Pages

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

'Siêu xe' chiếm lĩnh đường phố

Ngày 06/07, hãng thông tấn Pháp AFP có bài của phóng viên Ian Timberlake nói về thị trường xe hơi cao cấp ở Việt Nam. BBCVietnamese.com xin giới thiệu cùng quý vị.

Cô gái trẻ tạo dáng trong trang phục bắt mắt trước chiếc sedan Audi A6 nhằm thu hút khách hàng trong một triển lãm xe hơi ở Hà Nội.

Những dòng xe sang trọng ngày càng hấp dẫn nhiều người Việt Nam, doanh số bán hàng loại này tăng trưởng kể cả khi mà cuộc sống hàng ngày của cả một thành phần đông đảo dân số đang phải vật lộn ứng phó với một trong tỷ lệ lạm phát thuộc mức cao nhất thế giới.

Chiếc Audi A6 trưng bày tại triển lãm Vietnam Auto Expo hồi cuối tháng trước có trị giá 142.000 đôla Mỹ, khoản tiền mà uớc tính phải mất tới 182 năm lao động của một công nhân phổ thông Việt Nam mới có thể kiếm được.

Mercedes-Benz, Lexus, Audi và các hãng xe cao cấp khác đang tràn ngập trên những đường phố Hà Nội chật hẹp, nơi hầu hết mọi người đi xe máy là phương tiện giao thông chủ yếu và phải chen nhau từng khoảng trống.

Thậm chí các hãng xe có tên tuổi sang trọng hơn như Bentley và Rolls-Royce cũng xuất hiện càng làm tăng thêm lo ngại về việc mất cân bằng phát triển trong xã hội.

Ngày càng nhiều thương hiệu

Giám đốc điều hành công ty Automotive Asia, nhà nhập khẩu Audi chính thức ở Việt Nam, ông Laurent Genet nói rằng “Doanh số bán hàng của chúng tôi đang tăng trưởng gấp đôi trong mỗi năm vừa qua và tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ tiếp tục đạt được như vậy.”

Trong khi đó, các hãng khác như Ford, Toyota, Mercedes – Benz đã tiến hành việc sản xuất và lắp ráp xe tại Việt Nam nhiều năm nay.

Ông Genet nói chỉ sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007, thị trường này mới chính thức mở cửa cho các nhà nhập khẩu, điều này có nghĩa nó ở trong giai đoạn trứng nước và sẽ tiếp tục thu hút thêm một số lượng các thương hiệu khác.

Công ty Auto Motors Việt Nam, nhà nhập khẩu chính thức của Renault, có mặt tại thị trường trong nước hồi cuối năm với chiếc Koleos, có giá bán lẻ là 1.429 tỷ đồng Việt Nam (68.048 đôla).

“Doanh số bán hàng ngay từ ban đầu đã khá tốt”, ông Xavier Casin, giám đốc điều hành của hãng nói.

Năm nay, hãng Citroen của Pháp đã trở lại Việt Nam và Range Rover, tên tuổi có mặt ở Việt Nam được 3 năm, nói doanh số bán hàng năm 2011 tăng khoảng 50% bất chấp giá bán lẻ là 200.000 đôla/chiếc.

Tôi nghĩ nhu cầu chơi xe hạng sang tại Việt Nam lúc nào cũng tăng. Mặc dù thỉnh thoảng tình hình kinh tế không tốt lắm nhưng vẫn có rất nhiều người có tiền muốn đổi sang những chiếc xe đắt tiền hơn.

Doanh nhân Trần Minh Tuấn, 28 tuổi
Trần Nhật Tú, quản lý bộ phận bán hàng nói: “Land Rover có giá rất đắt. Thị trường biết rõ điều đó.”

Báo cáo doanh số bán hàng mỗi năm của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam đưa ra con số bán hàng của xe hơi và dòng xe kiểu SUV tăng 38% trong bốn tháng đầu năm 2011.

'Đắt mới sang'

Bất chấp việc nền kinh tế đang bị thâm hụt thương mại cao, sức mua của đồng tiền giảm và lạm phát gia tăng mỗi tháng kể từ tháng Tám năm ngoái, doanh số bán hàng xe hơi vẫn tăng.

Tháng Sáu năm nay, khi tỷ lệ lạm phát ở mức 21%, người dân với mức lương trung bình 1.365.000 đồng (khoảng 65 đôla) phải cắt giảm mức chi tiêu.

Trong nỗ lực nhằm bình ổn nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương muốn kiềm chế tăng trưởng tín dụng năm nay dưới 20% bằng biện pháp giới hạn khoản vay cho các “thành phần phi sản suất”, đặc biệt là thị trường bất động sản và chứng khoán.

Tuy nhiên sự giới hạn này không làm ảnh hưởng đến thị trường xe hơi hạng sang, theo ông Genet.

“Khách hàng mua những chiếc xe đắt tiền của chúng tôi là những người không thực sự cần đến tài chính ”.

"Đối với họ đây là thanh thế. Đó gần như là sự đầu tư.”

Trần Minh Tuấn, 28 tuổi, là một ví dụ.

Doanh nhân bất động sản trẻ tuổi này đến triển lãm xe hơi với ý định nâng cấp chiếc xe có thương hiệu ít tiếng tăm hơn một chút sang hiệu Audi.

Tuấn nói:“Chiếc xe bạn lái thể hiện đẳng cấp và tên tuổi của bạn”

“Tôi nghĩ nhu cầu chơi xe hạng sang tại Việt Nam lúc nào cũng tăng. Mặc dù thỉnh thoảng tình hình kinh tế không tốt lắm nhưng vẫn có rất nhiều người có tiền muốn đổi sang những chiếc xe đắt tiền hơn.”

Mở cửa thị trường

Năm 1986, Đảng cộng sản Việt Nam chuyển hướng từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang thị trường tự do và chính sách này đã đem lại tốc độ phát triển vào bậc nhanh nhất trong khu vực châu Á.





Doanh thu các hãng xe sang tiếp tục tăng






Ông John Hendra, hiện đã kết thúc nhiệm kỳ giám đốc đại diện tổ chức Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, nói mặc dù gần đây kinh tế tiếp tục có dấu hiệu bất ổn, nó cũng vẫn tăng trưởng và dẫn theo sự mua sắm hàng hiệu ở các thành phố như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

“Khoảng cách giữa giàu và nghèo đang ngày càng gia tăng,” ông Hendra phát biểu hồi tháng Năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ ở Việt Nam.

Nhiều khi "khoe hàng hiệu" là dấu hiệu của thành đạt, nhưng đa số người dân Việt Nam vẫn nghi ngờ sự sạch sẽ của những đồng tiền này.

Matthieu Salomon, cố vấn cao cấp của tổ chức Towards Transparency, chi nhánh khu vực cuả tổ chức chống tham nhũng toàn cầu Trasparency International cho biết rằng theo một nghiên cứu hồi tháng Tám của nhóm này, khoảng một phần tư giới trẻ thành thị ở Việt Nam hoài nghi họ có khả năng thành công nếu như tuân thủ luật lệ.

Mới đây, Hiệp hội các doanh nhân trẻ Hà Nội trên một diễn đàn do Ngân hàng Thế giới tài trợ tuyên bố rằng “siêu xe và nhà đắt tiền” của một số người khá giả phản ánh sự phung phí, quan liêu và tham nhũng ngân khố nhà nước.

Đối với đa số dân chúng Việt Nam thì xe hơi vẫn nằm ngoài tầm với và triển lãm xe hơi như ở trên chỉ là cơ hội cho các viên chức nhà nước như anh Nguyễn Tuấn Hùng, 37 tuổi, mơ mộng.

“Tôi đi xe gắn máy”- Hùng nói - “Tôi không có đủ tiền để mua xe hơi. Nhưng tất nhiên tôi mơ mua một cái.”

Nguồn BBC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét