Đ. Bình - M. Quang - H. Hương
Ông Lý Vương Sinh (bìa phải) cùng các lao động đồng hương Trung Quốc vừa xây cống, vừa trao đổi với PV Tuổi Trẻ trưa 13-8 tại công trường Nhà máy Đạm Ninh Bình - Ảnh: Đ. Bình |
Trong khi đó, lãnh đạo Ban quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình khẳng định “Chúng tôi không có lao động (Trung Quốc) phổ thông”.
Ngay phía ngoài “nhà shell”, một công trình xây dựng lớn của dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình (Khu công nghiệp Ninh Phúc - Ninh Bình), một tốp công nhân Trung Quốc bốn người đang hì hục hoàn thiện việc đổ bêtông, xoa trát đường cống dẫn nước thải.
Nhàn hạ hơn việc ở nhà
Trên đầu những công nhân này, băngrôn, khẩu hiệu tiếng Trung giăng khắp bốn phía, các biển báo, khẩu hiệu đều ghi tiếng Trung, tiếng Việt nhỏ hơn ghi phía dưới. Người đàn ông lớn tuổi đeo biển tên Lý Vương Sinh cho biết ông là người tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), chẳng có bằng cấp gì, đã làm nghề xây dựng lâu, nhưng do thu nhập thấp quá (chỉ 2.500-3.000 tệ/tháng) nên sang Việt Nam từ hơn ba tháng nay.
“Công việc vẫn như thế nhưng làm ở đây được 4.000 tệ/tháng”. Ngay gần đấy, Từ Quân Lượng cũng đang đổ mẻ bêtông cuối cùng để nghỉ trưa. Lượng bảo đã sang Việt Nam năm tháng, chỉ làm các việc lặt vặt, nhưng “nhàn hạ hơn việc ở nhà”. Hỏi lương bao nhiêu, Lượng cười không nói.
Gặp tiếp người Trung Quốc thứ ba ngay tại khu nghỉ trọ đối diện công trường, người đàn ông trung niên họ Vương cười bảo sang đây làm việc nhàn lắm, làm bảo vệ mà có lương 4.000 tệ. Chỉ lấy 1.000 tệ để tiêu vặt thôi, còn lại nhờ công ty chuyển thẳng về nhà.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Xuân Trung, Phó trưởng phòng hành chính Văn phòng dự án, cho biết dự án đã vào giai đoạn cuối nên lượng lao động nước ngoài giảm nhiều. Đến lúc này chỉ còn hơn 1.000 người, giảm rất nhiều so với hơn 3.000 lao động Trung Quốc tại công trường năm 2010 và những tháng đầu năm 2011. Hỏi kỹ hơn về việc quản lý lao động, ông Trung khoe dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình là công trường duy nhất Việt Nam có hẳn đội công an tỉnh đến bảo vệ ngoài cổng, nên việc an ninh, quản lý rất chặt chẽ.
Ban quản lý dự án xin hẳn UBND tỉnh cấp (cho mượn) 5 ha đất ngay trước công trường để dựng các nhà ngang, nhà dọc, xây tường rào kín mít cho công nhân Trung Quốc ở. Vì thế, “toàn bộ công nhân Trung Quốc đều ở tập trung, không hề có trường hợp nào tự ý thuê nhà dân bên ngoài để ở. Chỉ có các chuyên gia, kỹ sư mới được phép ở riêng ngoài khách sạn”.
“Không có lao động phổ thông”
Đó là khẳng định của ông Chu Văn Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, khi trao đổi với Tuổi Trẻ trưa 13-8. Ông Tuấn không nhớ rõ hiện có bao nhiêu lao động Trung Quốc tại công trường, nhưng “lúc đông nhất (năm 2010, đầu 2011 - PV) là 3.200 người, còn hiện tại có khoảng 400 chuyên gia, trong đó chuyên gia Trung Quốc đông nhất, còn có cả chuyên gia người Hà Lan, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản, Ấn Độ...”.
Vậy những lao động Trung Quốc chúng tôi gặp tại công trường đang xây cống, đổ bêtông thì sao, có bao nhiêu lao động kiểu này ở công trường?
Với câu hỏi này, ông Tuấn trả lời: “Cái này tôi không nắm được, nhưng riêng đội ngũ chuyên gia, kỹ sư thì tôi biết giờ còn khoảng 400 người. Những người anh gặp không thể nói là lao động phổ thông, họ là “sư phụ” trong nghề chứ phổ thông gì. Tưởng họ làm việc phổ thông à, cùng việc đấy thợ lành nghề bậc 7 của mình chưa chắc đã làm được đâu. Nhiều yếu tố kỹ thuật nhà thầu yêu cầu họ vẫn đáp ứng được hết. Nói họ là lao động phổ thông không đúng, vậy Việt Nam ta quy định thế nào là lao động phổ thông?”.
Ông Tuấn nói thêm: “Dự án chúng tôi là gói thầu “chìa khóa trao tay”, tôi chỉ làm việc với nhà thầu chính là Tổng công ty thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu (Trung Quốc). Dưới nhà thầu chính còn có hơn 40 nhà thầu phụ quốc tế. Việc họ đưa lao động sang đây đều nằm trong biểu đồ nhân lực đã báo cáo cho địa phương, ngành lao động. Hiện trong công trường cũng có đến 600-700 lao động người Việt. Nói là họ xây cống, đổ bêtông, nhưng tôi nói thật, dự án khởi công từ tháng 5-2008, khi đó cũng có lao động của mình vào làm vị trí đó rồi, nhưng tay nghề, kỹ thuật cũng như kỷ luật không đáp ứng được yêu cầu của nhà thầu nên họ phải đưa lao động của họ sang”.
Kết thúc câu chuyện ngắn ngủi, ông Tuấn thẳng thắn: “Các anh về đây, nếu viết cái gì có lợi cho dự án chúng tôi hoan nghênh và sẵn sàng hợp tác. Còn về chuyện lao động nước ngoài, tôi nói thẳng luôn là không cung cấp. Các anh thích thì sang làm việc với Sở LĐ-TB&XH hoặc Ban quản lý khu công nghiệp...”.
Xây cống, đổ bêtông Nhiều lao động Trung Quốc khi gặp chúng tôi đã không dám đưa thẻ lao động ra. Nhiều người đeo thẻ thì trên thẻ vẫn ghi “công nhân kỹ thuật”, nhưng thực tế họ chỉ làm những phần việc “phổ thông” mà hầu hết người thợ xây dựng VN nào cũng làm được, đó là xây cống, đổ bêtông, đánh nhẵn mặt sân bêtông. Thậm chí trong các bản “Danh sách trích ngang về người nước ngoài” lưu tại văn phòng ban quản lý dự án, chúng tôi vẫn thấy rất nhiều lao động Trung Quốc ở mục “công việc đảm nhận” chỉ ghi: đầu bếp, hậu cần, công nhân..., và chủ yếu “ngày kết thúc làm việc” chỉ ngắn gọn: dưới 3 tháng. |
Ông Lâm Xuân Phương, phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình: Họ lách luật
Ông Lâm Xuân Phương - Ảnh: Đ.B. |
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ chiều 13-8, ông Lâm Xuân Phương cho biết hiện nay tỉnh Ninh Bình có 32 doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài với tổng số 1.676 người, trong đó chủ yếu là lao động Trung Quốc, chiếm 1.580 người.
- Trong số lao động Trung Quốc có 1.020 người sang Việt Nam dưới ba tháng, không thuộc diện phải cấp giấy phép lao động. Số còn lại chúng tôi đã cấp giấy phép lao động cho 518 người, còn 138 người thuộc diện cần cấp phép nhưng chưa được cấp phép (chưa đủ giấy tờ pháp lý theo quy định - PV). Số lao động Trung Quốc chủ yếu làm việc ở dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, ngoài ra còn một số công ty xi măng trên địa bàn sử dụng lao động Trung Quốc nhưng chỉ vài chục người, không đáng kể.
* Ông nói còn 138 lao động chưa được cấp giấy phép lao động, tại sao có tình trạng này và địa phương đã xử lý thế nào?
- Hằng năm chúng tôi có các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành gồm cả Công an, Ban quản lý khu công nghiệp. Đơn vị nào khi thanh tra có sai phạm chúng tôi đều lập biên bản, có kiến nghị xử lý. Với doanh nghiệp có lao động nước ngoài thì khó khăn xuất phát từ phía đầu vào của họ. Ví dụ như chủ thầu đưa người sang theo dạng sang một cục nên thủ tục còn thiếu. Chúng tôi đã có kiến nghị với đoàn công tác liên ngành của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an về vấn đề này. Chúng tôi ở địa phương làm rất nghiêm túc về quản lý nhưng người không đủ điều kiện thì đề nghị các anh đừng cho vào làm việc trong nước. Cơ quan có chức năng cứ cho vào thì chúng tôi không làm sao mà xử lý được.
* Vậy đã có lao động nào được Sở LĐ-TB&XH đề nghị và bị buộc xuất cảnh?
* Ông có kiến nghị gì để giải quyết tình trạng này cũng như việc quản lý đối với lao động Trung Quốc ở Việt Nam? - Những vướng mắc tôi đã nêu cần có giải pháp giải quyết tổng thể. Về quản lý lao động, bên cạnh những biện pháp đã thực hiện thì những địa phương có lao động nước ngoài nói chung, lao động Trung Quốc nói riêng nên có những khu ký túc xá tập trung, có bảo vệ, công an kiểm soát để đảm bảo an ninh. |
- Chưa có trường hợp nào. Đối với 138 lao động trên địa bàn tỉnh chưa được cấp giấy phép do họ thiếu giấy tờ (lý lịch tư pháp, giấy chứng nhận có trình độ tay nghề bậc cao...), chúng tôi kiểm tra, cũng nhắc nhở, đề nghị Ban quản lý dự án, các nhà thầu khẩn trương cung cấp giấy tờ thiếu để làm đúng thủ tục. Cái này các nhà thầu xin khất vì giấy tờ bổ sung phải đưa từ Trung Quốc sang nên phải chờ. Vấn đề này phía Công an cũng khẳng định nếu không đủ điều kiện theo quy định thì sẽ trục xuất khỏi Việt Nam.
* Theo quy định, các giấy tờ xác nhận đều do phía Trung Quốc thực hiện, ở đây có vấn đề xác nhận không chính xác để đưa lao động phổ thông, không có tay nghề vào làm việc tại Việt Nam hay không? Sở có kiểm tra xem thực tế có đúng như xác nhận không?
- Đúng là nhiều khi người ta dựa vào cái sơ hở để làm. Việc xác nhận có điều kiện 5 năm kinh nghiệm cũng là do người ta xác nhận nên nếu họ là công nhân hay lao động phổ thông thật nhưng mang sang (Việt Nam) một giấy xác nhận đủ 5 năm kinh nghiệm thì làm sao mình bảo không đủ điều kiện được.
Thực tế chúng tôi kiểm tra về mặt thủ tục, còn về công việc, trong các nội dung cụ thể có cái khó. Chúng tôi kiểm tra nhưng nhà thầu đưa ra các vấn đề chuyên môn kỹ thuật, chúng tôi khó nắm được nội dung nhà thầu đưa ra là việc của lao động kỹ thuật hay lao động phổ thông. Nhiều khi mình cũng biết là họ trốn thủ tục, lách luật nhưng họ thực hiện đúng theo quy định của mình về thủ tục nên mình phải cấp phép.
* Dư luận cho rằng những trường hợp chỉ được cấp thị thực (visa) vào Việt Nam ba tháng đi du lịch nhưng lại làm việc trong các dự án của Trung Quốc tại Việt Nam?
- Theo quy định, anh đã sang theo dạng thị thực dưới ba tháng thì không được phép lao động tại Việt Nam. Thị thực theo đường du lịch thì hết ba tháng là ra nhưng khi gần hết ba tháng họ quay lên biên giới rồi lại vào hoặc xin gia hạn thị thực. Năm 2010, chúng tôi kiểm tra có trường hợp gia hạn và chúng tôi kiến nghị Công an tỉnh không gia hạn cho những trường hợp không đủ điều kiện nhưng họ xử lý như thế nào thì chúng tôi không biết.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết Lãnh sự quán của chúng ta ở nước họ cấp phép cho sang dưới ba tháng nhưng vẫn ghi là sang lao động. Tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH, Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an, tôi có đặt vấn đề rằng các anh đã cho sang thì không thể đổ trách nhiệm cho chúng tôi. Nếu lao động không đủ điều kiện tại sao lại cho vào, thả xuống địa phương thì chúng tôi xử lý sao được.
Đ.B. - M.Q. - H.H.
Nguồn: Tuoitre.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét