Pages

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

Biển Đông căng thẳng, tiềm lực hải quân Việt Nam trên đà được tăng cường



Tàu Gepard 3.09 đang được đóng (ảnh: Mike1979 Russia, nguồn vi.wikipedia.org)




Trọng Nghĩa

Ngày 25/07/2011 vừa qua, chiếc chiến hạm thứ hai loại Gepard mà Việt Nam đặt mua của Nga đã chính thức cập cảng Cam Ranh. Dù không được loan báo rầm rộ, nhưng sự kiện này cho thấy là Hà Nội tiếp tục củng cố lực lượng hải quân của mình.
Theo giới quan sát, Việt Nam muốn dự phòng mọi bất trắc có thể xẩy đến trong trường hợp tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại vùng Biển Đông biến thành xung đột võ trang.

Trong bản thông báo đề ngày 05/08, tập đoàn đóng tàu Nga Zelenodolsk Gorky đã xác nhận rằng “Ngày 25 tháng 7 năm 2011 con tàu thứ hai trong dự án "Gepard-3.9" đã đến căn cứ hải quân tại Vịnh Cam Ranh”. Bản thông cáo nói rõ là trước khi được bàn giao cho phía Việt Nam, chiếc tàu đã được cho chạy thử và các thử nghiệm đối với hệ thống vũ khí trên tàu cũng được hoàn tất.

Cũng theo nguồn tin trên, chiếc chiến hạm mới giao cho Việt Nam lần này đã được cải tiến hơn so với chiếc tàu cùng loại đã được bàn giao cách nay 5 tháng (ngày 5/3/2011), để trở thành loại “chiến hạm tiêu biểu” của năm 2011. Cả hai chiếc tàu này đều được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu từ trên không cho đến trên và dưới mặt biển, có khả năng tác chiến độc lập hoặc phối hợp.

Một nhà báo Philippines mới đây đã không ngần ngại cho rằng hai khu trục hạm Gepard thuộc loại hiện đại nhất trong khu vực Đông Nam Á hiện nay, chỉ thua 6 chiến hạm tàng hình đa chức năng lớp Formidable của Singapore.

Việc hải quân Việt Nam được trang bị thêm hai khu trục hạm Gepard nằm trong tiến trình hiện đại hóa quân đội khởi sự từ nhiều năm qua, ngay từ trước khi tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng do các hành động áp đặt chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, chính vì thái độ càng lúc càng lấn lướt trên biển của Trung Quốc mà lực lượng hải quân Việt Nam đã được ưu tiên nâng cấp.

Nổi bật nhất là quyết định đặt mua của Nga 6 chiếc tàu ngầm loại Kilo được cải tiến (sáu ống phóng ngư lôi, phạm vi hoạt động 6.000 dặm) vào năm 2009. Bên cạnh đó cũng có thể kể thêm quyết định đặt mua 20 chiến đấu oanh tạc cơ Sukhoi Su-30MK2 Flanker-C, với tầm hoạt động 5.000 dặm, trang bị tên lửa không đối hạm, có thể dùng cho hải quân.

Theo hãng thông tấn Nga RIA Novosti ngày 01/07 vừa qua, phải chờ đến năm 2014, thì Việt Nam mới nhận được chiếc tàu ngầm kilo đầu tiên, một thông tin giải thích lý do vì sao mà mới đây bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã cho rằng Việt Nam sẽ có được một « lữ đoàn gồm 6 tàu ngầm hiện đại » trong vòng « năm, sáu năm nữa ».

Cho dù vậy, theo phân tích của nhà báo Philippines Art Villasanta trên tờ Manila Standard Today trên mạng ngày 17/07, thì các hệ thống vũ khí mua của Nga đã góp phần giúp quân đội Việt Nam thêm tự tin trong khả năng đối phó với Trung Quốc nếu tình hình Biển Đông xấu đi.

Nhà báo Philippines nhắc lại là vào năm 1988, hải quân Việt Nam từng bị thất bại trước Trung Quốc tại vùng Trường Sa, khi ba hộ tống hạm trang bị tên lửa của Trung Quốc tấn công ba chiếc tàu vận chuyển quân sự của Việt Nam gần như là không có võ trang. Toàn bộ tàu Việt Nam đều bị đánh chìm, sáu chục người lính Việt Nam bị thiệt mạng (chính xác là 64 người), trong lúc Trung Quốc chỉ có sáu người chết, mà không bị mất một con tàu nào. Chính trận hải chiến đó đã cho phép Trung Quốc chiếm lấy nhiều hòn đảo do Việt Nam trấn giữ trước đó.

Hiện tại, nếu tính về tương quan lực lượng, thì Việt Nam kém xa Trung Quốc. Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có 26 khu trục hạm, 50 hộ tống hạm, 7 tiềm thủy đỉnh tấn công, ba tàu ngầm hạt nhân, 80 tàu tuần duyên trang bị tên lửa, hơn 200 thuyền tấn công nhanh.

Tuy nhiên, theo nhà báo Philippines, năng lực chống tàu ngầm của Trung Quốc chưa được chứng minh, trong lúc hơn 90% hàng chuyển vận theo đường hàng hải của Trung Quốc lại đi qua vùng Biển Đông. Trong tình hình đó, các hạm đội của Trung Quốc dễ trở thành con mồi cho các tàu ngầm Kilo của Việt Nam trong tương lai, vì loại tàu này nổi tiếng là khó phát hiện.

Trước mắt, trong bối cảnh quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh đang căng thẳng, sau hàng loạt hành động hung hăng của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam, việc tiếp nhận chiếc chiến hạm Gepard thứ hai (được đặt tên là Đinh Tiên Hoàng), đã được chính quyền Việt Nam hoàn toàn giữ kín, như là để tránh đổ thêm dầu vào lửa. Phải chờ đến ngày hôm kia, 05/08, thì sự kiện này mới được một vài tờ báo trong nước nhắc đến bằng cách trích dẫn các nguồn tin Nga.

Nguồn RFI.

Không có nhận xét nào: