Pages

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Sự leo thang về quân sự

André Menras Hồ Cương Quyết

Hoàng Hưng dịch

27-06-2011



(Ảnh : Hải quân Trung Quốc đang luyện tập. Ảnh của DR)




Bắc Kinh theo đuổi dự án thôn tính biển Đông Nam Á nhằm cướp đọat các nguồn lợi hải sản, xâm hại lợi ích của nhân dân Việt Nam.

Tháng 5 năm 2009 Trung Quốc lần đầu tiên trình bày trước cộng đồng quốc tế những yêu sách chủ quyền ở biển Đông Nam Á, qua một văn thư ngọai giao gửi tới Liên Hiệp Quốc. Nước này trưng ra khái niệm đường 9 đoạn “lưỡi bò” chiếm ngon lành 80% không gian biển và gần toàn bộ không gian hải đảo. Nó tuyên bố biển này là “biển lịch sử” của mình, nằm trong “không gian lãnh thổ cốt lõi” mà nó sẵn sàng vung kiếm lên để bảo vệ, giống như đối với Tây Tạng hay Tân Cương… Vậy là Bắc Kinh thông báo quyết định chiếm đoạt những nguồn lợi mênh mông về hải sản và sinh học của biển này, những mỏ dầu hỏa và khí đốt nằm sâu dưới nước, và tự cho mình tư thế tùy thích khóa chặt lối đi có tầm chiến lược cao, thậm chí sống còn đối với rất nhiều nước.


Mưu toan thôn tính này không phải mới có từ hôm qua, và những khái niệm và luận điệu lịch sử - pháp lý mù mờ chỉ là lớp áo che đậy vụ cường đạo rộng lớn đang tăng tốc trong vùng này của thế giới.

Một chút lịch sử

Quần đảo Paracels mà người Việt Nam gọi là Hoàng Sa, đã là đối tượng hai cuộc tấn công của Trung Quốc. Cuộc đầu tiên vào năm 1946 nhân dịp quân Nhật bị giải giáp và các lực lượng thực dân Pháp không có mặt. Cuộc thứ hai vào năm 1974, 74 người Việt đã bị giết khi các lực lượng Mỹ rút lui. Toàn bộ các đảo và bãi đá ngầm của Hoàng Sa hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng, quân sự hóa và dùng làm căn cứ mới để ngăn cấm ngành hàng hải, hàng không và đánh cá Việt Nam sử dụng không gian biển xung quanh.

Năm 1988, một cuộc tấn công bất ngờ cùng kiểu cách với những cuộc trước đã đánh sâu hơn xuống phía Nam, vào vài mỏm đá và bãi đá ngầm của quần đảo Spratleys, mà người Việt Nam gọi là Trường Sa. 64 thủy thủ của nước CHXHCN Việt Nam đã chết vì hỏa lực Trung Quốc.

Từ năm 2008, Trung Quốc tăng tốc leo thang quân sự. Những nạn nhân đầu tiên và chủ yếu là ngư dân miền Trung Việt Nam, cho đến nay đã là hơn một ngàn người. Bị đánh chìm vào ban đêm bởi những con tàu ma, bị bắt giữ hàng trăm người ngay trong địa bàn đánh cá của tổ tiên, bị giam cầm trên những hòn đảo của mình bị đánh cắp, bị đánh đập nhừ tử, chỉ được trả tự do với những món tiền chuộc khuynh gia bại sản, tàu thuyền ngư cụ và thành quả đánh bắt bị tịch thu, họ vẫn bám vùng biển bị cấm vì không có chọn lựa nào khác và vì họ có lòng tự hào của mình. Chỉ trong tháng 5 mới đây, 5 tàu kéo lưới rê của Việt Nam đã bị các tàu tuần tiễu Trung Quốc cướp bóc trong vùng lân cận Hoàng Sa. Cách đây một tháng tôi đã gặp những ngư dân bầm dập, những người anh hùng thường gặp của cuộc chiến thầm lặng này. Tôi đã quay phim họ để cho mọi người có thể nhìn thấy và nghe thấy (1). Tôi đã gặp rất nhiều góa phụ của những người bị mất tích, bị bắn chết, bị bão cuốn chìm vì kẻ chiếm đóng từ chối cho trú ẩn, bị mất tích một cách bí mật ở gần những hòn đảo bị chiếm ngay khi trời yên bể lặng. Tôi đã quay phim những chứng cứ của họ, sự tuyệt vọng đơn côi của họ. Phải thú nhận rằng: chủ nghĩa khủng bố Trung Hoa bắt đầu để lại dấu vết và biển dần dần vắng bóng tàu cá Việt Nam nhường chỗ cho hàng chục tàu cá Trung Hoa được tàu chiến hộ tống. Chúng đang tới cướp bóc vùng biển cách bờ Việt Nam có vài hải lý trong khi đơn phương cấm đánh cá từ tháng 6 đến tháng 8… để bảo vệ môi trường!

Sự đầu độc

Chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh chủ yếu dựa trên sức mạnh kinh tế của Trung Quốc hiện thời ở Hoa Kỳ, châu Âu và các nước Đông Nam Á (2), trên khả năng có từ đó để mua sự im lặng hay mua lời nói. Sức ép, những cuộc vận động hành lang của họ thật đáng kể, và dù không có sự tham nhũng thì sự đòi hỏi dai dẳng của họ cũng có thể dẫn dắt những cơ quan liêm chính và nghiêm túc đến chỗ phục vụ mục tiêu của họ. Thí dụ như, phải có sự phản đối của rất nhiều bạn đọc, National Geopraphic Society mới sửa lại một bản đồ Hoàng Sa mà cơ quan này đã in với tên Trung Hoa là Xisha [Tây Sa] kèm theo từ China [Trung Quốc]… Tháng 1 năm 2011, Bắc Kinh đã cung cấp cho Map World tấm bản đồ “lưỡi bò” của mình với mục đích phổ cập ra toàn thế giới… Google Earth, phương tiện nghiên cứu địa lý 3 chiều, đã trình bày cho chúng ta một vùng đất dày đặc chữ Tàu với những lời đe dọa và cả sỉ nhục nước Việt Nam bằng tiếng Anh.

Dư luận quốc tế là mục tiêu nhưng dư luận trong nước Trung Hoa thì sao! Một sự kiểm soát hoàn toàn về thông tin, một chiến dịch đe dọa, bôi nhọ, hằn thù được phối hợp kỹ lưỡng chống lại Việt Nam – hạt cát bự trong guồng máy của chủ nghĩa bành trướng.

Người ta chuẩn bị cho nhân dân Trung Quốc coi chiến tranh là có thể hình dung, không tránh khỏi, công chính, thậm chí có lợi… Người ta cho Việt Nam là vô ơn, quên béng rằng đúng ra hàng triệu người Việt Nam đã chết để xây nên bức trường thành chặn đứng chủ nghĩa đế quốc nước ngoài ở cửa ngõ phía Nam của đế quốc [Trung Hoa]…

Cuộc tấn công dường như sắp sửa

Tháng 3 năm nay, truyền thông tường thuật sự cố Bãi Cỏ Rong trong đó hai tàu tuần tiễu Trung Quốc đã đe dọa một tàu Philippin đang thực hiện nhũng cuộc thăm dò địa chấn trong vùng chủ quyền của Manilla, bên ngoài vùng tranh chấp của quần đảo Trường Sa.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã giơ nanh múa vuốt trong hải phận Malaysia và Indonesia…

Ngày 26 tháng 5 năm 2011, ba tàu chiến Trung Quốc đã gây hấn với tàu Bình Minh 2 của Công ty dầu khí quốc gia Việt Nam đang làm nhiệm vụ thăm dò địa chấn ở cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, cách đảo Hải Nam 350 hải lý. Họ đã phá hoại một cách hệ thống thiết bị và cắt đứt cáp thăm dò của nó. Theo Công ước quốc tế 1982 về quyền trên biển (UNCLOS), các con tàu Trung Quốc nói trên không ở trong vùng “tranh chấp” mà ở rất sâu trong vùng “đặc quyền kinh tế” của Việt Nam như được định nghĩa trong công ước (3).

Ngày 9 tháng 6 năm 2011, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gửi hai tàu chiến hộ tống một “tàu kéo lưới rê” công khai phá hoại thiết bị thăm dò của một tàu khác cũng của Công ty dầu khí Việt Nam nói trên, tàu Viking 2, ở cách bờ biển Việt Nam khoảng 100 hải lý.

Bằng những hoạt động trắng trợn, casus belli [sự biện minh cho hành động chiến tranh] thô bạo, Bắc Kinh có thể lấy cớ phản ứng để khởi đầu cuộc tấn công mà nó đã chuẩn bị từ lâu.

Vũ điệu của đồng đôla và đồng nhân dân tệ trên nền sự đau khổ của Việt Nam

Từ ít lâu nay người ta nghe rõ hơn tiếng nói của Hoa Kỳ. Họ khẳng định mình vẫn là cường quốc hàng đầu ở Thái Bình Dương. Họ nêu lên Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trên biển như nền tảng duy nhất để dàn xếp đa phương những xung đột về chủ quyền. Quan điểm này đối lập với lập trường của Trung Quốc vốn chỉ chấp nhận những cuộc thảo luận hành lang và giữa bộ chỉ huy song phương. Nhưng đống thời, Hoa Thịnh Đốn lại tuyên bố mình trung lập. Điều này đồng nghĩa trên thực tế là cái lý của kẻ mạnh, tức Bắc Kinh, rộng đường tiến hành thực sự những cuộc thôn tính mới. Hoa Kỳ chỉ có một yêu cầu: hãy để cho chúng tôi một con đường lưu thông.
Đã từ lâu nước Việt Nam phải trả giá cho vũ điệu của đồng đôla và đồng nhân dân tệ này. Trong chiến tranh, vào năm 1974, Hạm đội 7 của Mỹ, đã đứng yên đấy, rất gần, trong tầm đại bác, khi những người Việt Nam “được bảo hộ” bị thảm sát ở Hoàng Sa. Nó đã không động đậy trước những tiếng kêu cứu.

Dân tộc Việt Nam, bị dồn đến chân tường, kiệt sức, đang sẵn sàng tự vệ một lần nữa. Hai tuần lễ trước, ở Sài Gòn, tôi đã tham gia cuộc biểu tình quần chúng lần đầu tiên chống những cuộc gây hấn mới đây của Trung Quốc. Tôi đã gặp tại đó những người bạn sinh viên cũ cùng bị tù với tôi dưới chế độ độc tài thân Mỹ vì đòi độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Cuộc biểu tình có nhiều bạn trẻ, có những gia đình, có các nhân sĩ. Tuần lễ vừa qua, một cuộc biểu tình mới đã diễn ra ở Hà Nội và Sài Gòn. Những người trẻ giương lên chân dung tướng Giáp, huyền thoại sống của cuộc kháng chiến chống xâm lăng. Chính quyền đã phải để cho cuộc biểu tình diễn ra bất chấp những sấm sét Trung Quốc đe dọa.

Mới vài ngày trước, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và ông Thủ tướng cả hai vị đã khẳng định: “Nhân dân Việt Nam, nước Việt Nam có đủ ý chí, nhiệt tâm và sức mạnh để đoàn kết, giữ gìn và bảo vệ không gian biển đảo của mình”.

Ngày 13 tháng 6, lần đầu tiên sau những năm dài kiên nhẫn im lặng và nuốt nhục kiềm chế, hải quân Việt Nam đã tiến hành tập trận bắn đạn thật ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam. Vấn đề sống còn.

A.M - H.C.Q.

công dân Pháp và Việt Nam.

(1) Phim tài liệu: Việt Nam Hoàng Sa vết thương bầm tím (tháng 6 năm 2011)

(2) Hiệp hội bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Lào, Việt Nam, Myanma, Campuchia.

(3)Trung Quốc tham gia cùng 160 quốc gia ký kết công ước này mà nó nhạo báng và nó cũng nhạo báng Tuyên bố Ứng xử (DOC) mà nó đã ký năm 2002 với các nước ASEAN, tuyên bố không sử dụng vũ lực trong việc giải quyết các xung đột về chủ quyền.

Nguồn BoXitVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét