Pages
▼
Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011
Cái lý của kẻ sĩ và kẻ ngụy
Than ôi! Cái đạo lý “giao hiếu với nước tàn bạo mà chiều họ tức là như mình muốn xúi giục cho họ càng tàn bạo thêm lên”, “Họ đã tàn bạo, tất họ không để mình yên” cổ nhân đã rút ra mà “triều đình ta” vẫn không biết. Phải chăng trí não “triều đình ta” bị thoái hóa thụt lùi một phát bắn xa đến thời Chiến Quốc hơn 400 năm trước Công Nguyên? Hay vì lý do quyền lợi riêng tư, cố sức giữ cho được cái “ghế” vinh thân phì gia mà nhắm mắt làm ngơ, tiếp tay cho ngoại bang như Binh bộ thị lang Tần Bành Niên? Tiếc thay, có quá ít người dám trực diện làm như Bao đại nhân mắng thẳng vào mặt rằng: “Đồ súc sinh gian thần bán nước hại dân”?
Thời Chiến Quốc, Tân Viên Diễn là tướng quân nước Ngụy, Lỗ Trọng Liên là người nước Tề. Lỗ tiên sinh tính khẳng khái, cao thượng, thích vì người bài phân, giải nạn, vua Tề phong tước ông không nhận.
Chư thư viết:
“Nước Tần đe đánh nước Ngụy.
Vua Ngụy sợ, sai Tân Viên Diễn sang nói với vua Triệu, ý muốn cùng tôn nước Tần lên làm đế để đỡ việc chiến tranh.
Lỗ Trọng Liên được tin ấy, đến bảo Diễn rằng:
- Nước Tần là nước bỏ hết cả lễ nghĩa, chỉ chăm dùng võ lực chinh chiến, như thế mà tôn làm đế, thì thực là không còn ra sao nữa. Tần sau này mà thắng thế, có làm được đế, thì Liên đây đành bước ra biển đông mà chết chứ không chịu làm dân nước Tần.
Diễn đứng dậy nói rằng:
- Tôi nay mới biết tiên sinh là bậc thiên hạ sĩ. Từ nay tôi không dám nói tôn nước Tần làm đế nữa”.
Quả thật, sau khi nước Tần diệt nước Ngụy, Lỗ Trọng Liên thoái ẩn giang hồ, ra tận biển Đông sống mai danh ẩn tích.
Ôn Như Tiên sinh bàn rằng: “Khi thấy một nước mạnh hơn nước mình mà mình cần giao hiếu, thì cũng là thường tình, vì như thế tức là vừa giữ cho mình còn lại, vừa được thêm vây cánh nữa. Nhưng mình phải biết khi giao hiếu với nước tàn bạo mà chiều họ tức là như mình muốn xúi giục cho họ càng tàn bạo thêm lên. Điều ấy rất không nên vì như thế chẳng những không lợi gì cho mình mà lại thường nguy cho mình nữa. Họ đã tàn bạo, tất họ không để mình yên, mà dù cho họ có để mình yên nữa, thì cái trò tàn bạo không bền được lâu, chẳng bao lâu họ đổ thì mình tất cũng phải đổ theo”.
Điều này cho thấy, đầu thế kỷ 20, các bậc thức giả Việt Nam đã ý thức được đạo lý mạnh yếu giữa các nước, cách hành xử như thế nào để bảo vệ thể diện quốc gia, bảo vệ lãnh thổ của nước nhỏ trước họa bành trướng của nước lớn. Chớ không phải “dân trí thấp” như “nhà nước ta” vẫn thao thao bất tuyệt nói luôn mồm, rồi tự cho mình cái quyền quyết định vận mệnh quốc gia thay cho cả dân tộc mà không cần hỏi ý kiến dân.
Tại hạ xem phim Bao Thanh Thiên do Đài Loan sản xuất hồi năm 1993, tức cách đây 18 năm, câu chuyện Tam Kích Cổ (3 hồi trống) có đoạn Tống Nhân Tông triệu Bao Chửng, Vương Luân (Thừa tướng), Tần Bành Niên (Binh Bộ Thị Lang, tương đương Bộ trưởng Quốc Phòng bi giờ) vào thương nghị việc quân Liêu đòi tăng gấp 3 lần cống phẩm hàng năm, nếu Tống không thuận ý Liêu sẽ cất quân đánh Tống.
Trước khi có cuộc thương nghị này, chuyện phim cho biết Tần Bành Niên tư thông địch quốc, bán nhiều bí mật bố trí quân cơ biên giới của Tống cho Liêu nên quân Tống bị Liêu đánh thua liên tục, vô hiệu hóa các chiến tuyến và kế hoạch phòng ngự của Tống.
Cuộc bàn bạc có đoạn đối đáp sau:
Vương Thừa tướng: – Sứ giả Liêu đòi tăng thêm 10 vạn bạc nén, 20 vạn xấp vải lụa.
Bao Chửng: – Muốn có bao nhiêu cống phẩm đó, bao nhiêu bá tánh phải vất vả mới thu gom được, bao nhiêu dân phụ dệt lụa trong bao nhiêu ngày mới có? Giờ lấy vàng bạc gấm vóc cầu hòa. Nay Liêu quốc cướp đoạt, uy hiếp đòi vàng lụa, sau này đòi cắt đất nhượng lãnh thổ thì lấy gì cầu hòa? Chỉ e như vậy mãi thì không thể giữ nước được.
Vương Thừa tướng: – Bọn ngoại nhân hay nói không giữ lời thì không thể tin, đòi hỏi vô độ, không thể chấp nhận.
Tần Thị lang: – Lời của Bao Chửng là lời kẻ hại nước.
Bao Chửng: – Kẻ nào hại nước thế nhân đều biết.
Tần Thị Lang: – Ý kiến Bao đại nhân là muốn kháng cự mới là thượng sách à? Biết là chiến tranh xảy ra là chọc tức Liêu quốc. Đại quân Liêu quốc tiến thẳng vào Trung nguyên, chúng dân lầm than, ngài muốn gánh trọng trách này sao?
Bao Chửng: – Đường đường là Binh bộ thị lang nhưng lại tuyên truyền luận điệu đầu hàng giặc, thật là đáng thất vọng.
Vương Thừa tướng: – Bao đại nhân à, Tần đại nhân đã từng dẫn quân đánh Liêu, từng đi sứ nước Liêu.
Bao Chửng: – Thần cũng từng đi sứ Liêu quốc, thấy bá tánh dân tộc Hán điêu đứng vì thảm trạng thống trị của Liêu quốc, níu lấy áo thần mà cầu xin, thật đau xót. Thần đích thân đến tiền phương thấy quân sĩ ta hết sức căm hận quân Liêu, thần đã luận việc quân với quân lính tiền phương, thấy Liêu quốc không đáng sợ. Trận Thế Châu tiên đế ngự giá thân chinh đã đánh tan quân Khiết Đan, giết chết đại tướng Liêu quốc Tiêu Thoát Hiền. Thần xin dâng bệ hạ Thập kế bình Liêu sách mời bệ hạ xem qua.
Tần Thị lang: – Hứ. Hành động theo tình cảm, dễ gây chiến sự.
Bao Chửng: – Tham sống sợ chết, họa nước hại dân.
Tống Nhân Tông: – Tiếp tục thương thảo, chuẩn bị binh lực sẳn sàng tham chiến.
Nhà làm phim Đài Loan và các diễn viên Kim Siêu Quần (Bao Long đồ), Tào Kiện (Vương Thừa Tướng), Kim Thao (Tần Bành Niên) đều không thể ngờ rằng việc bọn họ “cãi nhau trên phim” cách đây gần 20 năm mà nay đem áp dụng vào một đất nước khác lại đúng y như thánh phán. Nghe vua tôi nhà Tống mắng nhau mà cứ tưởng như bọn họ đang mắng “triều đình ta”. Chỉ cần thay chữ Liêu quốc thành chữ Trung Quốc, thay các vai Bao Chửng thành “Nhân Sĩ Trí thức-Tướng Lãnh Lão Thành Có Tư Tưởng Tiến Bộ”, vai Tần Bành Niên thành “triều đình ta” là xong.
Nhà cầm quyền Trung Quốc lâu nay chủ trương chính sách “viễn giao cận công”. Với các nước ở xa thì giao thiệp để tìm sự ủng hộ và khai thác kinh tế, trở thành “thực dân da vàng” châu Phi. Với nước láng giềng xung quanh thì dùng bạo lực để chiếm cứ đất đai, buộc dân chúng các vùng đất ấy trở thành công dân cấp thấp so với người TQ.
Thực tế đã chứng minh, TQ đã “nuốt sạch” Tây Tạng, Tân Cương, các nước lân bang khác như: Tajikistan, Kyrgyzstan, Nga, Ấn phải cắt đất cầu hòa. Với Việt Nam, năm 1974 họ đã dùng vũ lực tấn công chiếm giữ trái phép quần đảo Hoàng Sa, sau đó là phần lớn quần đảo Trường Sa… Một kiểu “tằm ăn dâu” cứ tiến mãi để bành trướng lãnh thổ.
Lỗ Trọng Liên phê bình triều đình nước Ngụy hèn nhát: “Nước bỏ hết cả lễ nghĩa, chỉ chăm dùng võ lực chinh chiến, như thế mà tôn làm đế, thì thực là không còn ra sao nữa”. Nay TQ cũng chăm chăm dùng bạo lực quân sự, lấy thịt đè người để chiếm đất, chiếm biển của Việt Nam. Còn “triều đình ta” thì lại chủ trương ôm chưn TQ bằng công cụ “4 tốt” và “16 chữ vàng” thì cũng “thực là không còn ra sao nữa”. “Triều đình ta” còn mượn cớ “hòa bình”, “hữu hảo”, “tránh chiến tranh” để vu cáo, bắt bớ nhiều Lỗ Trọng Liên của nước mình bỏ tù, dùng quyền lực đen quậy phá làm cho gia đình, con cái Lỗ Trọng Liên bị khủng hoảng, thất học nhằm “lập công” dâng cho TQ. Thiệt là đê hèn, tệ hại hơn cả triều đình nhà Ngụy, nhà Tống.
Than ôi! Cái đạo lý “giao hiếu với nước tàn bạo mà chiều họ tức là như mình muốn xúi giục cho họ càng tàn bạo thêm lên”, “Họ đã tàn bạo, tất họ không để mình yên” cổ nhân đã rút ra mà “triều đình ta” vẫn không biết. Phải chăng trí não “triều đình ta” bị thoái hóa thụt lùi một phát bắn xa đến thời Chiến Quốc hơn 400 năm trước Công Nguyên? Hay vì lý do quyền lợi riêng tư, cố sức giữ cho được cái “ghế” vinh thân phì gia mà nhắm mắt làm ngơ, tiếp tay cho ngoại bang như Binh bộ thị lang Tần Bành Niên? Tiếc thay, có quá ít người dám trực diện làm như Bao đại nhân mắng thẳng vào mặt rằng: “Đồ súc sinh gian thần bán nước hại dân”?
Tạ Phong Tần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét