Pages

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Những sự kiện bên lề Ngày Giới Trẻ Thế giới lần 26 tại Madrid




Lúc 19 giờ 30 ngày 17.08.2011, tại quảng trường Tierso de Molina, khoảng 5.000 người đáp lời kêu gọi của các đảng tả phái và cực tả cùng nhiều tổ chức mà phần lớn là đồng tính luyến ái và các nghiệp đoàn. Chủ đích của họ được cho là để phản đối trợ cấp công quá cao cho chuyến thăm Madrid của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 để gặp thanh niên nam nữ tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới lần 26 với chủ đề: ‘Bén rễ và được xây dựng trên Chúa Kitô, được củng cố trong Đức Tin’ (Xc Cl 2,7), từ ngày 16 đến 21.08.2011.


I. LÝ DO BIỂU TÌNH ?

A. Chủ đích của người biểu tình.

- Chị Ana, 23 tuổi, cho rằng mình là thành viên nhóm Phẩn nộ (Indignados), một phong trào đại chúng xuất hiện hồi tháng 5 vừa qua để phản kháng việc Nhà nước cứu khu vực tài chánh, nhưng bị coi là có hại cho nhân dân nói chung. Cô là một sinh viên ngành triết, vừa đi làm thêm, cho là tôn giáo là ‘việc tư riêng’.

- Một y sĩ đứng cạnh đó cho rằng : « Tôi không biểu tình chống Đức Giáo Hoàng hay người Công giáo ». Đồng thời, phong trào 15-M tuyên bố trong một thông cáo : « Chúng tôi không chống chuyến thăm của Đức Thánh Cha vì một số người có thể đồng ý và những người khác thì không. Chúng tôi giận dữ vì chuyến thăm đó dùng tiền của dân, nhất là khi nhiều dịch vụ công bị cắt vì chính phủ cần phải giảm chi tiêu. »

- Được hỏi lý do tại sao tới đây, Alba trả lời không hàm hồ : « vì chuyện tiền bạc… Với những thẻ ăn của họ, những người tham dự Đại Hội có thể ăn tại khách sạn Palace, một trong những khách sạn sang nhất Madrid, với giá 6 euro. Làm sao không ghen tức được ». Nhiều phóng viên truyền hình tường thuật việc : ‘vé metro vừa từ 1 lên 1,50 euro, tức tăng 50% và các người trẻ này được hưởng giảm 80% giá vé. Cơ quan quản lý các phương tiện giao thông công cộng, hiện do Đảng Bình Dân (hữu phái, đối lập) lãnh đạo.

Lúc 22 giờ 00, phần chủ chốt của cuộc biểu tình tập trung quanh lối vào metro và giáp mặt với khách hành hương. Vài người trong họ hét : ề Giáo Hoàng của các anh là quân Đức quốc xã Ừ. Cảnh sát can thiệp và khuyên khách hành hương không nên vào quảng trường Cửa Trời (Puerta del Sol).

B. Chính phủ Tây Ban Nha từ chối đưa ra con số chi phí, theo hảng thông tấn Reuters.

Trong phiên họp ngày 20.01.2011, ông Ramón Jáuregui, Bộ trưởng Thủ tướng phủ, đã gặp gỡ đại diện Ban Tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới và Tòa Thánh để thảo luận về việc chính phủ Tây Ban Nha sẽ đưa ra những sự hợp tác với ban tổ chức Đại hội này với dự trù 1,5 triệu người từ khắp nơi trên thế giới đến người từ khắp nơi trên thế giới đến Madrid từ ngày 16-21.08.2011. Kết quả, ngoài sự đồng thuận về lịch trình và noi chốn diễn ra Ngày Giới trẻ Thế giới 2011, còn có những sự chấp thuận có liên quan đến ngân sách :

- vẫn theo thông lệ như các kỳ đại hội tại các quốc gia khác, Tây Ban Nha đã quyết định miễn lệ phí cấp visa cho khách hành hương ;
- trong những ngày diễn ra Ngày Giới trẻ Thế giới, có khoảng 6.000 binh sĩ từ các lực lượng an ninh quốc gia tham gia đảm bảo sự an toàn cho người tham dự ;
- Bộ Quốc Phòng đã cấp giấy phép sử dụng phi trường Cuatro Vientos dành cho các buổi cầu nguyện và Thánh Lễ với Đức Thánh Cha vào ngày 20 và 21.08.2011 ;
- Bộ Văn Hóa đã làm việc trên các đề xuất khác nhau để giới thiệu tối đa về Madrid và văn hóa Tây ban nha với những người tham dự Đại hội.

Chính phủ không đóng góp tài chính, nhưng hợp tác bằng cách cung cấp các tiện ích công cộng, dịch vụ tổng hợp và họ quan tâm đến lợi ích chung của sự kiện lớn lao này.

C. Lý giải của Ban Tổ Chức.

Ban Tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới đã công bố minh bạch tất cả chi thu về việc tổ chức cuộc gặp gở giữa các tín hữu Công giáo với Đức Thánh Cha này và chứng tỏ chỉ chi phí trong giới hạn những gì mình thu được và không tốn một đồng Euro nào cho tiền thuế của dân Tây ban nha.

Tổng số chi phí tổ chức được dự trù là 50,48 triệu Euro, trong đó 31,50 triệu do các bạn trẻ đóng góp hoặc từ các tổ chức giúp đã các bạn trẻ ấy như Hội ‘Trợ giúp các Giáo hội đau khổ’, tiếp đến là 16,50 triệu Euro đến từ các cơ quan và hiệp hội bảo trợ, và 2,40 triệu Euro đến từ các tư nhân.

Trong số các chi phí, có 4 triệu Euro để thuê làm nửa triệu balô cho các tham dự viên có đăng ký, 5 triệu Euro cho văn phòng tổng thư ký, và hơn 567.500 Euro cho việc tiếp đón, 2,13 triệu Euro cho hệ thống vi tính.

Về đóng góp cho nền kinh tế Tây ban nha, ông Fernando Gimenez Barriocanal, trưởng ban tài chính Ngày Giới Thế giới, dự trù một ngân khoản 100 triệu Euro, trong đó, thủ đô Madrid có thể lời được khoảng 10 triệu Euro do ngành du lịch mang lại. Hợp đồng xây cất các lễ đài, thực hiện các kỹ vật, đồng phục các thành viên ca đoàn, thiện nguyện viên đều được ký với các xí nghiệp nội địa, tạo việc làm cho người bản xứ.

Bà Beatriz Ballesteros, Tổng Giám đốc Sở Du lịch Madrid, cho biết tỷ lệ các phòng khách sạn được giữ trước tăng 150% so với tháng 8 năm 2010. Thêm vào đó, các quán ăn, các tiệm buôn đều có thêm khách hàng. 3.000 quán ăn tại Madrid đều có thực đơn đặc biệt dành cho các du khách và tham dự viên Đại hội.

Ngoài ra, thành phố Madrid được hưởng nhiều lợi để giới thiệu với thế giới nhờ sự hiện diện của 4.000 ký giả từ các nơi trên thế giới tựu về đây và khoảng 600 triệu khán thính giả truyền hình theo dõi cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha và sinh hoạt của giới trẻ tại đây. Đây có thể là một cơ hội tốt để quảng cáo cho đang hy vọng được chọn làm nơi tổ chức Thế vận hội Olympic vào năm 2020. Năm 1997, thẩm quyền an ninh Paris, thủ đô Pháp, cũng rút những kinh nghiệm thu thập từ Ngày Giới trẻ Thế giới kỳ12 để kiện toàn việc tổ chức Giải Túc cầu Thế giới năm 1998.

Năm 1997, Ngày Giới trẻ Thế giới tại Paris, không nhận một sự trợ cấp công nào, đã bị thiếu hụt cả triệu Francs, Đức Hồng y Jean Marie Lustiger, Tổng Giám mục Paris, trình bày sự việc với giáo dân Pháp. Chẳng bao lâu sau, họ gởi đến Ban Tổ chức số tiền gấp đôi đủ để lấp chổ thiếu hụt đó và phần còn lại dành trợ giúp các bạn trẻ nghèo tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rôma Năm Thánh 2000.

D. Sự góp phần của Người Trẻ.

Tham dự phí Ngày Giới trẻ Thế giới khác nhau tùy từng Giáo phận theo phương tiện di chuyển và đoạn đường phải đi về. Sau đó, số tiền này có thể giảm bớt bằng :

1/ Tổ chức xổ số. Mỗi người trẻ nhận một số vé số để tiêu thụ, thường trong giới quen biết, và tiền thu về nhóm tổ chức được trừ vào tham dự phí nguyên thủy ;
2/ Làm bánh để bán tại Giáo xứ, sau các Thánh Lễ. Tín hữu mua bánh thường trả với giá cao hơn giá đã ghi để giúp giảm chi phí của nhóm tức giúp giảm phải đóng bởi từng tham dự viên ;
3/ Quỹ Madrid Vivo (Fundaciĩn Madrid Vivo), do sự tài trợ của các tổ chức bác ái và phi chánh phủ, để tài trợ các bạn trẻ nghèo đến từ các quốc gia đang phát triển. Nếu không có sự tương trợ cao đẹp này, không bao giờ các tham dự viên này có thể đến thăm viếng Madrid.

II. TÂY BAN NHA LÀ MỘT VƯƠNG QUỐC DÂN CHỦ.

Tây ban nha là một quốc gia quân chủ lập hiến, với ngôi vua cha truyền con nối (Vua đương chức Juan Carlos) và Lập pháp lưỡng viện. Hội đồng Bộ trưởng nắm quyền Hành pháp, đứng đầu bởi Chủ tịch Chính phủ, tức Thủ tướng (José Luis Rodríguez Zapatero).

1. Đồng trách nhiệm giữa cử tri và dân cử.

Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14.03.2004, đa số cử tri đã tự do tín nhiệm (đa số tương đối 42,59% số phiếu hợp lệ) đảng Xã hội và các đảng liên minh trong quyền Lập pháp và Hành pháp để thi hành dự án chính trị mà đảng này đã đề nghị với toàn dân Tây ban nha. Trong những cải tổ thời Chính phủ Zapatero, chúng ta chọn làm thí dụ Luật cho phép Hôn nhân đồng tính, có hiệu lực từ ngày 03.07.2005. Phải chăng hậu quả của Luật này đã là lý do mà những người biểu tình đã đưa ra khi trợ cấp cho các gia đình có con nhỏ bị giảm bớt.

Là tín hữu Đức Kitô, chúng ta được Người dạy phải thương người như mình, tức không ghét người đồng tính. Nhưng, đồng thời, xã hội cần phải có sự công bằng cho các thành viên của mình. Người đồng tính có tự do chọn một đời sống lứa đôi theo ý mình, nhưng ‘tự do’ luôn có cái giá phải trả như đừng đòi ngang hàng với gia đình lưỡng tính.

Trợ cấp gia đình dùng để phụ giúp các gia đình trong trách nhiệm nuôi dạy con cái nên người để đào tạo một thế hệ mới và duy trì Dân tộc. Hai người đồng tính, theo luật tự nhiên, không có sinh con nên không có nghĩa vụ này. Nếu nhận con nuôi, nhất là từ nước ngoài, chắc chắn không sớm thì muộn, trẻ được nhận làm con nuôi cũng nhận thấy sự khác biệt này và đặt nhiều nghi vấn.

Ngân sách quỹ trợ cấp gia đình có giới hạn nên, bây giờ phải chia thêm cho những người không trách nhiệm, phần trợ cấp cho những gia đình đúng nghĩa phải bị cắt giảm. Sự công bằng không còn được tôn trọng.

2. Hậu quả về quyết định kinh tế đưa đến sự thất nghiệp.

Chấm dứt nhiệm kỳ I, ngày 09.03.2008, ông José Luis Rodríguez Zapatero được tái cử để tiếp tục nhiệm kỳ II.

Những người biểu tình phản đối Chánh phủ, do họ ủy đã dùng ngân quỹ quốc gia để hổ trợ các ngân hàng thay gì trợ cấp cho các người thất nghiệp. Hành động như vậy, Chánh phủ hy vọng các ngân hàng có thêm ngân khoản để cấp tín dụng cho các xí nghiệp sản xuất. Nhưng kết quả không được như ý. Số người thất nghiệp gia tăng nên mãi lực toàn dân bị giảm thì xí nghiệp bớt sản xuất hàng hóa vì không bán được. Công nợ gia tăng vì các quỹ an ninh xã hội thất thu tiền đóng góp và Chánh phủ không thu được thuế mà chi phí lương bổng vẫn phải trả.

Nền kinh tế Tây ban nha đứng thứ 9 trên thế giới và thứ 5 tại Âu châu, sau Đức, Anh, Pháp và Ý. Năm 2006, thu nhập bình quân đầu người là 27.767 mỹ kim (đứng thứ 25 trên thế giới).

3. Một gương sáng cho lãnh đạo các nước độc tài.

Tại các quốc gia đa đảng và dân chủ, khi bị người dân biểu tình phản đối thì người dân cử tự định để không bị cử tri từ chối tín nhiệm. Do đó, ngày 02.04.2011, ông Zapatero tuyên bố, trong một phiên họp đảng Xã hội, là ông không tranh cử nhiệm kỳ tới.

III. ĐỀ NGHỊ CỦA ĐỨC THÁNH CHA.

A. Trong thông điệp ‘Thiên Chúa là tình yêu’

Thông điệp được ban hành ngày 25.12.2005, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã minh xác mối tương quan giữa việc dấn thân cần thiết cho công bằng và thừa tác vụ bác ái nơi số 28:

a) Tổ chức đúng đắn cho Quốc gia là một trách nhiệm chính yếu của chính trị. Một Quốc gia không được cai trị theo công bằng chỉ có thể là một bầy trộm cướp như thánh Augustinô đã nói. Sự phân biệt giữa cái gì thuộc về Xêda và cái gì thuộc về Thiên Chúa (x. Mt 22,21) là nền tảng, đối với Kitô giáo, cho sự phân biệt giữa Giáo hội và Nhà nước, hoặc, như Công đồng Vatican II diễn đạt, sự độc lập của lãnh vực trần thế. Chính quyền không thể áp lực trên tôn giáo, mà phải bảo đảm quyền tự do tôn giáo và sự hoà hợp giữa những người theo các tôn giáo khác nhau.

Công bằng vừa là mục tiêu và tiêu chuẩn nội tại của quyền lực chính trị. Chính trị là một cơ chế để xác định luật lệ cho đời sống công cộng: nguồn gốc và mục đích của nó được tìm thấy trong công bằng, và thuộc về lãnh vực đạo đức. Chính quyền phải đáp ứng câu hỏi: làm thế nào để công bằng phải được thực hiện tại đây và bây giờ.

Hội Thánh không thể và không phải gánh lấy cho mình cuộc chiến chính trị để đem lại một xã hội công bằng nhất. Hội Thánh không thể và không phải thay thế Chính quyền, nhưng cũng không thể và không phải ở bên lề cuộc đấu tranh cho công bằng. Hội Thánh cần đóng vai trò của mình qua việc biện luận thuần lý và phải thức tỉnh năng lực thiêng liêng mà nếu thiếu, công bằng vốn luôn đòi hỏi sự hy sinh, sẽ không thắng thế và tăng trưởng. Một xã hội công bằng phải là thành quả của chính trị, chứ không phải của Hội Thánh.

b) Tình yêu (caritas) luôn cần thiết, dù trong một xã hội công bằng nhất. Không hề có một tổ chức Nhà nước đúng đắn đến độ có thể xem công việc phục vụ của tình yêu là thừa thãi. Ai muốn loại trừ tình yêu thì cũng đang có ý loại trừ con người. Luôn có những người đau khổ, cô đơn, thiếu thốn vật chất đang kêu cầu sự an ủi và giúp đỡ. Nhà nước muốn thâu tóm mọi sự, cung cấp mọi sự, cuối cùng sẽ trở nên một bộ máy quan liêu không thể bảo đảm cái chính yếu mà tha nhân đang đau khổ cần đến: nghĩa là, sự quan tâm của một người biết yêu thương. Chúng ta không cần một Chính quyền điều phối và kiểm soát mọi sự, nhưng cần một Chính quyền, tuân theo nguyên tắc phụ đới, hiểu biết và nâng đỡ cách quảng đại những sáng kiến nảy sinh từ các lực lượng xã hội khác nhau và phối hợp cách bộc phát và gần gũi với những ai đang thiếu thốn. Hội Thánh là một trong những lực lượng sống động ấy: Hội Thánh hành động với tình yêu mà Thần Khí Đức Kitô nhóm lên. Tình yêu ấy không chỉ ban tặng cho con người sự trợ giúp vật chất, nhưng còn là sự tĩnh dưỡng và chăm sóc cho linh hồn, vốn là những điều thường còn cần thiết hơn những trợ giúp vật chất. Cuối cùng, luận điệu cho rằng những cơ cấu xã hội công bằng sẽ làm cho những công việc bác ái trở nên thừa thãi che dấu một quan niệm duy vật về con người: khái niệm sai lầm là con người có thể sống chỉ ‘bằng cơm bánh’ (Mt 4,4; x. Dt 8,3), một xác tín làm hạ giá con người và cuối cùng coi thường tất cả những gì là nhân tính.

B. Con Người phải là trung tâm của kinh tế.

Trên chuyến bay từ Roma đến Madrid, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã nói với 56 ký giả tháp tùng về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại : « Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, người ta thấy điều đã xảy ra trong cuộc đại khủng hoảng trước đây, đó là chiều kích luân lý đạo đức không phải là một điều ở ngoài các vấn đề kinh tế, nhưng là một chiều kích ở bên trong và cơ bản. Kinh tế không phải chỉ tiến hành với qui luật thị trường tự điều hành, nhưng còn cần một lý do luân lý đạo đức để mang lại lợi ích cho con người. Người ta thấy tái xuất hiện điều mà Đức Gioan Phaolô 2 đã nói trong thông điệp xã hội đầu tiên của Người, rằng Con Người phải là trung tâm của kinh tế và không thể đo lường kinh kế theo mức lợi tức tối đa, nhưng theo thiện ích của tất cả mọi người, kể cả trách nhiệm đối với tha nhân, và kinh tế chỉ thực sự tiến hành tốt nếu nó hành động một cách nhân bản, trong niềm tôn trọng tha nhân. »

Kết luận. Dù có những cuộc biểu tình bên lề cuộc họp mặt người trẻ như một quyền hiến định, nhưng không đúng mục tiêu là Đức Thánh Cha và trên một triệu rưỡi bạn trẻ mạnh mẽ trong mưa bão hay nắng nóng, Ngày Giới trẻ Thế giới tại Madrid đã hoàn thành mỹ mãn và hẹn nhau tại Ngày Giới trẻ Thế giới lần tới sẽ tổ chức ở Rio de Janeiro (Ba tây).

Hà minh Thảo

Vietcatholic

Không có nhận xét nào: