Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011
Về bài viết Cuộc Biểu tình 10/7/2011: ” Bài học của sự manh động thiếu tổ chức”
Kami
-
(Thay cho lời trần tình cùng blogger Nguyễn Ngọc – Sài gòn)
Không hiểu do cái gì, lý do thế nào, mà hầu như tháng nào cũng có những bài viết trên blog của tôi cũng gây sốc cho bạn đọc người Việt trên mạng internet. Họ (các độc giả) có nhiều ý kiến khác nhau, người ủng hộ , kẻ phản đối, cũng có người chỉ cười. Mấy anh bạn thường bảo tôi, ông có duyên với nghề này đấy, viết mà gây nên phản ứng cho độc giả như thế không phải là chuyện đơn giản. Nhưng nghĩ lại, bản thân tôi nghĩ sao viết ra như thế, vì nghĩ tâm mình trong sạch, chẳng có một động cơ chống phá cá nhân ai hay tổ chức nào, cái gì chưa đúng thì mình chê, đúng thì mình khen. Cũng xin khẳng định, chẳng có thế lực nào đứng đằng sau giật dây hay xúi bẩy cho tôi viết theo ý họ.
Mấy hôm vừa rồi cũng thế, sau khi bài Cuộc Biểu tình 10/7/2011: Bài học của sự manh động thiếu tổ chức của tôi posts trên Kami’s blog của trang rfavietnam và một số trang mạng tiếng Việt trong và ngoài nước đăng tải lại, đã tạo nên những phản ứng khác nhau. Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ sau khi bài lên mạng, đã có hàng chục comments góp ý và vẫn y nguyên, nghĩa là khen có, chê có và có không ít ý kiến phản đối gay gắt. Thú thực, tôi đã quá quen cái cảnh như vậy, nên sau khi posts bài xong một lúc, quyết định trở lại đời thường, tắt máy computer, ngồi coi TV và đi ngủ. Sáng hôm sau dậy sớm, mở máy tính lên mạng xem phản ứng của bạn đọc ra sao, thì điện thoại của anh em bạn bè gọi tới dồn dập, biết là họ sẽ hỏi chuyện gì, nên tôi quyết định không nghe điện thoại, mà dành thời gian đọc các comments của bạn đọc trước để biết tình hình thế nào để sau sẽ gọi lại cho họ cho có chuyện mà nói với bạn bè.
Có nhiều comment viết đại loại thế này, dùng chữ manh động ở tiêu đề bài viết không chính xác, dễ gây hiểu lầm vì nghe nó có vẻ lưu manh trộm cướp quá, xin dẫn ra một ví dụ trong rất nhiều các comments tương tự (trích) : “Bác là nhà văn mà sao chử nghĩa của bác nghèo nàn quá,tôi ngu dốt mà tôi còn thấy được sự sai lệch khi bác dùng chử, kg biết bác cố tình hay vô ý khi dùng chử này, thay vì manh động sao bác kg dùng chử nhen nhúm, chỉ có phường trộm cướp, giựt dọc, móc túi mới dùng chử manh động bác hiểu chứ hả bác?”. Đọc xong, mình nghĩ giận họ thì ít và thương mấy độc giả có cách nghĩ như vậy thì nhiều, vì theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học – Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa năm 2010, Hoàng Phê chủ biên (trang 786) thì “Manh động là động từ để chỉ hành động phiêu lưu, có phần liều lĩnh khi điều kiện chủ quan và khách quan chưa chín muồi, dễ dẫn đến thất bại”, chứ nó đâu có nghĩa là “hành – động” của kẻ “lưu – manh” như mấy bác tự suy diễn ra đâu?.
Bạn bè gọi đến sáng hôm ấy có năm bảy người, toàn các vị “trưởng lão” tên tuổi trong làng báo và giới bloggers, họ cũng khen, chê đủ cả và có cả lời chê trách. Có anh còn dẫn tin ra trách khi mình đã coi các cuộc Biểu tình chống Trung quốc vừa qua đó là các cơ hội tập dượt cho một thời điểm chín mùi có thể trong tương lai là không đúng. Có người thắc mắc cái “thời điểm chín mùi …” này là cái gì đây? Họ cho rằng, hay đã vô hình chung mình dựng chuyện rằng các cuộc biểu tình tự phát vừa qua là có sự lãnh đạo, tổ chức của giới trí thức, vân vân và vân vân. Cái này thì thú thật, xin nói thẳng là các cụ ấy sợ chính quyền làm khó dễ rồi giả vờ không biết, cả thiên hạ họ nói, họ biết chứ đâu phải một mình tôi bịa ra để nói. Nếu không tin thì các bạn đọc Thông cáo đăng trên trang blog TS. Nguyễn Xuân Diện (gốc còn lưu ở đây), hay trích đoạn trên trang web site của Đài ÁChâu Tự do – RFA (trích) :” Sau năm tuần lễ liên tiếp biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội, hôm thứ Bảy 9-7 trên một số trang blog như của Nguyễn Xuân Diện, có thông tin nói hôm nay 10 tháng 7 sẽ không có biểu tình, nghỉ một tuần. Lý do phía công an cam kết vào ngày 10 tháng 7 sẽ không mời nguời thanh niên đọc tuyên cáo hôm 3 tháng 7 trước Nhà Hát lớn đi làm việc vào ngày hôm nay. Thế nhưng một số người vẫn tập trung tại khu vực gần Đại sứ quán Trung Quốc và họ đã bị câu lưu như thông tin mà người chứng kiến vừa trình bày.“, hay trên trang Dân làm Báo (trích) “Đêm qua xong việc mới vào được mạng xem tình hình thế nào. Thấy bên trang Xuân Diện thông báo hoãn biểu tình ngày 10/7, lý do thì mình đọc mới biết là có vụ an ninh định “làm việc” với người đọc tuyên cáo.“Đây chỉ là 3 trong só các ví dụ làm rất nhiều người hiểu lầm như vậy, trong đó có tôi. Vì theo tôi nghĩ, người làm báo là như thế, thông tin đưa ra phải trung thực. Còn chuyện cho rằng các cuộc Biểu tình chống Trung quốc sẽ là cơ hội tập dượt cho một thời điểm chín mùi là suy nghĩ của riêng cá nhân tôi, chứ đâu có phải là của người ra thông báo hay ai khác, ai có quyền cấm tôi suy nghĩ như vậy?
4 người đẫn đầu này đã bị bắt, gồm chị Huyền Trang và cháu
Phạm Thái Dương – vợ và con của tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội,
anh Tô Văn Lâm và bà Dương Thị Xuân
Nhưng không thể không nhắc đến, đó là một comment của Blogger khá nổi tiếng trong nước, anh Nguyễn Ngọc vốn là bạn viết cũ của tôi, nội dung khá chân tình :
“Kính gởi bạn Kami và anh CXN
Cho phép tôi gọi Kami là bạn (không biết Kami còn nhớ tôi không? Nguyễn Ngọc Già – chính là Nguyễn Ngọc cách đây 2 năm có viết bài trò chuyện với Kami trên DL).
Lâu rồi, không trao đổi trực tiếp với Kami. Tôi cũng bận quá, dù cho theo dõi nhiều bài viết của Kami. Chỉ xin ít phút nói về bài này như sau:
- Kami dùng từ “manh động”, “thiếu tổ chức”, “nhiệt tình cộng ngu dốt bằng phá hoại” có vẻ như đánh giá người dân VN quá thấp và … (nói thật) hỗn hào quá đáng, Kami ạ!
- Bài viết này theo tôi là chủ quan lắm Kami!
- Có vài ý rất nguy hiểm cho những người ở VN, đặc biệt giới trí thức như anh Diện, anh Basam và nhiều anh, chị khác… vì Kami không có cơ sở, bằng chứng nào để nói thành phần trí thức “lãnh đạo” cuộc biểu tình. Sao Kami lại cho rằng anh Diện nói nghỉ 1 tuần biểu tình thì tất cả phải hiểu là nghỉ theo “lệnh” anh Diện? Đó là nguy hiểm nhất đấy! Ý kiến của anh Diện là chỉ của anh ấy thôi, ai nghe thì nghe, ai thấy muốn tiếp tục biểu tình thì cứ đi. Thêm nữa, Kami vô tình coi anh Diện là “lãnh đạo” cuộc biểu tình, hóa ra Kami đã vô tình đứng về phía an ninh để đặt anh Diện vào tầm ngắm như là “người lãnh đạo”. Kami Nghĩ kỹ mà xem, nguy hiểm nhất là cho anh Diện và một số anh chị khác. Cuộc biểu tình cho đến nay vẫn là tự phát từ tấm lòng yêu nước trong sáng của người dân mà KHÔNG BỊ DẪN DẮT BỞI BẤT KỲ CÁ NHÂN TRÍ THỨC NÀO CẢ.
Đừng vô tình phạm “tội ác hồn nhiên”, Kami nhé. Người bạn 2 năm trước rất trân trọng các bài viết của Kami.
Nguyễn Ngọc Già (tức Nguyễn Ngọc ngày xưa có viết bài “Kính gởi bác Kami và các trang báo lề trái”. Hy vọng Kami vẫn còn nhớ người bạn này.”
Từ ý kiến của anh Nguyễn Ngọc, tôi xin được có ý kiến như sau: Thứ nhất từ manh động thì tôi đã giải thích rõ nghĩa của từ ở trên, còn câu “nhiệt tình cộng ngu dốt bằng phá hoại” thì hoàn toàn tôi không hề viết như vậy, mà tôi viết ở phần kết bài viết là (trích) “Đúng là sự nhiệt tình cộng với sự thiếu suy nghĩ, tính toán bỗng chốc trở thành sự phá hoại!”, viết như vậy vì hậu quả nó có dấu hiệu sẽ diễn ra như thế.
Còn việc các cuộc Biểu tình có tổ chức hay không thì nó là vấn đề nhạy cảm, có thì cũng không ai dám nói, dám nhận vì sợ, nhiều người viết ra nhưng không nghĩ cho hết nhẽ, cho kín kẽ. Nhưng một điều không thể bác bỏ, đó là khi tôi đã căn cứ vào Thông báo cho rằng (trích) “Theo thông báo của một số nhân sĩ trí thức, đến 20h tối hôm qua, nếu không có cuộc làm việc nào của cơ quan nhà nước đối với em Nguyễn Văn Phương vào hôm nay Chủ nhật 10/7, thì sẽ ngưng biểu tình một ngày“, từ đó để tôi đánh giá rằng (trích) “Nhưng cái lớn nhất đạt được đó là, về phía chính quyền đã đương nhiên phải công nhận và đối thoại với một bên là các vị Nhân sĩ trí thức, một việc mang tính đối thoại hiếm có, giữa hai bên trong chế độ cộng sản, toàn trị ở Việt nam.” , chứ hoàn tòan không nêu tên cụ thể bất kỳ ai, bất kỳ người nào.
Phải nói thẳng, việc các nhân sĩ, trí thức phải là người lãnh đạo, vì thực tế cho thấy, ít ra chỉ có những người này mới có đủ uy tín, như vậy mới có thể làm cho chính quyền vị nể vì ngại va chạm, vì tâm của họ hoàn toàn trong sáng, việc Biểu tình chống Trung quốc để bảo tòa sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc thì đâu có tội. Có gì mà phải sợ? Còn nói về lẽ tự nhiên thì khi một đoàn vài trăm người biểu tình, đi cả chục km qua các phố xá mà không có ai đầu đàn dẫn dắt thì nói hơi buồn cười. Còn ngược lại, thực tế đã cho thấy nếu là khoảng hai chục thường dân, nhất là mấy vị bất đồng chính kiến như bà Dương Thị Xuân, ông Ngô Duy Quyền – chồng của luật sư Lê Thị Công Nhân, bà Huyền Trang vợ và con của tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội đứng ra Biểu tình kiểu đánh du kích ngày 10/7 vừa qua, lại còn cố gắng trêu tức, chính trị hóa việc biểu tình thì chính quyền họ dẹp là đương nhiên, một trong những lý do vì có lẽ tâm họ không trong sáng, họ đã không chỉ phản đối Trung quốc mà phản đối cả chính quyền , thể hiện ở cái khẩu hiệu mang tính chỉ trích bằng xốp, ghi chữ “HS- TS. – Vì sao – Dậy đi?”.
Có cả những biểu ngữ bằng xốp: “vì sao?”
Khách quan mà nói, những nhân vật kể trên chưa đủ uy tín và tầm cỡ để tổ chức tập hợp quần chúng tham gia các cuộc xúông đương được, như TS. Luật Cù Huy Hà Vũ đã từng nói ”Tôi có cái uy của tôi,chứ xe ôm mà đòi kiện thủ tướng được à”, những ai quan tâm tới chính trị phải hiểu được điều đơn giản, mang tính quy luật như như vậy. Sự thất bại của cuộc Biểu tình ngày 10/7/2011 vừa qua, cũng là một sự cố kỹ thuật đáng tiếc do thiếu sự thống nhất, dẫn tới lệch pha, người ở, người đi, vì lý do không thống nhất, đúng lúc, đúng thời điểm. Còn kết quả đối với những người bị bắt giữ cho thấy có gì là ghê gớm đâu, An ninh họ chỉ giữ một vài tiếng rồi cho về cả. Yêu nước, tập trung Biểu tình phản đối quân xâm lược để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia thì làm sao ai dám kết tội họ được. Cái quan trọng nhất là ở chỗ, đó là Giữ lửa không đều e khó nhóm lại , tuy nhiên tôi vẫ hy vọng ngày Chủ nhật tới đây, ngày 17/7/2011, ngọn lửa của lòng yêu nước, cuộc Biểu tình ôn hòa chống Trung quốc sẽ được nhen nhóm lại và bùng cháy.
Tôi có bậc đàn anh, vốn nguyên là TBT một tờ báo có tên tuổi ở trong nước, ngược lại thì lại khen bài viết của tôi, và tôi xin mượn lời anh nói với tôi để thay cho lời kết của bài viết. Khi anh có bảo tôi rằng “Bài của chú mày hay lắm, có tầm nhìn xa. Nếu có thời gian, chú mày phải viết để nói cho bọn họ (bạn đọc) hiểu rằng, muốn thành công thì bắt buộc phải có tổ chức. Không thể đơn độc và manh động được, lịch sử cận đại Việt nam cho thấy những bài học xương máu của sự tự phát trong Cao trào 1930- 1931, đã bị dìm trong biển máu. Cách mạng bây giờ không phải là lúc dùng cuốc thuổng, gậy gộc như ngày xưa nữa, cái thời “ai có gì dùng nấy” đã qua rồi. Đi biểu tình ôn hòa, thể hiện lòng yêu nước có tổ chức thì có gì mà phải sợ. Ngoài lòng yêu nước ra, mỗi người còn phải biết mình và xung quanh mình nữa. Sự thất bại của ngày 10-7 là do cách suy nghĩ của một số người mình chỉ thấy mình, mà không thấy những người xung quanh và nghĩ tới việc lớn”. Và anh còn nói thêm “Cũng cần phải đả phá tư tưởng nông dân của chúng nó đi, chỉ có bọn học ít mới dùng mồm để chửi cho bõ sướng thôi”.
Đấy là ý kiến của một đồng chí nguyên Tổng Biên tập một tờ báo của nhà nước nói, tôi trích ra để mọi người đọc, chứ còn đối với bạn đọc của tôi thì nguyên tắc của tôi luôn luôn coi họ là Thượng đế. Tha hồ chửi bới, nhưng nên nhớ cái gì tôi nói ra ít khi sai lắm, như Cách mạng Hoa Nhài chưa thể xảy ra ở Việt nam vào thời điểm này là một ví dụ. Mấy bác chửi tôi phá hoại phong trào khi ấy bây giờ nghĩ sao nhỉ?
Xuân đỉnh, ngày 12 tháng 7 năm 2011.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét