Pages

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Trung Quốc: Ngoại giao lòng dân đổ vỡ phá hỏng giấc mơ thành rồng thế giới

Nhà văn Văn Cầm Hải




Văn Cầm Hải (giữa) ở Tây Tạng




Trung Quốc là một nước lớn về mặt dân số và cương vực lãnh thổ, nhưng tại sao, dù ngày càng giàu mạnh về kinh tế và quân sự, Trung Quốc vẫn không trở thành một con rồng tung hoành dọc ngang trong sự ngưỡng vọng của nhân loại như nước Mỹ hay Nga? Câu trả lời nằm ở một điểm yếu chí mạng: Trong khi các cường quốc đã yên dân để mở mang đất nước theo chiều sâu và chiều thẳng đứng của khoa học và trí tuệ, Trung Quốc vẫn còn phải bận tâm với việc mở mang đất nước theo chiều ngang, vật lộn với công cuộc mở đất, đồng hóa dân chúng ở các vùng “phên dậu” bất thành!

Những ai từng đến thăm Lhasa - thủ phủ Tây Tạng đều có tâm nguyện lễ Phật ở cung điện Potala. Đối mặt với thánh địa huyền bí với hơn 1000 bảo tháp chứa đựng thánh tích lama này là một công trình kiến trúc hiện đại phản ánh mối quan hệ đặc trưng đầy máu và nước mắt giữa chính quyền Trung Quốc và Tây Tạng: tượng đài hòa bình, nhưng dưới chân nó lại lấp loáng những chiếc lưỡi lê tuốt trần đầy khí sắc đe dọa từ các tay súng người Hán.

Từ Lhasa - thủ phủ của các Dalai Lama chống Trung Quốc, cho đến Tashilhungpo - nơi trú ngụ uy quyền của các Panchen Lama thân Bắc Kinh, tôi khó tìm được một nụ cười thân thiện giữa người Hán và người dân bản địa. Mở đầu chương trình ti vi vào ban mai là cảnh chào cờ, hát quốc ca Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với khuôn mặt rực rỡ của các cháu thiếu nhi Tây Tạng. Nhưng trên đường phố Lhasa, mỗi sáng sớm tôi chỉ nhìn thấy những gương mặt trẻ thơ gò má cháy nắng bán dạo trên phố hay lăn lóc bên cạnh những bà mẹ lấm bụi. Đêm về tôi đã gặp một cô gái Tạng, hậu duệ của vũ công cao quý Yeshe Tsogyel - một nữ bồ tát xứ Tạng, chưa đến 18 tuổi phải làm điếm trong một nhà thổ sau hàng ngàn năm chỉ biết tay cầm chuông chuyển kinh nguyện cầu cho tâm linh nhân loại được xiển dương.

Ảnh: Văn Cầm Hải

Chính sách ngoại giao lòng dân của Trung Quốc bị phá sản ở Tây Tạng vì chiến lược đồng hóa “diệt chủng văn hóa” (chữ dùng của Dalai Lama) bản địa với nhiều phương thức: hủy diệt nhân mạng, triệt phá tu viện tôn giáo, đưa chữ Hán vào nhà trường, xây dựng các công trình kiến trúc vô thần với các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Những cái gọi là “cải thiện dân sinh” không làm cho người Tạng khâm phục, ngược lại càng tăng thêm sự căm phẫn vì đời sống tâm linh của họ như bị cưỡng hiếp. Là một miền đất tâm linh, 800 năm qua Tây Tạng dành 75% ngân sách để dựng xây 60.000 tu viện, nhưng từ năm 1950, thời điểm Đặng Tiểu Bình - Bí thư thứ nhất cục Tây Nam của Mao tiến quân vào Tây Tạng, cho đến nay, như đại sư Sogyal Rinpoche công bố trong Tạng Thư Sống Và Chết: đã có hơn 1 triệu trong số 6 triệu người dân Tây Tạng bị tiêu diệt và đại đa số các tu viện trong số 6.500 tu viện bị tàn phá [1].Bước vào thế kỷ 21 cho dù Bắc Kinh và Lhasa đã nối liền một dải đường sắt, chính quyền Trung Quốc đã phải ra tay đàn áp các phong trào nổi dậy đòi độc lập của người Tạng. Hơn 203 người bị giết, 1.000 người bị thương, hơn 6.000 người bị bắt vào năm 2008 [2].

Trung Quốc là một đất nước mà một phần lịch sử được dựng lên bởi sự kiên trì theo đuổi công cuộc Hán hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác đối với các vùng đất họ lấn chiếm và thèm muốn. Tân Cương, vùng lòng chảo sa mạc Gobi-Taklamakhan mênh mông gió cát, thánh địa của dòng Hồi giáo Sunni chính thống Hanafi của tộc người Uyghur là một ví dụ điển hình. Quá trình chiếm đất lấn dân diễn ra từ năm 139 trước Công Nguyên khi Trương Khiên đời Hán Vũ Đế dấn thân ra chốn quan ải tìm đến con đường tơ lụa nối liền Âu – Á, cho đến năm 1884 triều Mãn Thanh biến lãnh thổ Đông Turkestan thành Xinjiang - Tân Cương cho đến ngày hôm nay dưới chế độ cộng sản. Từ chỗ chỉ có 4% là người Hán năm 1949, đến nay Tân Cương đã có hơn 40% là người Hán với hơn 8 triệu người. Người Uyghur bản địa bị người Hán áp đảo về mặt dân số, kinh tế, chính trị và văn hóa ngay trên chính mảnh đất tổ tiên của mình. Theo Baline Kaltman, 82% người dân Uyghur nhìn nhận quan hệ Hán - Uyghur rất tệ hại và có cái nhìn tiêu cực về chính sách tự do tôn giáo của chính quyền, vì những đạo luật không cho phép trẻ em đến nguyện cầu ở thánh đường hoặc tham gia các lễ hội tôn giáo cho đến năm 18 tuổi. 82% dân bản địa không muốn kết bạn với người Hán và 94% dân chúng Uyghur không biết đến những ngày lễ quốc gia Trung Quốc [3]! Nhờ có vị trí địa lý tựa lưng vào những người anh em Hồi giáo ở Afghanistan, Pakistan và các nước Trung Á bao quanh, phong trào ly khai của người Uyghur đã gia tăng những vụ xung đột sắc tộc và tôn giáo giữa người Hán và Uyghur. Nếu trong thập kỷ 90 của thế kỷ 20 chỉ có 200 vụ việc với 162 người bị chết, 440 bị thương thì chỉ riêng trong năm 2008, theo số liệu chính thức đã có 184 người bị chết từ những vụ đàn áp của chính quyền trong khi các phong trào ly khai công bố có đến 600 đến 800 nạn nhân Ughur bị giết hại [4]. Chính quyền Trung Quốc, theo nhận định của Ziad Haiker, rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan: tiếp tục đàn áp dân chúng Hồi giáo Uyghur hay xa lánh họ, hoặc là khuyến khích người Uyghur bảo vệ tín ngưỡng tôn giáo của họ, cho dù những điều này sẽ làm cho dân Uyghur tăng cảm giác li khai và ác cảm với xã hội người Hán [5]?

Cùng chia sẻ sa mạc Gobi với Tân Cương là Nội Mông - vùng đất của Thành Cát Tư Hãn - nay cũng nằm dưới sự cai trị của Trung Quốc. Những cuộc xung đột dẫn đến chết người giữa chính phủ và người dân du mục trong những tháng gần đây báo hiệu sự nỗi dậy công khai của lòng dân Nội Mông mong được trở về với đất mẹ Mông Cổ. Tôi đã biết về sự nhẫn nhịn của người sa mạc qua một người bạn Mông Cổ mời tôi ăn thịt nướng trong đêm mưa ở Lan Châu - thủ phủ tỉnh Cam Túc. Anh ta khuyên tôi rằng, nếu muốn giết sói, hãy cho nó chạy và hú đến lúc nào nó quỵ xuống vì sức lực mà chúng bỏ ra! Người Mông Cổ đang chờ đợi điều ấy diễn ra với người Trung Quốc. Trong thời đại internet liên thông này, ước mơ của người Mông Cổ không phải là một sự hảo huyền. Công cụ truyền bá thông tin này góp sức làm những vùng đất phên dậu phía Tây và Tây Nam, Tây Bắc trở thành những thùng thuốc súng sẵn sàng bùng nổ trên trên lưng Trung Quốc. Một phóng viên truyền hình người Hazark, quê ở Yili, tôi gặp ở Urumqi đã mong ước một ngày người Tạng Mật giáo, người Uyghur Hồi giáo Sunni và Mông Cổ liên kết với nhau đứng lên giành lại lãnh thổ của cha ông. Lần hiếm hoi trong đời tôi nhìn thấy một ước nguyện chính trị vượt lên sức mạnh của đức tin vì các tín đồ khác đạo cùng có chung một kẻ thù. Sự phản kháng này cho thấy sức mạnh của nền văn hóa bản địa và bản lĩnh sắc tộc tôn giáo đã làm cho công cuộc Hán hóa của Trung Quốc thất bại trong việc tìm kiếm sự chiến thắng lòng người trên mọi vùng đất nằm ngoài cõi Hoa Hạ dọc sông Hoàng Hà sau hàng ngàn năm gắng sức.

Trung Quốc từ xa xưa cho đến nay, dù trải qua bao nhiêu thời đại do người Hán, Nguyên hay Mãn Châu cầm đầu, phong kiến hay cách mạng, cộng sản hay không cộng sản, những kẻ cầm quyền đất nước này vẫn theo quán tính thực hiện những âm mưu đã trở thành cố hữu lịch sử của họ: tự cho mình là dân tộc trung tâm của thế giới, có quyền bành trướng lãnh thổ bất chấp các nền độc lập của các dân tộc khác. Năm 1911, trong cuộc gặp gỡ giữa Tôn Trung Sơn- lãnh tụ cách mạng Tân Hợi, và chính trị gia Ki Tsuyoshi Inukai ở Tokyo, Inukai đã hỏi Tôn có cái nhìn như thế nào về người Việt Nam. Tôn, người được xem là cha đẻ của Trung Quốc hiện đại với chủ thuyết tam dân độc lập, tự do và hạnh phúc cho muôn dân, đã không chút do dự trả lời với giọng điệu đầy miệt thị rằng người Việt Nam bẩm sinh là loài nô lệ. Dân Việt Nam bị cai trị bởi người Hán và bây giờ (1911) họ lại bị người Pháp cai trị, nên họ không thể có một tương lai tươi sáng! Inukai đáp lại: Tôi không đồng ý với nhận định của Ngài, vì dù người Việt Nam chưa được độc lập trong hiện tại nhưng họ chính là bộ tộc duy nhất trong các bộ tộc Bách Việt đã thành công trong việc chống lại sự Hán hóa. Do đó trước sau gì họ cũng giành độc lập! Tôn Trung Sơn đỏ lựng mặt xấu hổ và tức giận nhưng đành lặng câm. Tôn hiểu ông ta đã sập bẩy Inukai, bởi vị chính trị gia Nhật Bản thừa biết Tôn vốn xuất thân từ Quảng Đông, một dân tộc trong nhóm Bách Việt đã bị Hán hóa [6]! Mấy chục năm sau, Mao không ngần ngại nói ra tham vọng bành trướng ngay cả với người anh em Việt Nam cùng hệ tư tưởng cộng sản. Năm 1963, Mao trâng tráo nói với Lê Duẩn và Trường Chinh, hai cựu Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, rằng ông ta sẽ là Chủ tịch của 500 triệu dân đang thiếu đất và ông ta sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á [7]! Người Trung quốc đâu có thiếu đất làm ăn, gần 50 năm trôi qua từ ngày Mao nói câu đó, tuy dân số đã vượt 1,3 tỷ người, nhưng từ Tây An nơi có lăng mộ Tần Thủy Hoàng, ra Gia Dụ Quan miền đất của Hung Nô ở Cam Túc, đến Kashgar giáp biên Pakistan của Tân Cương, tôi vẫn thấy những lục châu dân cư thưa thớt trên sa mạc rộng lớn giàu dầu lửa và các loại khoáng sản khác.

Để trở thành một cường quốc, điều kiện tiên quyết phải có là sự ổn định lòng dân nội địa, hai là có sự tâm phục của lòng dân ngoài nước. Trung Quốc, như mệnh trời đã an bài, không bao giờ có đủ hai nguồn lực thâm hậu đó. Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông trở thành những chuỗi nguy cơ của đổ vỡ và li khai, buộc Trung Quốc chỉ còn một cách là tiến ra biển khơi, mà biển Đông là mục tiêu trọng yếu. Ở đó họ không gặp phải liên quân Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn hay con gấu Nga chắn giữ, mà chỉ gặp một khối ASEAN có sức mạnh trên giấy nhiều hơn thực tiễn. Nhưng dù sao đây vẫn là một khối mà muốn phá vỡ nó trước hết phải bước qua một chướng ngại vật có tên gọi là Việt Nam.

Những sự kiện bắn giết, tịch thu tài sản những ngư dân Việt Nam vô tội, tự tuyên bố chủ quyền hơn 80% diện tích Biển Đông trong khi vẫn thuyết khách về một sách lược “trỗi dậy hòa bình, thân thiện và hợp tác” đã làm cho các quốc gia trên thế giới củng cố sự nghi ngờ, gia tăng nỗi lo sợ về đặc tính cố hữu bành trướng của người Hán. Qua hai sự kiện phá hoại tàu thăm dò dầu khí Bình Minh II và Vicking II của Việt Nam ngay trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam, cùng với chiến dịch truyền thông đe dọa, dối trá, và vu khống Việt Nam, Trung Quốc đã tự làm phá sản toàn bộ “16 chữ vàng”, “4 tốt” họ đã cố công dựng lên. Báo chí Trung Quốc cảnh báo Việt Nam cần phải học lại lịch sử! Trớ trêu thay, điều này càng làm cho lòng dân Việt Nam thêm tự hào về những chiến công hiển hách của cha ông mình trong suốt ngàn năm chống lại quân phương Bắc vốn đã trở thành di sản họ đã kế thừa thành công trong mọi cuộc chiến. Sau nhiều năm Việt Nam ẩn mình và Trung Quốc ủ mưu trong cơn hôn mê “16 chữ vàng” và “4 tốt”, cả hai bên đều lộ diện tâm can của mình. Chuyên gia về an ninh quốc phòng Hồ Trọng Ngũ đã vạch ra bản chất đích thực của một nhà nước Trung Quốc lợi dụng “tình đồng chí và giai cấp” để thực hiện âm mưu bành trướng với Việt Nam: Xin nhắc lại là một Trung Quốc có hai chế độ thì họ không có nhu cầu quan tâm đến chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Mục đích của họ là lợi dụng luận điểm rằng cả Việt Nam và Trung Quốc đều có Đảng cộng sản để dễ bề qua mắt người dân Việt Nam rằng ta là đồng chí của họ. Trong khi đó, họ lại gặm nhấm từng mẩu đất. Đây là luận điệu rất nguy hiểm mà nếu nhân dân không hiểu được hết để giải thích thì bạn bè quốc tế cũng có thể hiểu sai [8]. Chủ nghĩa dân tộc tự mãn và chủ nghĩa bành trướng bá quyền từ trong quá khứ đã hình thành nên một Trung Quốc có dân số và lãnh thổ rộng lớn nhưng trong hiện tại và tương lai của một thế giới đa chiều và tương thông, nó chính là những sợi xích kìm hãm Trung Quốc trở thành một siêu cường thực sự.

Trung Quốc, trong khi đang ra sức mài giũa một chuỗi ngọc trai từ vùng Hải Nam xuống Ấn Độ Dương làm bàn đạp tiến ra với thế giới mà chưa thành, lịch sử và những sự kiện đang diễn ra ở Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông và Biển Đông đã trở thành một “chuỗi ngọc trai nhức nhối” khác xiết chặt tham vọng của Trung Quốc. Hậu quả là Trung Quốc có nguy cơ trở lại nguyên hình một “vị vua không ngai”, bị suy vong bởi những mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống. Tình hình bất ổn từ nội địa, sự phản ứng chống đối từ các nước sẽ làm nên một cơn bão tố chính trị, ngoại giao và quân sự khó lường với Trung Quốc. Trung Quốc cần có một sự thay đổi tận gốc quan điểm lịch sử và thời đại về sức mạnh và sự tồn tại hài hòa của mình với thế giới. Nếu không thay đổi, dù có bỏ ra hàng tỷ đô la, dù có hào nhoáng kết nối với chính quyền bản địa bằng những thỏa thuận hay kiềm chế chính trị nhưng không thể nào mua được lòng dân, Trung Quốc sẽ quỵ ngã bởi chính sức mạnh hung hãn của mình, như hình ảnh con sói mà người Mông Cổ từng nói với tôi trong đêm mưa ở Lan Châu. Uớc muốn hóa thành con rồng tung hoành ngang dọc trên thế giới chỉ là một ảo tưởng không bao giờ có thật đối với người Trung Quốc.

Giấc mơ đó càng khó trở thành sự thật khi Trung Quốc có vị trí địa chính trị “bất lợi” do nằm gần Việt Nam. Một đất nước không lớn diện tích và dân số nhỏ nhưng lúc bị dồn vào chân tường, Việt Nam luôn xuất hiện những Lê Duẩn, dù trong hoàn cảnh phải nương tựa vào Trung Quốc, vẫn không vì thế mà nhụt chí và đã ngang nhiên cảnh cáo Mao rằng ông ta sẽ đánh và thắng Mao nếu Mao tiếp bước quân Nguyên, Minh và Thanh xâm lược Việt Nam [9].

Ngày 3 tháng 7 năm 2011
V.C.H.

Tài liệu tham khảo:

1. Sogyal Rinpoche, The Tibetan Book of Living and Dying (NewYork: HarperCollin Publishers, 2002).

2. Tú Anh, “Tây Tạng, Tân Cương : Chính sách đồng hóa của Trung Quốc là nguyên nhân gây bất mãn”. rfi.fr. Retrieved on June 5, 2011.

3. Baline Kaltman, Under the Heel of the Dragon: Islam, Racism, Crime, and the Uygur in China( Athens: Ohio University Press, 2007), p.67.

4. Tú Anh, “ Tây Tạng, Tân Cương”.

5. Ziad haider, “Sino-Pakistan Relations and Xinjiang’s Uighuirs: Politics, Trade, and Ílam along the Karakoram Highway”, Asian Survey, p. 545.

6. Doulas Pike, Viet Cong: The Organization and Techniques of the National Liberation Front of South Vietnam (Cambridge, Massachusetts, and London: The M.I.T. Press, 1966), p.2.

7. Cold War International History Project Bulletin, “Comade B on the Plot of the Reactionary Chinese Clique Against Vietnam”, trans. Christopher E. Goscha. http://www.wilsoncenter.org/topics/pubs/New_Ev_CWAsia.pdf . Retrived on 4 May, 2011.

8. Lê Nhung, “Hồ Trọng Ngũ: Bảo Vệ Chủ Quyền: Công Khai Để Thống Nhất Lòng Dân”. vietnamnet.vn.

9. Cold War International History Project Bulletin, “Comade B on the Plot of the Reactionary Chinese”.

Nguồn BoXitVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét