Pages

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Tan tác đoàn tàu câu mực Hoàng Sa


Tại ngôi miếu có hình chiếc tàu mũi hướng ra biển thờ các hương linh bỏ mình trên biển cả, chiều nào thuyền trưởng Xin cũng ngồi thẫn thờ... Ảnh: Huỳnh Anh



SGTT.VN - Thuyền trưởng Đỗ Văn Xin – một trong những đầu lĩnh của đoàn câu mực Hoàng Sa ở Đà Nẵng, người chỉ huy cứu nạn trong bão Chanchu năm 2006, nhân vật “Người đương thời” của Truyền hình Việt Nam – cách đây hai năm đã phải bán tàu, giải nghệ. Đoàn câu mực Hoàng Sa – Đà Nẵng hơn 120 chiếc tàu đã tan tác…
Trùm câu mực giải nghệ

Thuyền trưởng Đỗ Văn Xin, biệt hiệu Xin “nhà quê”, gốc ngư dân Hội An, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Năm 12 tuổi anh được bà ngoại đưa ra Đà Nẵng theo ngư dân làng chài Thanh An – Thanh Thủy phụ việc trên tàu. Năm nay 50 tuổi, tính ra tuổi nghề của Đỗ Văn Xin gần 40 năm, trong đó, thời gian chinh chiến ở Hoàng Sa lên tới trên 20 năm, chủ yếu là nghề câu mực.

Được tín nhiệm giao chỉ huy một tổ đánh bắt gồm bốn tàu câu mực Hoàng Sa, năm 2006, đoàn tàu câu mực 29 chiếc này của Đà Nẵng gặp nạn trong bão Chanchu. Con tàu ĐNa 90152 của Thuyền trưởng Đỗ Văn Xin may mắn không bị chìm. Bão vừa ngớt, Đỗ Văn Xin ngay lập tức chỉ huy các tàu còn lại tìm kiếm những người sống sót và thi thể bạn nghề. Khi những nỗ lực cuối cùng đã tắt, các thúng câu mực trên tàu của anh đầy... xác người ướp bằng những hạt muối cuối cùng, anh cho tàu hướng mũi vào bờ để tàu cứu nạn SAR 412 ra đón.


Buổi trưa ngày 23.5.2006, ngày tàu SAR 412 vào tới đất liền, cũng chính là buổi trưa tang tóc nhất của đoàn câu mực Hoàng Sa – Đà Nẵng. Hàng ngàn thân nhân từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế… đội nắng khóc than trên đường Bạch Đằng cạnh cảng. Đoàn câu mực Hoàng Sa đi 29 chiếc về 11 chiếc, 33 người sống sót và 15 thi thể may mắn trở về đất liền. Hơn 250 người khác nằm lại ở Hoàng Sa!

Anh Xin nói: “Trận Chanchu cũng kinh nhưng quen rồi, chỉ hơn tháng sau là anh em tụi tui đi biển lại. Tui nói thiệt, đi ngang qua Cát Vàng lính Trung Quốc bắn chéo chéo cũng không sợ, gặp bão cũng lờn… Anh thử tưởng tượng đoàn câu mực của mình ra Biển Đông thì các tàu Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines… trong khu vực đó cũng phải nể. Họ toàn tàu hiện đại, mình chỉ có cái thúng chai bập bềnh mà cũng không thua…”. Nói tới đó, thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm biển khơi bỗng lặng thinh.

Hoàng Sa từ Đà Nẵng, theo kinh nghiệm của anh Xin, đi hai ngày hai đêm thì tới. Đi từ Lý Sơn ra càng gần hơn. Hoàng Sa có nhiều cá, mực, là chỗ thân thuộc bao đời này của ngư dân Đà Nẵng và Lý Sơn. Dân Đà Nẵng chuyên nghề câu mực, dân Lý Sơn chuyên lặn vú nàng [một loại hải sâm] từ lâu đã thành làng nghề. Lúc cao điểm nhất, đoàn câu mực Đà Nẵng ở Hoàng Sa có trên 120 chiếc tàu. Hàng năm, mùng 10 tháng giêng, bạn nghề từ Quảng Nam, Quảng Ngãi… hàng ngàn người tập trung về bến, chỗ đường ven biển Nguyễn Tất Thành bây giờ, chuẩn bị chuyến ra khơi đầu năm vui như hội. Vậy mà bây giờ, cả đoàn chỉ còn lại sáu chiếc tàu nhỏ. Thuyền trưởng lừng danh Đỗ Văn Xin, ngư dân câu mực Hoàng Sa dày dạn kinh nghiệm, cũng đã phải bán tàu giải nghệ.

Chết vì thương lái Trung Quốc

Giống như nhiều ngư dân khác trong đoàn câu mực Hoàng Sa, Thuyền trưởng Đỗ Văn Xin phải bán tàu, thất nghiệp ở nhà nuôi gà và buôn bán phụ vợ. Ảnh: Huỳnh Anh

Năm 2009, anh Đỗ Văn Xin, một trong những ngư dân cuối cùng còn cầm cự của đoàn câu mực Hoàng Sa, đành phải nuốt nước mắt bán đi chiếc ĐNa 90152 từng nuôi sống gia đình anh và nhiều gia đình bạn nghề khác ở Quảng Nam.

Thời hoàng kim của nghề câu mực xà (trước bão Chanchu), nhiều gia đình ngư dân ở Thanh Khê đua nhau vay mượn tiền đóng tàu. Tàu đóng mới, đi chừng sáu chuyến biển đã lấy lại vốn, bạn câu mỗi chuyến đi cũng kiếm được vài chục triệu đồng. Đó là thời điểm thương lái Trung Quốc đột ngột đẩy giá mực xà lên cao chất ngất. Thương lái trong nước mua sáu, thương lái Trung Quốc mua lại mười. Chỉ một mùa mực, toàn bộ các đầu nậu đều trở thành “con chạy” cho thương nhân Trung Quốc. Mỗi lần đoàn câu mực Hoàng Sa về, hàng trăm tấn mực xà ùn ùn đổ qua cửa khẩu Tân Thanh, xe tải chở mực nối đuôi hàng đàn trên quốc lộ. Thấy gia đình này trúng mực, gia đình kia cũng dốc sức đóng tàu, bao nhiêu tiềm lực của ngư dân Thanh Khê đổ hết vào đoàn tàu câu mực Hoàng Sa. Anh Xin kể: “Họ giỏi thiệt, cũng con mực xà của mình, họ thuê bãi tập kết ở cửa khẩu Tân Thanh, sau khi đem qua biên giới và đưa trở lại Việt Nam con mực trắng tinh, thơm phức, to hẳn ra với giá bán cao gấp nhiều lần giá mua mực thô của Việt Nam”.

Mực xà Hoàng Sa có đặc điểm phơi khô lên có màu hơi đen, vị hơi nhẫn, thị trường trong nước không chuộng vì chế biến không tốt. Ngư dân câu mực cũng hiếm khi ăn mực xà tươi tại tàu vì đặc điểm đó nhưng giai đoạn hoàng kim, nó từng là sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Đùng một cái, năm 2007, thương nhân Trung Quốc không chịu “ăn hàng” nữa. Mực xà rớt giá từ 100.000 đồng/kg xuống còn 18.000 đồng/kg. Dân câu mực ngã ngửa. Mực đánh về không đủ tiền dầu, tiền lương thực, nước đá. Năn nỉ ỉ ôi thương nhân Trung Quốc cũng không chịu mua. Đoàn câu mực Hoàng Sa nổi tiếng của ngư dân Đà Nẵng bắt đầu tan tác. Các chủ tàu bán đổ bán tháo trả nợ ngân hàng. Những người bạn nghề táo tác trở về quê Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… kiếm sống bằng nghề lưới ven bờ hoặc làm nghề khác.

Thuyền trưởng Đỗ Văn Xin nói, làm nghề quen rồi, không đi nhớ biển lắm nhưng giờ nếu bảo vay ngân hàng để đi thì thà giải nghệ còn hơn. Biết là biển của mình nhưng đành phải bỏ trống cho người khác khai thác. Bây giờ, chiều chiều trên con đường tuyệt đẹp Nguyễn Tất Thành, đi ngang qua ngôi miếu thờ các hương linh bỏ mình trên biển cả có hình chiếc tàu mũi hướng ra biển, nếu nhìn thấy vài ba người đàn ông ngồi chơi ở đấy thì chắc chắn đó là những ngư dân trong đoàn câu mực Hoàng Sa đã bỏ nghề trở thành thất nghiệp...

N.M.S.

Nguồn: sgtt.vn

Không có nhận xét nào: