Pages

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Chỉ một con đường

Đỗ Đăng Liêu

Tiếp nối làn gió của các cuộc cách mạng thành công ở Tunisia và Egypt, những cuộc biểu tình của dân chúng Lybia để lật đổ chế độ độc tài Gaddafi bắt đầu từ tháng 2 năm nay đã trải qua 6 tháng đầy thăng trầm, khiến có lúc người ta đã phải tự hỏi không biết cuộc cách mạng của người dân Lybia sẽ đi về đâu? Và liệu sức mạnh của dân chúng nước này có đủ khả năng để chấm dứt chế độ đã kéo dài suốt 42 năm qua của ông Gaddafi không?

Nhưng, cho đến tuần lễ cuối tháng 8, khi lực lượng nổi dậy tiến chiếm toàn diện toà lâu đài Bab al-Aziziya, thành lũy cuối cùng của ông Gaddafi, và đang tận lực truy tìm ông ta, thì rõ ràng là cuộc chiến đấu đã ngã ngũ với chiến thắng của phe nổi dậy.


Nỗi vui mừng như bốc lửa qua hình ảnh của hàng chục, hàng trăm ngàn người reo hò trên đường phố giữa tiếng súng bắn chỉ thiên và xe vũ trang tự tạo của lực lượng nổi dậy chạy ngang dọc, làm nhiều người có thể đặt ra câu hỏi phải chăng bạo động và đấu tranh vũ trang vẫn còn là giải pháp thích hợp để chấm dứt một chế độ độc tài?. Điều này có thể đúng trong thời điểm và kết quả hiện tại. Có nghĩa là quả thực đã chấm dứt được chế độc tài. Tuy nhiên để đáp ứng mục tiêu tối hậu là thay thế chế độ độc tài hiện hữu bằng một nền dân chủ đích thực, thì ngay trước mắt người ta đã thấy hiển hiện nhiều dấu hỏi lớn.

Nhìn lại cuộc đấu tranh tại Libya trong thời gian 6 tháng qua, người ta thấy nó rất khác hai cuộc cách mạng hoa lài đã thành công tại Tunisia và Ai Cập. Tại Tunisia và Egypt phương thức đấu tranh bất bạo động được xử dụng trong khi bạo động được dùng tại Libya.

Cuộc đấu tranh của lực lượng nổi dậy tại Libya cũng khởi đầu như đã diễn ra ở Tunisia và Ai Cập. Tức là đến từ sức mạnh của người dân bản xứ qua những cuộc biểu tình vĩ đại.

Nhưng khi bước sang giai đoạn đấu tranh vũ trang thì lực lượng nổi dậy tại Lybia gần như hoàn toàn dựa vào sự hỗ trợ của lực lượng quân sự của NATO, là một sức mạnh đến từ bên ngoài. Nếu không có sự hỗ trợ ào ạt, mạnh mẽ và có tính cách quyết định của lực lượng quân sự NATO thì gần như chắc chắn là phe nổi dậy đã bị tiêu diệt từ lâu. Nhìn về số lượng, phẩm chất của võ khí và quân trang của phe nổi dậy, điều nói trên không còn là một nghi vấn nữa.

Câu hỏi lớn nhất mà người ta đang đặt ra là, những gì sẽ xẩy ra trong thời gian sắp tới, ai hay lực lượng nào sẽ lãnh đạo nước Lybia, có khả năng để ổn định quốc gia này hay không, và Lybia có đạt được một nền dân chủ mà nhiều con dân của họ vừa đổ xương máu để mong đạt được hay không? Không ai có thể trả lời dứt khoát được những câu hỏi vừa kể.

Chỉ thời gian mới có thể trả lời được! Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy, thông thường sau cách mạng vũ trang, nếu không mau chóng thành lập được những cơ chế dân chủ, đồng thời tạo được ý thức dân chủ và tôn trọng tiến trình dân chủ trong dân chúng cũng như trong các phe phái, thì có nhiều xác suất những chính quyền kế tiếp dần dần trở thành độc tài dưới một dạng nào đó, và chu kỳ đấu tranh bạo động lại tiếp tục.
Lý do là, đấu tranh bằng bạo lực tất yếu sẽ dẫn đến đổ máu và đổ vỡ. Từ đó khó tránh khỏi hận thù phe phái. Do vậy, nếu không có quyết tâm đi theo tiến trình dân chủ một cách triệt để, phe thắng trận có khuynh hướng dựa vào các lý do an ninh (mà đôi khi rất mơ hồ) để củng cố quyền lực, hầu tránh bị lật đổ rồi bị trả thù. Tiến trình củng cố quyền lực dần dần sẽ dẫn đến độc tài. Nhiên hậu thì người dân lại bắt đầu một chu kỳ đấu tranh để chấm dứt chế độ độc tài mới.

Vì vậy, nhìn về đất nước Việt Nam, chúng ta rút được những bài học gì từ cuộc cách mạng tại Lybia?

Trước tiên, hầu như về mọi phương diện, từ địa lý, chính trị, xã hội và quân sự, nước Lybia rất khác Việt Nam.

Lybia được hình thành bởi những bộ lạc, sống rải rác ở nhiều vùng khác nhau, và mỗi vùng có quân đội và vũ khí riêng. Việt Nam hoàn toàn không có tình trạng này.

Sự hiện hữu của một cơ cấu như NATO hoàn toàn không có ở vùng Đông Nam Á. Khối NATO là một khối những quốc gia có nhiều điểm tương đồng về chính, và khối này đã nhiều lần có những quyết định và hành động chung để đối phó với tình hình an ninh ở một khu vực nào đó. Ở Việt Nam sẽ không bao giờ có sự can thiệp quân sự như NATO dành cho Lybia.
Về phương diện tâm lý, dân tộc Việt Nam vừa trải qua mấy chục năm chiến tranh triền miên. Do đó, người dân Việt Nam chán ghét chiến tranh và bạo động là điều tất yếu. Vì vậy, bất cứ một chủ trương nào mang tính cách quân sự hay nội chiến vào lúc này chắc chắn sẽ bị người dân Việt bác bỏ.

Bên cạnh tâm lý vừa kể, một thực tế khác không thể chối cãi được là sực mạnh bạo lực gần như tuyệt đối của CSVN so với bất cứ một lực lượng cách mạng Việt Nam nào nếu có. Do đó, chọn đối đầu quân sự với bạo quyền CSVN là chọn đem cái yếu của mình để chọi với cái mạnh mà CSVN có ưu thế tuyệt đối.

Như vậy cũng đủ thấy là một giải pháp bạo động bằng quân sự để chấm dứt chế độ độc tài CSVN là điều không tưởng. Bài học Lybia không thích hợp cho vấn đề Việt Nam. Như thế dân tộc Việt Nam dựa vào yếu tố nào để có thể đủ lực hầu chấm dứt chế độc độc tài hiện nay?

Điều đầu tiên và quan trọng nhất là ý chí và ý muốn chấm dứt chế độc độc tài của chính người dân Việt Nam, để sau đó xây dựng nền dân chủ đích thực cho đất nước mình. Sẽ chẳng ai giúp đỡ nếu chính người dân Việt Nam không tự đứng lên giải quyết vấn nạn của đất nước mình. Cho đến nay, tuy mức độ có khác nhau, nhưng hiển nhiên là yếu tố thiết yếu đầu tiên vừa kể đã khá mạnh mẽ trong nhiều tầng lớp dân chúng.

Từ nhiều năm qua, đặc biệt là trong thời gian gần đây, đồng bào liên tiếp đẩy mạnh cuộc đấu tranh cho dân chủ qua phương thức đấu tranh bất bạo động một cách đa dạng.

Những tấn công của các nhà dân chủ, của giới trí thức, đặc biệt là trong làng dân báo, vào những vào trụ cột pháp lý của chế độ, nêu rõ những điểm sai trái của hiến pháp và luật pháp hiện hành; cùng lúc chứng minh cho đồng bào cả nước và thế giới thấy rõ những hành vi vi phạm trắng trợn hiến pháp và luật pháp của nhà cầm quyền CSVN trong nhiều lãnh vực; nhất là những cuộc bắt bớ tuỳ tiện và những vụ xử án sai phạm. Tất cả đã khiến cho người dân Việt Nam phẫn nộ và thế giới bất bình. Người dân Việt, ngay cả ở những vùng sâu vùng xa đã từ từ nhận thức được rằng, nhà cầm quyền CSVN bấy lâu nay tước đoạt đi những quyền căn bản của họ, và họ đang mạnh dạn đứng lên đòi hỏi để giành lại những gì đã mất. Trụ cột pháp luật chống đỡ chế độ đang lung lay.

Phía đối kháng đã khéo léo vận dụng những phương tiện kỹ thuật tân tiến của thời đại để vượt những rào cản nhằm bưng bít thông tin của CSVN để thông tin nhanh chóng đến mọi người dân, quảng bá rộng rãi phương thức đấu tranh bất bạo động và phối hợp hành động nhanh chóng và hữu hiệu. Mặc dầu nắm trọn trong tay độc quyền những phương tiện truyền thông cổ điển trong nước, nhà cầm quyền CSVN đã không thể ngăn chặn được thông tin. Tình trạng thông tin một chiều không còn nữa và trụ cột truyền thông chống đỡ chế độ đã lung lay.

Qua 11 cuộc biểu tình chống Trung Cộng Xâm lấn, người ta thấy rõ sự bất lực của trụ cột công an. Bàn tay bạo lực như đã bị đặt vào thế tiến thoái lưỡng nan, lúc trói lúc mở, bất nhất. Ngay cả trong lực lượng công an, thâm tâm của nhiều người cũng đã nhận ra những sai trái, (nếu không nói thẳng là ý đồ bán nước) của nhà cầm quyền. Thái độ gục mặt nhận chịu khi được nhân dân thuyết phục, thái độ hoảng hốt của những viên công an ác ôn khi bị dân chúng tố giác, hài tội. Ít nhiều đã cho thấy điều này. Thêm một trụ cột chống đỡ chế độ đang lung lay.

Nói chung, người dân Việt Nam, qua việc xử dụng rất khéo léo phương thức đấu tranh bất bạo động, đang làm cho nhà cầm quyền CSVN vô cùng bối rối, mà sự lúng túng đã biểu hiện qua vố số những hành động hết sức vụng về, ngờ nghệch. Bản thông báo cấm biểu tình của Uỷ Ban Nhân Dân TP Hà Nội là một ví dụ. Quan trọng hơn nữa là bức công hàm bán nước của ông Phạm Văn Đồng, hiện đang đặt CSVN vào một tình thế có thể gọi là… chết dở! Càng ngày Đảng và nhà cầm quyền CSVN càng lún sâu hơn vào vũng lầy nan giải, hậu quả của những việc làm sai trái mà CSVN từ lâu giấu diếm nay đang từ từ được phô bày.
Để có thể thấy rõ hơn về sự tiến triển đến từ sức mạnh đấu tranh tiềm tàng trong quần chúng, chỉ cần nhìn lại khoảng thời gian trước những năm 2005, 2006 để so với hiện tại. Thời gian đó số người công khai lên tiếng đấu tranh đếm không đủ trên đầu ngón tay và ngay lập tức bị CSVN bắt bớ, trù dập tàn nhẫn. Những tưởng ngọn lửa đấu tranh leo lét đó sẽ bị dập tắt, những người đấu tranh bị bắt, bị tù đày sẽ co rụt lại,… Nhưng không, cứ sau mỗi đợt đàn áp, cùng với phong trào đấu tranh phát triển thêm trên nhiều lãnh vực, con số những người đấu tranh đã liên tục gia tăng theo cấp số nhân với thành phần đa dạng hơn. Đồng thời phương thức đấu tranh cũng tinh vi hơn, có sự kết hợp chặt chẽ hơn, cường độ đấu tranh mạnh mẽ hơn, mục tiêu đấu tranh cũng được nâng cấp cao hơn. Chỉ trước đây mấy năm, khó ai có thể mường tượng được các lực lượng dân chủ lại có thể đạt tới những thành quả của ngày hôm nay.
Trong khí đó, về phía nhà cầm quyền CSVN người ta thấy được gì? Chỉ cần những bài viết lên gân, từ “chống diễn biến” đến “chống tự diễn biến” liên tục trên các cơ quan ngôn luận chính thức của đảng và nhà nước CSVN, người ta có thể thấy được sự nguy biến đối với đảng CSVN đã gia tăng như thế nào. Qua đó người ta cũng thấy được cái lực rỗng tuếch trong ruột bộ máy bạo lực khổng lồ của họ. Báo chí của đảng cảnh báo về “sự ruỗng mục từ bên trong” (lòng chế độ), một tình trạng y hệt Cộng Sản Liên Xô trước khi sụp đổ. Rồi cũng báo chí của đảng ôn lại biến cố làm sụp đổ chế độ cộng sản ở Nga, mà điểm nổi bật là: ”không có bất kỳ ghi chép nào cho thấy thế lực thù địch xóa bỏ Đảng Cộng sản đã gặp phải sự chống đối từ phía tổ chức Đảng các cấp, không có bằng chứng gì cho thấy các đảng viên đã tập hợp lại một cách có tổ chức để tiến hành các hoạt động phản đối quy mô lớn nhằm bảo vệ khu ủy, thành ủy hoặc huyện ủy của mình.” (Bài “’mạch ngầm’ tự diễn biến”. Báo QĐND – Chủ Nhật, 21/08/2011).
Người ta đều biết chủ trương điều hướng dư luận một cách chặt chẽ của CSVN thể hiện qua nội dung “giao ban” hàng tuần cho các cơ quan truyền thông. Thế nhưng, nay các cơ quan truyền thông chính thức của đảng đã phải liên tục cảnh báo về những nguy cập của đảng như vừa nêu, thì hiển nhiên tình hình đã ở mức độ rất trầm trọng. CSVN biết điều này, cũng như diễn trình của nó nhưng không thể nào cưỡng lại được, ngoại trừ phải thay đổi và dân chủ hoá thực sự. Thay đổi và dân chủ hoá thực sự hoặc giữ nguyên trạng hiện nay thì cũng đều dẫn đến một kết quả như nhau, là nhiên hậu sẽ dẫn đến chấm dứt sự cai trị độc quyền của đảng. Cho đến nay không có một bằng chứng nào cho thấy, trước những tấn công của phiá dân chủ, sự sói mòn nhanh chóng về niềm tin vào đảng, không chỉ ngoài dân chúng, mà ngay cả trong nội bộ đảng, đã bị chậm lại, và đây là điều đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Như thế, khi có biến cố xẩy ra, ngoại trừ những nhóm thiểu số đang bám vào đảng để giữ đặc quyền đặc lợi, sẽ chẳng ai muốn bảo vệ một cái đảng mà niềm tin của họ vào đảng đó không còn. Đó chính là điều đã diễn ra ở Nga 20 năm trước, mà báo Quân Đội Nhân Dân vừa cảnh báo như trên. Đó cũng là nỗi nguy khốn của CSVN hiện nay.
Tóm lại, qua tương quan lực lượng giữa các lực lượng dân chủ và CSVN như vừa nêu ở trên, đồng thời đối chiếu các cuộc cách mạng đã thành công hay còn đang tiếp diễn tại Bắc Phi với những gì đang diễn ra ở Việt Nam, người ta có thể khẳng định đấu tranh bất bạo động với những điều hướng cần thiết là phương thức duy nhất thích hợp để chấm dứt độc tài CSVN và thiết lập một nền dân chủ đích thực cho Việt Nam. Trong nhãn quan đó, những nỗ lực của các nhà dân chủ và những tổ chức đấu tranh áp dụng phương thức đấu tranh bất bạo động, trong đó có Đảng Việt Tân, rất cần được ghi nhận và sự hỗ trợ mạnh mẽ của mọi tầng lớp đồng bào trong và ngoài nước, ngõ hầu đạt được điều kiện cốt lõi của đấu tranh bất bạo động là “số đông” để cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam sớm thành công. Chúng ta chỉ có một con đường!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét