Pages

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Vụ Securency: Buộc tội sáu người

Một cựu viên chức rời tòa ở Melbourne hôm 1/07/2011 sau khi bị buộc tội

Australia buộc tội sáu quan chức và hai công ty hối lộ quan chức Việt Nam, Indonesia và Malaysia để đổi lấy các hợp đồng in tiền cho các ngân hàng tại các nước này.

Cảnh sát Australia nói họ sẽ truy tới các công ty địa phương ở Việt Nam, Indonesia và Malaysia sau khi đưa ra cáo buộc với hai công ty Securency International và Note Printing Australia.

Đây là hai chi nhánh của Ngân hàng Trung ương Australia nhưng cảnh sát Úc nói không có bằng chứng gì về chuyện các quan chức của ngân hàng này có liên quan.

Sáu quan chức của hai công ty Securency International và Note Printing Australia bị tố cáo đưa hối lộ ở ba nước Châu Á trong đó có Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1999 tới năm 2005.

Cuộc điều tra của cảnh sát Australia liên quan tới nghi án đưa hối lộ này kéo dài suốt hai năm và cảnh sát nói họ có thể đưa ra thêm các cáo buộc nữa.

Nếu bị kết tội, các công ty sẽ bị phạt tối đa khoảng 350.000 đôla Mỹ cho mỗi tội trong khi mỗi cá nhân có thể bị phạt tù tối đa 10 năm và bị nộp phạt hơn một triệu đôla Mỹ.

Chính quyền Malaysia trong khi đó đã buộc tội hai nhân vật có liên quan tới vụ việc và mỗi người có thể sẽ phải chịu án tù tới 20 năm nếu bị kết tội.

Cảnh sát ở Kuala Lumpur đã bắt cựu phó thống đốc ngân hàng nhà nước Mohamad Daud Dol Moin vì cáo buộc nhận hơn 30.000 đôla tiền hối lộ từ doanh gia Malaysia Abdul Kayum Syed Ahmad để giúp Note Printing Australia lấy được hợp đồng trị giá 30 triệu đôla Mỹ.

Thông điệp rõ ràng

Người đứng đầu lực lượng cảnh sát Australia, Chris McDevitt, được trích lời nói:

"Vụ này đưa ra một thông điệp rất rõ ràng cho các công ty ở Australia."

Ông McDevitt cũng nói chính phủ Australia hồi tháng Hai năm 2010 đã tăng tiền phạt cho các công ty liên quan tới đưa hối lộ ở nước ngoài lên tới tối đa là 12 triệu đôla Mỹ hoặc 33% tổng doanh số của công ty hoặc gấp ba lần số tiền đưa hối lộ.

Vụ này đưa ra một thông điệp rất rõ ràng cho các công ty ở Australia.

Chris McDevitt, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Australia
Theo ông McDevitt, sáu người bị buộc tội tại tòa ở bang Victoriay hôm 1 tháng Bảy là cựu quan chức của Securency và Note Printing Australia và họ từng giữ các chức giám đốc, giám đốc tài chính hay nhân viên marketing.

Đó là các ông Myles Curtis, 55 tuổi, John Leckenby, 66 tuổi, Mitchell John Anderson, 50 tuổi, Peter Sinclair Hutchinson, 61 tuổi, Barry Thosmas Brady, 62 tuổi và Rognvald Leslie Marchant, 64 tuổi.

Họ sẽ phải quay lại tòa vào tháng Chín trong khi hai công ty sẽ ra tòa vào ngày 27/7.

Tuy nhiên một số luật sư nói cảnh sát Australia sẽ rất vất vả mới có thể chứng minh được rõ ràng các cáo buộc của họ.

Theo giới luật sư, khác với luật của Anh và Hoa Kỳ, Australia đòi hỏi sức nặng bằng chứng lớn hơn nhiều để kết án các vụ đưa hối lộ ở nước ngoài.

Học phí

Tại Việt Nam, các quan chức Securency bị tố cáo đã dùng quỹ đen trả học phí cho con cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy.

Việc dàn xếp này là một trong nhiều ưu đãi tài chính béo bở mà công ty con của Ngân hàng Trung Ương Australia bị cáo buộc chuyển cho quan chức Việt Nam để đổi lấy một hợp đồng theo đó Việt Nam in tiền đồng trên chất liệu giấy polymer của Securency.

Vụ nghi hối lộ đã giúp Securency thắng các hợp đồng in tiền lớn tại Việt Nam từ năm 2002 đến năm 2009.

Các nguồn pháp lý từng xác nhận với báo chí Australia rằng Securency dùng nguồn tiền của họ trả tiền học ở Đại học Durham tại Anh cho một người con của ông Thúy, người giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ năm 1999 đến năm 2007.



Người bị cáo buộc có liên quan ở Việt Nam, ông Lương Ngọc Anh được khen ngợi là doanh nhân thành đạt



Một nhân vật khác của Việt Nam từng bị báo chí Australia tố cáo đích danh có dính dáng tới quỹ đen nhiều triệu đô la của Securency là ông Lương Ngọc Anh, Tổng Giám đốc công ty TNHH Phát triển Công nghệ CFTD.

Ông này được cho là có quan hệ thân cận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ hồi ông Dũng còn giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và quan hệ làm ăn với Securency bắt đầu.

Hãng tin Bloomberg nói cảnh sát Australia sẽ đưa ra cáo buộc về chuyện một quan chức Việt Nam nhận hối lộ dưới dạng học bổng đại học nhưng không nói ai đứng ra đưa hối lộ.

Bloomberg cũng trích lời ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chánh văn phòng của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống tham nhũng nói qua điện thoại rằng Việt Nam sẽ xem xét vụ việc "nghiêm túc và khách quan".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét