Pages

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Bình luận kinh tế: Việt Nam Cuối Năm Về Đâu

Nguyễn Việt

Những hành vi bất ổn về chính sách của hệ thống chính trị cộng sản Việt Nam xuất phát từ nguyên do nào ? Có phải vì chỉ số IQ của nhóm lãnh đạo Bộ Chính trị Ba Đình quá thấp kém ? Trình độ quản lý quá dốt nát? Thực ra, cốt lõi vấn đề nằm ở chỗ: quan tâm hàng đầu của chế độ không phải là quyền lợi của quần chúng, tương lai đất nước mà chính là sự tồn vong và lợi ích của băng đảng cầm quyền Ba Đình !

Qua việc xác định tình hình kinh tế Việt Nam đang ở đâu, sẽ đi về đâu thì chúng ta thêm một cơ sở lượng định được tương lai của chế độ độc tài Ba Đình. Nếu chưa thể chủ động tạo ra một cơ hội thích ứng thì hãy trù tính trước mà đón một cơ hội hợp lý. Nỗ lực của những người đấu tranh tự do và dân chủ cho Việt Nam không bao giờ thành vô vọng.

1/ Con tắc kè bông
Mức độ phân hóa trong xã hội Việt Nam ngày càng dữ dội. Giới bình dân luôn bị đem ra làm vật tế thần cho các chính sách giật cục, chắp vá vô đạo của tập đoàn cầm quyền. Với não trạng phi nhân bản, tập đoàn cầm quyền Ba Đình luôn cư xử cách lưu manh với dân chúng, lợi ích nhân dân chưa bao giờ là mục tiêu tối thượng mà chính sách hướng đến. Tập đoàn Ba Đình nhân danh chủ nghĩa xã hội, quốc hữu hóa của cải xã hội để vơ vét tài nguyên quốc gia vào tay gia đình và băng đảng của mình. Khái niệm dân chủ một mặt sống dậy ở nhóm người này đồng thời cùng với chính sách ngu dân của chế độ trở nên mơ hồ với nhiều nhóm người khác. Chính quyền chuyên chế cố tình hạ thấp ý nghĩa văn minh của giá trị dân chủ từ nền tảng căn bản là một thứ – quyền – mặc – nhiên – phải – có của con người.

Chế độ cộng sản lại một lần nữa đưa ra thêm đĩ từ: “giá theo cơ chế thị trường”. Không thể có thị trường trong một cơ chế nhà nước toàn trị. Và đểu cáng hơn khi biến nhà nước thành một thực thể có quyền lợi khác với người tiêu dùng, việc này thể hiện qua chủ trương điều hành kinh tế theo hướng “đảm bảo hài hòa quyền lợi nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng” ! Thử hỏi nhà nước là cái gì nếu không phải là một cơ chế được thành lập đại diện cho nhân dân, mà cụ thể trong lĩnh vực kinh tế, nhân dân chính là người tiêu dùng.

Có vài nhầm lẫn khi cho rằngđiểm vướng mắc trong tư duy kinh tế của giới lãnh đạo cộng sản là vấn đề ý thức hệ. Thực ra ý thức hệ Marxist – Leninist chỉ là một lớp sơn hết hạn xử dụng được phết sơ sài lên khối dục vọng tối lưu manh của băng đảng Ba Đình mà thôi. Không thể đánh đồng khuynh hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) về đường lối kinh tế của một số nước Bắc Âu với thực trạng Việt Nam. Nếu trọng tâm khuynh hướng kinh tế Bắc Âu là công bằng xã hội thì ở Việt Nam là duy trì và bảo vệ đặc quyền băng nhóm. Những khái niệm kinh tế như “kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo”, “định hướng XHCN” chỉ là những đĩ từ được vận dụng một cách gượng gạo kiểu lý luận tư biện. Bản chất của phương thức vận hành theo định hướng XHCN là gì ? Định nghĩa ngắn gọn nhất: tức vận hành mọi chuyện theo một phương thức bất bình thường nhất. Chính sách và hệ thống văn bản pháp luật của chế độ không xuất phát từ những bằng chứng khoa học và thực tiễn. Thay vì đứng ra tạo điều kiện cho xã hội vận hành, chế độ thông qua bàn tay chính phủ luôn muốn kiểm soát chặt xã hội và điều khiển xã hội theo ý chí chủ quan của một băng đảng.

Hình thức cơ cấu chính trị Việt Nam hiện nay hoàn toàn không phải là một tập hợp về ý thức hệ mà là hình thành trên các quan hệ cá nhân. Các băng nhóm này tập hợp thành tập đoàn cầm quyền Ba Đình. Nếu chọn màu đỏ chỉ thiên tả, màu xanh chỉ thiên hữu, màu xám chỉ chủ trương thực dụng, màu đen chỉ bọn bán nước… thì màu của tập đoàn cầm quyền cộng sản Ba Đình sẽ không thuần túy màu đỏ mà là một tập hợp đa sắc của con tắc kè bông.

2/ Câu chuyện về các nắm đấm
Các biện pháp chống lạm phát lại tập trung mạnh vào chính sách tiền tệ, trong khi nguyên nhân lớn nhất gây ra lạm phát ở Việt Nam lại xuất phát từ chính sách tài khóa – tức vấn đề đầu tư công. Lãnh vực đầu tư công luôn được xem là một khu vực cấm, các số liệu liên quan luôn trong tình trạng không cụ thể. Thực chất tình trạng thiếu minh bạch về tài chính của các tập đoàn quốc doanh là nhằm che đậy mức độ thâm lạm công quỹ của các những kẻ cầm quyền. Nên nhớ nhân sự chủ chốt của các tập đoàn này là do Thủ tướng bổ nhiệm. Trong thể chế cộng sản, vai trò giữa nhà nước và xã hội bị cố ý làm lẫn lộn đi. Nhân danh nhà nước, giới cầm quyền đưa ra những quyết định cho toàn xã hội mà không đếm xỉa đến quyền lợi của xã hội, cụ thể là của các công dân trong xã hội đó. Không thể có kinh tế thị trường trong khi những thiết chế mạnh nhất cho cạnh tranh vẫn thuộc độc quyền.

Đến nay, vốn thực sự đầu tư cho 23 tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn là một con số mơ hồ. Thay vì phải giải trình về giá trị lợi nhuận làm ra, đa số các doanh nghiệp này cứ ông ổng bài ca: chúng tôi là các nắm đấm, bình ổn dẫn dắt thị trường, thực hiện nhiệm vụ chính trị Đảng và Chính phủ giao phó. Trong khi đó phải khẳng định rằng, nguyên nhân chính khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương suốt nhiều năm qua là do nguồn lực tài chính quốc gia đổ quá mức vào lĩnh vực đầu tư công. Mức chi tiêu của khu vực công (bao gồm chi tiêu thường xuyên và chi đầu tư) trong những năm vừa qua luôn ở mức 35-40% GDP và đầu tư của nhà nước vào đây bằng khoảng một nửa tổng đầu tư toàn xã hội (20% GDP). Đây là những bằng chứng cụ thể về mức độ tham nhũng của các quan chức cộng sản hiện nay.

Tại sao luôn tồn tại tình trạng bất bình đẳng giữa tư nhân và phi tư nhân về cơ hội kinh doanh, về tiếp cận vốn, đất đai… Sẽ là ngây thơ nếu cho rằng các quan chức cao cấp Ba Đình không nhận ra được vấn đề: các can thiệp hành chính và trực tiếp của chính phủ là phương thức điều hành tệ lậu nhất trên thế giới. Bởi nếu làm khác đi, tức nhà nước thực hiện việc tạo ra môi trường và động lực thúc đẩy xã hội phát triển – thì chính môi trường và động lực này sẽ triệt tiêu đi vật cản to lớn nhất trong xã hội: chế độ cộng sản độc tài ở Việt Nam hiện nay. Và 23 tập đoàn, tổng công ty nhà nước là sân sau/nắm đấm của các nhóm trong băng cầm quyền cộng sản Ba Đình.

3/ Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về lạm phát
Nếu xem sự quá đà trong đầu tư công là then chốt, các chỉ tiên nhận định kinh tế thuần túy là định tính (theo kiểu: mức lạm phát “dưới hai con số”) thì lạm phát ở Việt Nam về nguyên nhân là nặng yếu tố chủ quan, về hình thức diễn tiến là chủ động. Nói cách khác: thông qua hình thức gây ra lạm phát, băng đảng Ba Đình thực hiện một chính sách lớn nhằm tước đoạt tài sản toàn dân ! Chủ trương này trong tương lai càng được củng cố khi người ta thấy rằng một nhân vật từng khét tiếng với các tuyên bố: làm sao huy động được lượng vàng đang nằm trong dân chúng đưa vào vận hành trong nền kinh tế – mà chỉ bằng các mệnh lệnh hành chính (?!). Nói trắng ra là: làm sao ăn cướp vàng của nhân dân một cách hợp pháp.
Ngay cách tính chỉ số tiêu dùng theo tháng – không giống ai – cũng thể hiện thói bịp bợm của băng đảng này. Thay vì như thế giới dùng con số so với cùng kỳ năm trước, cách tính ở Việt Nam tạo cho người ta có “cảm giác” chỉ số tiêu dùng giảm dần, mất cảnh giác với thực tế lạm phát. Hành vi lạm quyền trắng trợn của tập đoàn cầm quyền đã dẫn đến tình trạng độc quyền vô tội vạ trong các hoạt động kinh tế. Hậu quả lại đổ lên đầu người tiêu dùng. Khoảng cách thu nhập và tiêu dùng giữa tầng lớp giàu và nghèo trong xã hội đang tăng rất nhanh. Năm 2006, khoảng cách tiêu dùng giữa hai nhóm này là 6 lần thì năm 2008 là 8,9 lần, và kết quả mới nhất công bố tháng 6/2011 là 9,2 lần. Dù thu nhập bình quân một nhân khẩu năm 2010 chỉ ở mức 1,3 triệu đồng/tháng nhưng mỗi hộ dân cư đang phải chi tới 3 triệu đồng cho một thành viên đi học (1). Về tài sản, khoảng cách giàu nghèo chênh lệch tới cả ngàn lần. Vài người giàu lên nhanh chóng diễn ra cùng lúc với cảnh hàng vạn người khác đi khiếu kiện vì mất nhà mất đất.
Tính đến cuối tháng 6/2011, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số lạm phát của Việt Nam là: 20,82% (2). Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 trên thế giới về lạm phát, chỉ sau Venezuela (23,60%) và trước Angola (14,63%). Lạm phát ở Việt Nam qua mặt khá xa Ai Cập (11,80%), Trung Quốc (6,40%). Với diễn tiến hiện tại, khả năng Việt Nam trở thành nước đứng đầu thế giới về lạm phát là rất cao. Bởi qua tháng 7/2011, theo Cập nhật kinh tế mới nhất của ADB, chỉ số lạm phát của Việt Nam là: 22,2% (3) – tức bắt đầu sấp sỉ mức lạm phát năm 2008 (khoảng 22%). Lạm phát không phải là một loại thiên tai hay ngoại họa; lạm phát là một hiện tượng kinh tế, là sản phẩm của hành vi con người, cụ thể ở Việt Nam là từ các quyết định điều hành kinh tế vĩ mô của chế độ độc tài. Lạm phát phi mã hôm nay là hậu quả của chủ trương bơm liên tục đầu tư và tăng chi tiêu nhà nước nhằm đẩy GDP trong ngắn hạn tăng lên của băng đảng cầm quyền Ba Đình.

Cần phải đề cập thêm rằng, hình thức lạm phát ở Việt Nam rất khác so với các nước: mức lạm phát luôn cao hơn tăng trưởng GDP. Tình trạng này kéo dài từ năm 2004, cá biệt năm 2008 gấp khoảng 3 lần, năm 2010 gấp gần 2 lần. Điều này chứng tỏ lạm phát ở Việt Nam hoàn toàn do nguyên nhân nội tại của nền kinh tế. Tương lai tiền đồng Việt Nam khá mập mờ, HSBC dự báo tỷ giá cuối năm sẽ vào khoảng 21.500 đồng so với mức 20.620 đồng niêm yết tại các ngân hàng hiện nay. Theo đánh giá lạc quan nhất, giá cả sẽ còn tăng đến tháng 9/2011, sau đó dịu lại đôi chút và tiếp tục tăng cao trở lại trong những tháng lễ tết cuối năm (4). Đây là thời điểm các khoản nợ bằng ngoại tệ đáo hạn. Kiểm soát lạm phát trở thành vấn đề then chốt trong tình kinh tế hiện nay, nếu sau khi chạm mức 22% mà không đi ngang thì cái giá nền kinh tế phải trả là rất cao, chắc chắn mức tăng trưởng kinh tế sẽ nằm dưới mốc 5%. Quan điểm lạm phát sẽ giảm vào cuối năm ở Việt Nam là một kỳ vọng thiếu cơ sở. Sức ép về tỷ giá sẽ căng thẳng vào tháng 9 hàng năm khi bắt đầu vào mùa găm vàng và ngoại tệ, nhu cầu cần ngoại tệ cũng tăng dần đến cuối năm vì thanh toán quốc tế và trả nợ ngoại tệ vào cuối năm. Tình trạng nhập siêu (do phải nhập một lượng lớn nhiên liệu) sẽ tiếp tục tăng mạnh đến giữa tháng 9 – thời điểm nhà máy lọc dầu Dung Quất bắt đầu hoạt động lại sau khi bảo trì. Thời điểm cuối năm 2011 sẽ là ác mộng của nền kinh tế Việt Nam, rủi ro tỷ giá sẽ xuất hiện. Đây là thời điểm dư nợ vay ngoại tệ tăng cao; kiều hối, đầu tư trực tiếp và gián tiếp đều giảm.

Để hiểu rõ hơn về đời sống của người dân Việt Nam thời lạm phát, có thể ví dụ như sau: một người sống bằng thu nhập cố định, nếu thu nhập của người đó từ đầu năm đến nay không tăng thì lạm phát đã cướp khống hơn 20% thu nhập thực tế của họ. Chính xác hơn, lạm phát ở Việt Nam là một sắc thuế định hướng XHCN đang đánh trực tiếp vào toàn dân Việt Nam.

4/ Sức khỏe các ngân hàng Việt Nam
Trong tháng 7/2011, Fitch công bố định mức tín nhiệm đối với các ngân hàng hàng đầu Việt Nam là: ACB, Sacombank, Vietinbank, Vietcombank ở mức D/E (ngưỡng tiệm cận rủi ro); riêng Agribank nhận điểm E (có rủi ro). Fitch tỏ ra quan ngại với thị trường ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là vấn đề minh bạch và thanh khoản. Theo đó, áp lực tụt hạng sâu hơn có thể gia tăng đối với các ngân hàng nói trên nếu tình trạng khó khăn hiện nay kéo dài. Cùng với những biểu hiện lạm phát và bong bóng tài sản tăng cao, thanh khoản đang là vấn đề cực kỳ cấp bách đối với các ngân hàng (5). So với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế cũ, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã bị đánh giá là chưa theo kịp, huống chi các chuẩn hiện hành (6). Khó khăn đã đến mức, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận không kiểm soát được lãi suất. Tình trạng hàng loạt ngân hàng sẽ bung vỡ nếu chỉ một ngân hàng mất khả năng thanh khoản. Tuy nhiên không thể trách các ngân hàng sao lại để rơi vào tình trạng èo uột về sức khỏe, bởi kẻ cầm chịch là NHNN có vẻ rất sở đắc trong việc thường xuyên xử dụng các mệnh lệnh hành chính khiến tính thị trường của nền kinh tế bị phá vỡ.
Bắt đầu từ năm 2008, chính sách quản lý của NHNN thuần túy là cào bằng, bỏ qua tính đặc thù của từng ngân hàng. Tệ hại hơn, NHNN còn lẫn lộn giữa các mục tiêu khi điều hành chính sách tiền tệ; chẳng hạn như giữa mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% của năm 2011 với ấn định mức trần lãi suất huy động (14%) – thấp hơn mức thị trường kỳ vọng. Cách điều hành của NHNN chủ yếu mang tính chữa cháy hơn là đảm bảo sự ổn định cho hệ thống ngân hàng, khiến nhiều ngân hàng và người gởi tiền lắm phen bị phỏng nặng. Do đó khủng hoảng kinh tế toàn diện sẽ xảy ra ở Việt Nam là một tất yếu, bởi hỏng hóc bắt nguồn từ thể chế chính trị độc đảng toàn trị, không giống đa số các nước trên thế giới là tam quyền phân lập. Tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát là hai công tác cực kỳ khác nhau, NHNN phải là một cơ quan độc lập mới thực hiện tốt được nhiệm vụ của mình. Chắc chắn rằng tình trạng lạm phát của Việt Nam sẽ không thể giải quyết được một khi NHNN với vai trò là Ngân hàng trung ương bị gắn vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Bấy giờ nhiệm vụ Ngân hàng trung ương trở nên quá tải. Ngân hàng trung ương muốn làm tốt được nhiêm vụ ổn định lạm phát và kiểm soát giá cả thì phải tách ra khỏi chính phủ, trở thành một đối trọng với chính phủ. Nhưng đây lại là chuyện không tưởng trong thể chế độc đảng toàn trị Việt Nam.
Tiện thể cũng nên biết rằng: “Hầu hết các doanh nghiệp có cơ cấu về vốn rất mong manh. Các doanh nghiệp tư nhân có vốn chủ sở hữu trên tổng vốn hoạt động ở mức 15-20%, trong khi đơn vị nhà nước, mức này chỉ là 10%”, và cấu trúc vốn của các doanh nghiệp rất bấp bênh, hơn 60% doanh nghiệp mất cân đối về vốn tức lấy quá nhiều vốn ngắn hạn đem đầu tư trung dài hạn, và đa số doanh nghiệp đều đầu tư ngoài ngành. Có hơn 90% doanh nghiệp đều có dính dáng ít hay nhiều đến bất động sản (7). Vậy sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp trụ được qua cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2011 ở Việt Nam ?
5/ Màn thổi lỗ tai mới nhất
Để thoát ra thế bí hiện nay, nền kinh tế Việt Nam phải cấu trúc lại. Vậy khả năng tái cấu trúc nền kinh tế mà thực chất là đổi mới kinh tế lần 2 ở Việt Nam sẽ xảy ra như thế nào, người ta thấy những ý tưởng này thể hiện qua bài viết của ông Nguyễn Tấn Dũng phát hành ngày 31/7/2011, sau khi tái đắc cử.
Thay vì phân tích tách bạch ra thế nào là “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và đâu là mô hình mẫu của thế chế cần phải hoàn thiện này, bài viết của ông Dũng lại sa đà dại khôn vào các ưu điểm của thể chế kinh tế thị trường (KTTT) – những điều vỡ lòng của lý thuyết KTTT. Càng nực cười hơn khi muốn nhấn mạnh sự cần thiết của “định hướng xã hội chủ nghĩa” đối với thị trường bằng cách cho rằng “thị trường có những mặt tiêu cực”, để từ đây thò lỏ ra vai trò của một anh “Nhà nước” rất chung chung. Tế nhị một chút, không hiểu người đứng đầu nhà nước (ông Trương Tấn Sang) mới được bầu sẽ tiêu hóa như thế nào về bài giáo huấn của vị đứng đầu chính phủ – Thủ tướng mới tái cử nhỉ. Tạm gọi là cây đinh của phần nhận định về kinh tế trong bài viết này là “triết lý tăng trưởng mới – Tăng trưởng dựa trên sức cạnh tranh”, và “Phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển” (8) nghe chừng rất chi là đột phá. Song niềm phấn khởi mới nhen nhúm kia sẽ tắt ngúm nếu thấy ra bản chất của vấn đề ở đây chính là ”bản chất xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế mà chúng ta xây dựng” (9). Vậy thế nào là “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và liệu thể chế này có “tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng” hay không ? Để có thể hiểu thực trạng nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay, người ta có một ví dụ rất điển hình: vì lo doanh nghiệp trong thị trường không biết xử dụng bao nhiêu lao động, dùng bao nhiêu nguyên liệu để làm ra một sản phẩm nên Bộ Công thương vẫn thường xuyên cung cấp các định mức kỹ thuật sản xuất sản phẩm.
Nếu nhận định tái cấu trúc nền kinh tế là thay đổi động lực tăng trưởng thì giải pháp tái cấu trúc luôn sẵn có, trọng tâm tái cấu trúc cũng có, những não trạng tư duy quyết định tái cấu trúc hiện vẫn là con số không to tướng. Điều này cho thấy rằng, khả năng tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam hiện nay là bất khả thi. Bởi mục đích tái cấu trúc kia không thay đổi: nhằm duy trì quyền lực băng đảng cộng sản Ba Đình. Thực chất của kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế là nhằm kéo dài ngày tàn của chế độ độc tài. Sẽ không thực tế nếu áp đặt các giá trị của lý thuyết KTTT lên cơ chế kinh tế Việt Nam hiện nay. Bởi những người nắm trọng trách điều hành nền kinh tế này hoàn toàn không có nhu cầu tự chứng minh năng lực với toàn dân. Động cơ chính yếu nhất của công tác điều hành kinh tế Việt Nam hiện nay là kiếm tiền; là làm sao thông qua các chính sách công quyền bòn rút tiền được nhiều hơn, nhanh hơn cho bản thân và những thành viên thuộc băng nhóm mình.
Thật khó mong được một cơ hội cạnh tranh bình đẳng kinh tế trong một chế độ mà người dân sẽ bị ăn “bánh giầy” (chớ không bánh dày, bánh chưng) nếu công khai bày tỏ chính kiến. Thấp thoáng đâu đó, người ta có thể thấy mục đích của đợt tái cấu trúc nền kinh tế lần 2 nay là nền kinh tế tư bản nhà nước – một mô hình Bắc Kinh đang áp dụng. Trong cấu trúc này, các doanh nghiệp tư nhân sẽ mãi là những người lùn nếu thiếu sự tiếp tay của một quan chức cỡ bự. Có lẽ chỉ có nền kinh tế tư bản nhà nước theo mô hình Bắc Kinh mới tạo được khớp nối giữa một nền kinh tế “có vẻ thị trường” với một thể chế chính trị lỗi thời, nhiều bất cập như ở Việt Nam hiện nay. Giới hạn trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến mảng kinh tế. Trong bài tham luận của ông Dũng còn nhiều chuyện cần bàn. Chẳng hạn ông Dũng định cải cách hành chính theo kiểu nào, một khi không một dòng đề cập đến vấn đề tách hệ thống hành chính ra khỏi hệ thống chính trị, v.v… Hay để ăn mừng lại được thành kẻ đầu têu, ông Dũng làm một màn thổi lỗ tai cho vui mà thôi.
Nhìn chung, phần bàn về kinh tế trong bài viết của ông Dũng là kết quả của một công nghệ cắt dán vụng về. Khi nêu nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 – 2016, ông Dũng đã né tránh ngay vấn đề then chốt: đổi mới tư duy. Muốn tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, nền tảng không phải đổi mới tư duy kinh tế mà phải là đổi mới tư duy chính trị. Nhưng nhân dân có thể trông cậy gì vào người từng phê duyệt dự án khai thác bauxit cho Trung Quốc, vào người từng làm cho quốc dân thiệt hại qua vụ Vinashin: 4,4 tỷ USD, tương đương 4,5% GDP cả nước. Ông Dũng làm sao hiểu được nỗi niềm người dân thời lạm phát: sáng ra đi chợ mua đồ người ta luôn có cảm giác như bị ăn cắp.
Kết luận
Biện pháp xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam không thể là các giải pháp theo kiểu chạy gạo từng bữa, đối phó nhất thời. Các giải pháp nửa vời, cải lương chỉ gây thành chuyện “trâu lành sửa thành trâu què”, ở đây trâu đã què bàn ra chuyện xẻ thịt trâu, chẳng đem lại lợi ích thiết thực gì. Với các diễn tiến trên, nền kinh tế Việt Nam ngày càng tiến gần nguy cơ đại khủng hoảng. Với cách chống lạm phát hiện nay, chính sách đang tỏ ra hết dư địa. Giai đoạn lạm phát đình đốn sẽ xuất hiện, có tới 30% doanh nghiệp phải đóng cửa hay tạm ngưng sản xuất. Tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô năm 2011 nghiêm trọng hơn năm 2008. Hệ quả này sẽ dẫn đến tương lai trong các năm 2012 – 2013, thị trường sẽ chứng kiến cảnh hàng loạt quỹ đầu tư buộc khóa sổ, lượng thoái vốn khoảng 30.000 tỉ đồng.
Biện pháp xử lý không phải nằm ở chỗ là thay đổi cơ chế đầu tư vốn nhà nước mà cần quyết liệt hơn: thay đổi một thể chế chính trị. Phải thấy rằng, vì lợi ích cục bộ, băng đảng Ba Đình sẵn sàng bức tử cả tương lai dân tộc Việt. Để vực dậy nền kinh tế Việt Nam cần có những giải pháp căn cơ và dứt khoát hơn. Biện pháp thực tế không phải là thay cột đổi kèo ngôi nhà rách nát ấy mà là đập giỡ toàn bộ nền móng quái thai cộng sản kia. Nền kinh tế Việt Nam như căn nhà mục nát, chuyện sụp đổ sẽ xảy ra chậm – nếu quanh năm mưa thuận gió hòa. Nhưng chắc chắn căn nhà tệ hại ấy sụp đổ nếu gặp một cơn bão lớn. Khủng hoảng kinh tế sẽ kéo theo rối loạn xã hội, đời sống quần chúng sẽ cực kỳ khó khăn, số lượng các cuộc đình công sẽ gia tăng nhanh chóng. Mọi thứ ập tới như một con sóng lừng… Đối với những người còn nặng lòng với quê hương, các đối sách cần thiết cho xã hội Việt Nam trong thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế sẽ được đặt ra trong một tương lai gần.
Bangkok, ngày 4/8/2011
Nguyễn Việt
——
Chú thích:
(1) http://tuoitre.vn/Kinh-te/444474/Lam-phat-2011-se-khoang-17-18.html
(2) http://www.tradingeconomics.com/
(3)Tại bảng 6a: Đánh giá dễ bị tổn thương.

http://aric.adb.org/pdf/aem/jul11/Jul_AEM_complete.pdf

(4) Theo ông Võ Hồng Phúc Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư ngày 26/6/2011

http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/06/bo-truong-ke-hoach-dau-tu-kinh-te-cuoi-nam-van-kho-khan/

(5)http://ebank.vnexpress.net/gl/ebank/thi-truong/2011/07/fitch-quan-ngai-ve-thanh-khoan-ngan-hang-viet-nam/
(6) Nhận xét của Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn.
Xem:http://tuoitre.vn/Kinh-te/448827/Loai-bo-cac-ngan-hang-khong-du-nang-luc.html
(7) Nhận định của ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank – nhà băng đang phục vụ 50.000 doanh nghiệp.
Bài Doanh nghiệp chết không phải do lãi suất cao, ngày 28/7/2011

http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/07/doanh-nghiep-chet-khong-phai-do-lai-suat-cao/

(8), (9) Bài viết của Nguyễn Tấn Dũng sau khi tái đắc cử, phát hành ngày 31/7/2011

http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Thu-tuong-neu-nhiem-vu-cua-Chinh-phu-nhiem-ky-moi/20117/93873.vgp

Tham khảo:
- Ngân hàng Phát triển châu Á

http://www.adb.org/default.asp

- Trading Economics
Để tiện đối chiếu, nơi đây có đăng số liệu của quốc gia công bố, theo IMF và Word Bank.

http://www.tradingeconomics.com/

Không có nhận xét nào: