Pages

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Hà Nội biểu tình, Sài Gòn im tiếng

Mai Khôi, thông tín viên RFA
2011-08-01


Thành Phố HCM mất tên trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần thứ 8 vào hôm Chủ nhật ngày 24 tháng 7 vừa qua.

AFP photo
Những miếng dán chống Trung Quốc được phân phối bởi những người biểu tình tại Hà Nội. Ảnh chụp vào ngày 20 tháng 7 năm 2011

Trong khi tại Hà Nội có ít nhất 300 người chống TQ xâm chiếm lãnh hải trên biển Đông thì người dân tại Tp HCM lại im hơi, lặng tiếng! Đó là thắc mắc của nhiều người con dân Việt khắp nơi từ trong nước đến hải ngoại, thông tín viên Mai Khôi có cuộc trao đổi với một số bạn trẻ tại Thành phố HCM để tìm hiểu thêm về sự im lặng trong ngày 23/7 vừa qua tại thành phố này.

Nỗi sợ công an

Trong lần biểu tình mới nhất này khi tại Hà nội hàng trăm người đã xuống đường với khí thế rất cao. Nhiều khuôn mặt trí thức của những lần biểu tình trước lại xuất hiện bên cạnh những khuôn mặt rất trẻ và người dân thủ đô cũng không ngần ngại gì hòa vào đám đông để nói lên tiếng nói của mình.

Trong khi đó Sài Gòn tĩnh lặng như không có gì đang xảy ra ngoài Bắc. Tất cả những khuôn mặt của cuộc biểu tình lần đầu tiên không thấy xuất hiện và cũng không có một động thái nào cho thấy người biểu tình bị âm thầm ngăn cản do các cơ quan an ninh thành phố.

Họa sĩ Bách Việt cho biết nhận xét của anh về về hai lần biểu tình vừa qua mà anh được tham gia, anh nhớ lại:

"Để tham gia thì thật sự diễn ra ở Saigon này thì đúng là có hai lần, hai lần là mình được thể hiện, mọi người được đi ra biểu tình. Còn những lần khác thì coi như là chỉ tụ tập ở đó và ngồi đó thôi, và không làm được gì cả bởi vì lực lương an ninh đông quá!

Cái lần đầu tiên, là lần mà mình cảm thấy điều đó hạnh phúc nhất, bởi vì mục đích thì có thể là mình không ngại, nhưng mục đích của bản thân cá nhân mình thì mình cảm thấy điều đó rất tuyệt vời!"

Người ta còn nhớ công an đã đàn áp người biểu tình trong lần thứ hai khá mạnh mẽ. Các hình ảnh này xuất hiện trên các trang mạng xã hội đã khiến cho những cuộc biểu tình sau đó không thể thực hiện. Nguyên do nào làm cho mọi người không còn hăng hái xuống đường nữa được họa sĩ Bách Việt chia sẻ:

“Quan trọng là mình phải không còn sợ sệt gì về cái chuyện công an nữa, bởi vì công an họ cũng chỉ là người VN, vậy tại sao phải sợ họ khi mình thể hiện lòng yêu nước của mình.

Họa sĩ Bách Việt"Bởi vì từ ngày xưa đến giờ, từ cái ngày nào tôi cũng không rõ lắm, nhưng dân VN mình mang một nỗi sợ, một nỗi sợ công an. Sợ lắm! Sợ không biết như thế nào nữa, ngày xưa người ta hù dọa mấy đứa con nít, ví dụ như là khi nó khóc, nó cười hay nó quậy phá gì đó là hù dọa bằng cách có ông kẹ ổng bắt, nhưng hôm nay người ta chỉ cần nói là công an bắt là nó sẽ nín!

Đó là hình ảnh ông công an là ông kẹ, nên cái nỗi sợ của mỗi người khi bước ra ngoài là cái tiếng nói của mình là đường như là không thể, không thể!
Nên lần đầu tiên cho tôi cái cảm giác là tôi có thể bước ra ngoài đường và thể hiện cái tinh thần của bản thân, la lên được tiếng nói của bản thân tôi, cái sự tự do mà tôi thấy, và lúc đó tôi thấy tôi hạnh phúc. Thật sự tôi đã lật đổ được nỗi sợ.

Và tôi nghĩ rằng nếu như tất cả mọi người còn mang cái nỗi sợ đó thì coi như là im lặng và sự mất mát về một tấm địa lớn thì chuyện đó sẽ xẩy ra. Quan trọng là mình phải không còn sợ sệt gì về cái chuyện công an nữa, bởi vì công an họ cũng chỉ là người VN, mà họ làm việc cho chính quyền VN, vậy tại sao phải sợ họ khi mình thể hiện lòng yêu nước của mình."

Mất chỗ dựa tinh thần

Cuộc biểu tình thành công nhất là lần đầu tiên vì những khuôn mặt trí thức nổi tiếng đã chung vai sát cánh với thanh niên như một chỗ dựa vững chắc để họ tập thói quen sinh hoạt chính trị đó là: tuyên bố chính kiến của mình bằng cách tham gia biểu tình. Những khuôn mặt như Lê Hiều Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Giáo sư Tương lai hay cụ Nguyễn Đình Đầu là sức bật cho người trẻ thành phố:



TS Nguyễn Quang A mặc áo với biểu tượng chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 19 tháng Bảy, 2011. AFP photo


"Những người đó là những người lớn tuổi họ có tiếng nói của họ. Cái lần đầu tiên tham gia cuộc biểu tình thì cũng có những đồng chí lão thành cách mạng như nhà thơ Đỗ Trung Quân, ông Lê Hiến Đằng…là những người ngày trước đã từng xuống đường biểu tình phản đối, và cũng là những người đã từng nằm trong bộ máy của nhà nước, sau này về hưu rồi là những người lớn tuổi, họ có tiếng nói của họ, mà khi họ bước ra và cất lên tiếng nói của họ thì tất cả những người ở chung quanh họ hưởng ứng và họ tham gia theo.

Nhưng sau những lần những người đó hoàn toàn không xuất hiện nữa, không biết vì lý do gì, có thể bị cô lập hay vì một lý do gì đó mà họ không thể bước ra được vì vậy tại Tp HCM thiếu đội ngũ đó, thiếu đội ngũ những người lớn tuổi. Thứ nhất thiếu những người cầm kịch, là những người đã phát lên tiếng nói.

Có thể nói là tuổi cao để cho họ nể, họ không dùng biện pháp trấn áp, thực sự rất thiếu! Thiếu rất là nhiều! Chỉ có được ngày đầu thôi, ngày thứ hai thì vì sự bức xúc quá nên anh em cũng hô hào lên cho kịp nước kịp thời, nhưng những lần sau thì sự trấn áp càng ngày càng lớn, và sự cô lập diễn ra càng cao. Những thành phần nhân sĩ trí thức bị cô lập lại tất cả nên anh em khi bước ra đó thì thiếu!"

Đối với bạn Lan Phương thì khác, bạn cho rằng khi người ta chưa chuẩn bị kỹ thì người ta chờ đợi nmột dịp khác thuận tiện hơn mà thôi:

"Mỗi nơi có một văn hóa của nó, nhưng mà nếu nói đo nồng độ về sự nồng nhiệt của họ theo cuộc biểu tình thì làm sao mà em có thể phân biệt được, chỉ hiểu là cứ khi nào thuận lợi thì người ta làm thôi. Cũng giống như Saigon khi thuận lợi thì cũng có vài ba trăm người xuống đường và không thuận lợi thì chỉ vài chục người."

Với nhà văn trẻ Thiên Sơn thì anh thừa nhận các cuộc biểu tình tại Hà Nội khí thế hơn Sài gòn rất nhiều, anh chia sẻ:

"Em nghĩ là HN có nhiều nhà trí thức quan tâm đến vận mệnh đất nước, vấn đề thời sự, về xã hội của dân tộc mạnh hơn. Và sự hiện diện của những nhà trí thức tại HN giai đoạn vừa rồi là khá nhiều, và mạnh hơn ở Sài Gòn."

Do thiếu một nhóm trí thức yêu nước, có lòng đứng ra tập họp thanh niên để biểu tình ôn hòa như tại Hà Nội thì Sài gòn phải làm sao để góp tiếng với người dân Thủ đô? Có phải không còn phương cách nào khác hay không? Họa sĩ Bách Việt cho biết:

"Nếu mà nói bó tay thì không bó tay đâu nhưng mà cũng phải chờ còn chờ đến bao giờ thì không biết được."

Các cuộc biểu tình chắc chắn sẽ còn diễn ra vào mỗi sáng Chúa Nhật tại Hà Nội. Trước vận mệnh đất nước đang lung lay thì người Hà thành có cơ hội hơn Sài Gòn vì dù sao nơi đó cũng là nơi truyền thống của sĩ phu Bắc Hà.

Nhiều trí thức nghi ngờ rằng Sài gòn không thắp lên được ngọn đuốc của lòng yêu nước đến từng con tim của người trẻ hôm nay bởi thú vui chơi và sự cạnh tranh ghê gớm trong từng môi trường xã hội đã khiến nhiều người trẻ Sài gòn tê liệt ý thức chính trị và chỉ nhắm tới một hướng duy nhất là làm sao kiếm được thật nhiều tiền.

Hy vọng rằng nhận xét này không đúng sự thật, nếu không thì thật là tai họa vì thanh niên vẫn là niềm kỳ vọng to lớn của quốc gia.

Nguồn RFA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét