một số người đã từng đề nghị, như Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh trong bài phỏng vấn đăng trên báo Người Việt “Mỹ phải làm mạnh hơn nữa” (ngày 30 tháng 8, 2010). Hay tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ trong bản kiến nghị gửi đến nhà nước Việt Nam vào tháng 3, 2010 về việc xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, chẳng hạn.

Nhưng cho đến giờ phút này, nhà nước Việt Nam vẫn im lặng.

Nhắc lại để thấy rằng một chuyện nhỏ và chính đáng như vậy mà nhà nước Việt Nam vẫn chưa làm được. Nói gì đến hòa giải hòa hợp dân tộc, nói gì đến nhìn nhận, đánh giá lại bao nhiêu sự kiện đã xảy ra trong lịch sử.

Sau khi thống nhất đất nước vào ngày 30 tháng 4, 1975, đảng CSVN đã có quá nhiều chính sách sai lầm, trả thù, phân biệt đối xử đối với những người thua trận và với người miền Nam nói chung.

Ðã 37 năm trôi qua. Câu hỏi còn lại là vì sao nhà nước Việt Nam bây giờ có thể bắt tay với cựu thù là Mỹ, hay cầu hòa và nhận làm “đồng chí, anh em” với Trung Quốc mặc dù ký ức về những cuộc chiến 1979, 1984, 1988 vẫn còn quá mới trong lòng người dân. Nhưng với chính người Việt Nam thì lại quá khó?

Song điều làm người Việt Nam ngạc nhiên không hiểu hơn hết là thái độ, đường lối chính sách ngoại giao của nhà nước Việt Nam đối với nhà cầm quyền Trung Quốc.

Những sự ngây thơ, cả tin đến lầm lẫn nếu có, của nhà nước Việt Nam đối với Trung Quốc trong thời kỳ đánh Mỹ là điều dù sao cũng có thể hiểu được. Kể cả việc họ cúi đầu quay lại cầu hòa với Trung Quốc sau khi Liên Xô sụp đổ. Cho dù sự quay lại đó đã trả bằng một giá quá đắt suốt bao nhiêu năm qua.

Nhưng cho đến giờ phút này khi chủ nghĩa bành trướng đại hán của Bắc Kinh đã quá rõ ràng, đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của đất nước. Khi sự thật về mối quan hệ giữa hai nước cũng như sự thâm độc trong đường lối chính sách của Bắc Kinh đối với Việt Nam bao nhiêu năm qua và trong tương lai cũng đã lộ rõ.

Thì họ vẫn tiếp tục trân trọng “16 chữ vàng” với Bắc Kinh.

Từ ông bộ trưởng quốc phòng, Ðại Tướng Phùng Quang Thanh cho đến ông thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn vẫn tiếp tục ca bài ca: “Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đoàn kết, hữu nghị, ‘đối tác hợp tác chiến lược toàn diện’ với Trung Quốc…”

Chưa kể, những người lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam từ xưa đến nay luôn luôn học theo, làm theo Trung Quốc, mà không bao giờ chịu nghĩ rằng phải thoát ra, thậm chí đi trước Trung Quốc trong một số lĩnh vực. Ví dụ như cải cách chính trị. Bởi Việt Nam là nước nhỏ, thật ra dễ cải cách chính trị hơn.

Còn nếu phải xảy ra một cuộc đối đầu với Trung Quốc trong thời điểm hiện tại hay tương lai, như nhiều nhà phân tích, bình luận chính trị trong và ngoài nước đã chỉ ra, không chỉ Việt Nam bị thua thiệt. Hơn nữa, chính Trung Quốc với đường lối hung hăng, tham vọng bành trướng của họ, mới cô đơn trên quốc tế chứ không phải Việt Nam. Thứ hai, người Việt Nam, bất kể chính kiến thế nào, sống ở đâu, đều có lòng yêu nước và sẵn sàng đứng lên cứu nước. Vấn đề là Việt Nam không thể cứ luôn luôn bị động, bị lái theo trò chơi của Trung Quốc.

Trước kia những người cộng sản thắng Mỹ, một phần do họ không biết sợ. Bây giờ tâm lý sợ Trung Quốc quá nặng trong những người lãnh đạo. Sợ phần mình chưa đủ, họ còn truyền cái sợ cho người dân. Tự mình làm suy yếu sức mạnh của mình.

Người dân thì cứ tự hỏi không hiểu sao họ u mê lâu đến vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét