Pages

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Việt Nam sẽ 'nói rõ' về thỏa thuận với Trung Quốc

HÀ NỘI (TH) - Với nghi vấn lên cao về “nhận thức chung giữa Việt Nam và Trung Quốc” được hai cơ quan thông tấn hai nhà nước Việt Nam và Trung Quốc đưa tin khác nhau, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm Thứ Năm giải thích rất dài về “nhận thức chung” này.

Người dân ở Hà Nội biểu tình chống Trung Quốc suốt bốn Chủ Nhật của tháng 6 và Chủ Nhật đầu tháng 7, 2011 ở Hà Nội. (Hình: AP/Na Son Nguyen)

Báo Ðất Việt tường thuật cuộc họp báo của bà Nguyễn Phương Nga trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam về việc: “Vừa rồi trong chuyến thăm Trung Quốc của Thứ Trưởng Hồ Xuân Sơn cũng như trong thông cáo báo chí của phía Trung Quốc có nói tới nhận thức chung giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề Biển Ðông. Xin bà cho biết là: nhận thức chung này là gì?”

Bà Nga đã giải thích khá dài và nói rằng: “Nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước thì đã được ghi nhận trong các tuyên bố chung của Việt Nam-Trung Quốc nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước mà gần đây nhất là Tuyên bố chung tháng 10 năm 2008 nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc.

Theo đó, hai bên quyết tâm gìn giữ hòa bình, ổn định tại khu vực Biển Ðông; tuân thủ nghiêm nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và tinh thần, tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Ðông; duy trì cơ chế đàm phán trên biển, đàm phán về các vấn đề trên biển; căn cứ các nguyên tắc và chế độ pháp lý đã được xác định bởi luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 để tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà các bên có thể chấp nhận được; tích cực nghiên cứu và bàn bạc để hợp tác cùng phát triển để tìm ra mô hình và khu vực thích hợp.”

Bà Nga nói tiếp rằng: “Trong quá trình đó hai bên cùng nỗ lực gìn giữ tình hình ở Biển Ðông, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp. Hai bên đồng ý với nguyên tắc dễ trước-khó sau, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi trường, dự báo khí tượng thủy văn, thăm dò khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ trên biển, tàu hải quân đi thăm lẫn nhau, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin trực tiếp giữa quân đội hai nước.”

Lời giải thích của bà Nguyễn Phương Nga được báo Ðất Việt thuật lại trong ngoặc kép dài hơn bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 26 tháng 6 khi cơ quan này tường thuật bản “thông tin báo chí chung” sau cuộc họp trước đó một hôm, giữa hai ông Hồ Xuân Sơn, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam, và Ðới Bỉnh Quốc, ủy viên Quốc Vụ Viện (đại diện chính phủ Bắc Kinh). Nội dung cuộc họp, theo Thông Tấn Xã Việt Nam, là ông Sơn “chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình Biển Ðông thời gian gần đây.”

Bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam cẩn thận viết: “Hai bên khẳng định, cần tích cực thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị; áp dụng biện pháp có hiệu quả, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Ðông; tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước; đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết ‘Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc’; thúc đẩy việc thực hiện ‘Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) và các công việc tiếp theo, cố gắng sớm đạt tiến triển thực chất.’”

Nhưng, hai ngày sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi tường thuật trên Tân Hoa Xã, bản Anh ngữ, cuộc họp của Ðặc Sứ Hồ Xuân Sơn với ông Ðới Bỉnh Quốc có những lời “kêu gọi Việt Nam thực hiện sự đồng thuận song phương về vấn đề biển Hoa Nam (Việt Nam gọi là Biển Ðông) đã đạt được trong chuyến đến Trung Quốc của Ðặc Sứ Hồ Xuân Sơn hồi cuối tuần trước.”

Bản tin Tân Hoa Xã nói: “Hai bên chống lại sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và cam kết tích cực hướng dẫn dư luận quần chúng và cảnh giác đối với những lời bình luận hay hành động làm suy giảm tình hữu nghị và niềm tin giữa dân tộc hai nước.”

Ông Hồng Lỗi nói thêm rằng: “Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam thực hiện sự đồng thuận với chúng tôi và nỗ lực bảo vệ hòa bình, ổn định ở biển Hoa Nam.”

Bản tin này nhắc lại công hàm của Thủ Tướng VNDCCH Phạm Văn Ðồng năm 1958 gửi Thủ Tướng Trung Quốc Chu Ân Lai nhìn nhận “chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Hoa Nam” như ngụ ý có sự “đồng thuận” từ phía Việt Nam.

Nghi ngờ ông Hồ Xuân Sơn đã có thỏa thuận ngầm gì đó với Bắc Kinh, 18 nhà trí thức trong nước hôm 2 tháng 7 gửi Bộ Ngoại Giao Việt Nam đòi phải nói thật cho dân biết. Họ thấy bản tin của TTXVN và bản tin Tân Hoa Xã khác xa nhau về nội dung.

Ngoài lời giải thích của bà Nguyễn Phương Nga, tin tức từ trang mạng Bauxite Vietnam và bản tin “Ba Sàm” cho hay, viên chức Bộ Ngoại Giao Hà Nội đã gọi điện thoại cho Giáo Sư Chu Hảo, và Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, hai trong số những người ký kiến nghị, “mời các vị đến Bộ Ngoại Giao vào Thứ Sáu tuần này để gặp và trao đổi.” (TN)

Nguồn Người Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét