Pages

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Cuốn sách “tiên đoán” tương lai Trung Quốc bị cấm

Tác giả: IAN JOHNSON
Cuốn sách của Chan là một tiểu thuyết giả tưởng về xã hội Trung Quốc trong tương lai gần (năm 2013) và đã bị cấm xuất bản tại đại lục.
Tác giả người Hồng Kông Chan Koonchung (tên tiếng Trung: Trần Quan Trung) mới đây đã xuất bản một tiểu thuyết tiên đoán về tương lai “không đẹp” của Trung Quốc trong 2 năm tới. Cuốn sách bị cấm xuất bản tại Trung Quốc đại lục, các đầu sách nhập khẩu bị thu giữ tại biên giới. Những cửa hàng sách giữ lại một vài cuốn sách để bán thì bị đóng cửa.

Năm nay 59, Chan tuổi nổi tiếng với vai trò người sáng lập City Magazine, một tạp chí về lối sống tại Hồng Kong và Super TV, kênh truyền hình cáp mà ông đã bán cho hãng Sony Entertainment vào thập niên 1990. Gần đây, ông tiếp tục nổi danh với nhiều bài báo văn hóa về các thành phố của Trung Quốc.

Cuốn sách của ông là một tiểu thuyết giả tưởng về xã hội Trung Quốc trong tương lai gần. Sau khủng hoảng tài chính thế giới thứ hai vào năm 2013, chính phủ chỉ nắm giữ được quyền lực sau một tháng tiến hành đàn áp trên đường phố. Sau đó, chính phủ pha một loại hóa chất vào nước để làm người dân cảm thấy hạnh phúc và muốn tiêu tiền.

Khi người tiêu dùng Trung Quốc cuối cùng cũng thoát khỏi thói quen tiết kiệm lâu đời, nền kinh tế quốc gia mới có thể bùng nổ và vượt qua Mỹ cùng các quốc gia phương Tây khác. Một kỷ nguyên vàng bắt đầu.

Tuy nhiên phần lớn cuốn sách viết về việc sống trong một quốc gia chuyên chế. Trong một phần có lẽ bị chỉ trích nhiều nhất của cuốn sách, một tháng đàn áp đó đã bị quên lãng do tình trạng mất trí nhớ tập thể. Những người hùng của cuốn sách – tầng lớp tinh hoa Tây hóa – sau đó cũng hiểu điều gì đang xảy ra (bằng cách bắt cóc một thành viên của Bộ chính trị và bắt người đó kể hết sự việc). Tuy nhiên cuối cùng họ vẫn đồng ý với các biện pháp của chính phủ.

Cuốn sách có tên Trung Quốc là ”Shengshi Zongguo 2013″, còn được dịch là “Thời đại vàng của Trung Quốc năm 2013″. Cuốn sách được xuất bản tại Anh dưới tên “The Fat Years” (tạm dịch: Những năm tháng màu mỡ) và sẽ ra mắt tại Mỹ vào đầu năm tới.

Ông Chan cho rằng tính hay quên là một thực tế trong cuộc sống tại Trung Quốc; chính phủ thường tích cực “quảng bá” một số ký ức lịch sử nhất định và dập tắt các sự kiện đau thương khác. Ông nói: “Chúng ta vẫn nói về Cuộc chiến thuốc phiện nhưng lại quên mất Nạn đói và cuộc Cách mạng văn hóa.”











Tác giả Chan Koonchung

Ông quyết định viết cuốn sách này vào năm 2008 khi nhận ra sự thay đổi trong giới tinh hoa. Sự trỗi dậy của Trung Quốc – có vẻ là nhờ sự kiện Bắc Kinh làm chủ nhà của Thế vận hội Olympics – trong khi các vấn đề của phương Tây, mà rất nhiều người hiện xem như sự thoái trào, càng trở nên trầm trọng hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính. Chan nói: “Rất nhiều người nhận ra Trung Quốc đã làm đúng một số điều và muốn bày tỏ điều đó.”

Ông viết cuốn sách vào năm 2009 và cuốn sách được xuất bản tại Hồng Kông và Đài Loan vào cuối năm đó. Các công ty xuất bản Trung Quốc từ chối xuất bản cuốn sách. Ông cho biết: “Một vài [Nhà xuất bản TQ - ND] tỏ ra quan tâm và tôi yêu cầu họ hãy đọc sách trước. Sau khi đọc xong, họ không bao giờ quay lại.”

Tuy nhiên đến năm 2010, tác phẩm được lưu hành rộng rãi trên Internet và trở thành một hiện tượng, có lẽ là được bàn luận nhiều nhất tại các thành phố lớn của Trung Quốc.

Song nó vẫn chỉ là một hiện tượng ngầm. Sau khi cấm nhập khẩu và thực hiện các hình phạt đối với những người bán sách, nhà chức trách hiện đã chặn tất cả những trang web cho download miễn phí cuốn sách, bao gồm cả trang của Chan.

Quê hương Chan ở Hồng Kông, nhưng ông đã sớm nhận ra nếu muốn hiểu rõ về những điều đang diễn ra tại Trung Quốc thì ông cần phải ở Bắc Kinh. Ông nói: “Mọi người thích bàn về những vấn đề nghiêm túc trong bữa tối. Họ muốn hiểu về Trung Quốc.”

Ông vẫn du lịch nước ngoài rất nhiều nhưng đặc biệt quan tâm tới tin đồn chính trị dày đặc ở Trung Quốc. Ông nói: “Tôi muốn biết điều gì đang diễn ra hoặc ít nhất là những điều mà người dân nghĩ là đang diễn ra.”

Điều đó khiến ông mở một nhóm thảo luận qua email về xã hội dân sự tại Trung Quốc nhằm giúp ông giữ liên lạc với những người có liên quan tới luật pháp và bảo vệ môi trường, những lĩnh vực thường bị nhà chức trách giám sát. Điều này đồng nghĩa với việc ông muốn ở lại Bắc Kinh dù có thể gặp rắc rối.

Vì vậy đến giờ, ông vẫn “bám trụ” lại Bắc Kinh và đang viết một cuốn tiểu thuyết mới. Nguồn tư liệu từ đâu ư? “Tôi tham dự rất nhiều bữa ăn tối”, Chan cho biết.

■Linh Giang (lược dịch theo NY Times)
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-08-05-cuon-sach-tien-doan-tuong-lai-trung-quoc-bi-cam

Không có nhận xét nào: