Pages

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Nhà nước bảo vệ dân trước ai, và như thế nào?

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức
Hầu như nhà nước nào khi ra đời cũng tuyên bố “của dân, do dân, vì dân”, nếu không, không thể ra đời; tuyên ngôn đó có thể tìm thấy trong hiến pháp của bất kỳ nhà nước nào, thể chế chính trị nào, đảng cầm quyền nào.

Nhưng con người trong bộ máy nhà nước không phải thần thánh, hay bậc tu hành đắc đạo không “tham, sân, si”, chính họ cũng là những người dân vì mưu sinh, chỉ khác công cụ mưu sinh lại là quyền lực công, nên luôn có nguy cơ bị lạm dụng, gây thiệt hại cho lợi ích của người dân (và cả nhà nước). Nguyên lý “quyền lực luôn có xu hướng tha hoá” xuất phát từ thực tế đó. Nếu không bảo vệ được dân trước thiệt hại trên, thì vô hình trung nhà nước không còn là của họ, mà của người được giao quyền lực. Bộ máy nhà nước, vì vậy, được lập ra trước hết và trên hết phải bảo vệ được người dân trước chính những “công bộc” nhà nước.


Giữa năm ngoái, hai cảnh sát Đức cưỡng bức và lột tiền 663 euro của 12 người Việt bán thuốc lá lậu, đã bị toà án Berlin tuyên phạt lần lượt tới 4 năm 9 tháng, và 3 năm 9 tháng tù giam. Vụ án khởi đầu nhờ một người đi đường phát hiện được một người Việt bị xây xát, nằm trên một con đường ở ngoại ô Berlin, do một chiếc xe thùng cảnh sát cơ động chạy tới đó tấp xuống, lập tức báo cảnh sát khu vực. Viện Kiểm sát cho điều tra, khởi tố hai nghi phạm cảnh sát được giao nhiệm vụ kiểm tra bán thuốc lá lậu.

Với mức độ xây xước của nạn nhân, nếu thủ phạm không phải cảnh sát, thì chỉ phạt tiền là cùng. Mức tiền mà hai cảnh sát biển thủ, nếu là hành vi trộm cắp thông thường ở Đức hầu như không truy tố. Ngay cả lậu thuế, hành vi được coi là trộm cắp tiền nhà nước, nghĩa là tính chất rất nặng, ở Đức cũng chỉ bị phạt tù khi chạm ngưỡng 75.000 euro.

Giải thích cho mức án phạt nặng trên, toà phán, tính chất vi phạm của hai bị cáo cực kỳ nghiêm trọng, thứ nhất biến quyền lực nhà nước được trao thành công cụ đàn áp, nghĩa là biến nhà nước vì dân trở thành “hại dân”. Thứ hai, lại nhằm động cơ trục lợi, tức biến nhà nước của chung thành của riêng.

Một chế tài nặng áp dụng cho chính những người thi hành công vụ, chứ không phải khắc nghiệt với dân, là biện pháp bắt buộc để có một nhà nước thực sự vì dân, nếu không người ta tha hồ xâu xé, lợi dụng nhà nước “cha chung”, bất cứ lúc nào có cơ hội, và bất chấp mọi lợi ích của dân; khi đó mọi chủ trương chính sách nhà nước dù có cho là thần kỳ, lý tưởng cỡ nào chăng nữa cũng sẽ vô nghĩa, bởi rốt cuộc chỉ trở thành công cụ đàn áp và trục lợi cá nhân hoặc nhóm; khi đó khó nhà nước nào tránh khỏi số phận bị người dân quay lưng.

Sáu năm trước, ngày 7.1.2005, ở Đức, Oury Jalloh, một người Phi châu tị nạn, nghiện chích, đang say rượu tới 2,98 phần ngàn độ cồn, sàm sỡ với một phụ nữ đang làm vệ sinh đường phố. Khi cảnh sát nhận được điện khẩn tới ngăn chặn, Jalloh còn làm càn chống đối, bị họ bắt về giam giữ tại phòng số 5, phòng cảnh sát Dessau. Đến 24 giờ, thiết bị chống cháy báo động. Tới lúc cửa phòng giam được cảnh sát trực mở cứu nạn, thì Oury Jalloh đã chết ngạt bởi thảm cháy.

Sau vụ án mạng, phòng cảnh sát ra một tuyên bố ngắn ngủi, thủ phạm tự tử bằng cách dùng bật lửa phóng hoả thảm trải sàn – hoàn toàn mâu thuẫn với thực tế nạn nhân đã bị khám xét tịch thu hết đồ vật, trói chân tay, phòng giam không có bất kỳ đồ đạc dụng cụ gì khác ngoài chiếc giường sắt và thảm nền loại chống cháy, lại có thiết bị theo dõi âm thanh, nghe thấy kêu cứu chỉ cần hai phút là đã tới được hiện trường, trong khi chết ngạt cần mất 15 phút. Vụ án mạng bất bình thường làm nảy sinh ngờ vực Oury Jalloh đã bị chết thảm trong tay cảnh sát; dư luận, truyền thông bị chấn động dữ dội, bởi Oury Jalloh dù bất hảo vẫn là một người dân được hiến pháp bảo đảm quyền được sống; tổ chức hội đoàn đấu tranh cho nạn nhân “Tưởng nhớ Oury Jalloh” được thành lập, thu thập chữ ký, tổ chức biểu tình phản đối. Đài truyền hình nhà nước ARD vào cuộc, tìm về tận đất nước Guinea chia sẻ với gia đình nạn nhân, điều tra bổ sung tư liệu. Trong khi đó phòng cảnh sát từ trên xuống, trước cơ quan điều tra, lại ra sức bác bỏ mọi cáo buộc, càng đẩy dư luận bất bình lên cao độ.

clip_image002
clip_image004
clip_image006

Oury Jalloh dù bất hảo vẫn là một người dân được hiến pháp bảo đảm quyền được sống – Biểu tình ở Berlin Chống bạo lực cảnh sát và chính quyền phân biệt chủng tộc, yêu cầu sự thật, công lý, đền bù cho Oury Jalloh

Nhà nước không đồng nhất với các cơ quan của nó; là công cụ chứ không phải mục đích của dân. Vậy giữa mạng sống một người dân với cả một cơ quan công lực của nhà nước, trong trường hợp trên, dù nguyên nhân chưa thể khẳng định, nhà nước đứng về bên nào? Bộ trưởng Nội vụ tiểu bang nhanh chóng ra tuyên bố: thật xấu hổ, khi một người dân phải chết khủng khiếp trong tay cảnh sát. Quốc hội lập tức yêu cầu Thủ hiến điều trần; ông trả lời chua chát, vụ án mạng làm xấu hổ tất cả chúng ta, và gửi lời chia buồn, xin lỗi gia đình nạn nhân. Cảnh sát trưởng lẫn cảnh sát trực hôm đó bị điều tra truy tố lên tận Toà án Liên bang.

Một khi đến người dân ở tận cùng xã hội gặp nạn bởi chính quyền, cộng đồng cũng không hề bỏ qua, ngoảnh mặt, nhà nước lên tiếng bảo vệ, đặt lên cả bàn nghị sự quốc gia; một khi người đứng đầu nhà nước dám thừa nhận xấu hổ với chính quyền do họ đứng đầu, để sẵn sàng thay đổi nó; thì nhà nước đó luôn được coi là chỗ dựa vững chắc của bất cứ người dân nào, không thể sụp đổ, mãi trường tồn.

Năm 2002, một sinh viên luật ở Đức, bắt cóc con trai 11 tuổi của một chủ nhà băng, đòi tiền chuộc. Khi bắt được nghi can, để kịp cứu nạn nhân, viên Phó giám đốc cảnh sát thành phố Frankfurt lệnh cho thuộc quyền sử dụng vũ lực đe dọa để buộc nghi can phải khai báo. Năm 2003, thủ phạm bị toà phạt tù chung thân tội bắt cóc giết người. Còn Phó giám đốc và cảnh sát đe doạ thủ phạm, bị phạt tiền và án treo, can tội đe dọa tra tấn, bị cấm theo bộ luật hình sự. Tới tháng trước, toà án tiểu bang Hessen tiếp tục xử phúc thẩm đơn của phạm nhân kiện Chính phủ tiểu bang đòi bồi thường “đau đớn tinh thần” trong thời gian bị cảnh sát đe dọa tra tấn. Toà viện đến Hiến pháp Đức, buộc Chính phủ phải bồi thường thiệt hại 3.000 euro cho phạm nhân, với lập luận: “Nhân phẩm là “bất khả xâm phạm đối với bất kỳ ai”, nghĩa là kể cả với tên giết người, và trong bất cứ tình huống nào. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch của nhà nước pháp trị, phải tuân thủ”.

Rốt cuộc chức năng nhà nước bảo vệ người dân trước những “công bộc” của họ không phải bỗng dưng, hay chỉ cần kêu gọi, hoặc giáo dục tư tưởng công bộc, là có, mà nhà nước phải được chế tài bởi hiến pháp vốn có chức năng đưa ra những thước đo, chuẩn mực, quy tắc xử sự, giới hạn pháp lý nhà nước được phép làm, theo đúng những đòi hỏi của chủ nhân nó là người dân. Và chỉ khi, bất kỳ lúc nào và bất cứ ở đâu, hiến pháp đều có thể viện dẫn để xem xét những thiệt hại của người dân do nhà nước gây ra, thì hiến pháp đó mới được coi là có giá trị sử dụng, và người dân mới có cơ sở pháp lý cao nhất như một tấm bùa hộ mệnh, để yên tâm tin tưởng nhà nước có trách nhiệm bảo vệ họ, thay vì sợ hãi nó như lịch sử nhân loại đã trải qua.

N.S.P.

Không có nhận xét nào: