Pages

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Chúng ta cần dân chủ?

Trần Quang Hạ (danlambao) - Chúng ta thường nghe nhà nước giải thích: Đất nước cần ổn định để phát triển. Khi đời sống khá lên, dân trí cao hơn dân chủ tự nhiên sẽ đến. Đảng lãnh đạo đất nước đi đúng hướng, tỷ lệ phát triễn những năm gần đây rất cao. Vậy thì đòi hỏi dân chủ lúc nầy là sớm, sẽ dẫn đến hỗn loạn.



Anh Nguyễn Chí Đức, người nổi tiếng bất đắc dĩ vì bị đạp vào mặt, một đảng viên trẻ yêu nước nhiệt thành, cũng "dị ứng" với hai chữ dân chủ. Anh xuống đường chống Trung Quốc chứ chẳng đòi hỏi "dân chủ dân chiếc" gì ! Anh từ chối dừng lại trước văn phòng LS Cù Huy Hà Vũ để bày tỏ thái độ cá nhân khi đi cùng đoàn biểu tình ở Hà Nội.
Anh tin tưởng báo Hà Nội Mới là trung thực vì nó là cơ quan ngôn luận chính thức của đảng. Anh là một người bonsevic yêu đảng và yêu nước. Thái độ của anh đối với hai tiếng dân chủ khiến chúng ta băn khoăn. Có thật chúng ta chưa cần dân chủ vì tính xa hoa thời thượng chỉ thích hợp với những nước có nền dân trí cao, hoặc đời sống người dân no đủ?
Dân chủ chắc chắn không phải món quà cao cấp. Dân chủ là sự lựa chọn thông minh để điều hành xã hội. Lịch sử chứng minh sự lựa chọn dân chủ thay thế phong kiến là xu thế song hành cùng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Dân chủ cũng không phải là cứu cánh. Dân chủ là phương tiện để đạt tới sự phát triễn toàn diện mà phong kiến trong quá khứ đã không làm được.
Bên cạnh tiến trình lịch sử lành mạnh, nền chính trị độc tài xuất hiện như một đột biến xấu. Cách mạng vô sản phát xuất từ chủ nghĩa cộng sản là một thai nhi bất thường cho ra những chế độ phi nhân trên nửa quả địa cầu. Xuất hiện và tàn lụi nhanh chóng trong thế kỷ 20 ở châu Âu, chủ nghĩa cộng sản chỉ còn lại 4 nước trên thế giới, mà một nửa của nó đang chìm đắm trong đói nghèo cùng kiệt.
Độc tài cộng sản không bao giờ là chọn lựa thông minh của nhân loại. Nó là tai nạn lịch sử người dân đâu đó đang phải chấp nhận bởi sự cai trị khôn ranh của nó. Chế độ cộng sản gian dối trong tuyên truyền, mạnh tay trong đàn áp và lì lợm trong lãnh đạo chuyên quyền.
Kinh tế thị trường đã đem đến những đổi thay tích cực. Dựa vào thị trường để sản xuất, cung cấp dịch vụ là phương pháp tốt nhất để phát triễn. Kinh tế thị trường thực chất là kinh tế tự do, chỉ thích hợp với một xã hội tự do dân chủ chứ không thích hợp với xã hội độc tài. Người cộng sản chỉ có thể hãnh diện với kết quả kinh tế chỉ huy bao cấp của họ nếu có, chứ không thể hãnh diện với kết quả nền kinh tế mà họ đã từng hô hào triệt hạ.
Nếu độc tài Trung quốc đang trở thành một hiểm họa toàn cầu vì đe dọa chiến tranh bành trướng thì độc tài Việt Nam đang trở thành một hiểm họa khu vực, tiềm ẩn xung đột với mẫu số chung là tàn phá môi sinh, xuống cấp đạo đức con người và tạo nên quá nhiều bất công xã hội.
Xã hội dân chủ giàu lên - bằng định chế ưu việt của nó - dẫn dắt con người chia sẻ phúc lợi chung trong hòa bình. Xã hội cộng sản giàu lên sẽ trở nên mối nguy hiểm toàn cầu. Khai thác tài nguyên, tranh dành biển đảo và rất nhiều khả năng phát động chiến tranh khu vực dẫn đến chiến tranh thế giới.
Với thực trạng môi trường xã hội hiện nay tại Việt Nam, nếu bảo nên kinh tế đang định hướng xã hội chủ nghĩa thì thật phản cảm. Nếu xã hội chủ nghĩa trong tương lai đang định hình bằng xã hội ngày nay thì người cộng sản chân chính phải cúi đầu xấu hổ. Cái lý tưởng cao đẹp ngày xưa đã bị phá sản, phá sản một cách tồi tệ không thể nào chống chế được.

Trần Quang Hạ (danlambao)

Không có nhận xét nào: