Pages

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

VIỆT NAM - ĐỂ THOÁT RA KHỎI TRUNG QUỐC VỀ CHÍNH TRỊ













BÙI CÔNG TỰ


Nối tiếp dòng suy nghĩ trong bài “Việt Nam cần nhanh chóng thoát ra khỏi Trung Quốc” (Nguyễn Xuân Diện Blog 9/7/2011) , hôm nay tôi thảo luận tiếp với bạn đọc, đi vào một vấn đề chi tiết hơn. Đó là “Bằng cách nào Việt Nam thoát ra khỏi Trung Quốc về chính trị ?”


Để cho bài bản, chúng ta hãy xâu chuỗi vấn đề qua các tiểu mục:

1-Tư tưởng cốt lõi của cha ông chúng ta:


Vừa qua trên internet chúng ta được nghe giọng nói ấm áp của chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của một nữ kí giả nước ngoài, cách đây 47 năm, năm 1964. Nhà báo đã đặt câu hỏi như sau:


- Hiện có một vài tư tưởng cho rằng miền Bắc Việt Nam đang ở trong hoàn cảnh khá cô lập và trên quan điểm chính trị, khó có thể tránh khỏi việc trở thành vệ tinh của Trung Quốc. Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này ra sao ?


Không cần suy nghĩ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã dứt khoát:


- JAMAIS ! (Tiếng Pháp – Không bao giờ !)


Thật là đanh thép ! Xin nhắc lại, Bác Hồ đã khẳng định: Không bao giờ Việt Nam chịu phụ thuộc vào Trung Quốc, trở thành vệ tinh của Trung Quốc! Đó chính là một tư tưởng quan trọng.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa tư tưởng ấy từ nơi Bà Trưng, Bà Triệu từ buổi “hồng quần nhẹ bước chinh yên”; đã lĩnh hội tư tưởng ấy từ Lý Thường Kiệt qua bài thơ Nam quốc sơn hà, từ Trần Hưng Đạo qua Hịch tướng sĩ văn, từ Ức Trai Nguyễn Trãi qua Bình Ngô Đại Cáo, từ Nguyễn Huệ Quang Trung qua lời hiệu triệu “Đánh cho để tóc dài, đánh cho để răng đen”. Tư tưởng ấy truyền đến chúng ta hôm nay vẫn còn nguyên sức nóng.


Không bao giờ phụ thuộc Trung Quốc! Đó là tư tưởng cốt lõi để bảo vệ chủ quyền đất nước của cha ông ta.


2-Bản chất của chính trị Trung Quốc thời phong kiến quân chủ:
Ngay từ trước công nguyên, người Hán cai trị đất nước đã có bài bản. Họ dựa trên hai trường phái tư tưởng là Nho gia và Pháp gia (riêng đời Tần chỉ dùng Pháp gia)


Nho gia đại diện là Khổng Tử, gọi tầng lớp cai trị là quân tử, tầng lớp bị trị là tiểu nhân. Nho đòi hỏi quân tử phải có đạo đức, liêm khiết, chính trực, nhất là đối với vua chúa. Nho gia có thể có tích cực là kìm chế được sự tham lam của kẻ cầm quyền, góp phần làm hòa dịu mâu thuẫn xã hội. Nhưng trên thực tế thì tầng lớp cầm quyền đã lợi dung Nho gia để lừa bịp dân chúng. Nó làm cho số đông nghĩ rằng người quân tử, quan lại vua chúa luôn luôn là người công tâm, liêm khiết. Đồng thời Nho gia lại ràng buộc dân chúng phải phục tùng, phải trung thành với giới cầm quyền một cách mù quáng, đặc biệt là với vua chúa.


Trên thực tế, từ rất sớm, bộ máy thống trị ở Trung Quốc đã biết trị quốc bằng Pháp gia. Pháp luật của họ rất hà khắc, như chúng ta đều đã biết. Pháp gia làm cho quyền lực của kẻ cầm quyền rất lớn. Vua chúa có thể cho ai sống được sống, bắt ai chết phải chết.


Vì vua chúa có quyền hành cực lớn nên sự tham lam cũng vô độ, sự tàn ác cũng không có giới hạn. Tư tưởng bành trước đại Hán đã phát sinh và phát triển từ lòng tham của bọn vua chúa.


Vua hám danh, muốn tỏ ra ta đây đầy quyền lực, muốn các quốc gia lân bang phải thần phục, thế là đem quân đi đánh. Các quan văn thì bày mưu kế, quan võ thì ra trận. Tất cả đều muốn lập công để thăng quan tiến chức, được nhiều bổng lộc. Quân lính và dân chúng ngu ngốc thì cũng hồ hởi reo mừng khi vua chúa thắng trận, chiếm được đất đai. Cứ thế tư tưởng bành trướng đại Hán truyền từ đời này sang đời khác trong dòng máu của họ.


Tôi đã đọc nhiều “lời dạy” của Khổng Tử thời trẻ nông nổi nên cũng tin lắm, coi Khổng Tử như thánh. Sau này thì biết là ông ta không tưởng. Nhưng chính Nho gia làm cho bọn thống trị Trung Quốc trở nên ma lanh, luôn biết đeo cái mặt nạ nhân nghĩa. Mỗi lần cất quân đi xâm lược nước nào chúng đều nhân danh thiên mệnh đi cứu giúp. Ví dụ quân Minh sang xâm chiếm nước ta dưới danh nghĩa diệt Hồ, quân Thanh vào Thăng Long với danh nghĩa phù Lê. Cái bản chất đạo đức giả của chính trị Trung Quốc có từ lâu đời là thế. Nhà cầm quyền Bắc Kinh hiện nay đã kế tục rất xuất sắc “truyền thống” giả dối này.

3-Bản chất của nhà nước CHND Trung Hoa:


ĐCS Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông đã giành được chính quyền, lập nên nước CHND Trung Hoa ngày 1/10/1949. Lịch sử nước này từ đó đến nay hơn 60 năm như thế nào người Việt Nam chúng ta đều biết rõ.


Đó là những cuộc chiến tranh với Mỹ tại Triều Tiên (1950-1953), với Ấn Độ (1962), với Việt Nam (1974, 1979,1988) và những cuộc xung đột với các quốc gia láng giềng khác ở biên giới.


Đó là cuộc cải cách điền địa làm cho hàng chục triệu người bị lăng nhục và hành hình dã man. Đó là những công xã nhân dân tổ chức theo kiểu quân sự hóa. Đó là chiến dịch “đại nhẩy vọt” mà hậu quả ước khoảng 20-30 triệu người bị chết đói (1959-1960). Đó là những cuộc phê phán, đấu tố tầng lớp trí thức, hạ bệ các nhà chính trị, đến chủ tịch nước là Lưu Thiếu Kỳ cũng bị chết thảm trong nhà tù. Đó là cuộc cách mạng văn hóa kéo dài 10 năm (1966-1976) làm cho cả xã hội lộn xộn, bất ổn. Các trường đại học phải đóng cửa, hàng triệu trí thức bị đày ải lao động cưỡng bức tại những vùng xa xôi hẻo lánh. Cuốn tiểu thuyết “Một nửa đàn ông là đàn bà” kể lại câu chuyện một trí thức trẻ sau mấy năm bị đưa đi cải tạo lao động, đến khi được “bí thư, đội trưởng” cho phép lấy vợ thì bản lĩnh đàn ông của anh ta đã không còn nữa.


Những sự việc trên có thể bạn đọc đều đã biết, nhưng tôi vẫn nhắc lại vì nó nói lên bản chất chính trị của ĐCS Trung Quốc và nhà cầm quyền Trung Quốc.


Từ năm 1976 đến nay là giai đoạn Trung Quốc mở cửa nền kinh tế. Họ đã thành công. Nhưng xã hội Trung Quốc vẫn là xã hội phi dân chủ, người dân vẫn chưa được hưởng những quyền con người cơ bản.


Máu hàng trăm thanh niên sinh viên đã chảy đỏ quảng trường Thiên An Môn năm 1989 dưới sức mạnh xích sắt của thiết xa. Lực lượng an ninh Trung Quốc được đánh giá có trình độ dẹp loạn giỏi nhất thế giới. Thế mà theo báo cáo của viện Khoa học xã hội Bắc Kinh thì tại Trung Quốc năm 2006 có 60.000 cuộc biểu tình, năm 2007 có 80.000 cuộc, năm 2008 có 127.000 cuộc. Những con số trên cho thấy phản ứng của nhân dân Trung Quốc với nhà cầm quyền Bắc Kinh hiện nay dữ dội đến mức nào. Vì xã hội không có tự do báo chí và không có một nền tư pháp độc lập nên người dân phải “tụ tập” để đấu tranh đòi quyền lợi cho mình.


Tôi đã thử làm phép so sánh giữa Mao Trạch Đông với Hitle và thấy hai nhân vật này có những điểm cơ bản giống nhau như:


Cả hai đều theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đều tham vọng bành trướng lãnh thổ, đều độc tài, chuyên chế, thích sùng bái cá nhân; đều tuyên truyền dối trá, lừa bịp; đều bức hại dã man các cộng sự bị coi là đối thủ; đều có nhiều hành động kỳ quái. Và cuối cùng cả Mao Trạch Đông và Hitle đều bị coi là những tên sát nhân man rợ nhất trong lịch sử. Hitle đã giết hại khoảng 6 triệu người Do Thái và gây chiến tranh thế giới thứ II làm chết khoảng 35 triệu người (riêng Liên Xô chết 22 triệu người). Còn Mao Trạch Đông làm cho khoảng 30 triệu người Trung Quốc chết vì đói, vì tù đày hành hạ, không kể số chết vì nội chiến và chiến tranh Triều Tiên.


Sở dĩ tôi so sánh Mao Trạch Đông với Hitle là để bạn đọc thấy rõ bộ mặt thật của lãnh tụ ĐCS Trung Quốc. Từ đó nhận biết chân tướng của những người cầm quyền Bắc Kinh hiện nay, những người đang đề cao tư tưởng Mao Trạch Đông.


Các nhà nghiên cứu đều cho rằng Trung Quốc đang thực thi chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã khẳng định: “tư tưởng bá quyền đại Hán của Trung Quốc một ngàn năm nữa vẫn không thay đổi!”. Một tờ báo nước ngoài cảnh báo rằng Trung Quốc đang là kẻ đe dọa hòa bình thế giới nguy hiểm nhất kể từ sau Hitle.


4-Việt Nam – Để thoát ra khỏi Trung Quốc về chính trị:


Người ta đã quen dùng từ Maoit để chỉ hệ tư tưởng của ĐCS Trung Quốc, để phân biệt với Macxit hay Macxit-Leninit. ĐCS Việt Nam tất nhiên không phải là Maoit, cho nên không cùng hệ tư tưởng với ĐCS Trung Quốc. Tôi phải nói thế vì vẫn thấy đó đây có người lầm lẫn.


Tôi cũng muốn nói đôi điều về khái niệm ý thức hệ. Theo tôi thì CNXH hay CNCS chưa bao giờ tồn tại trong xã hội loài người. Nó mới chỉ nằm trong sách vở, trong mơ tưởng của con người.


Tại Việt Nam thì rõ ràng là chưa có CNXH vì chúng ta mới đang ở thời kỳ quá độ. Tại Trung Quốc thì như tôi đã viết ở trên, đó là một chế độ XH kỳ quái. Tại Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước đây hơn 20 năm thì cũng thế. Sự thật là chưa ở đâu có CNXH cả. Cũng chẳng có cái gọi là ý thức hệ nào chung giữa Việt Nam và Trung Quốc cả.


Bây giờ chúng ta trở về với câu hỏi đặt ra ở đầu bài: Bằng cách nào Việt Nam thoát ra khỏi Trung Quốc về chính trị ?


Trước hết những nhà lãnh đạo và toàn thể nhân dân Việt Nam phải nhận rõ sự nguy hiểm của Trung Quốc. Sự phát triển của họ đang đe dọa toàn thế giới, đặc biệt là đe dọa Việt Nam. Túi tiền càng lớn, tiềm lực càng mạnh thì họ càng thúc đẩy bành trướng. Trung Quốc càng bành trướng thì thế giới càng mất an ninh và rất có thể bất ngờ xảy ra chiến tranh, ở khu vực hoặc thế giới. Cho nên Việt Nam phải xác định việc ngăn chặn Trung Quốc bành trướng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu.


Về đường lối phát triển kinh tế của Trung Quốc, có rất nhiều tài liệu cho chúng ta thấy là không phù hợp với Việt Nam. Nếu chúng ta cứ chạy theo vết xe của họ thì rất có thể họ chưa lao xuống vực chúng ta đã đổ trước rồi.


Tương lai của dân tộc Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải tìm ra một con đường riêng, một mô hình khác để phát triển đất nước.


Nhà cầm quyền Bắc Kinh thường vin vào lý do cùng ý thức hệ để dụ dỗ, lợi dụng, lừa phỉnh chúng ta. Họ không ngại đem sức mạnh ra đe nẹt, chèn ép kết hợp với đem túi tiền ra làm “mờ con mắt bên trái, đỏ con mắt bên phải” người Việt Nam. Vì thế chúng ta phải tỉnh táo, sáng suốt, cứng rắn, đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi cá nhân. Nghĩa là chúng ta phải thật sự có chính trị Việt Nam, tư tưởng Việt Nam vững vàng. Quyết không vay mượn chính trị Trung Quốc, tư tưởng Trung Quốc để rồi tự mình hủy hoại mình.


Tất nhiên cả thế giới hiểu rằng Việt Nam không bao giờ gây hấn với Trung Quốc về quân sự. Nhưng về chính trị khi cần chúng ta phải đấu tranh với họ. Phải phê phán tư tưởng bành trướng, nước lớn bắt nạt nước nhỏ của họ.Về chính trị, về ngoại giao chúng ta phải có cách nói mạnh mẽ, thẳng thắn. Trên phương diện quốc gia mà chính kiến mập mờ, lúng ba lúng búng thì thế giới cười cho.


Tại sao chúng ta cứ “tình hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết anh em” mà không biết rằng Trung Quốc đang phá hoại tình hữu nghị Trung – Việt. Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên tùy viên quân sự Việt Nam tại Trung Quốc đã nói:


“Người dân Trung Quốc thật ra rất tốt tính, hiếu khách, nhưng tôi cho là các tập đoàn chính trị của họ đang làm hỏng họ đi. Cái nguy hại là chính quyền bên ấy (Trung Quốc) đã làm hỏng cả một thế hệ thanh niên. Lâu nay họ giáo dục, làm cho thanh niên Trung Quốc hết lớp này tới lớp khác hiểu nhầm và ngộ nhận về lãnh thổ và chủ quyền. Cho nên khi họ hành động rất tàn bạo, đánh đập ngư dân Việt Nam, giết chiến sĩ Việt Nam, thì người dân Trung Quốc vẫn yên chí đó là lòng yêu nước, còn Việt Nam mới là xâm lược. Từ nay trong các cuộc đụng độ, ta sẽ thấy lính Trung Quốc tàn bạo và hung hãn hơn bao giờ hết, mà họ vẫn tin tưởng đấy là vì yêu nước”


Đại tá Quách Hải Lượng tuyên án: “Cho nên những người lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm rõ ràng. Làm cho dân tộc hiểu nhầm dân tộc là một tội ác đối với nhân loại”.


Chính trị của Trung Quốc dù là mấy ngàn năm cũng vẫn chỉ là thủ đoạn tiếp thủ đoạn và nó ngày càng thâm độc.


Chính trị của cha ông chúng ta mới là sáng ngời lẽ phải, đạo đức và sự khôn ngoan.


Riêng về vấn đề biển Đông, bằng ngoại giao và truyền thông, chúng ta phải vạch rõ cái phi lí của Trung Quốc, nêu cao cơ sở pháp lý của ta. Phải đưa câu chuyện lên Liên hợp quốc, thậm chí tòa án quốc tế. Kiên trì đấu tranh pháp lí dưới mọi hình thức. Đồng thời tăng cường quốc phòng, kiên quyết không để cho Trung Quốc chiếm thêm một hòn đảo nào nữa của ta hoặc cản trở ta hoạt động trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.


Mỗi chính đảng đều có tư tưởng và đường lối riêng của mình. Nhưng chính đảng mạnh nhất, sáng suốt nhất là chính đảng có tên là “Toàn Dân”. Nhà nước phải tin tưởng nhân dân, tập trung được tài năng và ý chí của nhân dân. Đồng thời nhà nước cũng phải làm như thế nào để nhân dân tin cậy, không nghi ngờ, không oán ghét. Chính trị cao thể hiện ở chỗ biết sợ dân chứ còn làm cho dân sợ thì dễ lắm, chỉ cần sắm nhiều dùi cui và xây nhiều nhà đá.


Chỉ cần thoát ra khỏi nhanh vuốt chính trị của Trung Quốc, thoát ra khỏi tư tưởng phản động của Trung Quốc thì mọi chuyện sẽ khác.


Nhưng tôi không hiểu các nhà lãnh đạo của đất nước hiện nay đang nghĩ gì?

TP Hồ Chí Minh, ngày 16/07/2011.

Nguyễn Xuân Diện Blog.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét